Làng cổ Phước Tích cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hôm ấy chúng tôi đi bằng xe máy theo Quốc Lộ 1A. Trên đường đi, thấy trên tấm bảng chỉ đường: “Sịa – 10km”, tôi chợt nhớ lại câu “Nhất Huế, nhì Sịa” bèn rẽ vào, cái tên thật gợi trí tò mò.
Con đường làng láng nhựa cong cong, hai bên đồng ruộng, canh xe chạy đúng 10 cây số chúng tôi dừng lại hỏi một người bên đường Sịa ở đâu? Người lạ nhìn chúng tôi ánh mắt có chút ngạc nhiên rồi nói: “Đây là Sịa”. Hai bên cười ngất!
“Điều thú vị là được biết thêm một nơi mà có lẽ nếu không có tấm bảng chỉ đường thì nó không nằm trong các điểm đến lần này” – chị bạn tôi kết luận như vậy sau khi chúng tôi ghé đến đình làng Khuông Phò và Thủ Lễ. Hai ngôi đình tương đối giống nhau về lối kiến trúc chung của vùng Thừa Thiên – Huế như: 4 trụ biểu dẫn vào đình, bình phong, sân đình, ngôi đình nằm cuối sân, theo kiểu nhà rường 5 gian 2 chái… Ngồi nghỉ chân, uống nước, nói chuyện giữa vùng quê yên bình, tìm hiểu về một địa danh cũng là điều thú vị của người khám phá.
Lại ngạc nhiên khi tấm bảng chỉ đường cho biết chúng tôi đã vào địa phận Quảng Trị, chị bạn tôi thắc mắc: “Tại sao là Quảng Trị khi mình đang trên đường đến Làng cổ Phước Tích của Thừa Thiên Huế?”. Còn nữa, bản đồ Google cho biết chúng tôi phải rẽ xuống làng Mỹ Chánh cũng thuộc Quảng Trị, qua Mỹ Chánh mới đến Phước Tích. Đây cũng là điều thú vị.
Nhìn trên bản đồ, làng cổ Phước Tích được bao bọc 3 phía bởi dòng sông Ô Lâu là con sông làm ranh giới phân chia hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Hầu hết các làng phía Quảng Trị giáp với Phước Tích đều có ranh giới tự nhiên là sông, ao, hói, chỉ có một phần đất làng Phú Xuân giáp với Phước Tích là quốc lộ 49B đi qua 2 làng.
Trên con đường từ Mỹ Chánh vào Phước Tích một bên là sông Ô Lâu bình dị, hiền hòa, tôi nhìn qua bên kia sông lại thêm ao ước được khám phá bên ấy.
Chúng tôi vào Làng cổ Phước Tích bằng “lối sau”, nghĩa là từ cuối làng. Một người vui vẻ hướng dẫn chúng tôi: “Các chị cứ đi theo con đường lát gạch này là đã vào làng, khi nào không còn lối lát gạch nữa là hết làng”.
Nói về hai từ “làng cổ”, ông Lê Trọng Diễn năm nay gần 80 tuổi, chủ nhân một ngôi nhà rường nói với chúng tôi rằng: “Cái ‘cổ’ của làng Phước Tích khác với làng cổ Đường Lâm của miền Bắc. Trước hết, làng cổ Phước Tích còn bao hàm ý nghĩa về cảnh quan môi trường, một làng không có ruộng nên không bị ô nhiễm, bao bọc chung quanh là sông và toàn bộ nhà ở đây đều có vườn cây lá xanh dày nên quanh năm mát mẻ. Đặc biệt, trước nhà nào cũng có hàng chè tàu, cấu trúc nhà giống nhau. Và, cái ‘cổ’ đậm nét là quần thể nhà rường. Một làng nhỏ chỉ 114 ngôi nhà mà có đến 40 nhà rường tuổi thọ hơn trăm năm, trong đó 26 nhà rường đã được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên bản nhà rường truyền thống. Cái ‘cổ’ còn bởi sự yên bình, sạch sẽ mà không có một làng nào như Phước Tích”.
Ông Diễn hóm hỉnh: “Còn bởi đây là một làng không có người trẻ. Như gia đình tôi, con cái cũng làm việc hết ở Huế, chỉ còn hai ông bà già. Làng vắng vẻ, ít người lắm, tôi đố các cô đi mà gặp được hai người trở lên. Dân số làng bây giờ còn khoảng 300 người và chỉ toàn người già. Diện tích làng khoảng 50 hecta, nhà vườn nào cũng rộng hơn ngàn mét vuông”.
Chỉ tay vào hàng cột trong nhà ông nói chúng được làm từ gỗ mít là loại gỗ làm nhà tốt vì mít chịu lực đứng. Ông Diễn kể rằng, gia đình ông đã ở đây đến đời ông là đời thứ 15 chỉ chuyên nghề làm gốm. Đưa chúng tôi vào gian nhà trưng bày gốm ông giải thích: “Bởi làng Phước Tích không có ruộng nên phải lấy đất sét từ nơi khác về làm gốm. Tùy theo chất đất mà gốm ra tốt hay xấu. Chúng tôi lấy đất nguồn ở Quảng Trị, cách làng 12 cây số. 600 năm nay vẫn lấy đất ở đó. Gốm Phước Tích nổi tiếng xưa nay về chất liệu và màu sắc, các cô có thể thấy mỗi sản phẩm mỗi màu, không có màu trùng. Bây giờ người ta chuyển qua công nghệ mới làm theo gốm Bát Tràng nhưng gia đình tôi vẫn làm gốm theo phương pháp cổ truyền đốt bằng củi, làm bằng tay…”.
Chị bạn tôi, một “tín đồ” của gốm say mê và tấm tắc xuýt xoa trước tủ kính xếp hàng dài những sản phẩm gốm …
Rời nhà ông Diễn, chúng tôi đi theo con đường lát gạch Bát Tràng. Quả đúng là một môi trường xanh gần như tuyệt đối và hầu như không thấy người.
Theo chỉ dẫn của ông Diễn, chúng tôi ghé đến Miếu Cây Thị, điều thú vị là cây thị có chu vi khá lớn, khoảng 6 vòng tay ôm của người lớn nhưng bên trong lại rỗng ruột từ gốc lên đến ngọn (khoảng hơn 10m). Tán cây thị che mát một khuôn viên rộng, bóng nắng khó lọt qua. Ông Diễn có kể rằng, thời chiến tranh, người ta vô cây thị trốn bom đạn. Các nhà khoa học nhận định, miếu Cây Thị thờ mẫu Ponagar đã được Việt hóa trong quá trình chung sống và kế thừa dòng tín ngưỡng Chăm. Cái yên bình của làng Phước Tích khẳng định qua bao thế kỷ, rồi chiến tranh bom đạn cày xới miền Trung cả một thời gian dài mà làng vẫn giữ được nét cổ kính về các công trình kiến trúc nhà cửa, đền miếu…
Chúng tôi đi một vòng hết làng, cảm nhận được mình đã đi theo đường tròn, dòng sông Ô Lâu vòng quanh mát mẻ, êm đềm như cổ tích với 12 bến nước trông thật thanh bình. Một ngôi làng khá lặng lẽ, cách biệt đời sống đô thị ồn ào. Những miếu thờ, miếu bà Liễu Hạnh, miếu Đôi, miếu Ngũ Hành, miếu Cô Hồn, chùa Phước Bửu, những nhà thờ họ… nằm trong vườn cây cối um tùm xanh mát, những hàng cau thẳng tắp, nhà cổ có cấu trúc giống nhau, lò gốm, gian trưng bày gốm phục vụ khách đến thăm…. Và đúng như lời ông Diễn nói, đi khắp làng hôm ấy chúng tôi chỉ gặp 1, 2 người. Tôi bị cuốn hút bởi lối đi lát gạch rêu phong vào một ngôi nhà cổ có hai hàng cau quá đẹp nên cứ thế mà chân bước lên những bậc cấp bằng đá mấp mô. Có một bàn tay gầy, trắng xanh mở hé cánh cửa sổ nhỏ bên hông nhà, chỉ nghe giọng nói mà không thấy người, trông thật… liêu trai như trong một bộ phim xưa nào đó.
Bài và hình ĐTTT
Ngược dòng lịch sử, theo Wikipedia:
“Năm 1306, vua Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm là Chế Mân. Vua Chăm đã dâng hai châu Ô và Lý (Rí) cho Đại Việt làm quà sính lễ. Năm 1307, vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) cho đổi tên hai châu này thành Thuận Châu (phía Nam Quảng Trị) và Hóa Châu (Thừa Thiên Huế ngày nay), đồng thời có chính sách di dân từ phương bắc vào, ổn định dân bản địa. Từ đó, vùng đất Thuận Hóa trở thành vùng biên cương phía nam của Đại Việt.
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chăm Pa thắng lợi, những đợt di dân mới lại tiếp tục diễn ra. Theo các tư liệu thì làng Phước Tích được thành lập vào những năm đầu trong đợt di dân này vào xứ Thuận Hóa. Gia phả của họ Hoàng, dòng họ khai canh ở làng Phước Tích có ghi: “…Đến đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất và thứ hai (1470 – 1471), ngài thủy tổ họ Hoàng lúc bấy giờ là Hoàng Minh Hùng, tục gọi là Nồi, nguyên người làng Cảm Quyết, Nghệ An, đã thân chinh đánh đuổi Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đi xem xét đến nguồn Ô Lâu, bao chiếm địa phận từ Khe Trăn, Khe Trái đến xứ Cồn Dương. Sau khi xem bói, biết được chỗ đất tốt tươi, ngài liền chiêu tập nhân dân thành lập làng…”.