Mười mấy năm nay, mỗi khi Tết đến, bà con cô bác trên dưới cả ngàn người tụ về rạp hát Opéra de Massy, ngoại ô Paris, dự hội Tết do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris (nói tắt Tổng Hội) tổ chức. Trước để vui xuân với những gian hàng Tết, sau xem văn nghệ, một chương trình kéo dài khoảng 4 tiếng.

Đại diện 4 thế hệ Tổng Hội sau buổi biểu diễn ngày 18.02.2024 – Ảnh PTH   

Chương trình này quy tụ sự tham gia của trên dưới 60 thanh thiếu niên và nhi đồng, chia làm nhiều màn nhưng luôn được dàn dựng trên một trục dẫn chính: tuổi trẻ Việt Nam sinh trưởng ở Pháp tìm về nguồn cội.

Đặc biệt, cho hoạt cảnh thiếu nhi, từ việc tập họp các «diễn viên nhí» đến việc tìm chủ đề, xâu các mảng ca, múa, kịch, thành một chuỗi mạch lạc, và tập dợt cho các cháu đến việc chuẩn bị trang phục, đạo cụ, hình ảnh làm phông nền cho sân khấu đều do chị Nguyễn Thị Tố Lan đảm trách.

Vì chị chỉ muốn âm thầm làm việc nên nhiều đề nghị phỏng vấn đã không thành. Năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Tổng Hội (1964-2024), chúng tôi cố thuyết phục chị chia sẻ việc làm tràn đầy nhiệt huyết, hầu mong ngọn lửa cho một tình yêu chung sẽ tiếp tục được giữ lâu và chuyền xa hơn nữa.

Hỏi: Chị bắt đầu đảm nhiệm “show thiếu nhi” cho văn nghệ Tết năm nào? Cái duyên nào đã đưa chị vào vai trò này?

Đáp: Thời sinh viên, Hoàng và Lan đã từng đến sinh hoạt với Tổng Hội. Khi 2 con đầu lòng lên tiểu học, vì nghĩ rằng các cháu ngoài việc học nên có sinh hoạt cộng đồng và để các cháu có bạn Việt, hiểu biết văn hóa Việt, tiếp tục nói tiếng Việt, vợ chồng Lan đưa các cháu đến với Tổng Hội. Năm ấy (2005), các cháu được chị Phương Khanh, một trong những trụ cột của Tổng Hội dạy hát và diễn màn Em Bé Quê. Năm sau, chị Khanh nhờ Lan lo màn thiếu nhi và Lan đã nhận lời. Lần đầu tiên ấy, Lan tập cho các cháu diễn màn Thằng Bờm.

Hỏi: Chị có thể kể những tuồng tích đã dàn dựng? 

Đáp: Lan chọn đề tài lịch sử và những truyện cổ tích có ý nghĩa, nói lên lòng yêu nước, quý trọng ông bà tổ tiên, yêu thương cha mẹ, anh em. Các cháu đã diễn Lạc Long Quân- Âu Cơ, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thạch Sanh-Lý Thông, Tấm Cám, sự tích Trầu Cau, Phù Đổng Thiên Vương, Đinh Bộ Lĩnh, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung … Năm nay, Lan chọn Hội Nghị Diên Hồng vì muốn nói đến sự đoàn kết, «vua tôi một lòng », tất cả các thế hệ cùng nỗ lực chống ngoại xâm. Riêng với Tổng Hội, năm nay mừng 60 năm thành lập, từng đó tuổi đời là nhờ sự đồng lòng của nhiều thế hệ tiếp nối nhau giữ lửa.

Tố Lan mặc áo dài, đứng ngoài cùng, bên phải – Ảnh PTH

Hỏi: Xin chị chia sẻ một vài niềm vui và khó khăn trong những năm tháng dẫn dắt các cháu.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Đáp: Vui nhất là nhìn thấy các cháu bé tí, lần đầu đến tham gia văn nghệ bỡ ngỡ, rụt rè nhanh chóng trở nên tự tin, kết bạn với nhau, ngày càng thân thiết và cứ như vậy mà lớn lên mỗi năm, trở thành thiếu niên, thanh niên, tiếp tục hoạt động và quan tâm đến nguồn cội.

Khi còn nhỏ, các cháu được tập hát tiếng Việt, chúc Tết, múa, đóng kịch … Lớn hơn, tiếp tục các màn dành cho «các anh chị lớn». Một nhóm các cháu lớn đảm trách luôn màn múa, tự tìm nhạc Việt (từ nhạc dân ca, tiền chiến đến hip-hop). Với nhóm lớn nhất này, Lan chỉ theo dõi, cố vấn. Ngoài văn nghệ ra, nhiều cháu muốn học nấu món Việt, tìm hiểu thêm về phong tục tập quán quê cha đất tổ. Một số khác muốn biết chuyện gì đang xảy ra bên nhà, và muốn lên tiếng cho tự do, dân chủ. Nhiều cháu đã gia nhập vào ban chấp hành. Khi các hội đoàn ở Paris tổ chức «Lễ vinh danh 70 năm cờ  vàng», các cháu tham gia rất hăng hái.

Lan cũng vui khi được gặp gỡ, kết bạn với phụ huynh của các cháu. Trong lúc sửa soạn, tập dợt, cảm tưởng như đây là một đại gia đình. Rồi đến ngày trình diễn, càng vui thêm khi thấy khán giả đến xem rất thích thú. Ông bà, cha mẹ, cô chú đều hãnh diện vì thấy con cháu mình và tuổi trẻ Việt Nam dù sinh trưởng ở Pháp vẫn lưu luyến quê nhà. Đó là một niềm an ủi lớn lao.

Xem thêm:   Dubai

Về khó khăn thì các phụ huynh phải chịu khó đưa đón con mỗi chiều Chủ Nhật, tập dợt liên tục nhiều tháng. Nhiều bố mẹ về nhà tiếp tục giúp các con tập dợt trong tuần.

Phần Lan cũng vậy, trong vòng 4 tháng, phải vội vã rời bữa cơm trưa với đại gia đình để đi tập. Từ tháng Chín, phải  suy nghĩ tìm chủ đề, viết kịch bản, tìm nhạc cho phù hợp với câu chuyện, sắp xếp vũ điệu, tìm hình ảnh minh họa, v.v. Lan tìm được bộ Sử Việt Bằng Tranh (soạn giả Bùi Văn Bảo-nhà xuất bản Quê Hương-Toronto) ở Thư Viện Diên Hồng nên nhờ đó có nhiều tranh để minh họa cho các hoạt cảnh. Khi không đủ thì Lan tự vẽ. Trang phục phần đông là gom góp của hội nhưng lâu lâu cũng phải may thêm. Đạo cụ thì tự làm khá nhiều như kết hoa, làm diều, cung kiếm, rồng, voi, trâu bò… Cũng may, Lan được phụ  huynh giúp nhiều.

Cách làm việc thì phải tập dợt theo từng nhóm, từng độ tuổi, thật vững rồi mới ráp vô. Làm việc với trẻ con thì vui nhưng phải kiên nhẫn vì tính tình mỗi cháu mỗi khác, hơn nữa, mùa đông trời lạnh, các cháu dễ đau ốm, vắng mặt.

Cô Tố Lan đang tổng dợt màn chúc Tết với các cháu, 18.02.2024 – Ảnh HQ

Hỏi: Chị có nghĩ các cháu bé hôm nay theo chị múa hát tiếng Việt một khi trở thành bố mẹ sẽ tiếp tục dạy con cháu chúng nói tiếng Việt, đọc sử Việt, nghe cổ tích Việt ?

Đáp: Lan hy vọng như vậy. Chắc chắn các cháu sẽ không nhớ được hết những gì Lan giải thích nhưng các câu chuyện đó sẽ đi vào ký ức. Một khi lớn lên, các cháu đã có sẵn chút vốn để tìm hiểu tiếp. Một số bé ngày xưa đến múa hát cho Tổng Hội bây giờ đã trở thành những bậc phụ huynh đưa các con đến sinh hoạt. Thật đáng mừng!

Hỏi: Ngoài trọng trách “bầu show”, chị còn là một trong những giọng solo chính của chương trình văn nghệ Tết. Xin chị kể tên một số bài đã hát. Các ca khúc này được chọn lựa với sở thích cá nhân, một cách ngẫu nhiên hay có cân nhắc cho phù hợp với tình hình thời sự, chính trị trong nước?

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Đáp: Lan từng hát Mẹ Việt Nam Ơi, Chúng Con Vẫn Còn Đây (Nguyễn Ánh 9), Tình Ca (Phạm Duy), Đêm Chôn Dầu Vượt biển (Châu Đình An), Người Di Tản Buồn (Nam Lộc), Một Đời Áo Mẹ Áo Em (Trầm Tử Thiêng), Ai Về Xứ Việt (Phan Văn Hưng), Triệu Con Tim (Trúc Hồ), Anh Là Ai (Việt Khang), Con Đường Tự Do (Việt Khang). Những bài này được chọn để minh họa cho một trong những màn kịch. Đồng thời, bản thân Lan cũng rất thích hát nhạc quê hương và tranh đấu cho Tự Do, Nhân Quyền.

Bác sĩ Tố Lan trên sân khấu Tổng Hội – Ảnh TL

Hỏi: Qua Pháp từ bé, ngày giờ này, sự thấm nhập ngôn ngữ và văn hoá nơi trú quán đã vượt xa sinh quán nhưng chị vẫn yêu tiếng Việt, văn hoá Việt và kiên trì truyền lại cho con cháu tình yêu đó. Có phải nhờ ảnh hưởng của thân mẫu, cô Phạm Thị Nhung, cựu giáo sư Việt văn trường Gia Long?

Đáp: Lan qua Pháp năm tám tuổi rưỡi (1975). Được bố mẹ dạy dỗ và khuyến khích nói tiếng Việt, Lan lần lượt theo học các lớp Việt văn của thầy Phúc ở trường trung học Louis-le-Grand và cô Mai ở Institut Franco-Vietnamien. Bố mẹ Lan cũng muốn các con tìm đến với cộng đồng Việt Nam. Vì vậy, Lan đã đi sinh hoạt tại một số hội đoàn như Thư Viện Diên Hồng,  Hội Ái Hữu Orsay, Tổng Hội … Cho tới bây giờ, gia đình vẫn luôn cổ vũ Lan sinh hoạt trong vai trò dẫn dắt con cháu.

Sống ở Pháp từ nhỏ nên đương nhiên Lan rất quan tâm đến tình hình xã hội Pháp và làm được gì thì làm. Nhưng Lan vẫn thấy mình cũng cần quan tâm và làm gì đó cho cộng đồng và quê hương Việt Nam. Người Việt trong nước hiện giờ vẫn không được nói điều họ muốn nói. Bản thân mình có điều kiện hơn, có thể giúp họ lên tiếng, mình nên lên tiếng.

Hỏi: Là một bác sĩ, thời giờ đối với chị rất quý, vì sao không dành để nghỉ ngơi mà lại miệt mài lo “việc chú bác”? (cười)

Đáp: (cười) Siêng việc chú bác, nhưng không nhác việc nhà đâu nhe! Lan cũng dành nhiều thì giờ cho gia đình lắm. Nhưng ngoài công việc và gia đình ra thì Lan thấy hoạt động cộng đồng đem lại nhiều niềm vui. Đó là đời sống Lan chọn. Rất may là Hoàng và các con đều có máu văn nghệ và cũng thích hoạt động hội đoàn như Lan.

HQ

(*) Cảm ơn kỷ niệm nuôi em lớn: thi từ Du Tử Lê