Vụ tấn công ngày 11 Tháng 9 năm 2001 cho đến nay vẫn được xem là hành động khủng bố tệ hại nhất xảy ra trên đất Hoa Kỳ. Hơn thế, sự kiện này còn được đánh giá là vụ tấn công khủng bố gây nhiều thiệt hại nhất, cả về nhân mạng cũng như tài sản, trong lịch sử thế giới. Mục đích của vụ tấn công này là để cấy vào trong tâm lý của người dân Mỹ mầm mống của sự sợ hãi và hoảng hốt, và quả thật nhóm tổ chức khủng bố đã đạt được mục đích trong một thời gian ngắn sau đó.

Tại khu vực tưởng niệm 911 của thành phố New York – nguồn Wall Street Journal   

Có hơn 60 phần trăm người dân Mỹ đã theo dõi vụ tấn công được chiếu trực tiếp trên truyền hình hoặc đã coi những đoạn video được chiếu đi chiếu lại nhiều lần sau đó, và nhiều người đến nay vẫn chưa thể quên những gì đã xảy ra trong cái ngày đau buồn ấy.

Vào lúc 8:46 sáng, chiếc phi cơ của chuyến bay 11 thuộc hãng hàng không American Airlines cất cánh từ phi trường Logan trên đường tới Los Angeles đã bị một nhóm khủng bố cướp và cho lao vào toà nhà phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York.

Khoảng 16 phút sau đó, chiếc phi cơ của chuyến bay 175 thuộc hãng hàng không United Airlines cũng cất cánh từ phi trường Logan trên đường tới Los Angeles bị khủng bố cho lao vào toà nhà phía nam. Toà nhà bốc cháy và sụp đổ vào lúc 9:59 sáng.

Ðúng 120 phút sau vụ tấn công đầu tiên, toà nhà phía bắc cũng sụp đổ theo.

Tổng thống Bush xuất hiện tại khu đổ nát New York sau vụ tấn công để trấn an dân chúng Mỹ – nguồn History.com

Một chiếc phi cơ khác của chuyến bay 77 thuộc hãng hàng không American Airlines cất cánh từ phi trường quốc tế Washington Dulles trên đường tới Los Angeles đã bị năm tên khủng bố khác cướp và cho tông vào toà nhà Ngũ Giác Ðài nằm trong hạt Arlington thuộc tiểu bang Virginia lúc 9:37 sáng.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Trong khi đó, cách Washington khoảng gần 200 dặm về hướng tây bắc, một chiếc phi cơ của chuyến bay 93 thuộc hãng hàng không United Airlines cất cánh từ phi trường quốc tế Newwark trên đường tới San Francisco cũng đã bị một nhóm gồm bốn tên khủng bố cướp nhưng sau đó đã bị một nhóm hành khách tấn công lại và cuối cùng chiếc phi cơ bị lao rớt xuống một cánh đồng trống gần thị trấn Shanksville thuộc tiểu bang Pennsylvania vào lúc 10:03 sáng. Nhiều tài liệu sau này cho biết chiếc phi cơ được dự tính cho tông vào một là toà nhà Quốc Hội hoặc là Toà Bạch Ốc.

Tổng cộng số người bị thiệt mạng trong bốn cuộc tấn công trên là 2,977 người (không kể 19 tên khủng bố) và gây thương tích cho hơn 6,000 người. Riêng thiệt hại về tài sản được ước tính là vào khoảng $10 tỷ.

Thứ Tư tuần qua, nước Mỹ tưởng niệm sự kiện 9/11 lần thứ 18. Mười tám năm là khoảng thời gian vừa đủ cho một thế hệ sinh ra và trưởng thành sau vụ khủng bố.

Toà tháp đôi tại New York bị tấn công trước tiên – nguồn Center for American Progress

Khoá học mùa Thu năm nay, nhiều sinh viên được sinh ra sau vụ 9/11 bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên vào trong các khuôn viên đại học khắp nước Mỹ, và trong mấy tháng qua, một số ứng viên đầu tiên được sinh sau vụ tấn công cũng đã nộp đơn để xin gia nhập vào sở cứu hoả của thành phố New York, nơi mà đến ngày hôm nay vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh bởi sự mất mát nhân mạng của 343 thành viên của họ trong ngày hôm đó. Cũng thế, nhiều thanh niên sinh sau sự kiện 9/11 nay cũng đã đủ tuổi để được đăng lính và nay mai sẽ được gửi tới những chiến trường xa xôi được châm ngòi cũng do từ vụ tấn công khủng bố trên, và cuộc chiến tại một vài nơi đến nay vẫn chưa kết thúc, như tại chiến trường Afghanistan là một ví dụ, cũng như sẽ được gửi tới Guantanamo Bay, nơi họ sẽ canh chừng những tù binh al Qaeda bị bắt thậm chí trước khi những người lính trẻ này ra đời.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Nhiều thành viên của cái gọi là “Thế hệ 9/11” nay vừa bước vào tuổi trưởng thành nhưng chính ký ức của họ lại không ghi nhớ được bao nhiêu về cái ngày khủng bố ấy mà nó chỉ được phản ánh qua cảm xúc từ những người lớn ở xung quanh họ. Như anh thanh niên Beau Garner, sống tại Michigan và chỉ mới 3 tuổi khi vụ khủng bố 9/11 xảy ra, cho biết: “Ký ức duy nhất của tôi là mẹ tôi đứng trước màn ảnh truyền hình để theo dõi tin tức. Tôi không nhớ là mình đã nhìn thấy tòa tháp đôi sụp đổ hay hình ảnh Tổng thống Bush xuất hiện tuyên bố trước quốc dân. Ðiều duy nhất tôi nhớ là sự kiện đó đã ảnh hưởng đến mẹ tôi như thế nào. Tầm quan trọng của khoảnh khắc bằng cách nào đó đã truyền vào tôi cho dù sự nhận thức của tôi [về vụ khủng bố] thiếu sót ra sao; sự kiện 9/11 không chỉ là ký ức đầu tiên đối với tôi, nó là ký ức đầu tiên hết trong đời tôi, như một tia chớp.”

Ðối với nhiều người trẻ khác, vụ tấn công khủng bố là khoảnh khắc khó phai mờ trong ký ức của họ khi lớn lên. Như cô Lourdes Baker, học sinh lớp 10 tại California năm 2001, đã đủ lớn để nhớ lại: “Ðó là lần đầu tiên tôi hoàn toàn hiểu rằng không có điều gì trên đời này là đơn giản cả, có những điều người ta không bao giờ hiểu được, và đôi khi những sự việc kinh khủng xảy ra hoàn toàn không có nguyên cớ. Ðó là khi tuổi thơ của tôi chấm dứt.”

Tưởng niệm 9/11. Photo Jin S. Lee

Nhưng cũng có những người vừa bước vào tuổi trưởng thành trong ngày 11 Tháng 9 – trong đó có ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ là thị trưởng Pete Buttigieg, 37 tuổi, và một bạn đồng môn ở đại học là cô Elise Stefanik, 35 tuổi, người trẻ nhất của đảng Cộng hoà được bầu vào quốc hội năm 2015 – thì nay đang đan kết những ký ức và kinh nghiệm từ sự kiện khủng bố đó vào trong những sinh hoạt chính trị của họ. Chàng sinh viên trẻ Buttigieg đã từng viết trên tờ báo sinh viên của đại học Harvard năm 2003: “Một nhóm người gốc Saudi với những con dao cắt hộp giấy đã bắn thẳng vào sự thơ ngây của chúng ta. Với một mùa Ðông dài đăng đẳng, không ai biết phải làm cái quái gì ngoại trừ thề nguyền rằng chúng ta sẽ không còn sống một cuộc sống như cũ nữa.”

Xem thêm:   Cấm TikTok

Mỗi khi có một sự kiện lớn và quan trọng xảy ra thì ít nhiều nó sẽ gây ảnh hưởng cho cả một tập thể thế hệ, như người ta đã từng ghi nhận về thế hệ những người Mỹ lớn lên và trưởng thành trong thời kỳ kinh tế suy thoái vào thập niên 1930 thường sống rất cần kiệm và những người sống qua thời kỳ chiến tranh Việt Nam và vụ bê bối Watergate có khuynh hướng hay nghi ngờ các nhà lãnh đạo và các định chế quốc gia của nước Mỹ. Với một thế hệ vừa bước vào tuổi trưởng thành, người ta vẫn chưa thể biết được chính xác sự kiện 9/11 sẽ tác động và ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của họ ra sao trong khi nước Mỹ vẫn còn đang đối diện với một cuộc chiến chống khủng bố dường như là bất tận và không biết đến bao giờ mới giải quyết xong. Như ứng cử viên Pete Buttigieg trong thời gian tranh cử vừa qua đã có lần tỏ ra quan ngại về cuộc chiến nói trên: “Tôi e sợ rằng một ngày nào đó rất gần thôi, chúng ta có thể nhận được tin về sự thương vong đầu tiên của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh liên quan đến sự kiện 9/11 là một người lính được sinh ra sau ngày 11 Tháng 9.” Cột mốc bi thảm đó rất có thể sẽ xảy ra trong những ngày tháng sắp tới.

Thế hệ 9/11 hiện nay chiếm khoảng một phần tư dân số Hoa Kỳ. Trong một ý nghĩa nào đó, kể từ sự kiện 9/11 đến nay nước Mỹ vẫn luôn bị đặt trong tình trạng chiến tranh, và vì vậy ta cũng có thể nói trong sự chừng mực rằng thế hệ 9/11 vẫn chưa từng được hưởng một cuộc sống thật sự hoà bình và an ninh như những thế hệ trước họ.

VH

Arlingon, TX