Kể từ năm ngoái sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, một chiến lược mới hình thành mà nay các nhà quan sát nhận thấy sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tình hình an ninh của thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông – đó là liên minh quân sự ngày càng trở nên sâu đậm hơn giữa Nga và Iran, đe dọa đến quyền lợi của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh.
Hôm thứ Năm 2/11, chính phủ Hoa Kỳ cho biết có những tin tức tình báo nói rằng nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga đang có kế hoạch gửi hệ thống phòng không tới tổ chức Hezbollah ở Lebanon. Hezbollah là một trong những lực lượng dân quân ủy nhiệm của Iran và đang đe dọa mở một mặt trận thứ hai chống lại Israel trong khi cuộc xung đột Israel-Hamas đang xảy ra tại dải Gaza. Hệ thống phòng không này sẽ làm phức tạp thêm khả năng của Israel trong việc bảo vệ các thành phố của họ khỏi các cuộc tấn công hoả tiễn của Hezbollah.
Mặc dù tập đoàn Wagner được thành lập như một tổ chức quân sự tư nhân, nhưng kể từ tháng 8 sau khi nhân vật sáng lập Yevgeny Prigozhin bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay, chính quyền Kremlin đã từng bước một thu nhận và sáp nhập tổ chức này vào chung với các tổ chức quân sự khác dưới quyền kiểm soát của bộ quốc phòng Nga.
Tin tình báo
Hôm thứ Ba 10/31, xuất hiện tại cuộc điều trần ở quốc hội, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng gia tăng giữa Moscow và Tehran đang làm ảnh hưởng đến an ninh ở khu vực Trung Đông, mặc dù ông không đề cập đến vai trò của Wagner.
Một giới chức Hoa Kỳ cho biết Washington vẫn chưa xác nhận liệu hệ thống phòng không này đã được gửi đi hay chưa. Nhưng một điều chắc chắn là Hoa Kỳ đang theo dõi sát các cuộc thảo luận liên quan đến Wagner và Hezbollah, và nếu vụ giao hàng xảy ra thì đây sẽ là mối lo ngại lớn trong khi tình hình chiến sự tại dải Gaza đang gia tăng cường độ.
Tin tức tình báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng tổ chức Hezbollah, lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, có thể mở mặt trận phía bắc để chống lại Israel. Trong khi đó Hoa Kỳ đã đưa hàng không mẫu hạm vào khu vực Đông Địa Trung Hải để sẵn sàng ngăn chặn Hezbollah và Iran trong mưu đồ mở rộng cuộc xung đột.
Iran giúp Nga
Đây là ví dụ mới nhất về mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng thắt chặt hơn giữa Nga và Iran. Iran năm ngoái đã bắt đầu cung cấp cho Nga loại máy bay không người lái Shahed giúp Moscow có thêm khả năng tấn công các thành phố của Ukraine. Hiện nay chính quyền Tehran đang giúp xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở thị trấn Yelabuga của Nga, nơi sẽ sản xuất hàng nghìn máy bay không người lái cho mục đích quân sự.
Nga đã đốt một phần lớn kho đạn dược của họ trong cuộc chiến tại Ukraine, và trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 4 năm 2023, Iran đã phải cung cấp cho Nga hơn 300,000 quả đạn pháo và một triệu viên đạn. Iran có kho vũ khí hoả tiễn lớn nhất Trung Đông và mối lo ngại của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh là Iran sẽ giúp Nga bổ sung kho vũ khí đang cạn kiệt của họ. Các lệnh hạn chế của Liên Hiệp Quốc đối với chương trình hoả tiễn đạn đạo của Iran đã hết hạn vào ngày 18 tháng 10, và Nga chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết của họ tại Hội đồng Bảo An để ngăn chặn việc gia hạn thêm lệnh hạn chế này.
Iran và Nga chắc chắn cũng nhìn thấy lợi ích chung khi họ buộc Hoa Kỳ và Châu Âu cùng lúc phải bảo vệ Ukraine và Israel. Tổ chức Hamas cũng là lực lượng dân quân ủy nhiệm của Iran, và mới đây lãnh tụ của Hamas là Khaled Mashal nói rằng Nga đã được hưởng lợi từ cuộc tấn công hôm mùng 7 tháng 10 của họ vào Israel vì phần nào cuộc tấn công này đã khiến Hoa Kỳ bớt tập trung vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Nga giúp Iran
Để đổi lại sự hợp tác nói trên, chính quyền Tehran muốn có được loại chiến đấu cơ Su-35 của Nga mà theo nhận định của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) cho biết “có thể là sự nâng cấp đáng kể nhất về khả năng không quân của Iran trong vài thập niên tới.” Việc giao chiến đấu cơ Su-35 cho Iran rất có thể sẽ xảy ra trong năm nay hoặc năm tới.
Các giới chức Israel nói với hãng thông tấn Bloomberg hồi mùa xuân vừa qua rằng chính quyền Tehran còn muốn loại hệ thống phòng không S-400 của Nga nữa và điều này sẽ khiến cho việc thực hiện các cuộc tấn công vào các địa điểm nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran trong tương lai trở nên khó khăn hơn nữa.
Nga và Iran cũng đã hợp tác trong nhiều năm qua để bảo vệ chế độ Assad ở Syria, trong đó bao gồm cả chiến thuật gây áp lực lên khoảng 900 binh lính Hoa Kỳ hiện đang đóng tại quốc gia này. Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington cho biết, Nga đã hỗ trợ tình báo cho Iran, tăng cường quấy rối nhắm vào binh lính, máy bay và máy bay không người lái của Hoa Kỳ ở Syria, đồng thời cung cấp ít nhất 17 xe vận tải vũ khí cho các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn tại đây trong năm 2023 này.
Mục tiêu lớn hơn
Nếu quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Syria sẽ khiến cho các nhóm quân sự phi Hồi giáo chống lại Assad càng bị siết chặt hơn. Và điều này sẽ mở thêm ra một hành lang trên bộ xuyên qua Syria và đẩy nhanh việc vận chuyển vũ khí của Iran tới lực lượng dân quân Hezbollah của Iran ở Lebanon. Mục tiêu lớn hơn trong liên minh quân sự giữa Nga và Iran là đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Trung Đông.
Nói như thế để thấy rằng những chính trị gia có tư tưởng theo chủ nghĩa biệt lập (isolationists) cho tới nay vẫn ngây thơ tin rằng Hoa Kỳ cứ để cho các cường quốc quân sự như Nga và Iran thống trị khu vực của họ, Hoa Kỳ rút lui về bảo vệ biên giới của mình, không bận tâm tới những quốc gia khác và Hoa Kỳ sẽ được để yên. Tuy nhiên, bài học rút ra được từ Ukraine, và nay là Israel, là những cường quốc quân sự nói trên sẽ không bao giờ hài lòng với tình hình hiện tại. Họ vẫn muốn mở rộng thêm tầm ảnh hưởng và chinh phục các quốc gia láng giềng của họ, như trường hợp giữa Nga và Ukraine. Riêng với Iran, mục tiêu tối hậu của họ cho tới nay là phải tiêu diệt quốc gia Israel, ngày nào chưa đạt được mục tiêu này thì họ sẽ không chịu ngồi yên.
Các quốc gia thù địch của Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với nhau và đừng bao giờ nghĩ rằng các vấn đề đang xảy ra trên thế giới không có sự liên quan. Cứ để Nga khuất phục được Ukraine và Iran thành công trong việc gây rối loạn khu vực Trung Đông, và xem thử sau đó họ có còn cộng tác với nhau để tiếp tục chống lại quyền lợi của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh hay không? Câu trả lời chắc chắn là có.
VH