Tiếng là đến Hưng Yên nhưng nhà cô bạn tôi ở Khoái Châu nên hôm ấy chúng tôi chỉ đi loanh quanh trong vòng bán kính 40 km tính từ Hà Nội. Huyện Khoái Châu nằm ở phía tây tỉnh Hưng Yên, trên bờ tả ngạn sông Hồng, cách thành phố Hưng Yên khoảng 30 km và cách trung tâm Hà Nội khoảng 42km.

Bảo tàng gốm Bát Tràng ở đầu làng       

Làng gốm Bát Tràng là điểm đến đầu tiên. Dễ dàng thấy ngay đầu làng là Bảo tàng gốm sứ xây dựng khá lớn, nhìn ra một dòng kênh có quán cà phê bên kênh với nhiều cây cảnh “to khủng” khiến khách phải trầm trồ. Đi một vòng trong làng, tôi cảm giác thiếu chất “cổ”. Vì theo các tài liệu, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý (khoảng thế kỷ 14-15). Với thời gian tồn tại 500 năm nhưng những cửa tiệm trưng bày với cửa kính, màu sắc khiến phố hơi bị “tân thời” mặc dù chúng tôi thấy có nhiều mặt hàng cổ xưa về hình dáng và tuổi đời rất đẹp.

Tuy nhiên, với các “tín đồ” của gốm thì đây là nơi tuyệt vời để xem, ngắm, đắm chìm vào đó vì có quá nhiều mặt hàng đặc sắc. Một khu chợ rộng lớn chỉ bán gốm với nhiều mẫu mã, đủ các kiểu, loại và đẹp. Hôm chúng tôi đến vì không phải ngày cuối tuần nên khá vắng khách khiến khung cảnh chợ hơi buồn tẻ.

Trong làng gốm Bát Tràng

Để đi dạo, ngắm gốm và thật sự là người yêu gốm, tôi nghĩ khó mà trong một ngày có thể thỏa mãn được đôi mắt, tìm hiểu về các sản phẩm gốm, quan sát cách làm gốm … Và biết đâu sẽ rất hài lòng khi chọn được một vài sản phẩm gốm sứ mà đã từ lâu bạn ao ước sở hữu nó.

Từ Hà Nội đến Hưng Yên theo tỉnh lộ  179, có một đoạn bánh tẻ được bày bán khá nhiều hai bên đường. Hơn 20 năm chưa ăn lại cái bánh này nên tôi quên mất mùi vị của nó ra sao. Cô bạn bảo sẽ đưa chúng tôi đến một “làng nghề” chuyên làm bánh tẻ.

Bên trong chợ gốm sứ

Còn nữa, khó mà bỏ qua được là hai bên đường rất nhiều những nhà vườn trồng cây bán Tết. Văn Giang và Khoái Châu là 2 huyện có diện tích trồng hoa và cây cảnh khá lớn. Từ trên đường đê nhìn xuống bên dưới rất nhiều những nhà vườn trồng đủ loại hoa chờ Tết nhiều màu sắc rất đẹp, tạo nên một nét duyên cho vùng quê. Những tấm bảng thật lớn bên đường ghi tên nhà vườn, cho biết đây là vùng trồng hoa chuyên nghiệp cung cấp không chỉ cho vùng mà còn nhiều nơi khác nữa.

Xem thêm:   Allen PAC

Đặc biệt là bưởi cảnh. Những chậu bưởi thân to, thế đẹp hay bưởi cổ thụ thật lớn mà tôi biết có những chậu giá vài chục đến trăm triệu đồng và họ có thể chở vào tận miền Nam khi có khách mua. Mọi hy vọng nhà vườn đặt hết vào đó cho dịp Tết Nguyên Đán.

Bưởi cảnh

Vào một làng chuyên làm bánh tẻ như lạc vào một lãnh địa riêng cho món bánh này. Bánh tẻ ăn giống như bánh giò nhưng dai hơn, nhân là thịt băm xào với mộc nhĩ, vị vừa ăn không phải chấm với gì. Có loại bánh tẻ với nhân đậu xanh được xay nhuyễn và xào, nêm nếm vừa ăn. Bánh gói bằng lá dong nên sau khi luộc, bánh có màu xanh nhẹ. Ở đây người ta bán cả bánh sống và bánh chín. Bánh tẻ có vẻ là món bánh “quốc đân” của miền Bắc khi tra Google tôi thấy nhiều địa phương giành món bánh này gắn với tên làng, thành món bánh “đặc sản, gia truyền”.

Bữa trưa hôm ấy có bạn đưa chúng tôi về nhà ba mẹ cô cách trung tâm Khoái Châu khoảng 8 cây số. Con đường dẫn vào làng hai bên cơ man nào là nhãn. Những vườn nhãn cổ thụ không phải mùa hoa trái nên xanh um lá, mát mắt. Bạn tôi kể, ngày xưa vườn nhà bố mẹ bạn có đôi chục cây.

Gói bánh tẻ

Có những cây nhãn tuổi đời vài chục năm, tán rộng cho trái nhiều và ngon. Nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng có mùi thơm đượm, dày cơm, giòn, ngọt nhưng ăn không ngán. Có nhiều loại nhãn như nhãn đường phèn, nhãn cùi, nhãn thóc, nhãn siêu ngọt … Mỗi loại cho hoa có mùi thơm khác nhau. Sau khi thu hoạch xong (khoảng tháng 6 sau mùa mưa), nhà vườn cho cắt tỉa, phân bón … Cuối năm cây nhãn chuẩn bị lên mầm, lá sẽ đanh lại.  Đặc biệt, mùa quả xen kẽ, nếu năm ngoái cây cho quả nhiều thì năm nay cây sẽ ra hoa ít lại. Sau khi cây đơm hoa kết trái, nhà vườn sẽ “tẩy” một lần với thuốc rửa hoa, rửa cành tẩy sâu và bọ xít … Gần thu hoạch sẽ “tẩy” quả một lần nữa cho quả đẹp, sáng vàng bóng …

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Đến đây, “tận mục sở thị” mới biết nhãn nhiều thế nào. Nhãn trồng bên đường, trên lối đi, trong làng … Có những vườn nhãn thân cây to, tán xòe rộng, mỗi cây như vậy, một mùa có thể cho 2,3 tạ trái là bình thường. Ngồi xe, ngắm nhãn hai bên đường thật thích mắt. Cảm giác như ở đây nhãn là một loại cây đường phố. Bạn tôi nói, Hưng Yên là vùng đất mà ngày xưa nổi tiếng có nhãn tiến Vua. Trước đây nhà bạn có vài cây nhãn này, trái bóc ra tay không dính ướt, cùi dầy, bóng, giòn thơm, hạt nhỏ. Bây giờ người ta còn trồng một loại nhãn không hột, nhưng bạn chỉ thích ăn quả từ những cây nhãn cổ.

Vườn nhãn cổ trong đền Hóa Dạ Trạch

Bữa trưa hôm ấy, chúng tôi được ba mẹ bạn thết đãi bánh cuốn Mễ Sở. Những cái bánh được cuốn tròn nhỏ thuôn dài. Ba bạn giải thích là bánh được làm bằng gạo tám xoan, có thể để được từ sáng đến tối vẫn giữ nguyên hương vị. Sau khi tráng xong lá bánh được xếp lên nhau thành các tầng, đặt vào thúng bên trên đậy bằng tàu lá chuối hay lá sen, khi có người mua thì mới gỡ lá bánh ra cuốn với nhân thịt nạc băm và nấm.

Cái bánh được tráng dày hơn bánh cuốn bình thường như bánh cuốn Thanh Trì chẳng hạn nhưng không bị khô mà dẻo, hơi dai. Bánh ăn với nước chấm chua ngọt, trong nước chấm có ít thịt băm.

Bánh cuốn Mễ Sở

Điểm cuối cùng chúng tôi ghé hôm đó là đền Chử Đồng Tử – Tiên Dung hay còn gọi là đền Hóa Dạ Trạch mà người ta cho rằng đã có từ trăm năm trước. Một khung cảnh làng quê Bắc bộ quá yên bình, chỉ có tiếng bước chân của chúng tôi giẫm trên lá và tiếng nói chuyện xoay quanh chuyện tình giữa nàng công chúa lá ngọc cành vàng và một chàng trai nghèo khó được chép trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam mà bất kỳ ai cũng được học từ thời tiểu học. Có lẽ đây là điều thú vị nhất khi ghé thăm nơi này, chúng tôi có dịp nói với nhau về lịch sử, tại sao lại có truyền thuyết như vậy và những tập tục tín ngưỡng của người dân không chỉ nơi đây mà còn ở các vùng từ nơi khác đến.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Bạn tôi bảo rằng, có tuyến du lịch một ngày xuôi theo sông Hồng đưa khách đi bắt đầu từ bến ở Hà Nội ghé đến các điểm như Đền Dầm, đền Đại Lộ, đền Chử Đồng Tử và làng gốm Bát Tràng. Cô nói vui khi chúng tôi rời đền Chử Đồng Tử: “Em sẽ đưa các chị đi ăn gà Đông Tảo nữa mới đủ “combo” du lịch Hưng Yên hôm nay”.

Gác chuông trong đền Hóa Dạ Trạch

Nghe tiếng gà Đông Tảo từ lâu và hôm ấy chúng tôi chỉ thưởng thức món lẩu. Thú thật nhìn cái chân gà to, mập ú tôi có hơi sờ sợ nhưng ăn rồi mới thấy ngon. Nói chuyện với chị chủ quán mới biết có người vào quán ăn chỉ hai cái chân gà là no và không ăn gì khác nữa, thậm chí có người ghiền cái chân gà này bởi là phần ngon nhất của con gà, da dầy, giòn thơm, không béo ăn rất thú vị. Thịt gà Đông Tảo dai mềm vừa ăn. Dù biết là da gà kỵ với người bị cholesterol cao nhưng thú thật khó mà kềm lòng được khi thưởng thức cái ngon riêng của da gà này ở trạng thái giòn, không ngấy. Tuy là ngon nhưng với tôi chỉ là thử cho biết, tôi vẫn thích ăn thịt gà ta thả vườn hơn.

ĐTTT