Sau cơn ác mộng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-09, ai cũng nghĩ rằng hệ thống ngân hàng ở Hoa Kỳ đã được sửa đổi an toàn hơn cho khách hàng. Nay thì mọi người mới vỡ lẽ ra một phần không nhỏ của hệ thống ngân hàng ấy vẫn có sức gây ra một cơn nhói tim.

Getty Images  

Nếu là người làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật thì trước đây hẳn đã từng nghe tới ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Nhưng nếu chưa thì cũng không lạ vì nó chỉ là loại ngân hàng khu vực. Tuy nhiên ngân hàng này nắm trong tay nhiều chục tỷ Mỹ kim tiền ký thác mặc dù chỉ có hơn hai chục chi nhánh, và nói chung phục vụ cho một nhóm rất cụ thể bao gồm các công ty khởi nghiệp, các nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty kỹ thuật.

Hôm thứ Năm 9 tháng 3, nhiều người đua nhau rút tiền tại ngân hàng SVB khiến cho $42 tỷ tiền ký thác chạy khỏi ngân hàng này chỉ trong một ngày. SVB là một trong ba ngân hàng cho vay của Mỹ sụp đổ trong khoảng thời gian một tuần lễ. Hai ngân hàng kia là Signature Bank và Silvergate Corporation.

Các cơ quan giám sát đã đóng cửa SVB vào hôm thứ Sáu 10 tháng 3, sau khi ngân hàng này sụp đổ nhanh chóng và đột ngột, đánh dấu sự kiện ngân hàng bị phá sản lớn thứ nhì trong lịch sử Hoa Kỳ. Chỉ hai ngày trước đó, SVB báo hiệu cho biết họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt. Mới đầu ngân hàng này đã cố gắng huy động tiền mặt bằng cách bán cổ phiếu và sau đó đã thử tìm người để bán luôn cả công ty, nhưng toàn bộ nỗ lực này đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và cuối cùng thì ngân hàng phải phá sản.

Hôm Chủ Nhật 12 tháng 3, chính phủ liên bang tìm cách trấn an và cho biết họ sẽ can thiệp để bảo đảm rằng tất cả những ai gửi tiền ngân hàng đều sẽ được quyền truy cập vào các trương mục của họ trước ngày thứ Hai 13 tháng 3. Cơ quan giám sát cũng đóng cửa ngân hàng Signature Bank of New York, là ngân hàng đã tham gia vào việc đầu tư tiền ảo (crypto) và chính phủ liên bang cho biết tiền của người gửi tại đây cũng sẽ được bảo đảm.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Chấn động

Vụ sụp đổ trên đã gây ra làn sóng chấn động trên khắp lĩnh vực kỹ thuật. Nhiều công ty và khách hàng có tiền trong trương mục của SVB đã quyết định rút tiền ra trong mấy ngày trước đó – trớ trêu thay, hành động này đã góp phần vào sự sụp đổ nhanh chóng của ngân hàng. Nhưng không hẳn là ai cũng lấy tiền ra kịp, và cơ quan bảo hiểm tiền ký thác của chính phủ liên bang FDIC chỉ bảo kê tiền ký thác (deposit) lên tới $250,000, vì vậy những khách hàng nào có hơn mức đó trong ngân hàng SVB đã bị bấn loạn trong mấy ngày, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ đã lên tiếng cho biết tiền của họ sẽ vẫn còn chứ không đi đâu mất.

Ngoài lĩnh vực kỹ thuật, vụ sụp đổ đã làm rung chuyển ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng khu vực, do những lo ngại cho rằng các ngân hàng khác cũng có thể gặp rắc rối hoặc tâm lý hoảng sợ có thể lây lan thêm ra. Ðiều quan trọng cần lưu ý ở đây đối với người tiêu dùng rằng tiền ký thác hiện tại của họ trong ngân hàng gần như chắc chắn là an toàn. Tuy nhiên, sự sụp đổ của ngân hàng SVB là một vấn đề lớn và là dấu hiệu của những nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn đang chuyển động trong các lĩnh vực kỹ thuật, tài chính và thậm chí nền kinh tế của nước Mỹ.

Khách hàng chờ rút tiền tại một chi nhánh SVB – NBC News

Ngân hàng SVB

Ngân hàng SVB được thành lập vào năm 1983 tại Santa Clara, California và nhanh chóng trở thành ngân hàng cho lĩnh vực kỹ thuật đang phát triển ở đó và các nhà tư bản tài trợ và đầu tư trong lĩnh vực này. Bản thân ngân hàng SVB đã từng tuyên bố là nơi cất giữ trương mục cho gần một nửa số công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ tính đến năm 2021. Ngân hàng này cũng là đối tác của nhiều công ty đầu tư mạo hiểm (venture capital firms) tài trợ cho các công ty khởi nghiệp đó. Tất cả những điều nói trên về căn bản có nghĩa là việc kinh doanh của ngân hàng được kết hợp chặt chẽ với cơ sở hạ tầng tài chính của ngành kỹ thuật, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Cách điều phối kinh doanh như trên rất tốt đối với SVB khi mọi thứ trở nên thuận lợi đối với ngành kỹ thuật và ngược lại sẽ gặp nhiều trắc trở khi không được thuận lợi. Nhưng trong bao lâu nay, công việc kinh doanh của ngân hàng rất phát đạt, và các nhà tư bản đầu tư đổ rất nhiều tiền vào nhiều công ty khởi nghiệp xuyên qua hệ thống ngân hàng SVB.

Ngân hàng SVB có hơn $200 tỷ tài sản khi bị phá sản, ít hơn nhiều so với $3.31 ngàn tỷ của ngân hàng JPMorgan Chase. Nhưng SVB là ngân hàng bị phá sản lớn nhất kể từ cuộc đại suy trầm năm 2008, đồng thời cũng là một trong những ngân hàng bị phá sản lớn nhất từ trước đến nay tại Hoa Kỳ.

Lý do sụp đổ

Ngân hàng SVB sụp đổ phần lớn là do kết quả của việc khách hàng đổ xô đi rút tiền ra khỏi các trương mục của họ sau khi có những dấu hiệu rắc rối bắt đầu xuất hiện vào tuần lễ thứ hai của tháng 3. Các ngân hàng, không chỉ SVB, thường nhận tiền ký thác từ khách hàng và đầu tư vào những nơi nói chung là an toàn, như trái phiếu (bond) chẳng hạn. Nhưng khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất, những trái phiếu đó trở nên ít giá trị hơn. Ðó thường không phải là vấn đề – SVB chỉ cần đợi cho những trái phiếu đó đáo hạn để lấy tiền lời – nhưng do vốn đầu tư mạo hiểm và ngành kỹ thuật nói chung đang suy giảm, tiền ký thác gửi vào chậm lại và khách hàng bắt đầu rút tiền, đưa đến tình trạng thiếu tiền mặt.

Hôm thứ Tư, ngày 8 tháng 3, công ty mẹ của SVB, SVB Financial Group, cho biết họ sẽ thực hiện đợt bán cổ phiếu trị giá $2.25 tỷ sau khi bán $21 tỷ trái phiếu từ khoản đầu tư của họ với số tiền bị lỗ là gần $2 tỷ. Việc làm này là nhằm cân bằng bảng kế toán của họ và để có số tiền mặt dự trữ. Thay vì trấn an dư luận, tuyên bố trên của SVB khiến cho thị trường và khách hàng hoảng sợ và càng đổ xô đi rút tiền. Ðây là tâm lý chung lâu lâu vẫn xảy ra trong lĩnh vực tài chính.

Cổ phiếu ngân hàng suy sụp sau vụ chấn động SVB – Mish Talk

Sụp đổ quá nhanh

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Ngân hàng SVB được xây dựng trong 40 năm và sụp đổ chỉ trong hai ngày. Ðiều gì đã khiến cho ngân hàng này sụp đổ quá nhanh?

Một phần vấn đề của SVB là vì họ quá tập trung vào một hoạt động kinh doanh. Ngân hàng SVB hầu như chỉ nhắm phục vụ cho đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân – vì lĩnh vực này đã thu lợi nhiều trong suốt thập niên qua. Nhưng vì ngân hàng quá tập trung vào một khu vực kinh doanh, điều đó khiến ngân hàng gặp nhiều rủi ro. Khi mọi thứ trở nên xấu đi đối với nhóm khách hàng thiếu sự đa dạng của họ, tình hình sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn đối với ngân hàng.

Thêm một bất lợi nữa khi một ngân hàng khác là Silvergate, chuyên phục vụ cho việc đầu tư tiền ảo, cho biết cũng vào hôm thứ Năm 9 tháng 3 là họ cho ngừng các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo – khiến cho các dấu hiệu rắc rối tại SVB lại càng được chú ý hơn, và mọi người hoảng sợ.

Để lấy lại tiền ký thác

Nếu một ngân hàng là thành viên của FDIC thì khi bị sụp đổ, tiền ký thác trong đó – tức là tiền người ta gửi vào ngân hàng – vẫn được bảo kê lên tới mức $250,000. Bất cứ số tiền nào hơn đó thì không có gì bảo đảm là người gửi có thể lấy lại được.

Ít ra thì đó là cách vận hành xưa nay của các hệ thống ngân hàng. Vài ngày sau khi SVB sụp đổ, Cục Dự trữ Liên bang, Bộ Tài chính và FDIC đã ra thông báo rằng họ sẽ “cấp thêm tiền cho các tổ chức nhận tiền ký thác nếu hội đủ điều kiện”, nghĩa là ngân hàng sẽ có tiền để hoàn trả đầy đủ cho người gửi tiền. Thông báo cho biết khoản tài trợ đó sẽ đến từ các khoản vay từ chương trình tài trợ có kỳ hạn cho ngân hàng (Bank Term Funding Program) vừa mới được thành lập.

Bởi vì chương trình này còn quá mới nên không ai biết chính xác nó sẽ hoạt động như thế nào hoặc khi nào thì người gửi tiền có thể nhận lại được số tiền ký thác của họ.

VH