Với luận điệu tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhà nước, đảng cộng sản Trung Quốc tự nhận về “những thành quả lịch sử” trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong hai nhiệm kỳ của Tập Cận Bình. Trên thực tế, dưới thời của Tập, vai trò của phụ nữ Trung Quốc trong xã hội đã có những bước thụt lùi.

NBC News  

Kể từ năm 2012 khi Tập Cận Bình bắt đầu lên cầm quyền cho tới nay, số phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động đã bị sụt giảm, phong trào tranh đấu nữ quyền bị đàn áp và vai trò của phụ nữ ngày càng tập trung vào gia đình nhiều hơn. Theo bản phúc trình về khoảng cách biệt giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc rớt xuống vị trí 102 trong bảng xếp hạng của hơn 100 quốc gia, so với vị trí 69 của họ vào năm 2012.

Nhưng có lẽ sự thụt lùi nhìn thấy rõ nhất khi đảng cộng sản Trung Quốc sau đại hội toàn quốc diễn ra vào tháng 10 vừa qua đã cho công bố dàn lãnh đạo hàng đầu trong 5 năm tới. Và lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ, không một phụ nữ nào được tham gia vào bộ chính trị – gồm 24 giới chức cao cấp nhất của đảng cộng sản Trung Quốc – với tư cách là thành viên chính thức hoặc dự khuyết.

Trong suốt chiều dài lịch sử của đảng, chỉ một số rất ít phụ nữ được chọn vào trong bộ chính trị và không một phụ nữ nào từng có chân trong ban thường vụ, trung tâm quyền lực cao nhất. Có người cho rằng sự kiện phụ nữ hoàn toàn vắng mặt trong giới lãnh đạo cao nhất của đảng hiện nay là dấu hiệu cho thấy “kỷ nguyên đầy hy vọng” của phụ nữ Trung Quốc đã chấm dứt.

Ðó là năm 1995, khi Trung Quốc tổ chức Hội nghị Thế giới Phụ nữ lần thứ tư. Hội nghị thu hút nhiều khuôn mặt phụ nữ nổi tiếng trên khắp thế giới tới Bắc Kinh, trong đó có bà Hillary Clinton trong cương vị là Ðệ nhất Phu nhân, đã đến tham dự và tuyên bố “quyền của phụ nữ chính là quyền của con người.”

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Hội nghị đóng vai trò như một chất xúc tác cho sự nở rộ của hoạt động xã hội dân sự ở Trung Quốc và được xem như kết quả của nhiều thập niên tranh đấu cho nữ quyền.

5 nhà hoạt động nữ quyền bị bắt năm 2015 – News.artnet.com

Ðảng cộng sản Trung Quốc dường như cũng tỏ ra muốn tham gia trong việc thúc đẩy các hoạt động của phụ nữ. Tại hội nghị phụ nữ nói trên, ông Giang Trạch Dân, lãnh tụ Trung Quốc vào thời điểm đó, tuyên bố bình đẳng giới tính là một trong những chính sách căn bản của quốc gia. Ðể chuẩn bị cho hội nghị, đảng cộng sản, cùng với Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc, đã đưa ra hạn ngạch (quota) để bảo đảm có ít nhất một phụ nữ trong vị trí lãnh đạo địa phương. Sau hội nghị, tổ chức Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc do nhà nước bảo trợ đã được mở rộng và nhận được thêm nguồn tài trợ.

Năm 2002, Ngô Nghi (Wu Yi), một cựu nữ Phó Thủ tướng, được chỉ định làm thành viên chính thức của Bộ chính trị. Cho tới lúc đó, những phụ nữ từng phục vụ với tư cách là thành viên chính thức đều là vợ của các lãnh đạo cấp cao của đảng, trong đó có Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Ðông.

Tại đại hội đảng lần thứ 20 vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan), là thành viên nữ duy nhất trong Bộ chính trị, nổi bật với chiếc áo khoác ngoài màu đỏ trong một rừng những nhân vật nam mặc toàn đồ đen. Sau đại hội, bà Tôn được cho về nghỉ hưu, nhường chỗ cho lớp lãnh đạo mới cao nhất toàn là nam giới.

Theo một bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ một trường đại học Trung Quốc và hai trường đại học Berlin, kể từ năm 2015, ngày càng có ít nữ bí thư đảng hơn ở các đơn vị thành phố của Trung Quốc. Trong số các thị trưởng, chức vụ ít quyền hành hơn bí thư, tỷ lệ đại diện của phụ nữ có tăng lên.

Biểu tình chống bạo lực trong gia đình – ABC News

Các nhà nghiên cứu cho biết các giới chức chính quyền thuộc phái nữ ở Trung Quốc thường có xu hướng được giao cho những chức vụ theo truyền thống liên quan đến phụ nữ, chẳng hạn như giáo dục và y tế, trái ngược với các chức vụ thường đóng vai trò là bàn đạp cho sự nghiệp chính trị của một viên chức chính quyền, như kinh tế và an ninh.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Cũng theo các nhà nghiên cứu trên, các giới chức chính quyền phái nữ được đề bạt vào các vị trí điều hành ở các thành phố của Trung Quốc thường có xu hướng trẻ hơn và có trình độ học vấn cao hơn các đồng nghiệp nam của họ. Họ cũng có nhiều khả năng là thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số vì đảng kết hợp nhiều hạn ngạch đa dạng (giới tính, sắc tộc) vào chung với nhau. Người phụ nữ duy nhất trong số 31 bí thư tỉnh uỷ của Trung Quốc hiện nay là Kham Di Cầm (Zhen Yiqin), bí thư tỉnh Quý Châu, là người thuộc sắc tộc thiểu số Bạch (Bai).

Ðảng cộng sản Trung Quốc trong quá khứ cũng đã từng ủng hộ cho quyền của phụ nữ khi họ thấy cần thiết cho các ưu tiên kinh tế của một giai đoạn nào đó. Trong những năm đầu cộng sản nắm quyền cai trị Trung Quốc, Mao Trạch Ðông thúc giục phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động để giúp xây dựng đất nước. Theo Ngân hàng Thế giới, kể từ năm 1990, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động đã sụt giảm đều đặn, và dưới thời Tập Cận Bình, đã giảm từ 64% vào năm 2012 xuống còn 62% vào năm 2021.

Hiện nay, đảng đang nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái và chăm sóc cho cha mẹ già. Sự thay đổi này diễn ra khi mà tỷ lệ sinh đẻ và kết hôn tại Trung Quốc đang giảm, là xu hướng có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc đã lên tiếng cam kết tuân theo sự lãnh đạo của đảng và hiện đang vận động và khuyến khích phụ nữ Trung Quốc tập trung vào vai trò liên quan đến “đức hạnh gia đình”.

Hội nghị Thế giới Phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995 với sự tham dự của Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton – Wikipedia

Trong những năm sau hội nghị phụ nữ, phong trào tranh đấu cho nữ quyền tại Trung Quốc mặc dù còn non trẻ nhưng phát triển mạnh. Trong một số cuộc biểu tình, các nhà hoạt động trẻ mặc những chiếc váy cưới có dính máu để phản đối bạo lực trong gia đình, họ cạo trọc đầu để đòi các hội đồng xét tuyển tại các đại học phải nhận thêm các sinh viên nữ và chiếm dụng các phòng vệ sinh nam để thúc  giục chính phủ cần phải cung cấp thêm nhà vệ sinh công cộng cho phụ nữ.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Tuy nhiên, vào năm 2015, các phong trào nói trên bị đứng khựng lại với việc an ninh bắt giữ  5 nhà hoạt động tranh đấu cho nữ quyền.

Hai năm sau, Trung Quốc ban hành luật hạn chế ảnh hưởng của các tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài. Kể từ đó, nhiều tổ chức phi chính phủ ủng hộ quyền của phụ nữ đã bị cấm hoạt động. Hơn một chục trương mục được sử dụng bởi các nhóm và nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ đã bị xóa khỏi các diễn đàn mạng xã hội. Năm 2018, hệ thống kiểm duyệt của nhà nước đã ra lệnh đóng cửa Nữ quyền Chi Thanh (Feminist Voices), tờ báo mạng về nữ quyền có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc.

Gần ba thập niên sau Hội nghị Thế giới Phụ nữ lần thứ tư, phong trào nữ quyền hiện nay bị nhiều người dân Trung Quốc có tư tưởng dân tộc cực đoan phỉ báng coi đó là một thứ ý thức hệ lai căng theo phương Tây.

Với chiều hướng ngày càng xấu đi, cô Lã Tần (Lü Pin), người sáng lập tờ báo mạng Nữ quyền Chi Thanh và hiện đang sống lưu vong, đã phải than thở: “Tôi từng nghĩ rằng phong trào nữ quyền có thể thay đổi Trung Quốc. Nhưng nay thì không còn ai có thể bênh vực cho phụ nữ Trung Quốc nữa rồi.”

VH