Tình trạng lạm phát của nước Mỹ trong tháng 3 đã tăng ở mức thấp nhất trong gần hai năm qua, nhưng áp lực giá cả cơ bản có thể khiến Ngân hàng Dự trữ Liên bang phải xem xét để đưa ra thêm một đợt tăng lãi suất khác tại cuộc họp vào tháng 5 tới đây.

Kinh tế Hoa Kỳ – Pixabay   

Theo Bộ Lao động cho biết, chỉ số giá tiêu thụ, thước đo lạm phát được nhiều nhà nghiên cứu theo dõi để đo lường mức giá mà người tiêu thụ phải trả cho hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 5% trong tháng 3 so với một năm trước đó, giảm hơn so với mức tăng 6% của tháng 2 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2021.

Bộ Lao động cũng cho biết người tiêu thụ đã được thấy mức giá thấp hơn trong tháng trước đối với các mặt hàng tạp hóa, xăng dầu, chăm sóc y tế và điện, và giá cao hơn cho tiền mướn nhà, giá vé máy bay và bảo hiểm xe cộ.

Khi giá cả tăng nghĩa là đồng lương người đi làm kiếm được có giá trị thấp hơn sẽ khiến cho cuộc sống của người dân trở nên chật vật hơn. Và đó có lẽ là lý do vì sao người dân Mỹ cảm thấy lo lắng hơn cho cuộc sống tương lai của họ và con cái họ.

Lo lắng thái quá

Theo kết quả thăm dò mới nhất, có tới gần bốn phần năm người Mỹ nói rằng cuộc sống con cái của họ sẽ tồi tệ hơn họ, cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1990, khi đó chỉ có khoảng hai phần năm dân số có cái nhìn ảm đạm về tương lai như trên. Lần trước khi có nhiều người Mỹ nghĩ rằng nền kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ tương tự như vậy là thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008.

Tuy nhiên, sự lo lắng thái quá đó đã làm lu mờ đi câu chuyện thành công đáng kinh ngạc – một trong những thành tích vượt trội kéo dài nhưng đã không được đánh giá đúng mức. Theo tạp chí Economist, nước Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn giàu có nhất, hiệu quả nhất và sáng tạo nhất thế giới. Dựa vào một vài con số đo lường về kinh tế, nước Mỹ ngày càng bỏ xa những quốc gia bạn ở lại phía sau.

So sánh bằng phát minh giữa Hoa Kỳ và các nước khác trong năm 2022 – nguồn Insights:Gate

Thành công kinh tế

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Bắt đầu với thước đo thành công kinh tế quen thuộc mà nhiều người biết tới: tổng sản lượng nội địa GDP. Năm 1990, theo tỷ số hối đoái thị trường, Mỹ chiếm một phần tư sản lượng của thế giới. Ba mươi năm sau, tỷ lệ đó hầu như không thay đổi, ngay cả khi Trung Quốc đã giành được ảnh hưởng về kinh tế. Sự thống trị của Mỹ đối với thế giới của những nước giàu có là điều đáng kinh ngạc. Ngày nay, nước Mỹ chiếm 58% GDP của cả khối G7, bảy quốc gia có nền kinh tế lớn nhất, so với 40% vào năm 1990. Sau khi điều chỉnh mãi lực, chỉ những quốc gia thuộc các trung tâm tài chính và các quốc gia dầu mỏ giàu có mới được hưởng thu nhập bình quân đầu người cao hơn nước Mỹ. Thu nhập trung bình cũng đã tăng nhanh hơn nhiều so với Tây Âu hoặc Nhật Bản. Sau khi điều chỉnh mãi lực, con số đó nay đã vượt quá $50,000 ở Mississippi, tiểu bang nghèo nhất nước Mỹ – nhưng vẫn cao hơn nước Pháp.

Yếu tố kinh tế tăng trưởng

Kỷ lục tăng trưởng đáng khâm phục nói trên có nhiều yếu tố góp thành. Nước Mỹ có thêm nhiều hơn gần một phần ba số người đi làm so với năm 1990, so với Tây Âu và Nhật Bản con số đó là một phần mười. Và, có lẽ điều đáng ngạc nhiên nữa, nhiều người trong số đó có bằng đại học và hậu đại học. Quả thật là trung bình một người Mỹ làm việc nhiều giờ hơn người Châu Âu và người Nhật, nhưng năng suất làm việc của họ cũng cao hơn đáng kể so với cả hai nơi kia.

Các công ty Mỹ sở hữu hơn một phần năm số bằng sáng chế được đăng bộ ở nước ngoài, nhiều hơn cả Trung Quốc và Ðức cộng lại. Tất cả năm nguồn nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của các công ty đều là của Mỹ; trong năm vừa qua họ đã chi $200 tỷ cho lĩnh vực này. Người tiêu thụ ở khắp mọi nơi đã được hưởng lợi từ những phát minh mới của họ trong đủ mọi sản phẩm, từ máy tính xách tay và điện thoại iPhone cho đến các chatbot trí tuệ nhân tạo. Nếu các nhà đầu tư bỏ $100 đầu tư vào các công ty trong danh sách S&P 500 vào năm 1990 thì nay họ sẽ có hơn $2,000, gấp bốn lần số tiền họ có thể kiếm được nếu họ đầu tư vào những nơi khác trong thế giới của các quốc giàu có.

Thị trường tiêu thụ của Mỹ vẫn mạnh nhất – NYT

Phúc lợi xã hội

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Một yếu tố khác có thể là vì để có được thu nhập cao hơn, các chương trình xã hội của nước Mỹ ít hào phóng hơn. Chi tiêu của Mỹ cho phúc lợi xã hội, như một phần của GDP, thực sự keo kiệt hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Nhưng những phúc lợi đó ngày càng giống với Châu Âu hơn và, khi nền kinh tế phát triển, thì những phúc lợi từ các chương trình xã hội thậm chí phát triển nhanh hơn. Tín dụng thuế cho người đi làm và trẻ em đã trở nên hào phóng hơn. Bảo hiểm y tế cho những người nghèo nhất đã được mở rộng, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Barack Obama. Vào năm 1979, các khoản trợ cấp phúc lợi xã hội chỉ chiếm một phần ba tổng số thu nhập trước khi trả thuế của nhóm người Mỹ nghèo nhất; đến năm 2019, con số này đã đạt tới hai phần ba. Nhờ đó, thu nhập của một phần năm dân số thuộc nhóm người nghèo nhất nước Mỹ trên thực tế đã tăng 74% kể từ năm 1990, cao hơn nhiều so với Anh Quốc.

Ðối với toàn thế giới nói chung, thành tích kinh tế vượt trội của nước Mỹ nói lên được rất nhiều về quá trình phát triển liên tục của quốc gia này. Một yếu tố khác mà các nhà kinh tế nhận thấy là kích thước của thị trường cũng đóng một vai trò quan trọng. Mỹ có lợi thế về một thị trường tiêu thụ rộng lớn để có thể phân bổ chi phí cho các chương trình nghiên cứu và phát triển, và một thị trường vốn sâu rộng để các công ty có thể huy động tài chính khi cần. Nhưng ngay cả một số quốc gia Châu Âu có nhiều tiềm năng nhất cũng gặp phải khó khăn để trở thành một thị trường thực sự đứng riêng biệt như của nước Mỹ.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Nhìn về tương lai

Nói vậy để thấy rằng người dân Mỹ nên yên tâm hơn về hiệu quả của nền kinh tế xứ này. Nếu xem lịch sử như một kim chỉ nam cho tương lai, mức sống sẽ tiếp tục tăng lên cho thế hệ kế tiếp, ngay cả khi nước Mỹ phải gánh chịu các chi phí cho nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính trong các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng kinh tế bền bỉ như nói ở trên, bên cạnh đó vẫn có một số điều tiêu cực tiềm ẩn. Mức thu nhập của các gia đình trung lưu ở Mỹ sau khi đóng thuế đã tăng ít hơn so với thu nhập của nhóm người nghèo nhất và nhóm giàu nhất trong mấy năm vừa qua. Ðây là nhóm người chịu nhiều thiệt thòi trong khi nền kinh tế của quốc gia phát triển mạnh. Tỷ lệ đàn ông Mỹ ở độ tuổi trưởng thành và có sức khoẻ tốt nhưng không làm việc với nhiều nguyên do khác nhau đã tăng lên trong nhiều năm qua và cao hơn so với những quốc gia như Anh, Pháp và Ðức. Và tuổi thọ ở Mỹ tụt hậu một cách đáng xấu hổ so với những quốc gia giàu có khác, chủ yếu là do có quá nhiều người trẻ tuổi chết vì dùng ma túy quá liều và vì bạo lực súng đạn.

Giải quyết những vấn đề nói trên sẽ dễ dàng hơn khi toàn bộ nền kinh tế tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, sinh hoạt chính trị của nước Mỹ lại hay thay đổi và do đó các chương trình phát triển kinh tế của chính phủ cũng thường thay đổi luôn và là điều không có lợi. Nếu người dân Mỹ quan tâm đến tương lai của đất nước thì họ cần phải xem xét thật kỹ lưỡng trước khi chọn nhà lãnh đạo quốc gia trong những kỳ bầu cử tới.

Biểu đồ tăng trưởng của thị trường cổ phiếu S&P 500 – moolanomy.com

VH