Ngày 1 tháng 7 năm nay, đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mừng kỷ niệm sinh nhật thứ 100 và họ không bỏ lỡ cơ hội để khoe nhiều thành quả mà họ cho là đã đạt được như: nắm giữ nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới; một quân đội được trang bị với kỹ thuật cao và ngày càng mở rộng, trong đó có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới; các thành phố hiện đại tinh vi với tầng lớp trung lưu thuộc giới kinh doanh ngày càng đông; và các trường đại học và trung tâm nghiên cứu có tiềm năng sẽ dẫn đầu trong các ngành kỹ nghệ quan trọng trong thế kỷ sắp tới.

Bộ mặt thật đảng cộng sản Trung Quốc – nguồn Rebel Pepper/RFA 

Tuy nhiên, ÐCSTQ vẫn lo lắng và điều này có lý do của nó. Rõ ràng hiện nay đang có sự căng thẳng giữa hai xu hướng: lo bảo vệ quyền lợi đảng và mục tiêu dài hạn đối với quốc gia. Ðến năm 2049 sẽ là dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, ÐCSTQ đã tuyên bố rằng tham vọng của họ là đưa Trung Quốc tiến lên trở thành một “nước xã hội chủ nghĩa hùng cường, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại.” Nhưng điều đó sẽ đưa đến một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với đảng là vì công dân của một quốc gia phát triển cao như vậy khó có thể chấp nhận một sự kiểm soát đầy ấu trĩ mà chế độ ngày càng tỏ ra độc tài này muốn áp đặt lên cuộc sống của họ. Một sự thay đổi mang tính cách thế hệ đang diễn ra tại Trung Quốc, với những giá trị truyền thống đang nhường chỗ cho thái độ tự do cởi mở hơn, và điều này không có lợi cho tương lai dài hạn của đảng.

Một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp như vậy không hẳn là mới xảy ra lần đầu trong lịch sử lâu dài của đảng. Họ đã từng đứng trước bờ vực của thảm họa nhiều lần, và mỗi lần như vậy họ lại tìm ra được những lối thoát để tồn tại và tiếp tục cai trị một đất nước hơn một tỷ dân.

Xem thêm:   Ham & hố

Theo nhận định trong một bài xã luận của tờ The Economist, ÐCSTQ đã có thể duy trì được quyền lực lâu dài vì ba lý do sau đây. Thứ nhất, là họ tàn bạo. Ðúng ra là họ có tỏ ra bối rối trước khi quyết định đè bẹp các cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Nhưng cuối cùng họ đã đáp trả những người biểu tình trong tay không tấc sắt bằng súng đạn, buộc toàn thể dân chúng trong nước phải khuất phục trước họ.

Các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc hoàn toàn không tỏ ra có dấu hiệu gì cho thấy là họ sẽ chùn tay khi cần phải phát động một cuộc thảm sát khác.

Lý do thứ hai cho sự trường tồn của đảng là vì họ biết uyển chuyển về ý thức hệ. Mao chết năm 1976 và chỉ hai năm sau, lãnh tụ mới là Ðặng Tiểu Bình đã bắt đầu phá bỏ những chính sách sai lầm của Mao như “công xã nhân dân” với kết quả là huỷ diệt toàn bộ hệ thống sản xuất. Chủ thuyết của Mao bị xếp xó, nhưng sản xuất thì tăng vọt. Trước tình trạng sụp đổ của thế giới cộng sản, Ðặng chấp nhận xích lại gần với tư bản để cứu đảng.

Một nạn nhân thời chính sách Đại nhảy vọt của Mao – nguồn Topfoto

Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, đảng lại thay đổi một lần nữa và tập trung vào tư tưởng chính thống. Vị tiền nhiệm của Tập còn cho phép có những tiếng nói bất đồng tương đối, còn Tập thì đập thẳng tay. Mao một lần nữa lại được tôn sùng. Các cán bộ của Ðảng phải thấm nhuần “tư tưởng Tập Cận Bình”. Bộ máy hành chính, quân đội và cảnh sát trải qua những cuộc thanh trừng nhắm vào những quan chức bị cho là lệch lạc và tham nhũng. Các doanh nghiệp lớn của tư nhân đang bị đưa vào hệ thống kiểm soát của nhà nước. Tập cho xây dựng lại đảng từ cơ sở, lập ra cả một mạng lưới hàng xóm dò xét lẫn nhau và đưa cán bộ vào các công ty tư nhân để theo dõi họ. Kể từ khi Mao chết cho đến nay xã hội Trung Quốc chưa từng bị kiểm soát chặt chẽ đến như vậy.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Và lý do thứ ba là Trung Quốc không hoàn toàn biến thành một chế độ đạo tặc, nơi mà tất cả tài sản đất nước bị lọt vào trong tay của một nhóm thiểu số quyền lực hoặc có quan hệ. Tệ nạn tham nhũng có tràn lan, và hầu hết các gia đình quyền thế nhất thực sự là những gia đình hết sức giàu có. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng cảm thấy cuộc sống của họ được cải thiện, và đảng đủ thông minh để nhận ra những đòi hỏi của họ. Ðiều này thì ta có thể hiểu được là vì sống qua thời kỳ Mao họ đã bị nạn đói đe doạ triền miên, nay cuộc sống tạm đủ ăn đủ mặc thì tâm lý chung là người ta cảm thấy thoả mãn.

Trong nhiều năm qua, nhiều nhà quan sát phương Tây đã tìm ra đủ mọi lý do để tiên đoán sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc. Một điều chắc chắn cuộc sống của người dân dưới sự kiểm soát chặt chẽ của một nhà nước độc đảng sẽ không phù hợp trong một nền kinh tế hiện đại đòi hỏi phải có tự do. Một ngày nào đó, sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ hết hơi, đưa đến tình trạng thất vọng và phản đối trong xã hội. Và nếu trường hợp này không xảy ra thì tầng lớp trung lưu đông đảo do nền kinh tế tăng trưởng tạo ra cũng chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn – đặc biệt là vì có rất nhiều con cái của giới này được tiếp cận với các chế độ dân chủ khi họ được đi du học và hấp thụ nền giáo dục ở phương Tây.

Một điều rõ ràng là xã hội Trung Quốc hiện nay hoàn toàn không có tự do. Khi có một vài dấu hiệu bất đồng chính kiến xuất hiện đâu đó, chính quyền Bắc Kinh sẽ sử dụng những dụng cụ kỹ thuật hiện đại nhất để đối phó ngay trước khi nó bùng phát. Khắp nơi trên đường phố Trung Quốc đều có gắn máy quay có cài đặt kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt. Các mạng truyền thông xã hội bị rình mò và kiểm duyệt. Quan chức nhà nước có quyền bắt bớ bất cứ công dân nào bị cho là có vấn đề mà không cần phải dựa vào luật pháp. Những ai chia sẻ với người khác những suy nghĩ bị cho là lệch lạc có thể bị mất việc làm và bị tù tội. Cái giá cho sự thành công của đảng dựa trên những chính sách đàn áp tàn bạo quả thật khủng khiếp.

Sinh viên tuyệt thực đòi tự do dân chủ tại Thiên An Môn 1989 trước khi bị đàn áp – nguồn AP

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của The Economist, mối đe doạ nguy hiểm nhất đối với Tập Cận Bình và ÐCSTQ hiện nay không đến từ quần chúng hay từ thế lực bên ngoài mà từ ngay chính bên trong đảng. Bất chấp mọi nỗ lực kiểm soát và làm sạch đảng của Tập, nạn bè phái, tình trạng bất trung thành và sự buông thả về ý thức hệ vẫn tràn lan trong đảng. Các đối thủ chính trị bị buộc tội âm mưu chiếm quyền thì đã bị bỏ tù. Sinh hoạt chính trị tại Trung Quốc hiện nay được mô tả là còn mù mịt hơn so với mấy thập niên qua, và những cuộc thanh trừng không ngừng của Tập cho thấy ông ta nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Phải chăng đây cũng là nỗi bất an nói chung của những kẻ có máu độc tài?

Xem thêm:   Chó...

Rất có thể thời điểm của bất ổn là giai đoạn kế tiếp. Không ai biết nhân vật nào sẽ tiếp nối Tập, hoặc thậm chí những quy luật nào sẽ chi phối quá trình chuyển đổi quyền lực sau đó. Năm 2018 khi Tập huỷ bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, Tập đã ra dấu báo hiệu rằng ông ta muốn nắm giữ quyền lực vô thời hạn. Nhưng quyết định này có thể khiến cho cho việc chuyển giao quyền lực chỉ càng trở nên bất ổn hơn. Mặc dù nguy cơ đối với đảng không nhất thiết sẽ đưa đến một xã hội cởi mở hơn mà những người dân Trung Quốc yêu chuộng tự do mong muốn, nhưng đến một lúc nào đó, ngay cả chế độ cộng sản Trung Quốc hiện nay tưởng là kiên cố vững chắc cũng sẽ phải kết thúc. Ðến lúc đó không biết tình hình tại Trung Quốc sẽ ra sao và vận mệnh của ÐCSTQ sẽ đi về đâu.

VH