Một tin xấu trong tuần qua, đó là nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm trong quý hai, là hai quý liên tiếp, trong khi thị trường nhà đất bắt đầu chậm lại với lãi suất tăng và lạm phát cao đã khiến cho mức chi tiêu trong lãnh vực kinh doanh cũng như của người tiêu thụ bị ảnh hưởng. Trong môn kinh tế học, khi nền kinh tế một quốc gia bị suy giảm liền hai quý, theo định nghĩa thông thường, thì đó là suy trầm.

Lạm phát đình trệ – nguồn Getty Images 

Hôm thứ Năm 28/7, Bộ Thương mại cho biết tổng sản lượng nội địa (GDP), là thước đo bao gồm tất cả các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trên toàn nền kinh tế, đã giảm 0.9% trong quý hai. Sự kiện này theo sau mức suy giảm kinh tế 1.6% trong 3 tháng đầu của năm 2022.

Kinh tế suy giảm liền hai quý cộng với tình trạng lạm phát tăng ở mức cao nhất trong 4 thập niên qua một lần nữa lại dấy lên mối lo ngại về một hiện tượng kinh tế khác đã từng xảy ra từ nhiều thập niên trước đây: lạm phát đình trệ (stagflation). Một số kinh tế gia vừa đưa ra lời cảnh báo rằng hiện tượng này có thể đang quay trở lại.

Định nghĩa lạm phát đình trệ

Thuật ngữ này được định nghĩa một cách bao quát khi mức tăng trưởng kinh tế bị trì trệ cùng lúc với tình trạng lạm phát gia tăng. Thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong thập niên 1970, khi người tiêu thụ ở Hoa Kỳ phải đứng xếp hàng dài để đổ xăng với giá cao ngất ngưởng và tỷ lệ thất nghiệp đụng mức 9%.

Tình trạng lạm phát đình trệ sẽ gây thêm rắc rối cho kinh tế. Lạm phát gia tăng sẽ làm xói mòn sức mua của người tiêu thụ và khi nhu cầu tiêu thụ giảm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty và đưa tới tình trạng sa thải nhân viên.

Lạm phát đình trệ cũng đặt Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) vào một tình thế khó xoay sở là vì công việc của Ngân hàng Trung ương là phải làm sao giữ cho lạm phát và thất nghiệp ở mức thấp. Ngân hàng Fed có thể tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát bằng cách giảm chi tiêu, thuê mướn và đầu tư – là biện pháp mà Fed đã bắt đầu thực hiện và dự định sẽ còn tiếp tục trong năm nay. Nhưng nếu biện pháp này được thực hiện mạnh quá, nó có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy trầm.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Lạm phát đình trệ xảy ra chưa?

Có thể đã xảy ra. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công thức toán học nào để xác định rằng liệu chúng ta có đang ở trong tình trạng lạm phát đình trệ hay chưa, nhưng các kinh tế gia nói chung đồng ý rằng đó sẽ phải là một thời kỳ kéo dài ở cả hai mặt lạm phát cao và kinh tế tăng trưởng chậm, chứ không hẳn chỉ một hoặc hai quý.

Có một vài dấu hiệu cho thấy có sự tương đồng giữa tình hình kinh tế thập niên 1970 và hiện nay: giá xăng dầu và thực phẩm tăng vọt khiến chi phí sinh hoạt của người dân trở nên khó khăn hơn, và nhiều giám đốc doanh nghiệp cũng bày tỏ quan ngại về triển vọng kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, sự khác biệt chính giữa tình hình của thập niên 1970 và hiện nay là vấn đề công ăn việc làm. Trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, tỷ lệ thất nghiệp lúc đó trên dưới khoảng 10%. Tháng 6 vừa qua, thất nghiệp chỉ ở mức 3.6% và là tháng thứ tư liên tiếp. Tình trạng sa thải nhân viên hiện nay cũng ở mức rất thấp.

Xếp hàng đổ xăng tại San Jose, California năm 1974 – nguồn AP

Lạm phát đình trệ từng xảy ra trước đây

Tình trạng lạm phát đình trệ từng xảy ra tại Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, khi giá cả hàng hóa tăng vọt và lạm phát ở mức trên 10% kéo theo tỷ lệ thất nghiệp cao.

Nghị sĩ Iain Macleod của Vương quốc Anh được cho là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “lạm phát đình trệ” vào năm 1965, sau khi phát biểu trước nghị viện: “Chúng ta hiện đang đối mặt với tình trạng tồi tệ nhất của cả hai thế giới – không chỉ lạm phát ở một bên hay trì trệ ở mặt bên kia mà là cả hai cùng một lúc. Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng tạm gọi là ‘lạm phát đình trệ’.”

Xem thêm:   Mất mạng

Trên thực tế, hạt giống của lạm phát đình trệ ở Hoa Kỳ đã bắt đầu mọc rễ vào cuối thập niên 1960 sau khi Tổng thống Lyndon B. Johnson cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng kế hoạch chi tiêu cho chiến tranh Việt Nam và các chương trình Xã hội Vĩ đại (Great Society) của ông. Trong khi đó, Chủ tịch Fed, William McChesney Martin, đã thất bại trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ đủ để kiềm chế sự tăng trưởng đó.

Ðến đầu thập niên 1970, Tổng thống Richard Nixon, với sự đồng tình của Chủ tịch Fed lúc đó là Arthur Burns, đã cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với việc tăng lương và giá cả. Công ăn việc làm trở nên khó khăn hơn vào năm 1973 sau khi lệnh cấm vận dầu thô của khối Ả Rập khiến cho giá năng lượng và lạm phát nói chung tăng mạnh. Chủ tịch Burns đã liên tục đánh giá thấp áp lực lạm phát: Một phần, ông không nhận ra được là tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Hoa Kỳ đã giảm và một làn sóng những người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm thuộc thế hệ baby boomer (sinh trong khoảng thời gian từ 1946-64) gia nhập vào lực lượng lao động khiến cho tỷ lệ thất nghiệp không thể giảm xuống mức của đầu thập niên 1960.

Kết quả là, ngay cả sau khi Ngân hàng Fed tăng lãi suất, đẩy nền kinh tế vào cuộc suy trầm trầm trọng trong giai đoạn 1974-75, lạm phát và thất nghiệp vẫn không giảm trở lại mức của một thập niên trước đó.

Tình trạng lạm phát đình trệ của thập niên 1970 chấm dứt với khá nhiều thương tích. Chủ tịch Fed Paul Volcker của chính quyền Ronald Reagan đã bắt buộc phải cho tăng lãi suất lên 20% vào năm 1981, gây ra tình trạng kinh tế suy trầm và tỷ lệ thất nghiệp lên cao ở mức hai con số. Tuy nhiên, kinh tế Hoa Kỳ sau đó dần hồi phục trở lại.

Kinh tế trì trệ có thể gây bất lợi cho đảng của TT Biden trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới – nguồn Bloomberg News

Nhìn về cuộc bầu cử giữa kỳ

Xem thêm:   Cấm TikTok

Với nhiều triệu người Mỹ phải đối mặt với nhiều tháng liên tiếp giá cả tăng cao, một cuộc suy trầm kinh tế có thể gây nhiều bất lợi cho đảng của TT Biden trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới đây. Câu hỏi hiện nay có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ là liệu với một số thành quả mà đảng Dân chủ vừa đạt được ở quốc hội thực sự có thể làm giảm bớt nỗi lo lắng lớn hơn của cử tri về lạm phát và triển vọng kinh tế của nước Mỹ hay không.

Ðảng Dân chủ hiện đang chiếm đa số gần như sát nút tại hạ viện và thượng viện, và đảng Cộng hoà hy vọng lấy thành tích kinh tế của TT Biden làm trọng tâm cho chiến lược tranh cử của họ hòng có thể chiếm lại cả hai viện. Một cuộc thăm dò gần đây của đài CNN cho thấy chỉ có 30% cử tri Mỹ tán thành chính sách xử lý kinh tế của tổng thống, giảm khá mạnh so với một năm trước, lúc đó có khoảng một nửa số người dân Mỹ ủng hộ vai trò này của ông.

Trong khi Toà Bạch Ốc đang cố gắng tìm cách ngăn chặn khả năng về một cuộc suy trầm có thể xảy ra, một phần thử thách trong nỗ lực nói trên là nằm ở nhận thức của công chúng Mỹ về tình hình kinh tế.

Cũng từ kết quả thăm dò của đài CNN cho thấy có 64% người dân Mỹ nghĩ rằng Hoa Kỳ đang ở trong cuộc suy trầm và khoảng 8 trong số 10 người Mỹ đánh giá tình hình kinh tế là kém, tương đương mức độ không hài lòng với nền kinh tế quốc gia được thấy lần trước trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama. Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ lần đó (2010), đảng Cộng hoà chiếm thêm 7 ghế thượng viện và 63 ghế hạ viện.

Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay chỉ còn đúng 3 tháng, sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba 8 tháng 11. Kết quả sẽ là câu trả lời của người dân Mỹ

VH