Chúng tôi đến Châu Đốc vào chiều tối muộn, sau một hành trình từ Sài Gòn qua Sa Đéc đến Long Xuyên.

Núi Sam
Châu Đốc nằm sát biên giới Campuchia, xưa kia lãnh thổ này thuộc nước Chân Lạp, khoảng giữa thế kỷ thứ 18 vua Chân Lạp nhường cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn giao cho Nguyễn Cư Trinh vào thành lập Châu Đốc, Tân Châu và Sa Đéc. Từ đó đến nay trải qua bao triều đại sáp nhập, chia tách nay là thành phố thuộc tỉnh An Giang.
Đêm Châu Đốc buồn. Chúng tôi ăn tối gần chân núi Sam, khung cảnh quạnh hiu, theo kế hoạch sẽ lên núi viếng Bà Chúa Xứ nhưng đã 9h đêm, cả đoàn quay về.
Nghe danh miễu Bà linh thiêng từ lâu, tôi và Tịnh Thy muốn thăm vì lần đầu tiên đến nơi này. Hai đứa xin cả đoàn dừng xe. Chị Hoàng Kim Oanh và anh Mã Lam ở Sài Gòn đã đi nhiều lần, sợ tụi tôi lơ ngơ nên cả hai cùng đi theo, nói là để bảo vệ hai đứa út.
Xe dừng ở ngã rẽ, vắng tanh không một bóng người, đèn đường âm u xung quanh không nhà dân, gió lướt trên cỏ. Đi bộ một đoạn gặp trạm canh, bảo vệ bắt ghế ngồi phía ngoài, chúng tôi hỏi đường lên miễu Bà, phía xa đã thấy phố xá sáng rực ánh đèn.
Người thanh niên đạp xe lôi niềm nở hỏi tụi tôi có muốn đi dạo thành phố về đêm, tôi nói chỉ muốn đến thăm miễu Bà Chúa Xứ, cậu vui vẻ huyên thuyên suốt đoạn đường. Xe lôi miền Tây mới nhìn hơi giống loại xe tút tút ở Campuchia mà tôi đã đi mấy năm về trước.
Tôi bất ngờ khi xe dừng trước cổng, cứ tưởng chỉ là một cái miễu nhỏ trên núi hiển linh người dân đến thắp hương cúng bái, cầu an. Không ngờ miễu được xây dựng đồ sộ như những dinh thự vương giả của Trung Hoa trên một khuôn viên rộng lớn.

Miễu Bà Chúa Xứ về đêm
Cả một quần thể dân cư xung quanh buôn bán sầm uất phục vụ cho khách thập phương hành hương dâng lễ. Từ nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm đặc sản địa phương, khu bán đồ hành lễ cho Bà Chúa Xứ, các loại dịch vụ cúng lễ. Giống như một làng nhỏ nơi hành hương Đức Mẹ trên núi ở Pháp mà tôi đã đi.
10h đêm nhưng cả khu phố nhộn nhịp kỳ lạ. Hỏi ra mới biết người dân khắp nơi họ đến cúng suốt đêm, càng khuya càng đông. Chúng tôi đến không phải mùa lễ hội, mùa Tết, hay ngày vía nên còn vắng. Đang đi vào cổng, tôi bất ngờ nhìn thấy hai thanh niên khiêng một con heo quay xăm xăm đi trước, theo sau có 3 người đàn ông có vẻ dân làm ăn đi bên cạnh tay cầm nhang đèn, áo lễ cho Bà.
Tôi không vào chánh điện, vì nghĩ là nơi linh thiêng đêm khuya nên đứng bên ngoài ngắm toàn cảnh xung quanh. Miễu Bà có hai cổng nằm trên hai con đường, ra cổng phía trước băng qua đường đối diện trên một quả đồi là lăng Thoại Ngọc Hầu và các nghĩa sĩ của ông. Vị danh tướng nhà Nguyễn, có công lớn trong việc giữ vững bờ cõi phía Nam, nhiều lần đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn, trấn thủ Lạng Sơn, trấn thủ Định Tường, nhận nhiệm vụ bảo hộ Cao Miên, lập đội quân phòng giữ Châu Đốc, Hà Tiên. Chăm lo việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới. Các công trình lớn của ông còn để lại cho đời sau là kênh Thoại Hà (nối Long Xuyên với Rạch Giá dài hơn 30 km), kênh Vĩnh Tế (đào theo biên giới Tây Nam nối sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan, dài hơn 87 km), đắp con đường từ Châu Đốc lên Lò Gò tức thị trấn Angkor Borei ngày nay. (1)

Tác giả chụp hình lưu niệm trên xe đạp lôi
Tôi đứng trên đồi bên lăng mộ danh tướng Thoại Ngọc Hầu trong đêm khuya như nghe trong gió tiếng ông rền vang đốc thúc dân quân đào kênh, đắp đập. Tiếng đá lăn, tiếng cây đổ. Mỗi tấc đất mà tôi đang đứng có biết bao mồ hôi, xương máu của người xưa đang chảy dưới chân mình.
Tương truyền, 200 năm trước thời mới khai hoang lập ấp người dân địa phương lên núi Sam bắt gặp tượng Bà Chúa Xứ ngự trên đỉnh núi, gần Pháo Đài không biết có từ bao giờ, bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại thuộc loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, loại đá này không có ở địa phương.
Dân làng nhờ 9 cô gái đồng trinh khiêng bà xuống núi và lập miễu thờ, ngày nay có ý kiến cho rằng Thoại Ngọc Hầu hoặc vợ là bà Châu Thị Tế là người đã ban lệnh và hỗ trợ việc xây dựng miếu. Tuy khó xác minh, nhưng người ta biết chắc là miếu ra đời sau khi vị quan này về Châu Đốc trấn nhậm và cho đào kênh Vĩnh Tế (1824) mang lại lợi ích rõ rệt cho lưu dân và dân bản địa. Theo nhà khảo cổ học người Pháp là Malleret đến nghiên cứu vào năm 1941 thì tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần), tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào cuối thế kỷ 6, và rất có thể đây một trong số hiện vật cổ của nền văn hóa Óc Eo. Đó là nền văn hoá của xứ Phù Nam thuộc thời Trung cổ, thành lập năm 68 diệt vong năm 550, cách đây hơn 1500 năm. (2)

Lăng mộ danh tướng Thoại Ngọc Hầu
“Phù Nam (tiếng Khmer: , Phnom) là một quốc gia cổ trong lịch sử Đông Nam Á, xuất hiện khoảng đầu Công Nguyên, ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông. Theo nhiều thư tịch cổ Trung Quốc, thì trong thời kỳ hưng thịnh, vương quốc này về phía Đông, đã kiểm soát cả vùng đất phía Nam Trung Bộ (Việt Nam), về phía Tây đến thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan), về phía Nam đến phần phía Bắc bán đảo Mã Lai.
Quốc gia này tồn tại cho đến khoảng nửa thế kỷ 7 (sau năm 627) thì bị sáp nhập vào lãnh thổ của Chân Lạp. Mãi đến thế kỷ 17–thế kỷ 18, phần lãnh thổ xưa kia được coi là trung tâm của Phù Nam, tách khỏi Chân Lạp được vua Chân Lạp nhường cho chúa Nguyễn, ngày nay là Nam Bộ của lãnh thổ Việt Nam”.
Tượng Bà Chuá Xứ mà người Việt đang thờ đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đứng trên núi Sam hàng ngàn năm tích tụ bao khí thiêng của đất trời, linh thiêng hay không là tâm linh của từng người. Nhưng với tôi tượng Bà tượng trưng cho một triều đại rực rỡ của nền văn hóa Trung cổ Óc Eo đã bị diệt vong một cách bí ẩn.
Đêm trên đất Phù Nam xưa, tôi nghĩ đến những người xưa đi mở cõi. Trên dải đất Việt Nam này, lớp lớp phế tích chồng chất lên nhau, có biết bao thể chế đến rồi đi không một dấu tích. Cuộc đời là hư ảo, huống chi vài thế kỷ vương triều.
BM