Sau hơn sáu tuần lễ kể từ khi cho thực hiện một số biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn corona thì nay đa số các tiểu bang bắt đầu cho nới lỏng các biện pháp trên và mở cửa hoạt động trở lại. Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là cuộc sống rồi đây có trở lại bình thường như trước khi có đại dịch Covid-19?

Những lọ thuốc Remdesivir tại cơ sở bào chế của công ty Gilead Sciences – nguồn Gilead Sciences/Reuters  

Câu trả lời ngay vào lúc này là không, và cho đến khi nào chưa tìm ra được thuốc chữa hay thuốc chủng ngừa thì chiếc khẩu trang và việc giữ khoảng cách xã hội sẽ vẫn còn ngự trị trong cuộc sống thường ngày của chúng ta trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đó không hẳn là điều làm chúng ta phải tuyệt vọng, mà ngược lại, chúng ta vẫn có quyền hy vọng, và cho dù tình trạng có ảm đạm đến thế nào thì đâu đó vẫn có những tia sáng le lói xuất hiện.

Hôm Thứ Sáu 1/5, Cục quản lý Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp loại thuốc có tên Remdesivir để chữa trị các bệnh nhân Covid-19 sau khi các nhà nghiên cứu đưa ra bản phúc trình cho biết loại thuốc này có khả năng rút ngắn thời gian bình phục của bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn corona.

Cơ quan FDA giới hạn việc sử dụng loại thuốc này chỉ trong thời gian đang có đại dịch, tuy nhiên các giới chức y tế cho biết trong tương lai loại thuốc Remdesivir này có thể được cấp phép toàn phần nếu có thêm nhiều kết quả từ một cuộc nghiên cứu quy mô được thực hiện bởi Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) cùng một số cuộc thử nghiệm lâm sàng khác cũng đang được tiến hành ở một số nơi khác trên thế giới.

Vậy tạm thời ta có thể xem Remdesivir như một liều thuốc hy vọng trong thời điểm này.

Các thống kê sơ khởi trong số 468 bệnh nhân đã bình phục cho thấy các bệnh nhân được chữa trị với thuốc Remdesivir mất trung bình khoảng 11 ngày thì bình phục, so với thời gian 15 ngày từ những bệnh nhân được chữa trị bởi giả dược (placebo- không có chứa chất thuốc), sự khác biệt là 31%.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Các kết quả đến nay cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực của thuốc nếu đem so sánh về tỷ lệ tử vong. Trong số khoảng 1,060 bệnh nhân trong cuộc thí nghiệm, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân sử dụng Remdesivir là 8.0%, so với 11.6% ở nhóm dùng giả dược. Mặc dù sự khác biệt không nhiều nhưng là con số mang nhiều ý nghĩa.

Những lọ Remdesivir không đang được rửa sạch trước khi cho thuốc vào. nguồn Gilead Sciences/Reuters.

Remdesivir là loại thuốc kháng vi được bào chế để chữa những căn bệnh như viêm gan và Ebola nhưng không hiệu quả, và định mệnh của nó dường như đã được ấn định là sẽ nằm trong danh sách của hàng ngàn những loại thuốc thất bại khác sau khi được chứng minh là vô dụng trong việc điều trị những căn bệnh trên. Thuốc đã được xếp vào trong đống dược phẩm phế liệu của công ty và hầu như bị lãng quên bởi các nhà khoa học đã từng nghiên cứu và bào chế ra nó.

Cho tới khi đại dịch Covid-19 bùng phát và mọi người chạy đua với thời gian để cố tìm ra một loại thuốc nào đó có thể chữa trị được căn bệnh mới gây ra nỗi khiếp sợ cho cả nhân loại hiện nay. Remdesivir nằm trong số hàng trăm loại thuốc được chính phủ liên bang cấp ngân khoản để nghiên cứu và xem xét lại.

Bác sĩ Mark Denison thuộc Ðại học Vanderbilt là một trong số ít nhà nghiên cứu đã khám phá ra tiềm năng của thuốc Remdesivir. Ông bắt đầu nghiên cứu vi khuẩn corona từ một phần tư thế kỷ trước, khi mà chẳng có mấy nhà khoa học nào quan tâm tới loại vi khuẩn này.

Các vi khuẩn corona chứa nhiều RNA (axít ribonucleic – cùng với DNA là những chất liệu di truyền có trong tế bào của mọi sinh vật) hơn là các nhà khoa học từng đưa ra giả thuyết trước đó. Và nhiều loại vi khuẩn gây ra dịch bệnh rất cần đến loại chất liệu di truyền này, và hầu như tất cả đều có khả năng đột biến để thích nghi với môi trường. Ðó là lý do vì sao các loại vi khuẩn gây bệnh cúm mùa thay đổi từng mỗi năm.

Xem thêm:   Biden & Trump

Tuy nhiên, vi khuẩn corona lại không thay đổi nhiều – và tỷ lệ biến đổi của chúng là khoảng một phần hai mươi so với tỷ lệ của những vi khuẩn chứa RNA khác.

Năm 2007, bác sĩ Denison khám phá ra vi khuẩn corona có khả năng “đối chiếu và sửa sai” rất giỏi. Nếu như trong quá trình sao chép RNA để sinh sản mà xảy ra trục trặc thì chính vi khuẩn corona có khả năng tự sửa sai lỗi lầm của chúng để tiếp tục sinh sản. Nhưng yếu điểm của vi khuẩn corona là chúng yếu hơn so với những vi khuẩn không có khả năng tự biến đổi và không cạnh tranh nổi với những vi khuẩn này trong cùng một môi trường.

Bác sĩ Denison và một số nhà nghiên cứu khác tự hỏi liệu có thể lừa được con vi khuẩn corona bằng một loại thuốc nào đó có khả năng tránh né được hệ thống “đối chiếu sửa sai” và ngăn chặn chuỗi RNA đang phát triển trong vi khuẩn và tiêu diệt nó trước khi vi khuẩn sinh sản thêm ra.

Bàn về vấn đề này với các nhà khoa học khác tại một buổi họp, bác sĩ Denison may mắn được biết công ty dược phẩm Gilead Sciences vẫn còn giữ khoảng vài chục lọ thuốc để có thể thử xem có lừa được con vi khuẩn corona này hay không.

Bác sĩ Denison nhận thấy hầu hết các loại thuốc sử dụng để thí nghiệm đều có khả năng ngăn chặn vi khuẩn corona, nhưng có một số loại thuốc có công hiệu hơn một số khác. Một trong những thuốc có công hiệu nhất mang mã số GS-5734, chính là thuốc Remdesivir, thứ thuốc mà bác sĩ Denison và các nhà nghiên cứu khác trên thế giới đang tìm kiếm.

Viện bào chế Gilead Sciences tại Foster City, California – nguồn Getty Images

Remdesivir có khả năng diệt được tất cả mọi loại vi khuẩn corona trong các thí nghiệm của bác sĩ Denison. Và không chỉ vi khuẩn corona gây ra những bệnh cảm cúm thông thường mà cả những bệnh chết người khác như SARS và MERS.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Vì vậy, các bác sĩ bắt đầu cho bệnh nhân sử dụng trong các nghiên cứu không có kiểm soát và thậm chí cả những cuộc chữa trị không nằm trong nghiên cứu. Tiếng đồn lan ra và nhu cầu thử nghiệm thuốc tăng. Công ty Gilead bảo trợ một số cuộc nghiên cứu và gửi thuốc tới cho các bác sĩ để chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân sau khi những bệnh nhân này chịu chấp nhận sử dụng loại thuốc chưa được chứng nghiệm.

Nhưng những cuộc nghiên cứu không chính thức trên vẫn không thể chứng minh rằng thuốc Remdesivir hiệu nghiệm trong việc điều trị. Nó cần phải trải qua một cuộc thử nghiệm quy mô hơn của liên bang, trong đó có nhiều bệnh nhân được cho dùng giả dược để làm một cuộc so sánh, và kết quả cho thấy Remdesivir đạt được một số hiệu quả tương đối như nói ở trên.

Cho đến nay không hẳn là ai cũng tin rằng thuốc Remdesivir sẽ mang lại những hiệu quả điều trị như nó được hứa hẹn. Kết quả một nghiên cứu tại Trung Quốc, được công bố tuần qua trên tạp chí y khoa Lancet, cho biết loại thuốc này không có công hiệu đối với những bệnh nhân Trung Quốc bị bệnh nặng. Trong khi nhiều nhà nghiên cứu khác cũng muốn chờ xem thêm những dữ liệu thu thập được từ cuộc thử nghiệm của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia.

Mặc dù vẫn còn nhiều thắc mắc và nghi ngờ, công ty Gilead đã cho tăng việc sản xuất và hiện có trong tay 1.5 triệu lọ thuốc, đủ để chữa trị cho khoảng 210,000 bệnh nhân, giả định các bệnh nhân được cho điều trị thuốc trong vòng năm ngày, và cho đến cuối năm sẽ sản xuất thêm thuốc đủ để điều trị cho hơn một triệu bệnh nhân.

Công ty Gilead hứa tặng 1.5 triệu liều thuốc miễn phí tới cho các bệnh viện nhưng không cho biết giá thành của thuốc sau đó sẽ là bao nhiêu khi những liều thuốc này bắt đầu được cho sản xuất vào Tháng 6 tới đây.

Nhưng cho dù là thế nào thì cho tới khi có một loại thuốc khác mang lại hiệu quả hơn thì Remdesivir vẫn được coi là liều thuốc mang lại hy vọng cho nhiều triệu bệnh nhân Covid-19 trên toàn thế giới.

VH

Arlington, TX