Quận Cam (Orange County,) tên nghe quê sệt như là xóm Dừa, xóm Lá, ấp Bàu Đăng, xã Cần Đước… ở miền Tây, nhưng lại không thấy có nông trại nào tọa lạc ở quận Cam. Từ đây tới nông trại nào đó phải vượt qua một đoạn đường quá xa, vì vậy từ ngày sống ở Little Sài Gòn tôi chưa từng có cơ hội tận mục sở thị bất cứ nông trại nào ở tiểu bang Cali. Quận Cam chỉ có đông đúc nhà ở, chợ, siêu thị, tiệm buôn, quán cà phê, nhà hàng lẫn quán nhậu để phục vụ cho nhu cầu của cư dân quận Cam có mật độ đông đúc, đời sống sinh hoạt nhộn nhịp, ăn xài tiêu dùng nhiều này.
Người nông dân biết rõ điều đó, với số lượng nông sản làm ra ít ỏi không đủ để đóng gói bán cho các chợ, siêu thị lớn, họ bèn trực tiếp tiếp cận khách hàng bằng con đường “We sell what we grow” (Chúng tôi bán cái mà chúng tôi trồng được) mà chợ nông sản trên đường Main Street (thành phố Garden Grove) là một địa điểm lý tưởng cho nông dân thực hiện mục đích chào bán nông sản của họ. Ở đây, người bán không cần phải luôn luôn tưới nước cho món hàng, cũng không cần phải có bao bì in ấn, đóng gói bắt mắt. Cách buôn bán giống như các “chợ chồm hổm” ở miền Nam, Việt Nam. Khác ở chỗ tại đây người ta không ngồi chồm hổm, không dùng cân xách tay, không “tính rợ,” không đếm ngón tay để tính tiền, mà dùng cân điện tử, máy tính để tính tiền.
Cư dân Little Sài Gòn vốn đã quen với việc “phố cổ” Main Street luôn luôn bị lock hai đầu đường để “show off” cái gì đó “độc, lạ, ngon, rẻ” thu hút người xem lẫn người mua. Ba ngày cuối tuần, nếu rảnh rỗi thì tạt qua Main Street để coi có “cái gì” để xem giải trí, hoặc có “cái gì” đó “độc, lạ, ngon, rẻ” để mua.
Ông bạn tôi khoe với tôi nhà ổng có hũ cà pháo trắng muối kiểu Bắc kỳ. Tôi hỏi mua cà pháo ở đâu? Ổng trả lời rình mãi mới mua được có tí xíu ở chợ nông sản Main Street. Tôi bắt chước ổng cũng “rình” mà số tôi “xui,” chưa lần nào mua được cà pháo trắng.
Trưa thứ Sáu vừa rồi, tôi cũng đi chợ nông sản, coi người ta mua bán là chính. Chợ có bán những hũ nhỏ mật ong tự nuôi, các loại rau nhà trồng đọt bầu bí, đọt khoai lang, rau muống, rau thơm các loại, hành, ngò, bánh mì tròn nướng tại chỗ theo kiểu xưa, các loại bơ, phó mát (cheese,) bánh kẹo, đồ ăn vặt, trái cây tươi, đồ vật trang trí được làm bằng tay, cây giống, hột giống các loại…
Ðặc điểm của rau, củ, quả bày bán ở đây nhìn không tươi ngon như chúng ta thường thấy trong các chợ, siêu thị, mà nó có vẻ èo ọp, ủ rũ. Tuy nhiên, sự èo ọp, ủ rũ đó là một lợi thế, đặc điểm thu hút người mua, vì nó không bị tưới đẫm nước nên khi bỏ lên bàn cân người mua được lợi hơn, mua về bảo quản trong tủ lạnh được lâu hơn.
Một “đặc sản” khác của đường Main Street cuối tuần là ca sĩ đường phố, và vũ công đường phố, vui nhộn, bất chợt và ngẫu hứng.
Tất cả bông tai, dây đeo cổ tôi đang dùng, đều do chính tôi tự làm. Ban đầu, tôi cũng mua đồ làm sẵn ở tiệm, nhưng tôi nhận ra đồ làm sẵn đơn điệu, không phù hợp với tôi, mà giá tiền lại cao. Vậy là tôi mua bộ dụng cụ và vật liệu rồi tự tôi làm theo kiểu tôi thích. Cho tới hôm nay tôi đã có hàng trăm đôi bông tai với nhiều kiểu ngắn, dài, nhiều màu sắc, với đặc điểm “độc, lạ, đẹp, rẻ,” mix phù hợp với bộ quần áo mà tôi đang mặc trên người. Thỉnh thoảng, tôi lại lôi chúng ra, sửa lại thành những kiểu mới nhìn ngộ nghĩnh hơn, đẹp hơn kiểu cũ.
Tôi đứng lại ngắm nghía rất lâu từng món đồ được bày bán ở gian hàng bán nón phụ nữ handmade móc bằng chỉ len nhiều màu, các kiểu chuông gió, đồ trang trí nội thất. Ði chợ trời, đi chợ nông sản cũng là cơ hội để tôi ngắm nghía những mặt hàng trang trí làm thủ công rực rỡ, khéo léo đang bày bán, để “học lóm” kiểu dáng, cách phối hợp màu sắc và các loại hột nhựa, hột đá, dây… thành dây đeo cổ, hoặc bông tai mới. Có những loại vật liệu, với người khác thì nó rất là bình thường, thậm chí vô dụng, nhưng với người thích sáng tạo đồ vật trang trí, thì nó là một phát hiện mới, nếu biết cách kết hợp chúng với nhau.
Buổi trưa xế, gian hàng bán bắp rang bơ chuẩn bị dọn hàng, đóng cửa. Ông chủ gian hàng người Mễ đang đứng cọ rửa cái nồi nổ bắp to đùng. Trên quầy hàng vẫn còn khoảng chục bịch nilon hột bắp đã nổ. Tôi nhìn thấy bảng giá đề bịch lớn $11, bịch nhỏ $7. Tôi ghé vô hỏi mua 1 bịch nhỏ, bất ngờ là ông chủ lại nói tôi chỉ cần trả $4 thôi, làm tôi nhớ mấy bà bán hàng ở chợ quê tôi: “Mại dô, mại dô ngheo bà con ơi! Ðại hạ giá ngheo! Bốn chục giờ bán hai chục ngheo! Còn ít bán ghẻ đi dề ngheo!” Tôi chợt chạnh lòng nhớ câu hát ru: “Chợ chiều thừa khế ế chanh/ Nhiều con gái đẹp nên anh phụ nàng.”
TPT