Tôi đến Detroit vào một ngày của tháng 10. Thời tiết đã bắt đầu se se lạnh, nhất là khi đêm đến. Khi được biết tôi đến thăm thành phố của tiểu bang Michigan, nhiều người bạn e sợ cho sự an toàn của một du khách nữ một thân một mình như tôi. Và có người đã hỏi tôi rằng: “Tại sao lại là Detroit?”

Đài tưởng niệm Joe Louis (Monument to Joe Louis) với nắm đấm nổi tiếng của võ sĩ quyền anh đại diện cho cuộc đấu tranh dân quyền và sự bất công về chủng tộc ở Detroit.           

Không phải ngẫu nhiên mà mấy người bạn lại lo lắng cho tôi đến như vậy. Detroit đã từng được biết đến là kinh đô xe hơi của nước Mỹ khi sở hữu hầu hết tất cả những thương hiệu xe hơi nổi tiếng, nhiều cao ốc, tòa nhà chọc trời, những khu vực ăn chơi sầm uất và xa xỉ. Cùng với việc đóng tàu, ngành công nghiệp xe hơi đã giúp cho nền kinh tế của Detroit nổi lên đứng thứ tư nước Mỹ. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp này nhanh chóng đưa Detroit lên thành một vùng đất phồn hoa, hứa hẹn một cuộc sống sung túc. Do nhu cầu lao động cao, người dân khắp nơi đổ về đây tìm việc làm khiến dân số Detroit tăng nhanh với tốc độ khủng khiếp.

Một nhà máy bỏ hoang ở Detroit. Dù cảm thấy khá thú vị nhưng tôi không có “cả gan” tiến vào bên trong khu nhà xập xệ gần như sẽ đổ sụp bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, với việc dân số gia tăng và tình trạng bất ổn xảy ra tiếp theo đó, Detroit bị cuốn vào giữa phong trào dân quyền. Cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu vào thập niên 2000, số người mua xe hơi giảm mạnh và những công ty xe hơi như Ford, General Motors, Pontiac phải sa thải hàng ngàn công nhân, khiến cho dân số giảm, nạn thất nghiệp tràn lan… Từ một thành phố lớn thứ 10 trên toàn nước Mỹ, đã bị xuống đứng thứ 18 chỉ trong vòng 10 năm.

Các tòa nhà hoang phế nằm rải rác ở Detroit

Dần dà các nhà máy xe hơi lớn bị bỏ hoang, công nhân thất nghiệp phải bỏ đi nơi khác sinh sống, và tiếp theo là nhà cửa của họ cũng bị bỏ hoang nốt. Thế là từ một thành phố được mệnh danh là “Kinh đô xe hơi”, Detroit trở thành một thành phố hoang tàn mục nát, đến mức phải đệ đơn xin phá sản. Tệ nạn, cướp bóc lan tràn cùng với việc nhiều người “homeless” lang thang trên khắp các nẻo đường đã khiến cho nhiều người có cái nhìn e ngại khi muốn ghé thăm tại đây.

Xem thêm:   Tự do hay là Chết

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Giờ đây, Detroit đang dần dần “hồi phục” và chính quyền địa phương đang có nhiều hoạt động để lấy lại hình ảnh trước đây của Detroit và vực dậy nền kinh tế của thành phố. Con đường nhanh nhất để làm điều này là phát triển ngành du lịch. Các tòa nhà bỏ hoang đang được khôi phục. Một số tòa nhà được khóa nghiêm ngặt vì lý do an ninh.

Một con hẻm tại trung tâm Detroit

Tôi đến downtown Detroit, vào ban ngày và cả ban đêm. Cũng như những trung tâm hành chính ở những thành phố khác, mọi người trong trạng thái tất bật với thời gian và công việc hàng ngày. Theo suy nghĩ cá nhân của tôi, tôi cảm thấy nét mặt của người dân ở đây có gì đó không được vui như sự rạng rỡ mà tôi nhìn thấy ở khu downtown Dallas nơi mình sống. Downtown Detroit vẫn còn nét cũ kỹ. Nhiều công trình đang được phục hồi vẫn còn đang xây. Những con hẻm len lỏi trong khu vực downtown, chỉ đủ để đi bộ, trông vẫn chưa thấy an toàn cho lắm.

Khu vực trường học thì náo nhiệt hơn do sinh viên đi bộ dọc bên đường và các quán cà phê.

Downtown Detroit khá cũ kỹ

Khu chợ “The Eastern Market”, một trong những chợ lâu đời nhất ở nước Mỹ, được khai trương lần đầu tiên vào năm 1841 tại quảng trường Cadillac ở khu vực trung tâm thành phố Detroit và có tên là “The Farmers Market” với mục đích chỉ bán gỗ và cỏ khô. Cho đến năm 1891, chợ được chuyển đến vị trí như ngày nay và đổi tên thành chợ “The Eastern Market”, bán nhiều loại thực phẩm, rau củ quả và nhiều vật dụng khác. Ðây được xem là khu vực quan trọng cho  ngành phân phối thực phẩm của thành phố.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Buổi tối nhiệt độ xuống khá lạnh, dù chỉ mới vào tháng 10 nhưng trời cũng đã rất lạnh có khi chỉ 30 độ F. Ðể an toàn thì dù ở đâu, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên đi bộ một mình sau 10 giờ đêm.

Đường phố, người đi bộ và đi xe đạp trên đường tại Detroit

Detroit có hai viện bảo tàng lọt vào danh sách ưa thích của tôi.

“The Henry Ford Museum” – Bảo tàng xe hơi Henry Ford, hay còn được gọi là Bảo tàng Sáng tạo của làng Greenfield Hoa Kỳ, hoặc là Viện Edison. Ðây là một quần thể Bảo tàng Lịch sử trong và ngoài trời như một di tích lịch sử lớn nhất của Hoa Kỳ tại Detroit, được hơn 1.7 triệu du khách ghé thăm mỗi năm, với rất nhiều loại xe hơi cùng lịch sử của nó từ nhiều thập niên trước. Ðiều thú vị là Bảo tàng Henry Ford cung cấp thông tin mang tính giáo dục cao, rất bổ ích từ những câu chuyện xác thực. Trong bộ sưu tập của Bảo tàng, có chứa chiếc xe Limousine của Tổng thống John F. Kennedy, ghế của Tổng thống Abraham Lincoln, cửa tiệm xe đạp của anh em nhà Wright, xe buýt Rosa Parks, và nhiều triển lãm lịch sử khác.

The Eastern Market – nguồn easternmarket.org

Bảo tàng ưa thích thứ 2 của tôi ở đây là Bảo tàng nghệ thuật “Detroit Institute of Arts Museum”.

Những chiếc xe trong bảo tàng “Henry Ford”

Detroit tuy không giống như những địa điểm phồn hoa nổi tiếng như New York hay Chicago, nhưng sẽ mang đến cho người du lịch những cảm nhận đặc biệt khác bởi các công trình nghệ thuật, lịch sử lâu đời, những hoạt động lễ hội và là một trong sáu thành phố được National Geographic bình chọn và đặt tên là thành phố bất ngờ dành cho người yêu ẩm thực. Ðặc biệt hơn, theo tôi, Detroit thực sự là một thành phố sở hữu khối sáng tạo khổng lồ bởi họ đã biến nhiều công trình, tòa nhà bỏ hoang trở thành những phòng chưng cất – xưởng sản xuất rượu, cửa tiệm xe đạp, boutique hay phòng trưng bày nghệ thuật.

Bức tượng Người Suy Tưởng “The Thinker” nổi tiếng trước cửa Bảo tàng nghệ thuật Detroit.

ZH

Xem thêm:   Roma - La Mã

Bài & Ảnh