Chiến tranh tại Ukraine đang ở trong tháng thứ ba. Các giải pháp ngoại giao cho đến nay vẫn không đạt được dù là một chút kết quả khiêm tốn; tội ác chiến tranh và những hành động tàn bạo của quân đội Nga chỉ khiến người dân Ukraine càng kiên quyết hơn, và ở một mức độ nào đó, Ukraine đang chiến thắng và thế giới đứng về phía họ.

Trong tuần qua, tình báo của Anh đưa ra bản phúc trình nói rằng quân đội Nga đã thiệt hại khoảng 15,000 binh lính, 2,000 chiến xa và 60 máy bay đủ loại. Lực lượng xâm lược trên bộ đã mất đi khoảng 25 phần trăm sức chiến đấu. Nói cách khác, Nga đang bị sa lầy và cuộc chiến tại Ukraine càng kéo dài thì chắc chắn sẽ là một thảm hoạ đối với họ.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu quân sự Seth Cropsey, cuộc chiến tại Ukraine do Nga phát động đang diễn ra ở hai cấp độ. Ở cấp độ quân sự, các trận giao tranh được giới hạn trong lãnh thổ Ukraine, và trong một vài trường hợp, trên phần đất biên giới của Nga. Tuy nhiên, cuộc xung đột cũng là cuộc chiến chống lại NATO, với vị thế của Ukraine là quốc gia muốn được gia nhập vào minh ước này, với sự hỗ trợ quân sự của NATO cho Ukraine và với việc NATO đưa ra các biện pháp cấm vận các sản phẩm của Nga cũng như cắt nguồn năng lượng nhập cảng từ Nga.

Ông Putin có hai mục tiêu khi phát động cuộc chiến tranh. Trước hết, ông ta hy vọng sẽ tiêu diệt Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập. Nga lên kế hoạch là sẽ đưa quân vào thủ đô Kyiv trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, thành lập một chính phủ lâm thời trong khi tình hình còn đang xáo trộn và ít tháng sau đó cho tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc Ukraine để trao cho Ðiện Kremlin quyền kiểm soát trực tiếp ở phía đông và phía nam của nước này. Belarus của Tổng thống thân Nga Aleksandr Lukashenko, và có lẽ một số lãnh tụ độc tài tại các quốc gia vùng Trung Á, cũng sẽ rơi vào trong quỹ đạo kiểm soát của Nga. Và như vậy, ông Putin đạt được thành công trong tham vọng xây dựng lại một đế quốc kéo dài cho đến tận biên giới Ba Lan.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Chính phủ và quân đội Ukraine đã phá hỏng kế hoạch đó. Chúng ta còn chờ xem tình hình trong mấy tuần lễ sắp tới trong khi Nga đang chuẩn bị tổ chức một cuộc tấn công lớn ở phía đông, được thiết kế để nhằm phá hủy khả năng chiến đấu tức thời của quân đội Ukraine, chia cắt các tỉnh phía đông và mở một hành lang trên bộ nối liền tới bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, có nhiều khả năng là Ukraine sẽ thắng trong vòng chiến đấu kế tiếp này. Nga không có quân trừ bị ngoài các lực lượng đang được huy động hiện nay; nhuệ khí của các đơn vị đang chiến đấu bị giảm sút; và những toán quân rút đi ở quanh khu vực thủ đô Kyiv được huấn luyện để tiến hành các hoạt động về thiết giáp, cơ giới và bộ binh đã tỏ ra chiến đấu kém cỏi. Trong khi quân đội Ukraine đang tiếp tục nhận được các loại vũ khí nặng từ phương Tây và bắt đầu mở ra các cuộc phản công quanh thành phố Kharkiv, và nếu thành công một lần nữa sẽ làm hỏng kế hoạch tấn công sắp tới của Nga.

Putin đe doạ sử dụng vũ khí nguyên tử – nguồn Backgrid

Nếu tình hình quân sự của Nga trở nên tồi tệ, ông Putin có thể có lý do để sử dụng tới vũ khí nguyên tử. Cũng theo nhận định của nhà nghiên cứu Seth Crosey, điều này phù hợp với học thuyết quân sự đã được công khai hoá của Nga. Một cuộc tấn công nguyên tử sẽ đẩy Ukraine vào vị thế phải lựa chọn giống như Nhật Bản đã phải đối diện vào năm 1945: đầu hàng hoặc bị tiêu diệt.

Nhưng tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine có thể sẽ không bị bẻ gẫy. Những hình ảnh đầy ám ảnh từ Bucha, Irpin và nhiều nơi khác chứng tỏ chủ tâm thực sự của Nga. Chiến thắng của quân đội Nga sẽ dẫn đến những vụ giết người hàng loạt, trục xuất, hãm hiếp và những hành động tàn bạo khác. Sự lựa chọn của dân tộc Ukraine trong cuộc chiến tự vệ này sẽ không phải là giữa cái chết và sự tồn vong, mà là giữa kháng cự có vũ trang và bị tiêu diệt nếu không có vũ khí hoặc thiếu vũ khí.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Nếu Nga sử dụng vũ khí nguyên tử sẽ buộc NATO phải phản ứng. Tuy nhiên, bất kỳ phản ứng nào liên quan tới nguyên tử cũng có thể gây ra đòn trả đũa, kéo Nga và NATO leo thang tới một cuộc đối đầu nguyên tử rộng lớn hơn – là điều mà giới lãnh đạo của NATO đã từng bày tỏ lo ngại.

Hiểu được điều lo lắng đó nên ông Putin đã nhiều lần nói đến vũ khí nguyên tử. Ông nhắc lại điều đó vào hôm thứ Tư tuần qua: Trong một buổi họp với các chính trị gia Nga tại St. Petersburg, ông nói rằng bất kỳ ai can thiệp vào Ukraine và “tạo ra những mối đe dọa mang tính chiến lược không thể chấp nhận được đối với chúng ta,” thì phản ứng của Nga sẽ là “nhanh như chớp”. Ông còn nói thêm: “Chúng ta có tất cả các công cụ cho việc này mà không ai khác có thể tự phụ là đang có trong tay. Chúng ta sẽ không khoác lác về điều đó mà chúng ta sẽ sử dụng chúng, nếu cần.”

Ông Putin đã từng nói những lời tương tự trên kể từ khi phát động cuộc xâm lược. Ðây có thể là một chiến thuật hù doạ, nhưng không có nghĩa là lời hù doạ đó hoàn toàn trống rỗng.

Hôm thứ Hai 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nguy cơ về xung đột nguyên tử là “nghiêm trọng” và “không nên đánh giá thấp.” Trước đó, Anatoly Antonov, Ðại sứ Nga tại Washington, cũng đã gửi một công hàm ngoại giao chính thức cho chính phủ Hoa Kỳ nói rằng nước Mỹ đang làm gia tăng cuộc xung đột. Công hàm đó nói rằng việc vận chuyển các loại vũ khí “nhạy cảm nhất” đến Ukraine đang “đổ thêm dầu” vào cuộc xung đột và có thể mang lại “những hậu quả khó lường.”

Nga vừa cho thử nghiệm hoả tiễn đạn đạo Sarmat có khả năng mang đầu đạn nguyên tử chiến lược – nguồn EPA

Nhưng đồng thời thì về phía Hoa Kỳ cũng nói rất mạnh. Vào đầu tháng Tư, Tổng thống Biden đã lên tiếng ám chỉ ông Putin như một tội phạm chiến tranh. Trong tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói với các phóng viên rằng mục tiêu của Hoa Kỳ tại Ukraine là: “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến một mức độ nào đó mà họ không thể làm được như những gì mà họ đã làm ở Ukraine.” Mục tiêu ban đầu của Hoa Kỳ là bảo vệ chủ quyền và nền độc lập của Ukraine. Phải chăng chiến lược của Hoa Kỳ đã có thay đổi và nay họ không còn lo ngại gây khiêu khích Nga hay để chiến tranh leo thang tại Ukraine?

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Theo nhận xét của nhà báo Peggy Noonan, đối với ông Putin, Nga không thể để bị thua phương Tây. Ukraine không phải là Trung Ðông, một màn trình diễn phụ; Ukraine là khán đài chính. Và ông Putin là người sẽ làm bất cứ điều gì để không bị thua.

Nếu nói vậy, trong tình huống xấu nhất, một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra nếu không phe nào chịu lùi bước.

Kể từ năm 1945, chiến tranh đã xảy ra nhiều lần, nhưng chưa một quốc gia nào đụng đến vũ khí nguyên tử. Do vậy, nhiều người trong chúng ta có thói quen suy nghĩ rằng: Ðiều đó vẫn sẽ không xảy ra, và lịch sử sẽ tiếp tục bước tiến của nó như đã từng trong quá khứ.

Tuy nhiên, vẫn theo nhà báo Noonan, lần này có thể không như vậy. Lịch sử đầy rẫy những xoay chuyển bất ngờ, có những điều được cho là không thể xảy ra đã biến thành những điều không thể tránh khỏi.

Trước đây có người từng nói rằng nếu chiến tranh nguyên tử xảy ra thì sau đó người ta chỉ còn đánh nhau bằng gậy gộc – nghĩa là thế giới tan nát hết và nhân loại không còn lại gì. Ðiều đó quả thật đáng sợ, và nếu là thế thì chúng ta lại càng phải hy vọng rằng chiến tranh nguyên tử sẽ không xảy ra.

VH