Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách nền kinh tế vào năm 1978, tổng sản lượng nội địa (GDP) của họ đã tăng trưởng một cách chóng mặt – trung bình 9% một năm. Thành quả đó đã giúp đưa khoảng 800 triệu người dân Trung Quốc thoát được cảnh nghèo đói.

Global Trade Magazine   

Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc chiếm gần một phần năm sản lượng toàn cầu. Thị trường rộng lớn và cơ sở sản xuất của họ đã phần nào định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong một thập niên qua, có tham vọng sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của quốc gia để đặt lại trật tự địa chính trị thế giới.

Tăng trưởng chậm lại

Một điều thực tế đang ngày một nhìn thấy rõ hơn: sự vươn lên nhanh chóng của Trung Quốc đang chậm lại. Ông Tập hứa hẹn một “sự hồi sinh vĩ đại” của quốc gia trong những thập niên tới, tuy nhiên nền kinh tế hiện đang bước vào giai đoạn của sự trưởng thành – nghĩa là nếu có tăng trưởng thì chỉ tăng ở mức độ vừa phải. Trong khi một thập niên trước, các nhà dự báo kinh tế dự đoán rằng GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua GDP của Mỹ vào giữa thế kỷ 21 (theo tỷ giá hối đoái thị trường) và giữ vị trí dẫn đầu, thì giờ đây, một sự thay đổi ít ngoạn mục hơn đang diễn ra, dẫn đến kết quả có thể gần với sự cân bằng kinh tế giữa đôi bên hơn.

Có những lợi thế trước đây thì nay đang biến thành nhược điểm làm cản trở bước tiến của Trung Quốc. Nhược điểm lớn đầu tiên là vấn đề dân số. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã giảm đều trong khoảng một thập niên. Năm ngoái, dân số của họ nói chung đã đạt đỉnh điểm và Ấn Ðộ hiện đã vượt qua Trung Quốc. Những nỗ lực thuyết phục các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh thêm con của đảng cộng sản đều không có hiệu quả.

Người dân biểu tình phản đối hệ thống ngân hàng tại tỉnh Hà Nam – Reuters

Những nhược điểm

Theo thống kê chính thức, dân số Trung Quốc ở độ tuổi từ 15 đến 64, tức tuổi lao động, hiện nay nhiều hơn gấp 4.5 lần so với Mỹ. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, vào giữa thế kỷ này, con số đó sẽ chỉ gấp 3.4 lần – nghĩa là dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc có thể giảm hơn một phần tư. Và đến cuối thế kỷ, tỷ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn 1.7. Nếu điều nhận định trên đúng, lực lượng đông đảo công nhân trẻ từng đóng vai trò nòng cốt cho cái gọi là “công xưởng của thế giới” thì nay thuộc về quá khứ.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Tăng thêm nhân công là một cách để nền kinh tế phát triển. Một cách khác là tận dụng tốt hơn dân số hiện có. Nhưng vấn đề thứ hai của Trung Quốc là sản lượng tính trên mỗi công nhân khó có thể tăng nhanh như các nhà dự báo từng hy vọng. Trở lại năm 2011, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng năng suất lao động sẽ tăng trung bình khoảng 4.8% mỗi năm trong 20 năm tới. Hiện nay ngân hàng này nghĩ rằng năng suất lao động sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 3%. Một phần lớn nguồn tài lực của quốc gia sẽ phải dành cho việc chăm sóc người già. Sau nhiều thập niên đầu tư mạnh trong việc xây dựng nhà ở, đường sá và đường xe lửa, nguồn vốn chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đang phải đối mặt với những kết quả mang lại không như mong đợi.

Tình trạng đối đầu

Xu hướng chuyên quyền của Tập Cận Bình khiến các doanh nhân nội địa lo lắng hơn, điều này có thể làm giảm khả năng đổi mới của Trung Quốc về lâu dài. Tình trạng căng thẳng địa chính trị cũng khiến các công ty nước ngoài buộc phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và tìm cách di chuyển ra khỏi Trung Quốc. Mỹ muốn hạn chế khả năng của Trung Quốc trong một số ngành kỹ thuật được gọi là “nền tảng” – chẳng hạn như điện thoại di động, thiết bị y khoa và xe hơi. Lệnh cấm xuất cảng một số chất bán dẫn và máy móc cho các công ty Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm GDP của Trung Quốc trong những năm tới.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Nếu cuộc chiến kỹ thuật kéo dài và tiến xa hơn nữa có thể sẽ khiến một số quốc gia đồng minh phương Tây của Mỹ đi theo. Với một kịch bản như thế xảy ra, nền kinh tế Trung Quốc có thể yếu hơn khoảng 9% trong thời gian mười năm tới so với các trường hợp tăng trưởng khác. Nói cách khác, ý kiến cho rằng tăng trưởng năng suất của Trung Quốc có thể đạt gần 3% thay vì 5% không phải là điều quá xa vời.

Thái độ kiêu ngạo và hoang tưởng của lãnh đạo Trung Quốc – Reuters

Tiềm năng suy giảm

Tất cả những điều trình bày trên đang làm suy giảm các dự báo dài hạn về tiềm năng kinh tế của Trung Quốc. Mười hai năm trước, Goldman Sachs nghĩ rằng GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2026 và tăng thêm 50% vào giữa thế kỷ này. Năm ngoái, ngân hàng đã sửa đổi lại dự đoán đó, nói rằng Trung Quốc sẽ chỉ vượt qua Mỹ vào năm 2035 và đạt đỉnh điểm ở mức tăng trưởng thêm dưới 15%.

Tuy nhiên, một số tổ chức khác thì bi quan hơn nhiều. Capital Economics, một công ty nghiên cứu, lập luận rằng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, thay vào đó sẽ đạt đỉnh điểm tương đương 90% nền kinh tế của Mỹ vào năm 2035. Tất nhiên, những dự báo này không có gì bảo đảm là đúng hoàn toàn. Nhưng nhìn chung những dự báo có vẻ hợp lý nhất thì đều đồng ý rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến gần đến sự ngang bằng về kinh tế trong khoảng một thập niên tới hoặc lâu hơn một chút – và sẽ giữ ở vị trí này trong nhiều thập niên sau đó.

Kịch bản lạc quan

Nói vậy thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phản ứng và giải quyết thế nào về dự đoán tương lai với đường biểu diễn đi ngang chứ không đi lên? Trong kịch bản lạc quan nhất, theo tờ The Economist, ông Tập Cận Bình sẽ thực hiện các thay đổi để thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Với thu nhập bình quân đầu người chưa bằng một nửa của Mỹ, người dân Trung Quốc đương nhiên muốn cải thiện mức sống của họ. Ông ta có thể thử thúc đẩy tăng trưởng bằng cách thay đổi một số chính sách cho phép nền kinh tế Trung Quốc tự do hơn và sinh hoạt của người dân cũng được tự do hơn.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Chính quyền Trung Quốc có thể bớt hỗ trợ cho các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước lãng phí và thua lỗ để phân bổ vốn một cách hiệu quả hơn. Và họ có thể bỏ bớt thái độ thù nghịch và nghi ngờ, giảm bớt tình trạng căng thẳng địa chính trị và trấn an các công ty ngoại quốc rằng kinh doanh và đầu tư ở Trung Quốc là an toàn. Những cải cách như vậy cuối cùng có thể giúp cho Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn – nhưng cũng hy vọng là sẽ bớt hung hăng hơn. Vấn đề ở chỗ là Tập Cận Bình, năm nay 69 tuổi và cho tới thời điểm này có lẽ là nhà lãnh đạo trọn đời của Trung Quốc, không cho thấy có dấu hiệu nào là sẽ ủng hộ các chính sách tự do hóa kinh tế hay chính trị.

Dân số chưa giàu mà đã già – chinafile.com

Kịch bản bi quan

Tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự vươn lên của Trung Quốc trong mấy thập niên qua đã gây ra nhiều bất ổn, buộc các nhà lãnh đạo trên thế giới phải điều chỉnh lại trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Giai đoạn của những thay đổi vị thế kinh tế và chính trị đó có thể đã đi qua, Trung Quốc hiện là nền kinh tế thứ nhì thế giới, và điều thực tế là sự tăng trưởng sẽ không còn ồ ạt như trước nữa. Triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc sẽ không hẳn là sự khải hoàn nhưng cũng không phải là thảm họa. Ðối mặt với nhiều thập niên tới là quốc gia gần ngang hàng với Mỹ, Trung Quốc có lý do chính đáng để bớt đi thái độ kiêu ngạo và từ bỏ tham vọng xâm chiếm Ðài Loan.

Nhưng Tập Cận Bình là một con người khó đoán mặc dù có nhiều tham vọng lớn, và với những cám dỗ đang bày ra trước mặt thì thử chờ xem một người đầy tham vọng như Tập sẽ hành xử ra sao. Một quyết định sai lầm của Tập có thể không chỉ là thảm hoạ cho Trung Quốc mà còn cho cả thế giới nữa.

VH