Trong tuần qua, trên khắp Trung Quốc, người dân đã xuống đường phản đối chính sách “zero-Covid” quá sức nghiêm ngặt, trong một sự thể hiện bất đồng chính kiến hiếm hoi đối với chế độ của ông Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc, khủng hoảng sức khoẻ đến khủng hoảng chính trị – Rigzone  

Làn sóng tức giận của người dân bắt đầu khơi mào sau vụ hoả hoạn gây chết người tại thành phố Urumqi, thủ phủ của tỉnh Tân Cương, khiến có ít nhất 10 người bị tử nạn vào ngày 24 tháng 11. Thành phố này đã bị phong toả hơn 100 ngày. Các người biểu tình kêu gọi chấm dứt chính sách zero-Covid – nhưng đồng thời cũng đòi được hưởng một chế độ dân chủ hơn và thậm chí lên tiếng đòi hạ bệ Tập Cận Bình.

Những dấu hiệu bất ổn

Có thể nói Trung Quốc là nước phát minh ra biện pháp phong toả Covid-19. Trong những tuần lễ đầu tiên của đại dịch, chính quyền Tập Cận Bình đã nhốt nhiều chục triệu người trong nhà để ngăn chặn bệnh dịch lan ra ngoài thành phố Vũ Hán. Gần ba năm sau, nay các biện pháp phong toả đang trở thành một thứ độc dược huỷ hoại Trung Quốc. Sự kết hợp của các cuộc biểu tình và các trường hợp nhiễm bệnh gia tăng có nghĩa là Tập sẽ phải đu dây giữa thực hiện biện pháp phong tỏa hàng loạt và chấp nhận lây nhiễm hàng loạt – và rất có thể sẽ phải đối mặt với cả hai cùng lúc. Những tháng sắp tới sẽ là khoảng thời gian thử thách lớn nhất đối với uy quyền của Tập kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012 và cũng là thử thách lớn nhất đối với thẩm quyền của đảng cộng sản Trung Quốc kể từ cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Những vụ biểu tình lẻ tẻ mang tính cách địa phương vẫn thường xảy ra ở Trung Quốc lâu nay, nhưng các cuộc biểu tình nổ ra đồng loạt trên khắp nước thì rất hiếm. Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 11, nhiều người biểu tình tụ tập tại Bắc Kinh đã lên tiếng đòi “tự do”; tại Thượng Hải, người biểu tình còn đi xa hơn đòi Tập Cận Bình phải từ chức. Các nhóm người biểu tình tương đối nhỏ, nhưng ở một đất nước bị kiểm soát chặt chẽ như Trung Quốc thì những cuộc tụ tập hàng loạt này đáng được chú ý.

Xem thêm:   Ham & hố

Nếu người biểu tình chỉ là nhóm đối lập duy nhất, lực lượng an ninh Trung Quốc có thể lập lại trật tự không khó. Nhưng Tập còn phải đối mặt với con vi khuẩn rất lì lợm. Ðể hiểu hơn về những bất ổn chính trị và kinh tế sắp tới, trước hết ta cần tìm hiểu về tình hình dịch bệnh của Trung Quốc đã diễn biến tồi tệ như thế nào.

Tờ giấy trắng, biểu tượng của các cuộc biểu tình hiện nay tại Trung Quốc – Atlantic Council

Chính sách zero-Covid thất bại

Trước hết là tính ngạo mạn. Chính sách zero-Covid khởi đầu đã đạt được một số thành công, có thể nói đã cứu được hàng triệu mạng sống của người dân Trung Quốc. Ở thời điểm đầu, ít dịch bệnh hơn cũng có nghĩa là ít thiệt hại về kinh tế hơn. Trong ba năm qua, hầu hết người dân Trung Quốc đã chấp nhận chịu đựng các biện pháp khắt khe. Liên tiếp trong nhiều tháng, truyền thông nhà nước đánh trống thổi kèn rùm beng chứng minh cho thấy chính sách của Tập và đảng nhân đạo và mang lại hiệu quả, không như các chính trị gia phương Tây suy đồi yếu kém trong việc giải quyết dịch bệnh khiến cho hàng loạt người bị thiệt mạng.

Những lời nói ngạo mạn trên nay đã bị cháy thành tro. Chính sách của Tập đã khiến cho người dân Trung Quốc có sức đề kháng quá yếu trước con vi khuẩn biến thể ngày càng khó kiểm soát hơn. Có gần 90% dân số đã được chích ngừa hai liều. Nhưng theo một mô hình của tờ Economist đưa ra, dựa trên những dự đoán về tỷ lệ người bị nhiễm bệnh và hồi phục hoặc tử vong, cho thấy nếu vi khuẩn lây lan không bị cản trở, số trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh điểm là 45 triệu người mỗi ngày. Khoảng 680,000 người sẽ bị thiệt mạng, ngay cả nếu thuốc chủng ngừa của Trung Quốc vẫn còn công hiệu và tất cả người nhiễm bệnh được chăm sóc và điều trị. Trên thực tế, sự công hiệu của thuốc chủng ngừa suy yếu dần và nhiều người nhiễm bệnh không được chữa trị. Nhu cầu về số giường bệnh trong khu chăm sóc đặc biệt (intensive care) sẽ lên tới 410,000, gần gấp bảy lần khả năng của Trung Quốc.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Nhiều trường hợp tử vong trong số này là kết quả của chính sách của Tập Cận Bình. Chỉ có 40% những người Trung Quốc trên 80 tuổi đã được chích ngừa ba mũi, là điều cần thiết để ngăn ngừa trường hợp bệnh nặng và tử vong. Lý do là vì một người 80 tuổi khỏe mạnh có nguy cơ tử vong do Covid cao hơn 100 lần so với một người 20 tuổi khỏe mạnh, đó là một sai lầm thảm khốc. Ðảng sẵn sàng phong toả cuộc sống của hàng nhiều triệu người trong nhiều tuần liên tục, nhưng họ đã thất bại trong việc giải quyết sự hoài nghi về thuốc chủng ở người già. Chính quyền lúc đầu cấp giấy phép chủng ngừa chỉ cho những người dưới 60 tuổi. Họ gây sự hoài nghi về độ an toàn của thuốc chủng ngoại quốc trong khi quảng cáo rầm rộ thuốc chủng nội địa. Trên thực tế, thuốc chủng Trung Quốc yếu hơn nhiều so với thuốc chủng của phương Tây. Và họ cũng đã thất bại trong việc khuyến khích các giới chức địa phương đi đầu trong việc chích ngừa trước tiên để tạo sự tin tưởng trong dân chúng.

Trừ khi Trung Quốc thay đổi đường lối, nếu không, khả năng phục hồi của họ đối với Covid sẽ ngày càng kém đi. Những biến thể phụ mới nhất có khả năng lây nhiễm mạnh hơn Omicron, là biến thể lây nhiễm mạnh hơn so với biến thể Delta trước đó. Khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong ở những người chỉ mới được chích ngừa giảm đi nhanh hơn nhiều so với những người đã bị nhiễm bệnh.

Biểu tình ủng hộ người dân Trung Quốc bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York – AP

… Và những hệ luỵ

Trong một thế giới mà thuốc chủng ngừa và thuốc kháng khuẩn nay dư thừa thì chính sách zero-Covid Tập Cận Bình trở thành lỗi thời và không có lợi, đó là chưa kể thiệt hại kinh tế và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng do chính sách này gây ra. Số chuyến bay nội địa ở Trung Quốc giảm 45% so với cùng thời kỳ năm ngoái, vận chuyển hàng hóa đường bộ giảm 33% và việc sử dụng giao thông công cộng tại các thành phố lớn giảm 32%. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp tại đô thị là khoảng 18%, gần gấp đôi so với năm 2018. Trái ngược với tình trạng lây nhiễm lên tới đỉnh điểm vào mùa xuân vừa qua, các biện pháp hạn chế hiện đang được áp dụng ở tất cả các thành phố lớn. Một số nơi các biện pháp phong toả lúc đóng lúc mở đã kéo dài trong nhiều tháng. Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi nhiều người dân Trung Quốc đã xuống đường biểu tình mặc dù có nhiều nguy cơ họ sẽ bị bắt bỏ tù.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Và vì vậy, Tập Cận Bình đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: kiểm soát dịch bệnh đã gây nhiều thiệt hại hơn về mặt xã hội và kinh tế, nhưng để giảm nhẹ thiệt hại thì lại có nguy cơ dịch bệnh hoành hành. Tệ hơn nữa, sự chịu đựng của người dân trong chính sách phong toả ngày càng không còn bao nhiêu trong khi sự nghi ngờ của họ về chính sách này ngày càng rõ rệt hơn.

Tập có thể phải trả giá

Khi quyền lực được thâu tóm vào trong tay của một lãnh tụ duy nhất thì hệ lụy còn lớn hơn cả Covid. Bằng cách biến chính sách zero-Covid thành một cuộc trắc nghiệm về lòng trung thành, Tập Cận Bình đã biến một cuộc khủng hoảng sức khỏe thành một cuộc khủng hoảng chính trị. Bằng cách giữ vững lập trường zero-covid bất chấp những ảnh hưởng xấu đối với nền kinh tế, Tập đã gây nên sự nghi ngờ về tính chính đáng của đảng trong việc tiếp tục duy trì hệ thống độc đảng tại Trung Quốc – rằng chỉ có đảng mới có thể bảo đảm sự ổn định và thịnh vượng.

Sự thử thách về quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình đến vào đúng thời điểm xấu nhất. Mùa đông là thời gian mà những căn bệnh về đường hô hấp như Covid lây nhiễm dễ nhất. Người dân Trung Quốc theo dõi giải World Cup nhận thấy điều thực tế trước khi hệ thống kiểm duyệt của nhà nước có thể chặn lại là trong khi họ bị phong toả thì người dân ở những quốc gia khác được tự do và không bắt buộc phải đeo khẩu trang. Trong khi thế giới chấp nhận sống với Covid thì sự thất bại của chính sách zero-Covid không chỉ là một sai lầm nguy hiểm đến tính mạng của người dân mà còn là sự bẽ mặt của một chính quyền toàn trị luôn tỏ ra kiêu ngạo rằng chỉ có mình mới là đúng nhất.

Trong mười năm đầu cầm quyền, Tập Cận Bình đã gia tăng việc kiểm soát chính trị và kinh tế mà không phải trả giá cho bất kỳ thất bại nào. Tình hình Covid và sự tức giận của người dân hiện nay có thể làm đảo lộn tất cả những điều đó.

Chính sách zero-Covid gây nhiều hệ luỵ cho kinh tế và xã hội Trung Quốc – Getty Images

VH