Sau khi ông Tập Cận Bình được trao giữ chức chủ tịch nước Trung Quốc thêm nhiệm kỳ thứ ba, điều chưa từng xảy ra kể từ thời Mao Trạch Đông, thì cuộc đối đầu của thế giới phương Tây với đảng cộng sản Trung Quốc dường như ngày càng trở nên hiện thực hơn, mà tâm điểm của nó là một hòn đảo nhỏ nằm trong chuỗi đại quần đảo bao gồm cả Phi Luật Tân và Nhật Bản: Đài Loan.

Từ bờ Kim Môn nhìn về Hạ Môn – Sam Yeh/AFP/Getty Images

 

Trong một bài diễn văn hồi năm ngoái tại Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập đưa ra lời cảnh cáo rằng bất cứ ai chống lại Trung Quốc – mà hàm ý của Tập ai cũng hiểu đó là ‘về Ðài Loan’ – sẽ phải ‘mang đầu máu’. Chúng ta không nên coi nhẹ lời cảnh cáo đầy thách thức này.

Theo nhận định của học giả Seki Hei chuyên về Trung Quốc, Ðài Loan là điểm mấu chốt của một thỏa thuận trong nội bộ đảng để cho phép Tập được ở lại thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Trên thực tế, bên trong nội bộ đảng cũng có không ít người phản đối Tập Cận Bình. Tuy nhiên, Tập đã đánh bại những tiếng nói đối lập kia và giành được sự ủng hộ cho nhiệm kỳ thứ ba của mình bằng cách đưa ra những lời hứa hẹn, trong đó có việc giải quyết vấn đề Ðài Loan. Việc thống nhất với Ðài Loan là lời biện minh chính đáng nhất cho sự cần thiết để giữ Tập lại thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong bài diễn văn quan trọng đọc tại buổi lễ khai mạc Ðại hội Ðảng Toàn quốc, Tập đã được tán thưởng nhiệt liệt khi ông ta tuyên bố sẽ thống nhất Ðài Loan với đại lục. Tập nói rõ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng đến vũ lực để chiếm Ðài Loan nếu cần thiết. Khả năng tấn công để chiếm Ðài Loan trong thời gian sắp tới đây có thể nói là rất cao, ngay cả nếu phải gây ra một cuộc chiến tranh.

Trên thực tế, mưu toan đánh chiếm Ðài Loan đã từng xảy ra trước đây và cộng sản Trung Quốc đã gặp phải thất bại.

Tưởng Giới Thạch duyệt binh Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn thiết giáp 3, sau chiến thắng trận Kim Môn – warfarehistory network.com

Kế hoạch tấn công

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Ðó là rạng sáng ngày 25 tháng 10 năm 1949, khoảng 9,000 binh lính hồng quân Trung Quốc đổ bộ lên bờ hòn đảo Kim Môn (Kinmen), chỉ cách bờ biển Trung Quốc khoảng 6 dặm. Ðây là đợt đầu tiên của tổng số 20,000 binh lính của lực lượng hồng quân Trung Quốc được dự trù sẽ được đưa tới để tiến chiếm hòn đảo từ lực lượng Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch.

Sau một chuỗi những chiến thắng vang dội và với tinh thần chiến đấu rất cao, hồng quân nghiễm nhiên kỳ vọng trận chiến này sẽ là chiến thắng kế tiếp của họ, mở rộng thêm lãnh thổ và cho sáp nhập vào nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa mới được thành lập và đưa hồng quân tiến gần hơn một bước nữa tới mục tiêu cuối cùng: Ðài Loan, pháo đài sau cùng của Quốc dân đảng.

Các cấp chỉ huy của hồng quân tin rằng lực lượng phòng vệ đảo khá yếu cộng với tinh thần chiến đấu thấp và ước lượng trận chiến sẽ kết thúc chỉ nội trong ba ngày. Thời gian ước lượng là điều duy nhất mà hồng quân tính toán đúng.

Ba ngày sau đó, đảo Kim Môn vẫn nằm trong tay Quốc dân đảng, ba trung đoàn của hồng quân được gửi tới đã hoàn toàn bị tiêu diệt, và lực lượng giải phóng quân của cộng sản Trung Quốc đã phải chịu sự thất bại đầu tiên trong cuộc tiến công vũ bão dường như không thể ngăn cản được của họ.

Ngay sau khi tất cả diện tích của đại lục đã nằm dưới quyền kiểm soát của cộng sản, Mao chính thức thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949. Trong khi đó, Tưởng và lực lượng còn sót lại của Quốc dân đảng rút lui tới những hòn đảo nằm ngoài khơi thuộc vùng duyên hải phía nam của Trung Quốc. Ðài Loan, hòn đảo lớn nhất, trở thành thủ đô của nước Cộng hoà Trung Hoa.

Với việc hoàn toàn kiểm soát được đại lục, hồng quân chuẩn bị để giành quyền kiểm soát các hòn đảo ngoài khơi, hy vọng thiết lập phần hậu phương an toàn cho họ tiến hành cuộc tấn công cuối cùng vào Ðài Loan.

Tù binh hồng quân bị bắt sau trận Kim Môn – warfarehistory network.com

Trận chiến Kim Môn

Ðảo Kim Môn, với diện tích khoảng 59 dặm vuông và khoảng 40,000 cư dân sinh sống tại đây, là một phần quan trọng cho kế hoạch tấn công này. Từ bờ biển Kim Môn, lực lượng Quốc dân đảng có thể theo dõi các hoạt động trên vùng biển xung quanh thành phố Hạ Môn (Xiamen), nơi mà hồng quân chiếm được chỉ vài ngày trước đó, để biết được bất kỳ động tĩnh nào trong việc điều quân để tấn công Ðài Loan.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Ðể chiếm hòn đảo này, Quân đoàn 28 thuộc Ðệ thập lục quân của hồng quân sẽ đổ bộ khoảng 20,000 quân chia thành hai nhóm. Ba trung đoàn với khoảng 9,000 binh lính sẽ đổ bộ lên các bãi biển vào ban đêm và lập một đầu cầu để lực lượng thứ hai khoảng 11,000 quân có thể đổ bộ vào ngày hôm sau.

Trên thực tế, Tưởng đã quyết tâm phòng thủ và giữ Kim Môn. Ông gửi thêm 20,000 lính lấy từ Ðệ thập bát Lục quân rất tinh nhuệ và một tiểu đoàn gồm 21 xe tăng loại M5A1 Stuart, được điều khiển bởi các binh sĩ có nhiều kinh nghiệm từng tham chiến trong Thế chiến II, đến Kim Môn.

Hòn đảo tự nó đã biến thành một pháo đài kiên cố với hàng trăm hầm trú nối nhau bằng các giao thông hào, hàng ngàn bẫy mìn và rất nhiều chướng ngại vật chống tàu thuỷ được đặt trên khắp bãi biển.

Lực lượng hồng quân đổ lên bờ khi trời còn tối. Họ xuất phát vào lúc thủy triều đang cao, nhưng khi cập bờ thì mực nước bắt đầu rút xuống. Không lâu sau đó, các chướng ngại vật chống tàu trồi lên và cuối cùng tất cả các tàu chở lính của hồng quân bị mắc cạn.

Vào thời điểm đó, Ðệ thập bát Lục quân của Quốc dân đảng cũng vừa đổ bộ lên bờ biển phía bên kia của hòn đảo, và lực lượng hồng quân không lâu sau đó đã bị dồn vào thế một chọi năm.

Ðến sáng, tàu chiến và máy bay B-25 của quân Quốc dân đảng cũng tham gia vào trận chiến. Họ tiêu diệt các tàu chở lính, đẩy lực lượng hồng quân trên đảo vào thế tiến thối lưỡng nan và ngăn chặn quân tiếp viện.

Mặc dù hỗn loạn, một số đơn vị hồng quân tiến sâu được vào trong đảo. Họ chiếm được thị trấn Cổ Ninh Ðầu (Guningtou) và thiết lập một vành đai phòng thủ. Nhưng lực lượng này, chỉ gồm bộ binh, không có chút hy vọng cầm giữ được lâu hơn.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Không lâu sau, lực lượng này đã bị xe tăng, máy bay và lính Quốc dân đảng bao vây. Cổ Ninh Ðầu được chiếm lại sau một cuộc giao tranh dữ dội vào ngày 27 tháng 10. Ðến cuối ngày, những nhóm hồng quân còn lại rút lui ra được đến bờ biển cũng đã phải đầu hàng.

Với tổng cộng 9,000 lính hồng quân đổ bộ lên Kim Môn, khoảng 3,000 bị giết và hơn 5,000 bị bắt làm tù binh, ba trung đoàn hồng quân gửi tới đảo đã bị tiêu diệt. Thiệt hại về phía Quốc dân đảng bao gồm 1,200 lính bị chết và gần 2,000 bị thương. Hồng quân chiếm được một số đảo khác từ tay Quốc dân đảng, nhưng lực lượng của Tưởng đã giữ được Kim Môn và nhiều đảo khác, trong đó có Ðài Loan. Thất bại trên đã buộc Mao và hồng quân phải thừa nhận rằng việc đánh chiếm Ðài Loan sẽ không phải là chuyện dễ dàng. Cho đến nay Kim Môn vẫn thuộc quyền kiểm soát của Ðài Loan mặc dù nằm sát nách Trung Quốc.

Kim Môn đến nay vẫn thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan – Taiwan News

Miếng mồi khó nuốt

Trên thực tế, Bắc Kinh chưa bao giờ thực sự từ bỏ mục tiêu cuối cùng của họ là thu phục Ðài Loan, mà đảng cộng sản Trung Quốc vẫn luôn gọi đó là việc “thống nhất”, mặc dù họ chưa bao giờ kiểm soát hòn đảo này.

Tại đại hội đảng lần thứ 20 diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, Tập Cận Bình tuyên bố mặc dù quân đội Trung Quốc muốn thống nhất Ðài Loan một cách hòa bình, nhưng “chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và dành quyền lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết.”

Kể từ năm 1949 đến nay, quân đội Trung Quốc đã có những bước tiến bộ đáng kể với một phần không nhỏ trong quá trình hiện đại hóa quân đội của họ được thực hiện không ngoài mục đích tiến chiếm Ðài Loan.

Nhưng với một eo biển rộng khoảng 100 dặm, nơi điều kiện thời tiết thường rất xấu và việc quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm về một cuộc đổ bộ tấn công thực sự – chưa kể đến hệ thống phòng thủ ngày càng vững chắc của Ðài Loan – là những trở ngại lớn đối với Bắc Kinh.

Một bản phúc trình của Ngũ Giác Ðài năm 2021 về quân đội Trung Quốc cho biết một cuộc xâm chiếm “một hòn đảo cỡ trung bình, có hệ thống phòng thủ tốt” như Kim Môn “nằm trong tầm khả năng của quân đội Trung Quốc.” Tuy nhiên, để có thể chiếm được Ðài Loan lại là một chuyện khác.

VH