Đầu tuần qua, cảnh sát Hồng Kông đã tổ chức một cuộc bố ráp quy mô, bắt giữ một loạt 10 nhân vật ủng hộ dân chủ. Trong số đó nổi bật nhất có ông Jimmy Lai (Lê Trí Anh), 71 tuổi, nhà sáng lập và cũng là chủ nhiệm của tờ nhật báo Apple Daily, tờ báo có số độc giả đông nhất tại Hồng Kông, và cô Agnes Chow (Chu Đình), 23 tuổi, nhà tranh đấu và là một trong những khuôn mặt trẻ tiêu biểu nhất trong phong trào biểu tình đòi tự do dân chủ cho Hồng Kông. Đây là hành động mới nhất của nhà chức trách Hồng Kông trong việc thực thi luật an ninh quốc gia mới do chính quyền Bắc Kinh áp đặt lên phần đất cựu thuộc địa của Vương quốc Anh vào cuối Tháng 6 vừa qua.

Đối đầu Trung Quốc – nguồn Nobat.com  

Kể từ đầu Tháng 7, khi chính quyền Bắc Kinh cho đặt văn phòng đặc biệt giám sát công tác thi hành luật an ninh mới tại một khách sạn ở Hồng Kông, những cuốn sách mang chủ đề dân chủ bỗng dưng biến mất trên các kệ sách thư viện, học sinh bị cấm không được hát những bài hát bị xem là có tính cách chính trị, và một giáo sư luật và cũng là nhà tranh đấu dân chủ nổi tiếng đã bị cho nghỉ dạy tại đại học. Các giới chức thẩm quyền về bầu cử đã loại 12 ứng cử viên đối lập ra khỏi cuộc bầu cử lập pháp đáng lẽ được tổ chức vào Tháng 9 tới, trước khi quyết định cho hoãn lại cuộc bầu cử đúng một năm, viện dẫn lý do vì trận đại dịch Covid-19.

Vụ bắt bớ mới nhất đây đã gửi đi tín hiệu rất đáng ngại cho thấy một tương lai ảm đạm của nền tự do báo chí tại Hồng Kông cũng như những quyền căn bản nhất như quyền tự do phát biểu của người dân Hồng Kông nay mai sẽ không còn. Ðó cũng là nỗi lo ngại của các quốc gia phương Tây khi luật an ninh mới chính thức có hiệu lực và nay đang là những sự thật chua chát. Nếu có khác thì đó là những sự việc trên xảy ra quá nhanh, nhanh hơn nhiều người dự đoán lúc ban đầu.

Một trong những quốc gia phương Tây phản ứng sớm nhất và mạnh nhất chống lại luật an ninh mới này là Hoa Kỳ. Vào ngày 14 Tháng 7, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh hành pháp chấm dứt quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông như một sự trừng phạt và cũng là để đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh.

Xem thêm:   Chó...

Trên thực tế, quy chế đặc biệt của Hồng Kông (bắt đầu từ năm 1997) mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho đại lục, trong đó có ba điểm đáng kể nhất. Thứ nhất, là trung tâm tài chánh, Hồng Kông giúp thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc đổ vào Trung Quốc với số lượng lớn có lẽ chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Những dự án phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là những đặc khu kinh tế, đã được hưởng lợi trực tiếp từ những vốn đầu tư này đổ vào. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy từ năm 1983 đến 1998, vốn đầu tư ngoại quốc từ Hồng Kông vào Trung Quốc đạt khoảng $142 tỷ, chiếm hơn 53% tổng số vốn đầu tư đổ vào. Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của Hồng Kông với tư cách là nguồn đầu tư ngoại quốc đã tăng lên nhiều hơn: trong giai đoạn 2017-18, hơn 59% tổng số vốn đầu tư ngoại quốc vào đại lục là đến từ Hồng Kông.

Ông Jimmy Lai bị bắt với cáo buộc tội “thông đồng với ngoại quốc” – nguồn The Conversation

Thứ hai, Hồng Kông đóng một vai trò quan trọng trong việc quốc tế hoá đồng nhân dân tệ (RMN), đưa đến kết quả là đồng bạc này được nhìn nhận như là thứ tiền tệ quốc tế qua sự bảo trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ bắt đầu bằng một dự án thí điểm thanh toán thương mại qua ngả Hồng Kông năm 2009, và trong một thập niên qua, quá trình này đã tiến triển đáng kể. Trong những năm gần đây, thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ do các ngân hàng ở Hồng Kông đảm nhận đã tăng theo cấp số nhân, và năm 2019 con số này đã tăng lên đến $5.38 ngàn tỷ, bằng 89% tổng số thanh toán thương mại xuyên qua biên giới bằng đồng nhân dân tệ trong năm.

Thứ ba, là một cửa ngõ giao thông quốc tế, Hồng Kông giữ một vai trò quan trọng trong việc phân phối sản phẩm sản xuất tại Hoa Lục ra khắp thế giới bằng cách nhập cảng các sản phẩm từ Trung Quốc và sau đó tái xuất cảng chúng đến các hải cảng quốc tế khác. Quy chế đặc biệt của Hồng Kông đã được các nền kinh tế lớn công nhận và đóng một phần quan trọng trong lối giao dịch thương mại này. Từ năm 1988 đến 1998, hơn 50 phần trăm hàng xuất cảng của Trung Quốc được phân phối qua ngả Hồng Kông. Con số này không thay đổi nhiều trong những năm gần đây vì có thêm một vài lý do khác như tránh thuế siêu chẳng hạn bằng cách nếu hàng sản xuất từ Trung Quốc được chuyển qua ngả Hồng Kông.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Với việc Mỹ rút lại quy chế đặc biệt, và rất có thể nay mai nhiều quốc gia phương Tây khác cũng sẽ đi theo Mỹ, khả năng tiếp tục là một trung tâm trung chuyển quan trọng của Hồng Kông có thể bị suy giảm nghiêm trọng. Gần đây chính phủ Hoa Kỳ đã ra lệnh kể cả những sản phẩm sản xuất từ Hồng Kông cũng sẽ phải dán nhãn hiệu “Made in China”.

Cô lập Trung Quốc – nguồn South China Morning Pos

Ðương nhiên, để có thể đối đầu với Trung Quốc được hiệu quả hơn Hoa Kỳ cần phải có nhiều đồng minh. Nhanh nhất có Anh, Úc và Canada, ngay sau khi luật an ninh mới được ban hành thì ba quốc gia này đã lên tiếng xoá bỏ thoả thuận dẫn độ với Hồng Kông và hứa sẽ đưa ra những chính sách mới rõ rệt hơn. Nhật thì vẫn là đồng minh của Mỹ từ bao lâu nay do vị trí của họ ở Á châu và luôn phải trực diện đối đầu với những áp lực từ phía Trung Quốc nên cần có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Ấn Ðộ, trong thời gian gần đây đã xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu với lính biên phòng Trung Quốc trong vùng Hy Mã Lạp Sơn và chính quyền nước này ngày càng có những giao hảo tốt đẹp với Hoa Kỳ. Riêng nước Pháp thì lại là trường hợp đặc biệt. Vào lúc cao điểm của trận đại dịch Covid-19, không hiểu vì lý do gì mà toà đại sứ Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc nhân viên của một viện dưỡng lão tại Pháp trong một đêm đã bỏ nhiệm sở và để cho những người già sống tại đây chết vì đói và bệnh tật. Sự việc này đã đưa tới một cuộc khủng hoảng ngoại giao nho nhỏ giữa hai nước và Pháp cũng đã chỉ trích Trung Quốc khá nặng về luật an ninh mới áp đặt cho Hồng Kông. Quốc hội Liên hiệp Âu châu trong nhiều tuần qua cũng đang bàn thảo về tình hình Hồng Kông và hứa sẽ đưa ra chính sách mới đối với vùng đất này. Vụ bắt bớ ông Lai và cô Chow vừa qua có thể sẽ thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Nhưng nói qua thì cũng phải nói lại, việc thu hồi quy chế đặc biệt của Hồng Kông sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến lãnh vực trao đổi thương mại và giao dịch tài chính giữa Hoa Kỳ và Hồng Kông. Năm 2018, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào lãnh thổ này là $82.5 tỷ, hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ giao dịch với Hồng Kông ước tính đạt mức $66.9 tỷ. Hồng Kông là một trong số ít khu vực thương mại vẫn còn duy trì thặng dư thương mại đối với Hoa Kỳ, đạt mức $26.4 tỷ năm 2019. Tuy nhiên, đây là một tổn thất không quá lớn nếu nhìn từ góc độ tổng sản lượng nội địa của Hoa Kỳ là $21.43 ngàn tỷ năm 2019. Trong một cuộc thăm dò mới đây của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông, có tới 40% các công ty Mỹ tại đây cho biết họ dự định di chuyển văn phòng đi nơi khác. Con số này sẽ còn cao hơn nữa nếu như Bắc Kinh ngày càng tìm cách can thiệp vào hệ thống pháp lý của Hồng Kông.

Từ chính sách bành trướng quân sự tại khu vực Biển Ðông, từ những vụ khiêu khích Nhật Bản và Ðài Loan tại biển Hoa Bắc, rồi tình hình xung đột biên giới với Ấn Ðộ gia tăng, cho đến những lấp liếm và lảng tránh trách nhiệm gây ra trận đại dịch Covid-19 và gần đây nhất là luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hồng Kông, sự lo ngại của thế giới đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng và dường như một liên minh bao gồm nhiều quốc gia từ Âu Mỹ qua đến Á châu đang dần thành hình để tìm cách đối đầu và ngăn chặn sự bành trướng và ảnh hưởng của quốc gia này. Phải chăng chính sách hung hăng và coi thường quốc tế của Trung Quốc, đặc biệt ngày càng ngang ngược hơn kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, đang đi những nước cờ sai và tự cô lập chính họ?

VH