Hoạt động quân sự của Nga tại khu vực biên giới với Cộng hoà Ukraine đã có từ nhiều năm nay, tuy nhiên trong mấy tháng gần đây kể từ khi Nga ngày càng gia tăng quân số trong khu vực đã khiến cho cả châu Âu bị đặt trong tình trạng báo động.

Nhiều người lo sợ rằng ông Vladimir Putin đang chuẩn bị chơi lại ván bài của năm 2014, khi lực lượng quân đội Nga bất thình lình đánh chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea cũng như hỗ trợ cho nhóm ly khai thân Nga gây rối loạn tại khu vực Donbas nằm về phía đông Ukraine, sát với biên giới Nga. Mặc dù Moscow phủ nhận về bất kỳ kế hoạch tấn công nào, nhưng các giới chức Hoa Kỳ cho biết điều lo sợ nói trên rất có thể xảy ra.

Cho đến nay Nga vẫn chưa hé lộ bất cứ thông tin nào về quân số họ đưa tới khu vực biên giới Ukraine. Tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ nói rằng ông Putin đang tập hợp một lực lượng được dự kiến lên tới khoảng 175,000 quân, giúp ông ta có đủ phương tiện để ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lăng vào đầu năm 2022. Dựa trên các báo cáo mới của tình báo Hoa Kỳ, trong đó có một số không ảnh chụp từ vệ tinh, các giới chức nói trên cho biết việc gia tăng quân của Nga lần này khác với đợt tăng quân trước đó vào mùa Xuân năm ngoái, và sau khi hoàn tất, quân số của Nga được điều động tới khu vực có thể sẽ nhiều hơn gấp đôi. Ngoài ra, Nga cũng đang gấp rút huy động thêm các lực lượng trừ bị.

Trong khi đó các cơ quan tình báo Hoa Kỳ vẫn chưa thể xác định một cách rõ ràng rằng liệu Nga có sẽ mở cuộc tấn công hay không, nhưng với một lực lượng đông đảo như vậy sẽ cho phép Nga có thể hành động bất cứ lúc nào.

Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với chủ quyền của Ukraine và kêu gọi ông Putin quay trở lại các cuộc đàm phán ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột tại khu vực Donbas.

Hôm Thứ Hai 10/1, các giới chức Washington và Moscow đã bắt đầu cuộc đàm phán về an ninh tại Geneva (Thuỵ Sĩ), và tiếp theo đó vào hôm Thứ Tư 12/1, cuộc đàm phán được mở rộng ra giữa các giới chức NATO và Nga tại Brussels (Bỉ). Tuy nhiên, sau hai ngày đàm phán vẫn không đưa đến một kết quả nào, một phần là vì phía Nga đòi hỏi quá nhiều, trong đó yêu cầu NATO chấm dứt việc mở rộng ảnh hưởng về phía đông, ngưng các hoạt động quân sự gần biên giới của Nga và trong tương lai không cho các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ gia nhập NATO. Nói vậy có nghĩa là muốn NATO yếu đi – điều không ai có thể chấp nhận được. Do đó, các cuộc đàm phán đang gặp bế tắc.

Xem thêm:   Chó...

Ukraine là nguồn tài nguyên quý giá khi còn là một phần thuộc Liên bang Xô viết. Ðất đai màu mỡ của xứ này từng sản xuất hầu hết lúa mì được tiêu thụ trong khối Liên Xô cũ và là một trung tâm kỹ nghệ quan trọng. Cả một dải đất rộng lớn đóng vai trò như vùng trái đệm giữa các cường quốc Âu châu và nội địa nước Nga. Cả hai nước còn có những mối liên hệ chặt chẽ về lịch sử, ngôn ngữ và văn hoá từ trước khi nước Nga trở thành một đế quốc vào thế kỷ 18. Sau khi bức màn sắt sụp đổ, Moscow vẫn tiếp tục coi Ukraine như phần đất địa chính trị then chốt và theo dõi từng cử động cùng với chút lo ngại trong khi xu hướng ngày càng thân Tây phương của xứ này.

Khu vực biên giới đang gặp khủng hoảng – nguồn The Sun

Sau nhiều cuộc biểu tình của dân chúng tại thủ đô Kyiv và nhiều thành phố khác khiến cho chính phủ thân Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ vào năm 2014. Ngay sau đó Nga liền sát nhập Crimea, nơi đặt căn cứ hạm đội Hắc Hải của họ, và bắt đầu hỗ trợ cho các nhóm dân quân thân Nga tại khu vực miền đông Ukraine khiến cho miền này không bao giờ được yên ổn kể từ đó và nay đang phải đối diện với mối đe dọa bị xâm chiếm nghiêm trọng.

Qua các cuộc đàm phán, các giới chức Nga nói rằng họ không muốn bất kỳ xung đột nào và Moscow chỉ muốn bảo đảm một sự cân bằng quyền lợi trong khu vực. Ông Putin cũng đã từng lên tiếng cho biết điều mà ông thấy là cần phải sửa đổi lại toàn bộ trật tự thời hậu chiến tranh lạnh tại châu Âu. Một số phân tích gia về an ninh thì cho rằng mục tiêu chính của Moscow là muốn ngăn chặn phương Tây phát triển mối quan hệ bền chặt hơn với chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp các cuộc đàm phán không mang lại kết quả, cả hai bên không ai chịu nhượng bộ thì liệu nước cờ kế tiếp của Nga sẽ là gì thì ngay lúc này không ai dám đưa ra câu trả lời.

Thêm một điều nữa, theo phân tích của nhà báo Gerald F. Seib của tờ Wall Street Journal, cuộc khủng hoảng lần này còn cho thấy thêm một điểm yếu nữa của cái gọi là kinh tế toàn cầu hoá mà một trong những mục đích chính của nó đáng lẽ ra là để ngăn chặn không cho chiến tranh xảy ra. Nhưng nay người ta thấy nó không chỉ không thể ngăn chặn được chiến tranh mà còn khiến việc ngăn chặn trở nên khó khăn hơn.

Không ảnh khu vực biên giới Ukraine-Nga – nguồn AP

Ít nhất trong khoảng một thập niên qua, lý thuyết được nhiều người ủng hộ trong lãnh vực giao thương quốc tế là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trên toàn cầu sẽ góp phần giúp cho các mầm mống xung đột ít xảy ra hơn. Nếu như tất cả mọi bên cùng gắn bó với nhau về mặt kinh tế như chưa từng có trước đây thì tất cả sẽ cùng phải hứng chịu thiệt hại khi xung đột xảy ra ở quy mô lớn. Vì vậy, tất cả mọi bên sẽ phải cẩn thận hơn và không gây hấn lẫn nhau. Mối quan hệ kinh tế đó sẽ giúp bảo đảm hòa bình.

Tuy nhiên, ông Putin có thể đang tìm cách hoá giải phương trình đó bằng cách điều động hơn 100,000 quân đến biên giới Ukraine và đe dọa một cuộc tấn công bất cứ lúc nào. Vì biết rằng một cuộc tấn công vào Ukraine sẽ gây ra những hiệu ứng làm rung chuyển mạng lưới kinh tế thế giới ngày càng thắt chặt, chủ yếu là đe dọa cắt đứt ống dẫn năng lượng của Nga mà Âu châu đang bị phụ thuộc vào, ông Putin có thể đang tính toán và thấy rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế như nói trên có thể có lợi cho ông. Nếu việc xâm chiếm Ukraine đối với ông là quan trọng, rất có thể ông ta sẽ chấp nhận trả cái giá trừng phạt kinh tế; ngược lại, nếu việc ngăn Nga tấn công đối với phương Tây không quan trọng như vậy thì chắc gì họ chịu chấp nhận trả cái giá đó. Hơn nữa, các quốc gia cho dù là đồng minh vẫn luôn đặt quyền lợi của mình trên hết.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Thật vậy, một số bài báo phân tích cho thấy, trong khi Hoa Kỳ vẫn lớn tiếng đe dọa trừng phạt kinh tế thật nặng đối với Moscow trong trường hợp nếu Nga tấn công Ukraine, nhưng cũng lại tỏ ra ngần ngại áp đặt các biện pháp hạn chế việc xuất cảng năng lượng của Nga hoặc trục xuất Nga ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế trao đổi bằng đồng đô la. Lý do là vì trong thị trường năng lượng toàn cầu ngày nay, biện pháp mạnh tay nói trên sẽ có nguy cơ làm tăng giá năng lượng cho người tiêu thụ Hoa Kỳ trong thời điểm lạm phát vốn đã quá cao, trong khi cũng gây thiệt hại kinh tế đối với các quốc gia đồng minh Âu châu có mối quan hệ thương mại và tài chính sâu rộng với Nga từ nhiều năm nay.

Ðã thế, trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, ông Biden đã mau mắn tuyên bố là sẽ không động binh mà chỉ muốn giải quyết cuộc khủng hoảng bằng đường lối ngoại giao. Nói như vậy là đã hé mở một nửa con bài tẩy của mình cho đối phương thấy rồi còn gì. Nếu Ukraine quan trọng đối với Hoa Kỳ, đáng lẽ ra Washington cứ để cho Nga đoán mò xem liệu Hoa Kỳ có sử dụng đến giải pháp quân sự hay không. Trong khi đó, các nước đồng minh Âu châu cũng đang lúng túng vẫn chưa tìm ra một giải pháp nào khác ngoài việc đe dọa trừng phạt kinh tế, mà biện pháp này đã được áp dụng kể từ năm 2014 đến nay dường như cũng không làm cho tham vọng của Nga suy suyển chút nào.

Có thể nói cuộc cờ mà ông Putin đang bày ra ở Âu châu hiện nay mà ông biết là đang nắm phần chủ động tay trên.

VH