Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Sáu 8/7 vừa qua đã kết thúc cuộc đời của một trong những chính trị gia lừng lẫy nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật, và cũng là đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Hoa Kỳ tại Á Châu. Trong suốt tuần qua, hầu như tất cả giới truyền thông Hoa Kỳ khi nói về ông đều bày tỏ bằng những lời lẽ đầy kính trọng.

Abe được ví như con chim phượng hoàng trong lãnh vực chính trị, vươn lên từ đống tro tàn của nhiệm kỳ đầu tiên ít nhiều thất bại trong cương vị thủ tướng trong hai năm 2006-2007. Ông quay trở lại 5 năm sau đó, phục vụ từ năm 2012 đến cuối 2020, và định hình lại chính sách đối ngoại và đối nội của Nhật Bản. Cái chết của ông khiến làm mất đi tiếng nói hàng đầu về vai trò của Nhật trên thế giới và dấy lên câu hỏi không chỉ về chính sách mà còn về xã hội nước Nhật trong tương lai.

Kẻ ám sát ông được biết là một cựu thành viên của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải, tức hải quân Nhật. Cảnh sát đã bắt giữ người đàn ông 41 tuổi này, được xác nhận tên là Tetsuya Yamagami, cư dân của thành phố Nara, nơi xảy ra vụ ám sát. Trong một đất nước nơi mà tội ác liên quan tới súng hầu như không có thì vụ ám sát ông Abe có thể xem như một cú sốc lớn đối với người dân Nhật.

Di sản của ông Abe có thể nói không có chính trị gia Nhật Bản nào kể từ thập niên 1950 cho tới nay có thể sánh kịp. Xuất thân từ một gia đình có ảnh hưởng rất lớn về chính trị – có cha từng là Ngoại trưởng và ông ngoại từng là Thủ tướng và cũng là một trong những nhân vật chính giúp thành lập Ðảng Dân chủ Tự do, một đảng bảo thủ của Nhật.

Mặt dù ông Abe là một người chống cộng kịch liệt, tâm huyết của ông là phục hồi vai trò của Nhật tại Châu Á và trên thế giới bằng cách biến Nhật Bản trở thành quốc gia lãnh đạo của khối các quốc gia tự do. Ông là Thủ tướng Nhật đầu tiên viếng thăm Trân Châu Cảng năm 2016, và đọc diễn văn trước quốc hội Hoa Kỳ. Ông là người đi đầu trong việc hình thành nhóm Ðối thoại An ninh Tứ giác (hay còn gọi là Bộ Tứ – the Quad), kết nối Nhật Bản với Hoa Kỳ, Úc và Ấn Ðộ. Ông Abe cũng là người hình thành ra khái niệm “khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng” được cả hai chính quyền Trump và Biden ủng hộ. Khi Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, ông Abe đã cứu vớt Hiệp ước thương mại tự do này và thúc đẩy thông qua với chữ ký của 11 quốc gia còn lại.

Bộ Tứ và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương – nguồn YouTube

Mục tiêu chính của sự hình thành Bộ Tứ là để kìm hãm tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực. Xuyên qua một số sai lầm trong thời gian đầu, ông Abe đã tỏ ra không nản chí và kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu để đưa tới sự hình thành mối liên kết của bốn quốc gia nói trên. Các cuộc họp cấp cao cuối cùng đã diễn ra bắt đầu từ năm 2017 và dần dần được nâng lên thành các cuộc họp cấp nội các vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump. Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức đến nay, nhóm Bộ Tứ đã triệu tập các hội nghị cấp lãnh đạo chính thức bốn lần. Mặc dù Bộ Tứ không phải là một liên minh quân sự, nhưng các cuộc hội nghị vẫn trở thành những diễn đàn quan trọng để giải quyết các thông tin sai lệch, các vụ bắt chẹt và gây áp lực trong chuỗi cung ứng, chính sách ngoại giao bẫy nợ, đánh bắt cá bất hợp pháp và nhiều hành vi sai trái khác của Bắc Kinh.

Xem thêm:   Ham & hố

Ðảng cộng sản Trung Quốc cũng hiểu ra được tầm mức quan trọng của khái niệm “Ấn Ðộ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng” nên đã từng ra lệnh cho các nhà ngoại giao của họ đi cảnh cáo các quốc gia láng giềng không được nhắc tới thuật ngữ này. Tuy nhiên, chiến thuật đe doạ nói trên thất bại, và từ khởi đầu là khái niệm, “Ấn Ðộ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng” đã trở thành chính sách được ghi vào văn bản của nhiều quốc gia, từ khu vực Ðông Nam Á như Indonesia đến các thủ đô tận trời Âu như Brussels và Berlin.

Ông Abe hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ chính là cơ sở cho sự đoàn kết giữa các quốc gia – bất kể dưới hình thức chính phủ nào – khi phải đối đầu với những quốc gia láng giềng hùng cường và nhiều tham vọng như Trung Quốc. Thậm chí ngay cả những quốc gia có thể không hoàn toàn có tự do ở trong nước vẫn không muốn bị đặt dưới áp lực từ một quốc gia bên ngoài.

Trong một bài diễn văn nói về chính sách liên quan tới Trung Quốc vào tháng 5, Ngoại trưởng Antony Blinken của Hoa Kỳ cũng đã sử dụng những thuật ngữ tương tự: “Hoa Kỳ có chung quan điểm với các quốc gia và người dân trong khu vực rằng: Ấn Ðộ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng là nơi mà các quy tắc được xây dựng một cách minh bạch và áp dụng một cách công bằng; nơi mà các quốc gia được tự do đưa ra các quyết định chủ quyền của riêng mình.”

Người dân Nhật bày tỏ lòng thương tiếc trong đám tang của Shinzo Abe – nguồn Zuma Press

Trong nỗ lực cải cách hiến pháp theo chủ nghĩa hoà bình của Nhật Bản vẫn được áp dụng kể từ sau Thế chiến II, ông Abe đã kêu gọi xóa bỏ những hạn chế đối với khả năng hợp tác của Nhật Bản với các quốc gia đồng minh và đối tác, bao gồm cả việc cho phép Nhật xuất cảng vũ khí phòng thủ và khẳng định quyền được hành động trong công cuộc tự vệ tập thể. Cùng lúc, ông đã gia tăng ngân sách quốc phòng của Nhật, cho phép quân đội được hiện đại hoá với việc trang bị nhiều chiến đấu cơ F-35 kỹ thuật mới nhất của Hoa Kỳ và một số tàu chiến mới.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Ðể bảo vệ các giá trị tự do quốc tế, ông Abe đã cố gắng đặt Nhật Bản vào vai trò toàn cầu hàng đầu. Lập luận rằng luật pháp quốc tế và các quy tắc hợp tác hòa bình là quan trọng đối với khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương, ông thách thức Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách an ninh và đối ngoại một cách minh bạch và công bằng chứ không theo kiểu lấy thịt đè người đối với các tranh chấp trong khu vực. Ngoài việc thúc đẩy việc liên kết Bộ Tứ, ông Abe còn trực tiếp đối thoại với tổ chức NATO và khôi phục lại mối quan hệ với Vương quốc Anh.

Thậm chí sau khi rời khỏi nhiệm sở, ông Abe vẫn tiếp tục là một chính trị gia có nhiều ảnh hưởng nhất của Nhật Bản và là tiếng nói có trọng lượng nhất liên quan đến các chính sách đối ngoại. Hồi tháng 2 đầu năm, ông đã công khai lên tiếng về việc liệu Nhật có nên cho lắp đặt vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ trên lãnh thổ, chạm đến điều cấm kỵ nhất trong sinh hoạt chính trị của quốc gia này từ bao lâu nay. Vào tháng 4 vừa qua, ông kêu gọi Hoa Kỳ hãy cam kết hơn nữa trong việc bảo vệ Ðài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Khi nói lên điều này, ông Abe trở thành nhà cựu lãnh đạo đầu tiên của một quốc gia lớn ủng hộ Ðài Loan một cách công khai và cho rằng chính sách mơ hồ về bảo vệ an ninh cho Ðài Loan mà Washington theo đuổi lâu nay là không thể thực hiện được trong tình hình mới của thế giới.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Tất cả những nỗ lực nói trên đã giúp hình thành sự hợp tác chặt chẽ của khối các quốc gia tự do trên thế giới và qua đó là để kiến tạo một nền an ninh mới, ít ra là cho khu vực Châu Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và hung hăng, như trong chính lời phát biểu của ông là “để bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.” Ðó là một di sản giá trị mà ông Abe đã để lại không chỉ cho nước Nhật mà còn cho thế giới nữa.

VH