Lấy trung tâm Little Sài Gòn làm điểm khởi hành, gõ chữ “Old World Village” vô Google Map thì chỉ cần 10 phút lái xe tôi đã có mặt tại ngôi làng cổ kính mang tên Old World Village (Làng Thế giới Cổ) tọa lạc tại thành phố biển Huntington Beach, quận Cam. Cổng vô “làng” đơn giản và có parking rất rộng, du khách có thể tha hồ đậu ara, quý vị có thể đậu xe thoải mái ở parking Costco đối diện “làng” rồi đi bộ qua nếu quý vị thích đi bộ một chút thư giãn gân cốt để tận hưởng mùi gió biển mằn mặn thổi.

Ông Josef Bischof (cha của ông Bernie Bischof – hiện nay là ông chủ Old World Village’s German Restaurant) từ Ðức đến Hoa Kỳ năm 1952 và xây dựng chuỗi nhà hàng, cửa hiệu và quán bar theo phong cách Bavaria trên đường Center Avenue và đặt nó tên là Old World Village vào cuối những năm 1970. Tính tới nay “làng” đã hơn 40 tuổi.

Ðang từ quang cảnh ồn ào với dòng xe cộ nườm nượp, những ngôi nhà mang dáng dấp hiện đại và choáng ngợp với chiều cao của tòa nhà Costco đồ sộ, chỉ cần vài bước chân băng qua đường, tôi có cảm giác bỗng dưng lọt thỏm giữa châu Âu cổ kính thời văn hóa Phục Hưng. Diện tích “làng” rất nhỏ, nhưng các lối đi, đường ngang ngõ dọc rẽ trái rẽ phải, cách thiết kế lắt léo và cách trang trí các lối đi khiến tôi có cảm giác “làng” rất rộng dù tôi đi bộ tốc độ bình thường tất cả các con đường của “làng” chưa hết 30 phút. Tuy nhiên, chúng ta không tới “làng” để đi bộ theo kiểu tập thể dục, mà là để xem và tận hưởng khoảng không gian nghệ thuật ở đây nên chúng ta phải đi rất chậm, cách vài bước chân thì dừng lại ngắm nghía, quan sát, chụp vài kiểu ảnh lưu niệm rồi di chuyển tiếp theo.

Xem thêm:   Xích lô Huế

Dù đang giữa mùa Hè Cali nóng bức nhưng nhiệt độ ngoài trời ở “làng” không nóng lắm nhờ vị trí gần bờ biển, và quang cảnh “làng” cũng làm cho tôi có cảm giác “mát con mắt” với kiểu xây dựng (giống như) thô sơ và thủ công. Ðập vô mắt tôi trước tiên là những căn nhà chóp nhọn mái lợp ngói (thật) âm dương cũ kỹ và có ống khói. Trên các chóp nhọn mái nhà có cột thu lôi, cột cao gắn hình trang trí, mũi tên, các chữ cái đầu của Ðông-Tây-Nam-Bắc vừa để trang trí vừa để chỉ hướng gió. Nó giống như con gà trống Gallic trên nóc nhà người Pháp, không phải để gáy, mà để trang trí và con gà sắt này quay theo hướng gió thổi. Các bức tường nhà đều sơn màu vàng nhạt ngả xám, nhìn giống như tường xi măng quét vôi và tất cả các bức tường đều vẽ tranh mô tả cảnh sinh hoạt đời sống hàng ngày với các nhân vật ăn mặc kiểu châu Âu cổ. Căn nhà nào cũng có cột nhà nổi hẳn trên tường, chia bức tường làm nhiều ngăn với nhiều cửa sổ và khung cửa ra vào hình tròn bên trên (còn gọi là cửa tò vò.) đều được trang trí hoa văn.

Các lối đi trong “làng” đều lót gạch nung màu đỏ sẫm (màu gốm mộc,) sạch bóng không một cọng rác, hai bên lối đi được trồng nhiều cây xanh, hoa. Người ta còn dựng lên dọc đường và các ngã rẽ các trụ đèn đường có lồng vuông kiểu cổ và trụ đèn giao thông dù lối đi rất nhỏ chẳng đủ cho chiếc xe hơi nào chạy vô. Tôi nhìn vô lồng đèn thấy bóng đèn điện kiểu ngọn lửa bên trong chớ không phải đèn này đốt bằng dầu hay nến, còn trụ đèn giao thông 3 màu (xanh, đỏ, vàng) tất nhiên để trang trí cho giống phong cách đường phố sống động thôi chớ không hoạt động được.

Xem thêm:   Welcome Home Vietnam War Veterans Celebration 2023

Luật ở quận Cam quy định khu dân cư thì không được kinh doanh, chỉ để ở; khu kinh doanh (thương xá/ mall/ offices) thì không được dùng là nhà ở, hết giờ kinh doanh phải đóng cửa về nhà riêng. Tuy nhiên, điều đặc biệt tại “làng” này, phần lớn các căn nhà đều có hai tầng, tầng dưới để mở cửa hàng kinh doanh, tầng trên dùng làm nơi ở như một gia đình, các tầng trên đều có balcony (ban công, bao lơn) mở ra ngoài mặt đường. Nhìn thấy những balcony này, tôi dường như thấy đâu đó thấp thoáng các nàng Juliet mặc chiếc váy phồng bự như cái nơm đứng trên balcony và dưới những trụ đèn kia sẽ có chàng Romeo nào đó đang đứng lấp ló nhìn lên. Kiểu nhà như vầy giống y như hai dãy phố chợ trung tâm ở quê tôi và phố chợ này được xây dựng từ thời Pháp thuộc tồn tại tới bây giờ. Nó cũng giống các khu phố cổ ở Sài Gòn- Chợ Lớn.

Ở đây có đủ khách sạn, nhà hàng, quán bar, cửa hàng bán thực phẩm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi trẻ em cổ, đồ lưu niệm cổ, bán đồng hồ cúc cu kiểu cổ, bán nhạc cụ, một nhà nguyện nhỏ, chỉ thiếu mỗi nhà băng mà thôi. Nhưng chúng ta không lo thiếu tiền mặt, tôi cũng nhìn thấy đâu đó trong “làng” có những trụ ATM. Ngoài những căn nhà dùng kinh doanh thì chen lẫn vô đó là những căn nhà nhỏ không thấy bày biện buôn bán gì hết mà chỉ để ở. Tôi nghĩ nếu tôi sống ở một căn nhà nhỏ bình thường trong làng thì với những tiện nghi có sẵn tại đây tôi không cần phải ra khỏi “làng,” trừ phi tôi cần tới bác sĩ và tiệm thuốc tây.

Xem thêm:   Cắt tóc vỉa hè

Tôi vừa đi vừa quan sát những bức tranh tường mà họa sĩ đã vẽ mô tả nhiều chủ đề về thời cổ châu Âu. Nào là cảnh trong một lớp dạy nhạc, cảnh trong nhà thờ, cảnh trong một xưởng đồ gốm, cảnh những người thợ đang thổi thủy tinh trong xưởng thủy tinh, cảnh xe ngựa, đường phố, cầu đá, hay đơn giản chỉ là cảnh sinh hoạt trong gia đình. Tất cả món ăn, thức uống ở đây được quảng cáo là món Ðức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ… nhưng lại không có đồ ăn, thức uống kiểu Mỹ. Ðể gây cảm giác “cái gì cũng cổ,” các bảng hiệu ở đây đều dùng font chữ Gothic, còn những nam bartender, nam bồi bàn cũng ăn mặc kiểu cổ và có nhiều người để tóc dài chấm vai. Ðiều làm tôi thích thú hơn nữa là các lối đi trong “làng” đều có những chiếc ghế băng dài bằng gỗ hoặc sắt, sơn màu xanh lá cây đậm để cho người đi đường nghỉ chân. Dọc theo lối đi, xa xa lại có một tấm bảng chỉ đường tới restroom công cộng.

Cuối tuần, “làng” không nhộn nhịp như các ngày trong tuần vì các cửa hàng buôn bán đều đóng im ỉm, chỉ có nhà hàng, quán bar, khách sạn hoạt động thôi. Nếu cần tìm một không gian yên tĩnh, lãng mạn, bầu không khí trong lành để thư giãn mà không tốn nhiều tiền, thì Old World Village là điểm đến lý tưởng cho bất cứ ai.

TPT