Trong số tất cả những hỗ trợ quân sự nước Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến tự vệ hiện nay, món quà 5,500 hoả tiễn Javelin có lẽ được hoan nghênh nhất. Đây là loại hoả tiễn chống tăng hạng nhẹ mà quân đội Ukraine đã và đang sử dụng rất hiệu quả để ngăn chặn, và cuối cùng đẩy lui, cuộc tiến công của Nga vào thủ đô Kyiv của họ.

Hoả tiễn Javelin, biểu tượng kháng cự của Ukraine – nguồn The Times of Israel 

Javelin có được sự kết hợp gồm sức công phá và độ chính xác khiến cho quân địch phải khiếp sợ. Nó là thứ vũ khí rất dễ sử dụng, chỉ cần bắn không cần nhắm (fire and forget), nhờ vậy cho phép người lính nhanh chóng tìm chỗ ẩn nấp sau khi bấm cò. Hoả tiễn Javelin có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hơn 3 cây số và nhắm bắn trúng nóc của xe tăng – là phần yếu nhất của xe bọc thép này.

Tính tổng cộng, nước Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine hơn 60,000 vũ khí chống tăng đủ loại. Trong số đó bao gồm không chỉ Javelin mà còn có Panzerfaust của Ðức và Next-generation Light Anti-tank Weapons (Vũ khí chống tăng nhẹ thế hệ mới – NLAWs) của Vương quốc Anh và Thuỵ Ðiển. Cùng với một số loại vũ khí khác, tất cả các vũ khí nói trên đều tỏ ra rất hữu hiệu trên chiến trường.

Theo Ornyx, một trang blog tự do chuyên về tin tình báo, cho tới thời điểm này đã có hơn 3,000 xe tăng và các loại xe bọc thép khác đã bị phá hủy, bị hư hại, bị bỏ rơi hoặc bị bắt. Tuy nhiên, với các lực lượng quân đội Nga nay đang thu hẹp trọng tâm của họ vào khu vực Donbas thuộc miền đông Ukraine, những loại vũ khí nói trên vẫn còn cần tiếp tế thêm cho quân đội Ukraine. Theo Mark Cancian, cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), quân đội Nga vẫn còn hơn 10,000 xe bọc thép đủ loại đang hoạt động (với nhiều ngàn xe khác trong kho).

Những điều trình bày ở trên cho thấy ý chí để giúp Ukraine đạt chiến thắng thì không thiếu nhưng chỉ sợ vũ khí sản xuất không kịp. Theo số liệu có được từ tài liệu về ngân sách quân đội, nước Mỹ đã đặt mua khoảng 34,500 hoả tiễn Javelin kể từ khi loại vũ khí này được tung ra sử dụng năm 1996. Số súng đặt mua tăng lên đáng kể vào đầu thập niên 2000 khi nước Mỹ bị kẹt trong hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, kể từ đó trở đi tốc độ đặt mua hàng đã giảm.

Máy bay không người lái Switchblade đang được phóng đi – nguồn 19fortyfive.com

Chính phủ Mỹ không công bố thông tin chi tiết về số lượng Javelin hiện có trong kho. Nhưng theo ông Cancian thuộc trung tâm CSIS, tính đến thời điểm hiện tại nước Mỹ đã sử dụng từ 12,500 đến 17,500 hoả tiễn cho việc huấn luyện và thử nghiệm. Ðiều đó có nghĩa là nay còn khoảng từ 17,000 đến 22,000 Javelin trong kho vũ khí của Mỹ – không kể số vũ khí đã được đưa ra ngoài chiến trường. Trừ đi khoảng 7,000 Javelin hoặc nhiều hơn mà ông Cancian ước tính nước Mỹ đã bán hoặc tặng cho Ukraine kể từ năm 2018, và vì vậy hiện trong kho có thể chỉ còn khoảng 10,000. Nói cách khác, nước Mỹ có thể đã cho đi hết khoảng một phần ba số lượng Javelin có trong kho của họ.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Và không chỉ Ukraine cần hoả tiễn Javelin. Các đồng minh Âu Châu cũng đang tái vũ trang quân đội của họ. Việc bổ sung kho dự trữ của Mỹ sẽ mất nhiều thời gian. Xưởng máy Lockheed Martin tại Alabama, nơi sản xuất Javelin, được thiết kế để chế tạo khoảng 2,100 hoả tiễn một năm, và thông thường mất khoảng 32 tháng từ khi nhận được đơn đặt hàng cho tới ngày giao hàng. Về lý thuyết, con số hoả tiễn được sản xuất có thể tăng lên 6,480 chiếc một năm nếu tăng thêm ca, nhưng các nhà sản xuất vũ khí hiện đang gặp khó khăn trong việc tìm công nhân cũng như đồ phụ tùng – đặc biệt là chất bán dẫn.

Nước Mỹ hiện nay cũng còn nhiều vũ khí Stinger, là loại hoả tiễn chống tăng di động mang theo trên người với nhiều bộ phận cũ cần phải thay thế và nay rất khó tìm. Nhiều chuyên gia về quốc phòng cho rằng tình trạng thiếu hụt nói trên là lời cảnh báo về sự đầu tư không đầy đủ của Mỹ vào việc sản xuất vũ khí, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc.

Mà nhắc đến Trung Quốc nhiều người không khỏi không liên tưởng tới một quốc gia nhỏ khác cũng nằm trong hoàn cảnh giống Ukraine mà từ lâu luôn bị đe doạ về an ninh: Ðài Loan.

Tinh thần chiến đấu của quân đội Ðài Loan có lẽ cũng không thua kém quân đội Ukraine, nhưng cũng như Ukraine, họ cần có vũ khí để tự vệ và nước Mỹ cần bán thêm cho họ cho dù Trung Quốc có nói gì hoặc làm áp lực gì đi nữa. Về phần Ðài Loan, họ cũng cần phải tăng thêm ngân sách quốc phòng.

Hơn 3,000 xe tăng và xe bọc thép của Nga đã bị huỷ diệt tại cuộc chiến Ukraine – nguồn Getty Images

Theo nhận định của hai tác giả Phil Gramm và Roger Wicker, kinh tế của Ðài Loan lớn hơn của Israel tới hai phần ba, nhưng Ðài Loan dành cho ngân sách quốc phòng tính theo tỷ lệ phần trăm tổng sản lượng nội địa (GDP) lại ít hơn Israel tới hai phần ba. Ðiều này có nghĩa là sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Ðài Loan là không thể tiếp tay để Ðài Loan lơ là trong việc bảo vệ chính họ.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Ðiều may mắn là kỹ thuật hiện đại sẽ giúp Ðài Loan có đủ khả năng mua được vũ khí tương đối dễ dàng mà lại gây tổn thất cao cho phía xâm lược. Sự kháng cự anh dũng của quân đội Ukraine cho thấy phía quân tự vệ, cho dù là một nước nhỏ, nhưng với tinh thần chiến đấu bất khuất cộng với vũ khí kỹ thuật cao có thể khiến cho những toan tính của phía xâm lược, cho dù đó là một cường quốc quân sự, phải gặp nhiều trở ngại.

Chỉ cần hai hoả tiễn Neptune quân đội Ukraine đã đánh chìm soái hạm Moskva của hải quân Nga tại Hắc Hải. Với 400 hoả tiễn Harpoon của Hoa Kỳ, phí tổn chỉ bằng 0.3% GDP, Ðài Loan có thể tấn công bất kỳ tàu chiến nào của Trung Quốc tại eo biển Ðài Loan. Thuỷ lôi hiện đại thậm chí còn ít tốn kém hơn, và loại máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, chứng tỏ rất hiệu quả trong cuộc chiến Ukraine, có giá thành dưới $2 triệu một chiếc. Với số tiền $250 triệu Ðài Loan có thể mua được 5,000 máy bay không người lái “thần phong” cánh xoè cánh chụp Switchblade của Hoa Kỳ, là loại vũ khí có thể tàn phá tàu đổ bộ, xe bọc thép và tàu tấn công nhỏ.

Ðài Loan hiện đã có hai tiểu đoàn hoả tiễn Patriot và số tiền $3 tỷ thêm vào ngân sách quốc phòng có thể tăng gấp đôi khả năng phòng không của họ. Hoả tiễn Stinger, mang lại rất nhiều hiệu quả tại cuộc chiến Ukraine, chỉ tốn $400 triệu cho 1,000 hoả tiễn. Ðến năm 2026, Ðài Loan sẽ có hơn 200 chiến đấu cơ F-16, trong đó có khoảng 70 chiếc là loại mới nhất. Ðó là chưa kể thêm vào một số chiến đấu cơ F-16 và các loại máy bay cũ khác của Hoa Kỳ có thể bán với giá rẻ mạt.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Với những đầu tư kể trên, Ðài Loan có thể tập trung nhiều vào việc huấn luyện sử dụng các hệ thống vũ khí mới này. Ðài Loan cũng cần xem xét việc chuyển đổi quân đội của họ từ chính sách nghĩa vụ hiện tại thành một lực lượng tình nguyện nhỏ hơn để thích ứng tốt hơn với một hệ thống phòng thủ dựa trên sức mạnh của kỹ thuật hiện đại.

Những loại vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ và đồng minh đang giúp Ukraine tự vệ một cách hữu hiệu cũng sẽ giúp Ðài Loan có đủ khả năng để bảo vệ nền độc lập cho đảo quốc, và có thể khiến cho những toan tính tấn công Ðài Loan của Bắc Kinh phần nào bớt hung hăng hơn. Ðó là chưa kể Trung Quốc đang sở hữu một quân đội không có kinh nghiệm chiến đấu vì chưa từng thực sự tham chiến trong vòng mấy chục năm qua mà chỉ chuyên đi bắt nạt những tàu đánh cá nhỏ của ngư phủ Việt Nam và mấy quốc gia nhỏ vùng Ðông Nam Á.

VH