Nó là một trong những hình ảnh biểu tượng của chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh chụp của Hubert van Es ghi lại cảnh chiếc trực thăng quân sự đậu trên nóc toà đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trong khi những người Mỹ đang bước lên cầu thang trong tình thế tuyệt vọng để kiếm một chỗ ngồi trên chuyến bay cuối cùng thoát ra ngoài.

Có điều, đó không phải là chiếc trực thăng quân sự, cũng không phải nóc toà đại sứ, những người đang bước lên cầu thang không phải là người Mỹ và chiếc trực thăng đó cũng không phải là chuyến bay cuối cùng trước khi Sài Gòn sụp đổ.

Và có lẽ điều ngạc nhiên hơn hết, bức ảnh đó không hẳn là nói về sự thất trận của người Mỹ tại Việt Nam.

Trong cuốn sách “Honorable Exit” của sử gia Thurston Clarke được xuất bản hồi năm ngoái, tác giả đã dành ra nhiều trang để kể lại câu chuyện thật về bức ảnh nổi tiếng đó. Clark đưa ra nhiều chi tiết mới mẻ về bức ảnh cùng với câu chuyện kể khá đầy đủ về những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

Phi công O.B. Harnage đang với tay giúp đưa những người di tản Việt Nam rời khỏi Sài Gòn ngày 29 Tháng Tư 1975 – nguồn Bettman Archive

Đầu năm 1975, tình hình của Nam Việt Nam ngày càng trở nên ảm đạm. Cộng quân tiếp tục đẩy mạnh về phía nam, lấn chiếm dần lãnh thổ thuộc Việt Nam Cộng hoà gây nên cảnh cực kỳ hỗn loạn với hàng trăm ngàn người tỵ nạn miền trung cố tìm đường thoát thân.

Sau khi Đà Nẵng thất thủ, World Airlines, một công ty thầu khoán của quân đội Mỹ có nhiệm vụ đưa rước lính và quân cụ ra vào Việt Nam, đã thử tổ chức một cuộc di tản vào Tháng Ba bằng phi cơ để bốc người ra khỏi thành phố, đưa tới một cảnh tượng hỗn loạn trong khi nhiều người Việt Nam trong cơn hoảng hốt tìm cách chen lấn để có thể lọt được vào bên trong khoang máy bay.

Chiếc phi cơ, dưới làn đạn hoả lực khá mạnh từ phía cộng quân, đã tìm cách cất cánh lên được, nhưng những người đang cố bám víu bên ngoài sườn phi cơ đã không thể bám được lâu hơn nữa trong khi phi cơ tăng dần cao độ đã từ từ rơi rớt, và cảnh tượng hãi hùng bên dưới là nhiều xác chết nằm phơi mình rải rác dọc theo phi đạo.

Khi Tổng thống Gerald Ford xem được đoạn phim ghi lại những hình ảnh bi thảm tại phi trường Đà Nẵng, ông đã nói với một người bạn, “Thế là hết. Đây là thời điểm cần phải chấm dứt. Việt Nam đã mất.”

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Clarke viết trong sách, “Những bản tin, ảnh chụp và những đoạn phim về Đà Nẵng …đã được phát đi khắp nơi trong nước Mỹ. Thay vì gây nên những mối thương cảm của người dân Mỹ, những tin tức đó đã thuyết phục họ tin tưởng rằng Hoa Kỳ tránh không nên quay trở lại tham dự vào cuộc chiến, kể cả những việc làm nhân đạo, và kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Mỹ chống lại việc nhận người tị nạn Việt Nam vào Mỹ.”

Phóng viên ảnh Hugh van Es – nguồn AP

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã chọn con đường khác. Họ cấp tốc thành lập một kế hoạch di tản càng nhiều người Việt Nam càng tốt nếu có thể và sau đó cho họ tái định cư ở Mỹ.

Một danh sách những người Việt Nam cần được di tản đã được soạn ra, trong đó bao gồm nhiều sĩ quan cao cấp, nhân viên thông dịch và những người có nguy cơ có thể bị trả thù.

Ngày 27 Tháng Tư 1975, các đoàn quân cộng sản Bắc Việt đã khép chặt vòng vây quanh Sài Gòn và một cuộc tấn công chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi. Cảnh tượng hỗn loạn nổ ra trong khi người dân Sài Gòn tranh nhau tìm đường thoát. Họ cố tìm cách để lọt được vào toà đại sứ Mỹ với hy vọng có thể được bốc ra khỏi Sài Gòn.

Chính phủ Mỹ cuối cùng đã cho khởi sự chiến dịch có tên gọi là “Frequent Wind”, dùng trực thăng bốc người di tản từ Sài Gòn đưa tới các chiến hạm Mỹ đậu ngoài khơi và sau đó mang họ đến Mỹ.

Khoảng đầu Tháng Tư, người Mỹ đã cho trinh sát các nóc nhà ở Sài Gòn có thể làm nơi dùng để đáp trực thăng, và họ chọn được 13 địa điểm. Các công ty thầu khoán của quân đội Mỹ đã đến cho tháo gỡ các cột cờ và dây phơi quần áo xuống, và cho xây dựng bất kỳ hình thức kiến trúc nào cần thiết để dùng làm bãi đáp cho trực thăng.

Ngày 29 Tháng Tư, nhiều chiếc trực thăng xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn, được bay tới các địa điểm để bốc người di tản. Những chiếc UH-1 Huey này được trực tiếp điều hành bởi Air America, một nhánh hoạt động bí mật của CIA. Hầu hết tất cả các phi công được mời tham gia đều nhận lời và người ta chọn ra 31 người tình nguyện bay những phi vụ cuối cùng đầy hiểm nguy một ngày trước khi cuộc chiến kết thúc.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Ngoài toà đại sứ, một trong những điểm bốc là khác sạn Lee tại số 6 Công trường Chiến sĩ. Tại đây, đại sứ Graham Martin đã cho quy tụ một nhóm khách VIP cho cuộc di tản.

Điều khiển một trong những chiếc trực thăng hôm ấy là O.B. Harnage, một sĩ quan CIA có nét bề ngoài ngang tàng đầy nam tính, trên môi luôn gắn điếu xì gà, uống rượu như hũ chìm và một mắt bịt kín do bị thương tích bởi một mảnh đạn trong thời Đệ nhị Thế chiến.

Bìa sách Honorable Exit của Thurston Clarke – nguồn Thurston Clarke

Chiếc trực thăng của Harnage vừa đáp được trên nóc khách sạn Lee thì ngay lập tức bị tràn ngập bởi những người Việt Nam đang trong cơn tuyệt vọng. Sau khi khách sạn Lee không còn an toàn, giám đốc CIA tại Sài Gòn yêu cầu Harnage đến bốc người tại địa chỉ 22 đường Gia Long. Đây là một khu chung cư mà tầng cao nhất được dùng làm nơi cư ngụ cho nhân viên CIA.

Các khách VIP và nhiều người Việt Nam khác được được tụ tập tại địa điểm với hy vọng được bốc đi. Những chiếc cầu thang được đóng bằng gỗ và được nối lên phía trên nóc che trục quay cầu thang máy của toà nhà.

Harnage thực hiện được ba chuyến bốc người, mỗi chuyến được nén chặt với 20 người ngồi bó gối. Để có đủ chỗ cho mọi người, Harnage phải đứng bên ngoài càng máy bay, một tay điều khiển tay lái trong khi tay kia nắm chặt khẩu trung liên.

Giám đốc CIA ra lệnh ưu tiên bốc những khách VIP trước, nhưng Harnage quyết định ai tới trước thì được lên trước, không phân biệt bất kỳ ai. Một số cha mẹ không lên được đã trao cho ông những đứa con nhỏ của họ với dòng nhắn gửi viết trên những mảnh giấy được cài vào áo của chúng mà khi đọc lên như muốn vỡ toang cả lồng ngực: “Con trai tôi muốn trở thành một bác sĩ” hay “Con gái tôi rất có khiếu về âm nhạc.”

Trong lần đáp thứ tư tại địa chỉ đường Gia Long, van Es lúc đó đang ngồi trong văn phòng của hãng thông tấn United Press International (UPI) cách đó khoảng bốn con đường khi một đồng nghiệp kêu to, “Van Es, ra đây! Có chiếc trực thăng trên nóc nhà!”

Van Es sinh ra và lớn lên tại Hoà Lan và đã quyết định trở thành phóng viên ảnh sau khi được xem những bức ảnh chụp Frank Capra, một đạo diễn Hollywood và cũng từng đi lính thời Đệ nhất Thế chiến. Lúc đầu ông làm việc tại Hồng Kông cho tờ South China Morning Post trước khi tới Việt Nam làm việc cho NBC, và sau đó cho UPI.

Phi công O.B. Harnage – nguồn Courtesy of Melissa Urreiztieta

Sau khi nghe bạn kêu, van Es vồ lấy chiếc máy ảnh Nikon và ống kính 300mm và bắt đầu bấm lia lịa.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Bức ảnh được gửi đi khắp thế giới cho thấy cảnh Harnage, mặc trên người chiếc sơ mi trắng và răng cắn chặt điếu xì gà, đưa tay xuống dưới cầu thang nắm lấy tay Thiet-Tan Nguyen, một bác sĩ trẻ sau này trở thành bác sĩ gây mê tại California.

Kế đến là Tong Huynh, một bác sĩ khác sau này định cư gần Atlanta. Đứng đằng sau là một cô bé vóc người mảnh khảnh tên Tuyet-Dong Bui, người sau này tốt ngiệp với mảnh bằng ngành vi sinh học trước khi trở thành nhà nghiên cứu kỹ thuật sinh học.

Đứng phía dưới cô là người anh ruột, trước đó không lâu đã đổi chiếc xe gắn máy của anh cho một người tài xế của một sĩ quan cao cấp để được nhường chỗ lọt vào bên trong toà nhà.

Cũng trên những bực thang hôm đó trong bức ảnh còn có Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn của chính phủ Việt nam Cộng hoà.

Bức ảnh đánh dấu chuyến bốc người cuối cùng mà Harnage có thể bay tới được địa điểm, bỏ lại phía sau nhiều chục người còn đang ngơ ngác nhìn lên bầu trời chờ một chiếc trực thăng không bao giờ xuất hiện lại nữa.

Những chuyến bay bốc người di tản vẫn tiếp tục ở những nơi khác qua suốt một đêm. Kết quả, chiến dịch Frequent Wind đã đưa được 1,373 người Mỹ và 5,595 người Việt rời khỏi Sài Gòn trong khoảng thời gian chưa tới 24 tiếng.

Harnage trở về Mỹ và trở thành một chuyên viên địa ốc. Ông mất năm 2008. Van Es được trả thù lao $150 cho bức ảnh. Ông tiếp tục đi săn ảnh tại nhiều nơi có xung đột khác sau đó, và mất năm 2009.

Sử gia Thurston Clarke cho biết ông hy vọng bức ảnh nổi tiếng của van Es được độc giả xem lại qua một lăng kính mới.

Ý nghĩa của bức ảnh đã bị hiểu lầm như một bằng chứng về cuộc thất trận đầu tiên của người Mỹ và cuối cùng là họ dẫm đạp lên nhau tìm đường tẩu thoát trên nóc toà đại sứ vì nó thích hợp với những gì được tường thuật bởi giới truyền thông thời đó. Nhưng điều thật sự xảy ra trên nóc toà nhà được ghi lại trong bức ảnh chính là khoảnh khắc nói lên lòng can đảm của các phi công trực thăng đã không quản ngại nguy hiểm bay đến cứu vớt đi những con người đang trong cơn cùng cực của tuyệt vọng.

(Viết theo tờ the New York Post)

VH

Arlington, TX