Khi bài viết này tới tay bạn đọc thì cuộc bầu cử tổng thống 2024 đã kết thúc. Cho dù ai thắng cuộc bầu cử và trở thành tổng thống của Hoa Kỳ thì vẫn phải đối mặt với cùng những thử thách về đối nội cũng như đối ngoại trong 4 năm tới. Trong khuôn khổ của bài viết này chỉ xin bàn về những thử thách của chính sách đối ngoại.
Thông thường, trong các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, các ứng cử viên chủ yếu nói nhiều đến các vấn đề đối nội, trong đó nổi bật nhất là vấn đề kinh tế và cũng là điều mà đa số cử tri quan tâm nhất. Tuy nhiên, như chúng ta vẫn thấy, trong việc điều hành đất nước, các chính sách đối nội luôn là công việc của quốc hội trong khi vị tổng thống dành phần lớn thời gian để hoạch định các chính sách liên quan đến đối ngoại. Thành công hay thất bại của những chính sách đối ngoại đó sẽ là thước đo xác định vị trí của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Thế nên, nếu vị tổng thống mới không quan tâm đến những vấn đề toàn cầu hay đối mặt với những vấn đề này bằng những chính sách yếu kém, điều tất yếu là sẽ không tránh khỏi thất bại và có nguy cơ khiến cho uy thế toàn cầu của Hoa Kỳ yếu đi.
Những vấn đề liệt kê sau đây là tổng hợp của một số ý kiến được cho là những thử thách lớn nhất mà vị tổng thống Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt trong những năm sắp tới.
Mối đe dọa nguyên tử
Một trong những vấn đề đang đe doạ an ninh thế giới hiện nay là tình trạng gia tăng vũ khí nguyên tử và khả năng sử dụng loại vũ khí này. Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi đem quân tấn công Ukraine vào tháng 2 năm 2022 đã nhiều lần nhắc tới loại vũ khí này và công khai đe dọa có thể sử dụng nó. Ông Putin nói tới vũ khí nguyên tử mỗi khi bị dồn vào thế chân tường do từ những thất bại trong cái gọi là chiến dịch quân sự của ông để nhằm đánh bại Ukraine và áp đặt sự thay đổi chế độ cho quốc gia này mặc dù Nga vượt trội hơn hẳn so với Ukraine về quân số cũng như vũ khí.
Bên cạnh đó, cuộc chiến xâm lăng do ông Putin phát động đã làm hồi sinh và củng cố vị thế tổ chức NATO, kết nạp thêm hai quốc gia trước đây không liên kết là Phần Lan và Thụy Điển vào làm thành viên mới của khối này. Về vấn đề giảm thiểu vũ khí nguyên tử có thể nói là một nỗ lực tương đối thành công của các quốc gia tham gia kể từ khi kỷ nguyên vũ khí nguyên tử bắt đầu cho đến nay. Tuy nhiên, khả năng Iran có loại vũ khí này trong tương lai gần vẫn lơ lửng trên bầu trời Trung Đông, và thêm một rắc rối nữa, là cuộc chiến khu vực giữa Israel và các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hamas và Hezbollah vẫn đang diễn ra và chưa biết khi nào kết thúc. Khả năng gia tăng vũ khí nguyên tử ở châu Á cũng không thể bị loại trừ, đặc biệt là nếu các đồng minh Hoa Kỳ nghi ngờ về sự hiệu quả của chính sách răn đe nguyên tử của Hoa Kỳ trong khu vực.
Vấn đề nhân quyền và di dân
Vấn đề nhân quyền là một trong những chính sách đối ngoại được nhắc tới trong cuộc bầu cử tổng thống 2024. Nói một cách đơn giản: Các quốc gia dân chủ hàng đầu thế giới có trách nhiệm lãnh đạo về vấn đề này, cả trong phạm vi biên giới quốc gia của họ và trong cộng đồng toàn cầu. Vấn đề di dân ồ ạt trong mấy năm qua là một ví dụ điển hình về việc các quốc gia trên thế giới phải hợp tác với nhau để giải quyết, nếu không thì điều này sẽ chỉ khiến những người dân bị thiệt thòi về kinh tế và bị đàn áp về chính trị tiếp tục tìm cách vượt qua biên giới để tới các quốc gia khác với hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thậm chí ngay cả Hoa Kỳ, với truyền thống tiếp đón những người di dân từng bị tước đoạt những quyền căn bản và chịu nhiều đau khổ từ khắp nơi trên thế giới, cũng nhận thấy rằng không đủ khả năng để một mình có thể đối phó với số lượng di dân ồ ạt vượt biên giới vào nước Mỹ từ năm 2020 đến năm 2024. Mà Hoa Kỳ cũng không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với những thử thách do vấn đề di dân gây ra: Từ năm 2014, các quốc gia Tây Âu cũng đã phải đối mặt với nhiều thử thách ngày càng gia tăng đối với cơ cấu xã hội và kinh tế của họ do số lượng di dân ngày càng tăng chứ không hề giảm.
Tình trạng làn sóng di dân ồ ạt trong thế kỷ 21 sẽ không biến mất nay mai, và cũng sẽ không thể giải quyết được bằng các biện pháp kiểm soát biên giới cứng rắn của bất kỳ quốc gia nào. Những người dân sống ở các quốc gia thất bại (failed states), do chính phủ bất tài, do chính sách thiếu hiệu quả hoặc do tình trạng tham nhũng, và là nơi mà cơ hội kinh tế dành cho họ và con cái họ hoàn toàn bế tắc, thì những người này sẽ không thể ngồi đó và chờ chết. Họ sẽ tìm đủ cách để đi tới một quốc gia khác hoặc thậm chí nổi loạn.
Không giải quyết được vấn đề di dân cũng có thể xem như một sự thất bại của các quốc gia dân chủ tiên tiến. Để tồn tại qua nhiều thế hệ, một quốc gia dân chủ vững bền phải là nơi sống hoà hợp của người dân bản xứ và di dân trong một cơ cấu chính trị cởi mở mà sự đóng góp và quyền lợi của tất cả mọi người phải được coi trọng ngang nhau.
Bất ổn trong khu vực Thái Bình Dương
Vị tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ phải làm việc cật lực hơn cho chính sách đối ngoại trong khu vực này. Với một Trung Quốc đầy tham vọng đang rình rập chờ cơ hội để qua mặt Hoa Kỳ. Nếu như trước đây từng có bất kỳ nhân vật ôn hòa nào trong cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Trung Quốc, thì nay không còn ai nữa. Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay do những nhân vật có quan điểm diều hâu kiểm soát với mục tiêu rất cụ thể: chiếm Đài Loan và thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường hàng đầu thế giới.
Các chính phủ Hoa Kỳ trước đây đã không quan tâm đúng mức về nguy cơ Trung Quốc. Họ đã lầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ là một đối tác thực sự có thiện chí của Hoa Kỳ và là một quốc gia hợp tác trung thực coi trọng các định chế quốc tế. Liên tiếp nhiều thời kỳ tổng thống trong khoảng 3 thập niên nay hoạt động theo cùng một giả định sai lầm đó. Đến nay, mặc dù có hơi trễ nhưng vẫn chưa quá muộn, để nhận thấy rằng tham vọng của Trung Quốc sẽ không dừng lại cho tới khi họ đạt được mục tiêu, như chúng ta đã thấy với các cuộc tập trận quân sự hung hăng của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan các đây mấy tuần. Vị tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ phải có một chính sách đối ngoại rõ ràng và cứng rắn trong việc ngăn chặn tham vọng quân sự toàn cầu của Trung Quốc.
VH