Cuộc hành trình một mình của cậu bé Alhasan Alkhalaf xuyên ngang Ukraine để đến được nước láng giềng Slovakia là một trong hơn bốn triệu câu chuyện của người tị nạn Ukraine đã rời quê hương đi lánh nạn kể từ khi Nga xâm lăng đất nước họ. Nhưng đây là câu chuyện có kết hậu, bên cạnh đó chắc hẳn còn biết bao câu chuyện thương tâm cần phải được kể lại để làm bài học cho mỗi chúng ta hiểu được thế nào là chiến tranh, mất mát, khổ đau và ly tán.

Chia tay trong lo âu – nguồn AP 

Một thập niên trước, bà Yulia Pisetska đã phải chạy loạn cuộc chiến tại Syria để trở về quê hương Ukraine với đứa bé trai mới một tuổi ẵm trên tay. Khi chiến tranh nổ ra ngay trên chính quê hương Ukraine, trong khi quân đội Nga tiến gần vào thành phố và các cuộc giao tranh đe doạ một nhà máy điện nguyên tử gần đó, bà Pisetska biết rằng đã đến lúc một lần nữa phải di tản đứa con trai của bà nay đã được 11 tuổi.

Nhưng di tản cách nào đây? Bà không thể để lại người mẹ già đau yếu bị mắc căn bệnh mất trí nhớ. Ba đứa con khác của bà, tất cả còn ở tuổi vị thành niên, đã trốn được tới Slovakia, nơi đứa anh lớn, 20 tuổi, đang theo học đại học. Do vậy, bà Pisetska chỉ còn một lựa chọn duy nhất: Alhasan, đứa con trai nhỏ nhất – hiếm khi rời khỏi vòng tay của mẹ – sẽ phải đi một mình.

Alhasan Alkhalaf – mà trong gia đình thường gọi bằng cái tên ngắn hơn là Hasan – bắt đầu cuộc hành trình một mình trong 3 ngày từ thành phố Zaporizhzhia nằm ở phía đông nam Ukraine. Chuyến đi thành công là nhờ có được một kế hoạch sắp xếp cẩn thận, nhưng đồng thời còn nhờ ở thiện chí của các tình nguyện viên và lính biên phòng và sự lanh lợi của cậu bé luôn có sẵn nụ cười trên môi, với một túi ni lông đựng giấy tờ và tên cũng như số điện thoại của người anh trai lớn được viết vội trên u bàn tay trái.

Hasan là một trong hơn bốn triệu người Ukraine đã đi tị nạn qua các nước láng giềng kể từ cuộc xâm lăng của Nga, là con số người tị nạn đông nhất tại Âu châu kể từ Thế chiến II.

Bà Yulia Pisetska và gia đình đã từng sống ở Syria trong khoảng một thập niên trước khi những cuộc giao tranh ác liệt nổ ra năm 2012 quanh thành phố Aleppo, nơi mà gia đình mới vừa mua được một căn chung cư. Chồng bà, một dược sĩ lúc đó đang điều hành một tổ chức từ thiện giúp đỡ những người cô thế, một hôm đi ra ngoài cùng với chiếc túi xách y tế, dường như là để điều trị cho những thường dân bị thương trong các cuộc đụng độ. Ông đã không bao giờ trở về nhà từ sau ngày định mệnh đó.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Các cuộc giao tranh ngày càng thêm ác liệt. Không có hầm để trú ẩn, những đứa con nhỏ phải cuộn mình trong chăn trong khi bị pháo kích. Bà Pisetska nhớ lại cảnh chứng kiến một tay súng từ trên trực thăng bắn liên hồi trong lúc chiếc máy bay bay vòng tròn quanh toà nhà nơi gia đình đang ở.

Hasan với các tình nguyện viên và lính biên phòng tại biên giới Slovakia – nguồn Slovak Police Force

Cuối cùng, họ may mắn thoát được ra ngoài trên một chiếc máy bay quân sự của Ukraine vào tháng 8 năm 2012, trên đường tới phi trường Aleppo, họ bay ngang qua những chiếc xe bị cháy đen và những căn nhà chỉ còn là đống gạch vụn bên dưới.

Trở về lại Ukraine, cả gia đình sống chen chúc tạm bợ trong căn chung cư một phòng ngủ của cha mẹ bà tại Zaporizhzhia. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn trong khi họ cố gắng làm lại cuộc đời mới. Cả gia đình sống nhờ vào trợ cấp xã hội được khoảng $500 mỗi tháng, cộng thêm một chút tiền từ những công việc lặt vặt mà bà Pisetska tìm được. Ðến nay các đứa con vẫn còn nhớ hầu hết những bữa ăn lúc đó chỉ toàn là kiều mạch hoặc khoai tây.

Nhưng được cái chúng rất thông minh. Ngoài tiếng Ả Rập chúng còn nói được tiếng Nga và tiếng Ukraine và học thêm tiếng Anh qua một chương trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Và sau đó được nhận vào học tại một trường loại ưu tú của Zaporizhzhia.

Người con trai cả Zakariia, trong nhà gọi là Zak, luôn là tấm gương dẫn đường cho mấy đứa em. Năm 2019, cậu nhận được học bổng theo học ngành sinh học tại Bratislava, thủ đô của Slovakia, cũng là một thành viên của Liên hiệp Âu châu.

Tương lai của gia đình bắt đầu tương đối xán lạn thì đùng một cái Nga tấn công xâm lăng Ukraine ngày 24 tháng 2. Bà Pisetska nhớ lại nỗi sợ hãi hùng nhất: không phải pháo kích, mà bị bao vây và không được phép ra ngoài, giống như khi họ còn ở Syria.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Do đó bà quyết định gửi ba đứa con đang tuổi vị thành niên – Kinana 17 tuổi, Luna 16 tuổi và Mukhammed 15 tuổi – tới với người anh cả của chúng ở Bratislava. Hasan phải ở lại vì luật lệ không cho phép bất cứ ai dưới 16 tuổi được đi qua biên giới mà không có cha mẹ.

Yulia Pisetska và mẹ già đến được vùng biên giới – nguồn Slovak Police Force

Cả ba đứa con, kể cả Mukhammed dưới 16 tuổi, đã qua được sau cuộc hành trình xuyên ngang đất nước ba ngày đầy mệt mỏi trước khi đến được Bratislava, tại đây họ gọi về cho mẹ cho biết đoạn đường có thể vượt qua được, ngay cả với Hasan, nếu được hướng dẫn đúng.

Lúc đầu bà Pisetska còn lưỡng lự. Hasan là đứa nhỏ nhất và chưa từng đi đâu một mình, thậm chí là trại hè. Zak tiếp tục thúc ép, nhắc nhở mẹ là chính anh ở độ tuổi Hasan cũng đã biết dắt díu các em khi trốn khỏi Syria.

Và rồi đầu tháng 3, quân đội Nga đã tiến sát nhà máy điện nguyên tử gần Zaporizhzhia, và bà Pitsetska quyết định thế là đã quá đủ sức chịu đựng rồi.

Sáng sớm hôm sau bà đưa Hasan tới nhà ga, đẩy cậu bé lên xe lửa và không quên dặn với theo: Ðừng chơi game bằng điện thoại nhé vì như vậy sẽ hết pin.

Một người quen sơ đã đồng ý trông chừng cậu cho đến thành phố Lviv, nhưng sau đó cậu sẽ phải tự đi một mình.

Hơn 24 tiếng đồng hồ đi qua chậm chạp trên chuyến xe lửa đông nghẹt người, bò dần về hướng tây, ban đêm phải tắt đèn để tránh bị quân Nga bắn. Cậu ăn một trái táo và ít đồ ăn vặt mang theo để lót dạ. Trong đêm đó, một phụ nữ với đứa con nhỏ bước vào trong toa tàu và Hasan đã nhường ghế cho.

Tới Lviv, cậu ở nhờ nhà của người quen đi chung, sau đó được đi nhờ xe với một người khác, cũng là người đưa cậu lên chuyến xe lửa đi tới ga Uzhhorod nằm ở khu vực tây nam của Ukraine, nhờ người soát vé trông chừng cậu.

Trong lúc đi xe, cậu có gọi nói chuyện với hai người chị trước khi chiếc điện thoại hết pin. Cậu cho họ biết là có rất đông người tị nạn nhưng cậu vẫn bình thường. Tuy nhiên, giọng nói run run của cậu cho người đầu dây bên kia đoán rằng dường như cậu sắp khóc vì sợ hãi.

Năm anh em đoàn tụ tại Bratislava – nguồn WS

Ðến khuya thì chuyến xe lửa tới được ga Uzhhorod. Một người đàn ông biết qua mạng xã hội tình nguyện giúp đỡ đã tìm được Hasan và chở cậu tới biên giới. Người lính biên phòng Ukraine soát sổ thông hành và cho cậu đi qua.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Hasan đến biên giới Slovakia khoảng nửa đêm, trao sổ thông hành, chỉ vào những con số trên tay cậu và nói cho người lính gác biết: “Ðây là anh tôi ở Bratislava.”

Người lính gọi và đánh thức Zak dậy lúc 4 giờ sáng. Sau vài giây chờ cho tỉnh ngủ, Zak giải thích đó là người em trai út và cậu đang chờ nó đến Bratislava. Năm phút sau, một tình nguyện viên gọi tới và đồng ý lái xe sáu tiếng đồng hồ đưa cậu bé tới thủ đô của Slovakia.

Nhà chức trách Slovakia đã sớm đăng tải câu chuyện của Hasan, khiến một phụ nữ Slovakia cảm động và đề nghị tình nguyện đến Zaporizhzhia để giúp đưa bà Pisetska và người mẹ đi. Bà Pisetska từ chối, ngại rằng người phụ nữ kia có thể đi lạc và gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, khi quân đội Nga ngày càng tiến sát vào thành phố, bà Pisetska quyết định cũng phải liều một chuyến cùng với người mẹ già và chú chó trong gia đình. Nỗi lo lắng về cuộc hành trình cũng được giảm bớt nhờ một số tình nguyện viên Slovakia đã đề nghị gặp họ tại thành phố Chop của Ukraine, sát biên giới với Slovakia và mang cả xe lăn đến cho mẹ bà.

Ðây là lần đầu tiên trong nhiều năm người mẹ già mới bước chân ra khỏi căn chung cư. Ngay cả thuốc men cũng không làm dịu được nỗi lo lắng của người phụ nữ lớn tuổi trong suốt chuyến đi. Nhưng họ đã đến được bến bờ an bình nhờ ở nhiều sự giúp đỡ tận tình. Một số tình nguyện viên khác và giới chức chính quyền sau đó đã giúp gia đình có được một căn chung cư để ở và áo quần để mặc cũng như mở một trương mục GoFundMe. Riêng cậu bé Hasan nay cũng đã được trở lại trường học.

Một gia đình phải đi tị nạn vì chiến tranh hai lần trong vòng 10 năm là chuyện hy hữu, và cả hai lần đều đến được bến bờ bình an lại càng là chuyện hiếm hoi trong thời ly loạn. Nhưng đằng sau câu chuyện về cuộc hành trình tị nạn trên, ta thấy được trong cơn hoạn nạn tình người nở rộ và mọi người đã không quản ngại mở rộng vòng tay giúp đỡ người cô thế.

VH

(Phỏng theo báo Wall Street Journal)