Có thể nói 2020 là năm bầu cử tổng thống lạ lùng nhất từ trước tới nay: những chuyến đi vận động tranh cử phải dẹp bỏ, những cuộc gặp gỡ giữa cử tri và ứng cử viên bằng xương bằng thịt đã không xảy ra, những cuộc biểu dương với hàng chục ngàn người tham dự cũng không thể thực hiện. Thay vào đó, tất cả các sự kiện liên quan đến bầu cử chỉ diễn ra trên không gian ảo.

Bầu cử 2020 – nguồn usembassy.gov  

T rước hết, hãy nói tới hai đại hội đảng toàn quốc được tổ chức mỗi bốn năm một lần. Sự kiện này là một phần quan trọng trong sinh hoạt chính trị của nước Mỹ kể từ năm 1831, khi mà các đảng chính trị thay thế thể thức cũ mà trong đó các thành viên của quốc hội chọn ứng cử viên.

Trận đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống của người dân Mỹ và sinh hoạt chính trị cũng không ngoại lệ. Ðại hội đảng dân chủ được tổ chức trong bốn ngày bắt đầu từ hôm Thứ Hai 17/8 hoàn toàn diễn ra trên không gian ảo, và kế tiếp trong tuần này là đại hội đảng cộng hoà được tổ chức tại Charlotte, North Carolina, cũng chỉ với con số người tham dự rất giới hạn. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đọc bài diễn văn chính thức nhận sự đề cử của đảng dân chủ tại tiểu bang Delaware, ngay gần tư gia của ông, trong khi Tổng thống Trump nhận sự đề cử để tái tranh cử tại khuôn viên của Toà Bạch Ốc.

Sự hào nhoáng thông thường của một đại hội có tầm mức thật quy mô với sự xuất hiện của hàng loạt diễn giả và cũng là những ngôi sao sáng chói của đảng, với con số người tham dự lên tới hàng chục ngàn cùng với bong bóng và hoa giấy xanh đỏ sặc sỡ tưng bừng không còn thấy nữa trong năm nay. Thay vào đó, các nhà tài trợ, các nhà vận động hành lang và các tay môi giới quyền lực chính trị phải ngồi ở nhà, giống như tất cả mọi người dân bình thường trong chúng ta vậy, và theo dõi những gì còn sót lại của một đại hội được rút gọn trên tivi trong phòng khách nhà họ và không thể làm gì khác hơn được.

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Trong hơn 40 năm qua, những đại hội như thế đã được chuẩn bị rất công phu và tốn kém để trình diễn trên truyền hình cho công chúng xem và cũng là để thuyết phục cử tri dồn phiếu cho ứng cử viên của đảng. Gần đây hơn, các đại hội đã biến thành những chương trình tivi được dàn dựng hoành tráng và thu hút được số lượng khán giả theo dõi rất đông. Tại đại hội năm 2016, có khoảng 30 triệu người Mỹ đã đón xem bà Hillary Clinton đọc diễn văn nhận sự đề cử của đảng dân chủ, và 32.2 triệu người theo dõi bài diễn văn của ông Donald Trump. Nhưng năm nay, những tiếng reo hò đinh tai của đám đông, chương trình xướng danh không ngưng nghỉ của các đại cử tri đoàn đến từ khắp 50 tiểu bang và những diễn biến bất ngờ xảy ra trong thời gian của đại hội đã hoàn toàn biến mất. Và trong tương lai, rất có thể những điều nói ở trên sẽ không trở lại.

Trump vs. Biden – nguồn nytimes.com

Giống như đại hội đảng, cuộc vận động tranh cử sau ngày Lễ Lao động, được cho là khoảng thời gian chạy nước rút quan trọng, cũng sẽ rất khác trong nhiều ý nghĩa, và không chỉ vì nó xảy ra trong lúc có đại dịch cùng với biện pháp giữ khoảng cách xã hội vẫn còn đang được duy trì.

Theo nhận định của ông Karl Rove, từng là giám đốc điều hành tranh cử cho cựu Tổng thống George W. Bush, với hai ứng cử viên thuộc loại lớn tuổi nhất từ trước tới nay cùng chạy đua để tranh chiếc ghế tại phòng bầu dục, dường như việc lựa chọn nhân vật phó tổng thống để đứng cùng liên danh tranh cử năm nay có vẻ quan trọng hơn bình thường, đặc biệt là đối với ông Joe Biden. Nếu đắc cử, có nhiều khả năng là ông Biden (77 tuổi) sẽ không ra tái tranh cử cho nhiệm kỳ hai ở tuổi 81. Thượng nghị sĩ Kamala Harris (đã được ông Biden chọn đứng chung liên danh) sẽ phải đối mặt với sự dò xét tỉ mỉ nhiều hơn từ cử tri so với hầu hết các ứng cử viên phó tổng thống khác trong những năm trước đây. Cử tri Mỹ sẽ phải cân nhắc thật kỹ lưỡng xem bà Harris có hội đủ khả năng để đảm nhận công việc hàng đầu đó hay không nếu như có chuyện bất trắc xảy ra.

Xem thêm:   Biden & Trump

Kết quả các cuộc thăm dò cử tri cho thấy tương đối ổn định nhưng đang thu hẹp dần, với mức trung bình của RealClearPolitics giảm từ 10.2 điểm dẫn đầu dành cho ông Biden vào ngày 23/6 xuống còn 7.3 điểm vào hôm Thứ Tư 19/8 vừa qua. Khoảng cách khác biệt trên có thể không sít sao lắm, nhưng cuộc chạy đua vẫn chưa ngã ngũ trên bình diện quốc gia. Cả hai ứng cử viên đều bị đánh giá có khá nhiều điểm tiêu cực. Trận đại dịch đã tập trung sự chú ý vào phương cách giải quyết vấn đề của vị tổng thống đương nhiệm và có thể nói đã bị dân chúng Mỹ đánh giá khá gay gắt. Tuy nhiên, nay ông Biden chính thức đứng ở vị trí đối lập và được chú ý tới nhiều hơn trước, nếu như ban tranh cử của Trump có thể chuyển sự quan tâm của cử tri sang ông Biden thì những sự hoài nghi về cá nhân ông  và các chính sách của ông có thể tăng lên.

Vẫn theo ông Karl Rove, cuộc chạy đua có lẽ sẽ nghiêng về ứng cử viên nào mà cử tri nghĩ rằng có nhiều khả năng hơn để đương đầu với những thử thách lớn của quốc gia. Ông Biden có lợi thế ở những cử tri mà nỗi lo sợ lớn nhất của họ là con siêu vi khuẩn corona, mặc dù lợi thế của ông có thể bị giảm đi bởi những sự kiện mới – ví dụ, nếu tìm được thuốc chủng ngừa sớm hoặc nếu các trường hợp nhiễm bệnh và con số tử vong giảm. Lập luận duy nhất của ông có thể thuyết phục cử tri là ông Trump đã thất bại trong việc giải quyết đại dịch; nhưng chính ông Biden cho đến nay vẫn chưa đưa ra được những ý kiến nào hay hơn về cách đối phó với đại dịch Covid-19.

Đi bầu thời đại dịch – nguồn inthesetimes.com

Ông Trump có lợi thế với những cử tri không tán thành và dung thứ cho tình trạng vô luật pháp tại một số thành phố ở Mỹ và những cử tri nghĩ rằng ông có nhiều khả năng hơn để khôi phục lại nền kinh tế sau khi đại dịch suy giảm. Ông cũng sẽ thắng phiếu của những cử tri cho rằng chính sách của Mỹ cần phải khắt khe hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm yếu của ông là cho đến nay vẫn chưa đưa ra được chương trình nghị sự cho nhiệm kỳ thứ hai. Hy vọng đây là điều ông có thể trình bày trong ba cuộc tranh luận sắp tới.

Xem thêm:   Mất mạng

Chiến thắng của cuộc bầu cử lần này rốt cuộc sẽ dành cho ứng cử viên nào có thể thuyết phục được lá phiếu của con số 10% cử tri hiện nay vẫn còn đang lưỡng lự chưa quyết định nghiêng hẳn về bên nào, đặc biệt là những cử tri sống ở khu vực ngoại ô.

Một ghi nhận cuối cùng về cuộc bầu cử lạ lùng năm nay, theo nhận định của các giới chức bầu cử, có nhiều khả năng chúng ta sẽ không biết được ai là người đắc cử trong đêm bầu cử năm nay. Lý do chính là vì một con số rất lớn cử tri Mỹ được dự đoán là sẽ bầu phiếu bằng thư bưu điện do lo ngại về tình trạng dịch bệnh, và có thể sẽ mất nhiều thời gian để đếm loại phiếu bầu bằng thư này hơn là nếu người ta đi bầu tại các phòng phiếu.

Thậm chí trong một năm bình thường, kết quả được công bố trong đêm bầu cử vẫn thường được xem là không chính thức bởi các giới chức thẩm quyền của cuộc bầu cử. Các tiểu bang nói chung thường tiến hành quy trình chứng nhận để xác minh cuộc kiểm phiếu cuối cùng và công việc này có thể mất vài tuần lễ. Công việc kiểm phiếu kéo dài đó sẽ còn được chú ý nhiều hơn nữa trong một cuộc tranh cử sát nút.

Nếu kết quả bầu cử bị trì hoãn, đây sẽ không phải là lần đầu tiên người đắc cử tổng thống không được xướng danh ngay trong đêm bầu cử. Năm 2000, một cuộc tranh chấp về đếm phiếu lại tại Florida giữa hai ứng cử viên George W. Bush và Al Gore đã phải mất hơn một tháng mới giải quyết xong. Nhưng quả thật, cuộc bầu cử tổng thống năm nay là cuộc bầu cử lạ lùng nhất chưa từng xảy ra.

VH