Cảnh giết người và mồ chôn tập thể tại Bucha và các thị trấn, thành phố khác ở Ukraine trong suốt hơn tuần lễ qua hiện vẫn còn gây chấn động thế giới. Những hình ảnh ghê tởm nhắc nhở cho thế giới phương Tây rằng tội ác chiến tranh mà chính quyền Putin và quân đội Nga gây ra cho người dân Ukraine không thể không bị trừng phạt.

Tội ác chiến tranh – nguồn AP 

Cảnh chết chóc phơi bày khắp nơi đủ cho thấy đây không chỉ là hành động của một vài người lính nổi loạn hay của một nhóm quân nhân bất hảo. Xác người nằm ngổn ngang trên đường phố, một số bị bắn vào đầu và bị trói quặt tay. Các báo cáo còn cho biết nhiều vụ lính Nga hiếp dâm phụ nữ đã xảy ra ở một số nơi.

Sau khi quân đội Nga rút lui khỏi Kyiv, họ đã để lại một cảnh tượng tàn bạo hãi hùng khiến cho bất cứ ai nhìn thấy cũng phải đau lòng và tức giận. Thị trưởng của thôn Motyzhyn, một khu vực ngoại ô gần thủ đô, xác được tìm thấy bị bịt mắt và bị bắn, bởi lực lượng quân đội Nga trong thời gian chiếm đóng, cùng với gia đình là chồng và một người con trai. Một nhân chứng nói với tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) rằng lính Nga đã quăng lựu đạn cay vào một hầm nhà ở Vorzel, gần thành phố Irpin, sau đó bắn chết một phụ nữ và đứa con của bà này khi họ tìm cách chạy ra ngoài. Một nhân chứng khác nhìn thấy lính Nga đã cho gom 5 người đàn ông lại, bắt họ quỳ gối và kéo áo lên quá đầu, và bắn một người vào đầu trước sự chứng kiến của 40 người khác. Bộ trưởng Tư pháp Ukraine cho biết vào hôm 3 tháng 4, tính tổng cộng cả thảy, có 410 thường dân đã bị giết quanh khu vực Kyiv, và chắc sẽ còn tìm thấy thêm xác nhiều nạn nhân nữa trong những ngày sắp tới.

Bằng chứng mới về các hành động tàn bạo của quân lính Nga đã gây nên làn sóng căm phẫn và lên án từ các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Tổng thống Ukraine và thủ tướng Ba Lan gọi đó là “tội diệt chủng”. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thì nói rằng những gì xảy ra tại Bucha là một tội ác chiến tranh và Tổng thống Nga Vladimir Putin phải được đưa ra toà án quốc tế. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu mở một cuộc điều tra mới (trong khi nhiều cuộc điều tra khác đã được tiến hành), và Ukraine cho biết họ cũng đang chuẩn bị một cuộc điều tra riêng với Liên Âu. Cựu trưởng công tố viên của Liên Hiệp Quốc, từng điều tra tội ác chiến tranh tại Nam Tư và Rwanda, yêu cầu ban hành một lệnh truy nã quốc tế để bắt giữ ông Putin. Về phía Nga, họ vẫn ngang nhiên nói rằng toàn bộ sự việc trên là giả mạo, sau đó còn đổ lỗi cho phía Ukraine đã gây ra, đồng thời yêu cầu mở một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận về “hành động khiêu khích dã man của những người Ukraine cực đoan tại Bucha”, mặc dù không đưa ra một bằng chứng nào. Trong nhiều trường hợp cụ thể, sự phân hủy thi thể của các nạn nhân cho thấy họ đã bị giết từ rất lâu trước khi lực lượng quân đội Ukraine tái chiếm Bucha.

Trên một con đường tại Bucha – nguồn Amnesty International

Công ước Geneva, mà Nga đã ký kết, định nghĩa tội ác chiến tranh bao gồm việc cố ý giết người, cố ý gây ra đau khổ cho một tập thể, cố ý nhắm tấn công vào thường dân và phá hủy hoặc chiếm đoạt tài sản. Tóm lại, các vụ hành quyết tại Bucha sẽ là tội ác chiến tranh. Cũng vậy, vụ đánh bom vào nhà hát Mariupol, nơi trú ẩn lớn nhất của thành phố để tránh bị không kích và có viết chữ “trẻ em” bằng tiếng Nga và được viết bằng các chữ cái đủ lớn để có thể nhìn thấy rõ từ trên không – là một tội ác chiến tranh. Công ước Geneva cũng xác định rõ ràng nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong tất cả các hành động quân sự là những gì, và không nhất thiết là Nga có chính thức tuyên chiến với Ukraine hay không. Khi tội ác chiến tranh xảy ra, các tổ chức quốc tế sẽ phải điều tra và trừng phạt những kẻ gây ra tội ác đó.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Các thủ tục pháp lý sẽ kéo dài và có khả năng gây ra nhiều trở ngại hơn nữa đối với trường hợp pháp lý và vị thế ngoại giao của Nga. Trong khi đó, đồng minh của Ukraine sẽ phải đưa ra thêm các biện pháp khác để tạo thêm áp lực lên ông Putin, trong đó bao gồm thêm các biện pháp cấm vận và cung cấp thêm vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.

Ngay cả trước khi những hình ảnh khủng khiếp được tiết lộ sau khi Nga rút lui khỏi Kyiv, các đồng minh NATO đã bắt đầu cung cấp thêm cho Ukraine những loại vũ khí nặng và tối tân hơn. Theo một bài tường trình của tờ New York Times, chính quyền Biden dự tính sẽ chuyển một số xe tăng T-72 được chế tạo từ thời Soviet để tăng cường hỗ trợ cho lực lượng Ukraine tại khu vực Donbas ở phía đông, sát với biên giới Nga. Ðây là những xe tăng đầu tiên Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine, mà trước đó Hoa Kỳ vẫn khẳng định rằng viện trợ quân sự của họ chỉ mang tính chất phòng thủ. Ngày 16 tháng 3, Vương quốc Anh bắt đầu cung cấp cho quân đội Ukraine loại hoả tiễn phòng không tối tân Starstreak; một đoạn video quay ngày 1 tháng 4 cho thấy một hoả tiễn Starstreak đã bắn rơi một chiếc trực thăng của Nga. Một số vũ khí tối tân khác có lẽ cũng sẽ được cung cấp cho quân đội Ukraine nay mai. Cũng vậy, một loạt biện pháp cấm vận khác mới đây đã được công bố.

Cảnh tan hoang tại Bucha sau khi quân đội Nga rút đi – nguồn Getty Images

Hôm thứ Năm 7/4, Liên Âu đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới, bao gồm loại bỏ dần việc nhập cảng than của Nga và ngăn chặn các tàu của Nga không được đi vào các hải cảng của Liên Âu. Ðức và các quốc gia khác vẫn có thể tìm được những nguồn nhập cảng từ những nơi khác để thay thế cho than của Nga, mặc dù có thể phải mất một thời gian.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Nhưng điều đáng tiếc là Liên Âu vẫn chưa chịu cấm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga. Ðiều này có nghĩa là mỗi ngày châu Âu vẫn tiếp tục trợ cấp cho cuộc chiến của Nga bằng cách tài trợ cho Ðiện Kremlin. Nếu một lệnh cấm như vậy là quá nhiều, ít nhất Liên Âu có thể đưa các khoản tiền thanh toán cho việc nhập cảng năng lượng của Nga vào một trương mục ký quỹ cho đến khi ông Putin kết thúc cuộc chiến, như ý kiến đề nghị trong một bài quan điểm của tờ Wall Street Journal.

Tuy nhiên, một số biện pháp cấm vận năng lượng mạnh hơn nữa đã và trong tương lai có thể được đưa ra. Vào ngày 3 tháng 4, Lithuania trở thành quốc gia Liên Âu đầu tiên cấm nhập cảng khí đốt của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ðức tiếp tục kêu gọi các thành viên Liên Âu thảo luận về việc cấm nhập cảng khí đốt của Nga. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đi xa hơn và cho biết ông sẽ ủng hộ việc cấm tất cả dầu và than của Nga nhập vào Liên Âu.

Tội ác chiến tranh của Nga dường như đã khiến các quốc gia phương Tây tăng thêm quyết tâm hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến hiện nay. Dường như tất cả đang cùng đồng thanh, giống như lời phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken rằng, “Chúng ta không thể trở nên tê liệt với biến cố này. Chúng ta không thể bình thường hóa biến cố này.”

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Những hình ảnh tội ác của Nga tại Ukraine không khỏi khiến người Việt Nam chúng ta nhớ lại cuộc thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968 cũng rùng rợn không kém. Thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ mà những kẻ chịu trách nhiệm trong cuộc thảm sát đó cho đến nay vẫn chưa bị trừng phạt.

VH