Hôm thứ Sáu tuần qua, Thủ tướng Yoshihide Suga trở thành nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên hội kiến với Tổng thống Joe Biden tại Toà Bạch Ốc. Sự kiện này đánh dấu một sự thay đổi trong truyền thống đã có từ lâu là thường được dành cho thủ tướng Vương quốc Anh để nói lên “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai quốc gia này. Cuộc hội kiến giữa hai ông Suga và Biden cũng cho thấy một điểm quan trọng về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là tiếp tục chuyển trọng tâm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương.

Đồng minh Hoa Kỳ-Nhật Bản – nguồn AP

Hồi tháng trước, Nhật Bản cũng đã là một biệt lệ khi trở thành trạm dừng chân quốc tế đầu tiên của hai giới chức quan trọng nhất về các chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin khi hai nhân vật này đến Tokyo để thảo luận cùng với các giới chức Nhật Bản về tình hình an ninh trong khu vực.

Thông thường, một thủ tướng Nhật Bản khi đến viếng thăm Washington vẫn luôn mang theo sẵn một danh sách gồm các   mục trong chương trình nghị sự cần bàn luận. Chuyến viếng thăm này cũng không ngoại lệ. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về các vấn đề liên quan đến trận đại dịch, thương mại, tầm quan trọng của việc bảo đảm cho chuỗi cung ứng các thành phần quan trọng cho việc sản xuất như chất bán dẫn, mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và các mục tiêu chung về biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đây thường lợi dụng cuộc họp thượng đỉnh với các tổng thống Mỹ để tìm sự bảo đảm rằng Hoa Kỳ, hiện đang có khoảng 50,000 binh lính đóng tại Nhật Bản, sẽ bảo vệ quyền kiểm soát quần đảo Senkaku không có người ở của Nhật. Trong năm qua, Trung Quốc, là nước cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này, đã cố tình ngày càng đưa thêm nhiều tàu thuyền của họ đi vào trong hoặc gần lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo.

Tuy nhiên, chủ đề quan trọng nhất trong cuộc thảo luận có lẽ là nguy cơ xung đột quân sự tại eo biển Ðài Loan mà trong thời gian gần đây Trung Quốc đã điều động chiến đấu cơ của họ đến uy hiếp đảo quốc theo thể chế dân chủ này, mà Bắc Kinh vẫn tự coi là lãnh thổ ly khai của họ. Thế nên trong chuyến viếng thăm Tokyo của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin, hai giới chức này đã cùng với các giới chức Nhật Bản đưa ra một bản tuyên bố chung nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Ðài Loan”.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Cuộc hội kiến tại Washington lần này cho ta thấy tầm quan trọng vị trí của Nhật Bản trên bàn cờ quốc tế mà từ lâu đã là một đồng minh vững vàng nhưng bị đánh giá thấp, và nay đang nổi lên như là một đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực mà các chuyên gia nghiên cứu cho rằng sẽ là nơi diễn ra cuộc đấu tranh địa chính trị mang tính cách quyết định của thế kỷ 21: cuộc cạnh tranh  về siêu cường của Trung Quốc, và sự đối chọi trong hệ thống kinh tế và chính trị của họ.

Cuộc họp thượng đỉnh Bộ Tứ – Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản – diễn ra vào ngày 12 tháng Ba – nguốn AP

Kể từ sau khi bị đánh bại trong Thế chiến II, Nhật Bản đã trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng tầm quan trọng của Tokyo đối với Washington trong nhiều thập niên qua tập trung vào việc quốc gia này là nơi có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ và là thành viên trong một liên minh thượng tầng bao gồm các nền dân chủ giàu có nhất của phương Tây cũng như hệ thống kinh tế tự do của họ. Tokyo vẫn luôn là một đối tác ổn định, âm thầm – là nền kinh tế lớn hàng thứ ba thế giới, với túi tiền dồi dào và sẵn sàng tài trợ cho các sáng kiến của phương Tây, chẳng hạn như các dự án y tế và phát triển quốc tế do nhóm G7 (Hoa Kỳ, Nhật, Ðức, Anh, Pháp, Canada, Ý) phát động.

Nhưng trong mấy năm gần đây, Nhật Bản còn tỏ thái độ muốn đóng một vai trò lãnh đạo lớn hơn trong khu vực láng giềng của họ. Và thái độ này ngày càng rõ hơn trong khi Trung Quốc cũng thể hiện ý định thống trị của họ trong khu vực và đồng thời cho áp đặt quan điểm của họ về thể chế độc tài chuyên chế, một nền kinh tế cố định và hạn chế quyền tự do cá nhân ở trong nước và thậm chí ở một mức độ nào đó trong khu vực.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Chính cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người lần đầu tiên vào năm 2007 đã đề xướng ý tưởng về một liên minh mà nay thường được gọi là Bộ Tứ (the Quad) thuộc khu vực Ấn Ðộ Dương–Thái Bình Dương – là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Ðộ – như là trung tâm đại diện cho thể chế dân chủ cũng như hệ thống kinh tế tự do và mở rộng để nhằm thúc đẩy sự phát triển cho khu vực, đồng thời là một liên minh để nhằm ngăn cản sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng.

Tưởng cũng nên nhắc lại Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên cấm các công ty Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng hệ thống 5G của họ và đã tìm cách hỗ trợ cho Úc khi quốc gia này bị Trung Quốc cắt nguồn cung cấp kim loại đất hiếm sau khi lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh vi phạm nhân quyền tại khu vực tỉnh Tân Cương.

Cuộc thảo luận giữa hai nước tại Washington hôm thứ Sáu 16-4 – nguồn UPI

Một điều rõ ràng là Bắc Kinh cũng đã có lưu ý về việc Nhật Bản sẵn sàng không chỉ có những hành động nhằm trực tiếp chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc, mà còn hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh mở rộng hơn trong khu vực. Một tuần trước cuộc hội kiến tại Washington, bộ ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra thông báo từ cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng hai nước mà phía Trung Quốc cảnh báo với phía Nhật Bản rằng để bảo đảm mối quan hệ Trung–Nhật thì “không nên dính líu đến cái gọi là đối đầu giữa các nước lớn”.

Xem thêm:   Ham & hố

Bản thông báo này cho thấy Bắc Kinh muốn tạo áp lực buộc Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại mềm mỏng với Trung Quốc như trước đây, đặc biệt là phải tự kiềm chế mỗi khi đưa ra tuyên bố có liên quan đến những vấn đề nội bộ của Trung Quốc, như vấn đề nhân quyền chẳng hạn.

Tuy nhiên, những áp lực đòi hỏi cần phải có thái độ mạnh hơn trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng trong nội bộ Nhật Bản. Theo nhận định của một số phân tích gia, những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ trẻ hơn thuộc đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền tại Nhật Bản đang đòi hỏi cần phải đưa ra những biện pháp trừng phạt Trung Quốc về việc vi phạm nhân quyền và xây dựng mối quan hệ chính trị mạnh mẽ hơn với Ðài Loan – mà từ lâu là một điều tối kỵ không được nhắc đến.

Về phía Hoa Kỳ, các giới chức Toà Bạch Ốc cho biết, trong chỗ riêng tư, Tổng thống Biden cũng khuyến khích nhà lãnh đạo Nhật Bản hãy công khai hoá trước những lo ngại ngày càng tăng mà chính phủ Nhật Bản cùng chia sẻ với Hoa Kỳ về các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Ðài Loan, lập trường hung hăng của họ ở Biển Ðông, cuộc đàn áp của họ đối với Hồng Kông, và các vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại tỉnh Tân Cương.

Theo nhận định của một số chuyên gia về tình hình thế giới thì thời hậu Thế chiến II, thế giới của thế kỷ 20 là cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Sô và trọng tâm của Washington là mối quan hệ giữa hai bờ Ðại Tây Dương. Do vậy, trong nhiều thập niên qua, các vị tân tổng thống Hoa Kỳ vẫn luôn dành cho thủ tướng Anh một sự biệt đãi là vị khách mời ngoại quốc đầu tiên đến thăm Toà Bạch Ốc. Nhưng nay tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi và nếu nửa đầu của thế kỷ 21 là cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để giành vị trí lãnh đạo toàn cầu thì đương nhiên Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng đối với Hoa Kỳ hơn là Vương quốc Anh. Và cuộc hội kiến giữa Suga và Biden đánh dấu cho sự chuyển hướng đó.

VH