Năm 2012, một công ty quốc doanh Trung Quốc hoàn tất xong công việc xây dựng nhà ga xe lửa ở thị trấn Luena thuộc miền trung Angola và lắp đặt một bảng điện tử được điều khiển bằng máy điện toán để thông báo cho hành khách biết lịch trình đến và đi của các chuyến tàu hoả và giá vé. Sau đó, các nhân viên nhà thầu bỏ về Trung Quốc và vô tình hay cố ý đã không cho ai biết mật khẩu của hệ thống máy điện toán.
Vì thế suốt hơn chục năm qua, tấm bảng điện tử đó vẫn tiếp tục một cách bướng bỉnh thông báo cho hành khách lịch trình các chuyến tàu và giá vé của năm … 2012. Báo hại các nhân viên hoả xa trong nhiều năm sau đó cứ phải giải thích cho khách hàng những thông tin trên tấm bảng đó là sai và cuối cùng không ai thèm chú ý tới những gì ghi trên đó.
Sự tắc trách và phẩm chất kém trong việc xây dựng của công ty Trung Quốc dọc theo hành lang đường sắt quan trọng xuyên ngang Angola – được gọi là Hành lang Lobito (nối Lobito với Luau, sát biên giới Congo) – đã giúp tạo cơ hội bất ngờ mở ra cánh cửa cho Hoa Kỳ bước vào cạnh tranh và thách thức sự thống trị thương mại của Bắc Kinh ở một nơi khó có thể xảy ra nhất: Angola, một quốc gia thuộc khu vực phía nam Phi Châu, từng là thành trì vững chắc của khối cộng sản trước đây, và là quốc gia vay nợ lớn nhất của Trung Quốc tại lục địa cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Năm 2022, Angola từ chối đề nghị của Trung Quốc nhằm khôi phục và điều hành công việc vận chuyển hàng hóa dọc tuyến Hành lang Lobito. Thay vào đó, chính phủ Angola nhượng bộ quyền quản lý và điều hành tuyến đường sắt này trong 30 năm cho một tập đoàn Âu Châu do Hoa Kỳ hậu thuẫn, dưới tên chung là Lobito Atlantic Railway, với sự hứa hẹn là sẽ vận chuyển nhiều triệu tấn khoáng sản năng lượng xanh như đồng, mangan và coban (cobalt) từ Congo đến bờ biển Đại Tây Dương của Angola.
Chính phủ Hoa Kỳ đang chuẩn bị kế hoạch cho vay $250 triệu cùng với uy tín về sự minh bạch của Hoa Kỳ để bảo đảm dự án Hành lang Lobito trị giá $1.7 tỷ đạt được thành công.
Trong suốt một thập niên qua, có thể nói Hoa Kỳ đứng bên lề chứng kiến công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng trong dự án Nhất đới Nhất lộ của Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên khắp lục địa Châu Phi giàu tài nguyên. Gần đây Nga cũng đã giành được ưu thế khi lực lượng lính đánh thuê Wagner liên kết với Điện Kremlin cung cấp hỗ trợ quân sự cho một số chính phủ Châu Phi – và sau đó cho phép Wagner khai thác vàng, kim cương và các vật liệu khác tại những quốc gia đó.
Chính phủ Biden coi việc cải thiện mối quan hệ thương mại với Châu Phi là một trong những ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại. Theo một số giới chức Hoa Kỳ, chiến thắng trên con đường sắt nói trên, cùng với một số hợp đồng kinh doanh khác đạt được gần đây của phương Tây, cho thấy Hoa Kỳ và các đồng minh có thể giữ vững vị thế và tạo thêm ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở Châu Phi trong tương lai.
Ngân hàng Xuất nhập cảng Hoa Kỳ (EXIM) đang cho Angola vay $900 triệu để mua thiết bị của Hoa Kỳ cho các dự án năng lượng mặt trời dự kiến sẽ đủ khả năng cung cấp điện cho nửa triệu ngôi nhà. Vào tháng 9 năm ngoái, ngân hàng này cũng đã phê duyệt bảo đảm khoản vay nợ trị giá $363 triệu để hỗ trợ cho công ty Acrow Corp. of America có trụ sở tại New Jersey bán các cây cầu bằng thép cho chính phủ Angola.
Tháng 12 vừa qua, tập đoàn đường sắt All-American Rail Group có trụ sở tại Texas đã ký một biên bản ghi nhận với chính phủ Angola để nghiên cứu việc nâng cấp tuyến đường sắt song song với tuyến Hành lang Lobito tới Congo chạy xuyên qua khu vực miền bắc Angola. Bộ Giao thông Angola đưa ra khoản đầu tư tiềm năng liên quan đến dự án ở mức $4.5 tỷ và tập trung nhiều hơn vào ngành thương mại nông nghiệp.
Hoa Kỳ ghi nhận Tổng thống João Lourenço của Angola đã có nhiều nỗ lực trong việc nhanh chóng hâm nóng mối quan hệ giữa hai quốc gia, vốn từng đứng ở vị trí đối đầu nhau trong thời gian chiến tranh lạnh.
Angola được trao trả độc lập từ Bồ Đào Nha năm 1975 và ngay sau đó rơi vào một cuộc nội chiến giữa các phe phái cạnh tranh. Cuối cùng phe thiên tả được cầm đầu bởi José Eduardo dos Santos thắng thế và lên cầm quyền vào năm 1979, đưa Angola gia nhập khối cộng sản quốc tế.
Dos Santos chấm dứt 38 năm cầm quyền vào năm 2017, với một Angola bị mang tiếng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Ông ta cũng để lại những khoản nợ khổng lồ, phần lớn là nợ Trung Quốc (tổng cộng $42.6 tỷ). Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chính phủ Angola đã phải chi hơn 60% doanh thu của cả nước chỉ để trả nợ.
Lourenço, cựu Bộ trưởng quốc phòng của Dos Santos, lên kế nhiệm và bắt tay vào nỗ lực chống tham nhũng. Mặc dù trong quá khứ là một quốc gia cộng sản với những chính sách cực tả, Lourenço bắt đầu cải cách và đưa ra những chính sách thân Tây phương.
Một số giới chức cao cấp của Hoa Kỳ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đã đến Angola gần đây. Chuyến viếng thăm chính thức của Lourenço tới Toà Bạch Ốc hồi cuối tháng 11 được xem như một cuộc đảo chính chính trị. Thậm chí Tổng thống Biden còn gợi ý rằng ông rất có thể sẽ thực hiện một chuyến đi tới Angola.
Sau khi China Railway 20 Bureau, gọi tắt là CR20, một đơn vị của tập đoàn xây dựng đường sắt China Railway Construction Corp., giành được hợp đồng xây dựng hệ thống đường sắt mới với 68 nhà ga và lắp đặt hệ thống thông tin và an toàn được điện toán hóa dọc theo tuyến đường Lobito-Luau. Dự án này bắt đầu vào năm 2006, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2007, theo một bức điện tín của đại sứ quán Hoa Kỳ lúc đó do WikiLeaks công bố. Thay vào đó, CR20 phải mất thêm một thập niên nữa mới hoàn tất công việc với rất nhiều thiếu sót và lầm lỗi. Theo các kỹ sư, nhiều đoạn đường sắt được nối bằng các tấm kim loại chứ không được hàn lại với nhau nên dễ bị cong vênh, và mỗi năm trung bình có khoảng 10 vụ xe lửa bị trật đường rầy.
Với hợp đồng mới, người ta dự đoán lưu lượng vận chuyển hàng hoá trên tuyến đường Lubito-Luau sẽ tăng gấp ba lên 1.5 triệu tấn mỗi năm vào năm thứ 5 kể từ thời điểm nhượng quyền quản lý và 5 triệu tấn vào năm 20. Tập đoàn Lobito Atlantic Railway kỳ vọng phần lớn hoạt động kinh doanh đó sẽ đến từ việc vận chuyển chất lưu huỳnh đến Congo để sử dụng trong các mỏ; sau đó đồng, coban và mangan được khai thác từ Congo sẽ được vận chuyển tới Lobito để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng trên toàn cầu cần tới những khoáng sản nói trên cho kỹ thuật năng lượng sạch.
Hiện nay, những chiếc xe tải chở các tấm đồng từ Congo phải mất một tháng hoặc hơn mới đến được các bến cảng ở Durban, Nam Phi, hoặc Dar es Salaam, Tanzania, do nạn cướp cạn và đường sá xấu. Một khi tập đoàn Lobito Atlantic Railway hoàn tất xây dựng và sửa sang tuyến đường sắt Lobito-Luau và phần đường sắt bên phía Congo được dọn dẹp sạch, các khoáng chất từ các mỏ đồng của Congo sẽ đến bờ biển Đại Tây Dương của Châu Phi chỉ mất 8 ngày.
Vào tháng 10 vừa qua, Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận với Angola, Zambia, Liên Âu và các cơ quan tài chính quốc tế để nghiên cứu tính khả thi của việc vận hành các tuyến đường sắt mới từ Angola đến các khu vực khai thác đồng của Zambia, sát biên giới phía đông Angola và phía nam Congo.
Sau hết, Hoa Kỳ còn nhìn xa hơn nữa với hành lang đường sắt nói trên sẽ chạy xuyên qua Zambia dẫn tới Tanzania nằm trên bờ biển Ấn Độ Dương của Châu Phi.
Phải chăng Hành lang Lobito là vết nứt đầu tiên trong dự án Nhất đới Nhất lộ của Trung Quốc tại lục địa với dân số hơn 1.2 tỷ người này.
VH