Sau ba năm tự cô lập do đại dịch Covid, Trung Quốc mở cửa trở lại hồi đầu năm nay và lãnh tụ Tập Cận Bình đang lên kế hoạch để tổ chức một hội nghị thật đình đám cho chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở Nhất đới Nhất lộ đầy tham vọng của ông ta.

Diễn đàn Nhất đới Nhất lộ có nguy cơ vắng khách – silkroadbriefing.com
Có điều là thư hồi đáp tham dự hội nghị lần này không bay về tới tấp như họ Tập mong muốn. Ðặc biệt là nhiều quốc gia Châu Âu đã trở lời thẳng là không tham dự, phản ảnh mối quan hệ ngày càng lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Châu lục này. Bắc Kinh đặt nhiều hy vọng rằng Châu Âu sẽ kết nối với mạng lưới liên kết giao thông và thương mại toàn cầu Nhất đới Nhất lộ của họ, nhưng các nhà lãnh đạo Châu Âu thì lại đang tìm cách tránh xa, chia sẻ chung sự cảnh giác và quan tâm của Washington về tình trạng ngày càng gia tăng sự lệ thuộc kinh tế của họ vào Trung Quốc.
Một khách mời gây nhiều sự chú ý nói rằng ông sẽ tham dự – đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin – lại càng khiến cho các nhà lãnh đạo Châu Âu tìm cách xa lánh, nhiều người trong số đó đã khẳng định lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc chỉ vì Bắc Kinh đã ngang nhiên ủng hộ Moscow kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine.
Theo một số chuyên gia, Bắc Kinh đã đầu tư cho sáng kiến Nhất đới Nhất lộ của họ được ước tính lên tới $1 ngàn tỷ để xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ, đường ống và bến cảng do Trung Quốc tài trợ sẽ kết nối Châu Á với Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.
Nay, nhiều quốc gia trong số đó đang âm thầm tránh xa khỏi dự án này, trong khi Châu Âu tìm cách làm giảm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.
Theo một số giới chức cao cấp trong chính phủ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ðức Olaf Scholz không tham dự diễn đàn Nhất đới Nhất lộ năm nay. Hoặc như Thủ tướng Giorgia Meloni của Ý, quốc gia duy nhất trong nhóm G-7 ký kết tham gia Nhất đới Nhất lộ, cũng sẽ không tham dự. Thậm chí một quốc gia trung lập như Thuỵ Sĩ, trong hai hội nghị trước đây đã gửi tổng thống của họ đi dự, cũng đang xem xét việc có đi hay không.
Hy Lạp, tham gia vào Nhất đới Nhất lộ năm 2018, đã cho Bắc Kinh biết thủ tướng của nước họ sẽ không tham dự. Cộng hoà Czech, ký kết tham gia sáng kiến xây dựng năm 2015, dự kiến cũng sẽ không đưa tổng thống hoặc giới chức cao cấp chính phủ tới tham dự. Sau khi hai quốc gia này cam kết hợp tác sáng kiến Nhất đới Nhất lộ với Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã từng ưu ái thực hiện các chuyến thăm viếng chính thức cấp quốc gia kéo dài ba ngày tới từng mỗi quốc gia nói trên.
Sáng kiến Nhất đới Nhất lộ, họ Tập lần đầu tiên đưa ra vào năm 2013 như một chiến dịch rộng lớn nhằm thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế toàn cầu và mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc, là chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới – lớn hơn nhiều so với Kế hoạch Marshall của Washington để tái xây dựng Âu Châu sau Thế chiến II – và cho tới nay Hoa Kỳ vẫn chưa thể đưa ra một chương trình nào như một lựa chọn khác để thay thế cho sáng kiến trên.
Tuy nhiên, việc chi tiêu cho Nhất đới Nhất lộ đã giảm so với ước tính ban đầu và kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh bị cản trở bởi đại dịch Covid, chi phí vay mượn tăng cao và cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Diễn đàn Nhất đới Nhất lộ năm nay – diễn đàn đầu tiên kể từ khi đại dịch và là diễn đàn thứ ba kể từ lần khai mạc năm 2017 – sẽ là một thử nghiệm để xem coi diễn đàn mang nhiều dấu ấn của Tập về ngoại giao kinh tế có còn sức hấp dẫn, và các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện đang cố gắng tìm cách lấp đầy vào những ô trống trong danh sách khách mời và để chứng minh tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đang ở mức nào.

Lãnh tụ 38 quốc gia tham dự diễn đàn năm 2019 – Shutterstock
Sự phản hồi có phần lạnh nhạt từ phía Châu Âu cho đến nay cho thấy một bối cảnh toàn cầu mang đến nhiều thách thức hơn đối với tham vọng ngoại giao của Tập Cận Bình. Nếu các nước Châu Âu trước đây từng ve vãn trong việc tham gia vào Nhất đới Nhất lộ thì nay họ đang trực tiếp cạnh tranh với chương trình này.
Vào cuối tháng 10 năm nay, các chính phủ Châu Âu sẽ mời các nhà lãnh đạo kinh doanh, các giới chức chính phủ và nguyên thủ quốc gia từ Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á – nhưng không có Trung Quốc – đến tham dự diễn đàn riêng của họ, để thúc đẩy dự án có tên Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway), một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá $333 tỷ của khối Liên Âu.
Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đây có đưa tin Tập Cận Bình, trong lần thăm viếng Moscow vào tháng 3, đã mở lời mời ông Putin đến tham dự diễn đàn. Tuần qua, điện Kremlin cho biết Putin sẽ tham dự.
Theo nhận định của một số người am tường về vấn đề này cho biết, sự hiện diện của Putin đã khiến Trung Quốc gần như không thể bảo đảm cam kết tham dự diễn đàn từ các chính phủ đã lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Ít người tham dự sẽ là sự thất bại của Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm tô vẽ thêm cho hình ảnh về sự ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn mạnh của họ. Diễn đàn năm 2019 thu hút được các lãnh đạo cao cấp từ 38 quốc gia, trong khi đó có 30 lãnh đạo quốc gia xuất hiện tại diễn đàn đầu tiên năm 2017.
Chương trình Nhất đới Nhất lộ cũng đã gặp phải sự chỉ trích từ trong nước lẫn ngoài nước trong khi nhiều dự án xây dựng bị đình trệ, nhiều con nợ không đủ khả năng để trả các khoản vay mượn và các cáo buộc về bội chi và phân bổ sai nguồn tài chính xuất hiện ở nhiều nơi. Các giới chức phương Tây còn cáo buộc rằng chương trình xây dựng này đã khiến cho nợ nần của nhiều quốc gia nghèo lại chồng chất thêm lên – điều mà Bắc Kinh cực lực bác bỏ. Một số doanh nghiệp tư nhân cũng tỏ ra không còn hứng thú sau khi không gặt hái được những lợi ích như họ mong đợi, mặc dù thời gian đầu chương trình gây được tiếng vang thu hút được một số nhà đầu tư.

Liên Âu-Trung Quốc không còn thắm thiết như thuở ban đầu – China State Council
Việc Châu Âu quay lưng lại với chương trình Nhất đới Nhất lộ bắt đầu từ trước đại dịch, khi các cường quốc của lục địa này đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Kể từ năm 2019, chính sách chính thức về Trung Quốc của Liên Âu đã coi Bắc Kinh là một “đối thủ có hệ thống”, chứ không chỉ là một đối tác thương mại bình thường. Năm sau đó, Phòng Thương mại Liên Âu tại Trung Quốc cho biết các công ty Châu Âu chỉ nhận được những hợp đồng lẻ nhỏ giọt từ Nhất đới Nhất lộ, vì hầu hết nguồn tài chính được chuyển qua các cơ sở thuộc quyền sở hữu của nhà nước Trung Quốc.
Bất đồng về ngoại giao cũng khiến cho các liên kết thương mại với Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn. Năm 2020, các nhà ngoại giao Trung Quốc đe doạ nhập cảng ít hơn số đàn dương cầm từ Cộng hoà Czech, lúc đó là dưới quyền lãnh đạo của một tổng thống ủng hộ mạnh chương trình Nhất đới Nhất lộ, sau khi một thượng nghị sĩ Czech bay đến thăm viếng Ðài Loan. Vụ việc này khơi dậy làn sóng chỉ trích Trung Quốc và góp phần bầu ra một tổng thống mới, một trong những nhà lãnh đạo có quan điểm diều hâu nhất của Châu Âu đối với vấn đề Trung Quốc.
Năm sau 2021, Trung Quốc cắt giảm 80% hàng nhập cảng từ Lithuania sau khi quốc gia vùng Baltic này cho phép Ðài Loan mở một văn phòng địa phương dưới cái tên ám chỉ hòn đảo này là một quốc gia độc lập. Liên Âu đâm đơn kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới và đồng thời tăng cường nỗ lực giảm sự lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc.
Phản ứng kiểu nước đôi của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga càng khiến nhiều giới chức Châu Âu xa lánh họ và bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ để kiềm chế ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh – trong đó bao gồm cả sáng kiến Nhất đới Nhất lộ. Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 ở Hiroshima, các quốc gia dân chủ tiên tiến G-7 đã thiết lập quan hệ đối tác về việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu, trong đó các nhà lãnh đạo cam kết huy động vốn đầu tư $600 tỷ cho các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Liên Âu cũng cam kết huy động các khoản đầu tư công và tư nhân trị giá hơn một nửa trong số đó. Sự hợp tác này được xem như là một vũ khí hữu hiệu để đối đầu trực tiếp với chương trình Nhất đới Nhất lộ của Trung Quốc.
VH