Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu từ hai năm trước và cường độ mỗi ngày một tăng cao trong suốt thời gian này qua các vụ đánh thuế trả đũa trên các món hàng xuất cảng của nhau. Tuần qua, lần đầu tiên, cuộc thương chiến giữa hai nước tạm thời giảm bớt căng thẳng.

Hưu chiến thương mại – nguồn Reuters   

Hoa Kỳ và Trung Quốc, hôm Thứ Tư 15/1, đã ký một thoả thuận thương mại, được gọi là “thoả thuận phần một”, mà các giới chức nói rằng sẽ giúp Hoa Kỳ xuất cảng được thêm nhiều hàng hoá và dịch vụ hơn sang Trung Quốc, thị trường Trung Quốc trong tương lai cũng được mở rộng cho các công ty ngoại quốc vào làm ăn – đặc biệt trong ngành dịch vụ tài chánh – và đồng thời chính phủ Bắc Kinh hứa sẽ bảo vệ chặt chẽ các bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.

Bản thoả thuận bao gồm tám phần được xem như một cuộc hưu chiến thương mại mà trong thời gian hai năm qua đã phần nào làm suy yếu kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, bản thoả thuận không đả động gì đến món thuế Hoa Kỳ đánh lên số hàng nhập cảng của Trung Quốc trị giá khoảng $370 tỷ, hay tương đương với ba phần tư tổng số hàng Trung Quốc nhập cảng vào Hoa Kỳ.

Những món thuế trên được cho là để Hoa Kỳ sử dụng làm món hàng thương lượng cho những cuộc đàm phán sau này mà qua đó sẽ phải giải quyết những vấn đề rắc rối và khó khăn hơn nhiều, và đó cũng là tâm điểm của trận thương chiến, bao gồm chính sách trợ cấp của Trung Quốc đối với các công ty trong nước và việc kiểm soát của Bắc Kinh trên một số công ty quốc doanh mà cho đến nay vẫn chưa chịu tư hữu hoá. Những cuộc đàm phán này được dự trù sẽ bắt đầu trong nay mai nhưng chắc chắn sẽ không kết thúc cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào Tháng 11 tới đây.

Tổng thống Donald Trump và PhóThủ tướng Lưu Hạc ký kết thoả thuận – nguồn Shutterstock

Tất cả thị trường cổ phiếu tại Hoa Kỳ đều tăng mạnh kể từ hơn một tuần trước đó sau khi các giới chức của hai nước cho biết họ sắp đạt được thoả thuận. Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt mức 29,000 khi thị trường đóng cửa vào hôm Thứ Tư và sang đến hôm Thứ Sáu thì chỉ số đã đạt mức kỷ lục là 29,348 điểm lúc đóng cửa.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Tổng thống Donald Trump coi thoả thuận thương mại vừa đạt được như một thắng lợi chính trị để làm bàn đạp bước vào cuộc tranh cử trong thời gian sắp tới. Trump cũng không quên nhắc nhở với cử tri rằng ông là tổng thống duy nhất đã thành công trong việc ép Bắc Kinh phải chịu nhượng bộ.

Như một điều kiện để Bắc Kinh ký vào thoả thuận, Hoa Kỳ đồng ý cắt giảm mức thuế đánh trên $120 tỷ hàng nhập cảng Trung Quốc xuống một nửa, chỉ còn 7.5% trong vòng 30 ngày, và bỏ không đánh thêm những phần thuế khác đã được dự tính trước đó. Những cam kết này của Hoa Kỳ không có ghi trong văn bản thoả thuận nhưng sẽ được cho áp dụng.

Trong phần nói về sở hữu trí tuệ, Trung Quốc đồng ý sẽ cứng rắn hơn trong việc bảo vệ bí mật thương mại và phạt nặng đối với những cá nhân hay tổ chức nào “cố tình chiếm đoạt bí mật thương mại” từ các công ty Mỹ. Tăng hình phạt là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump trong các cuộc đàm phán vừa qua. Tuy nhiên, phần lớn ngôn từ ghi trong văn bản về tài sản trí tuệ lại không nói rõ những quy định cụ thể trong một số lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn trong phần nói về dược phẩm đã không bao gồm những mục tiêu cụ thể và không nói rõ chi tiết về việc bảo vệ ra sao để những loại thuốc sinh học không bị bắt chước, và đó cũng là mục tiêu chính mà các công ty bào chế dược phẩm lớn của Hoa Kỳ muốn đạt được. Mặc dù vậy, thoả thuận sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để các công ty Hoa Kỳ có thể thuyết phục các giới chức chính phủ mở cuộc điều tra hình sự tại Trung Quốc nếu như họ thấy có một công ty Trung Quốc nào ăn cắp sáng chế của họ.

Trung Quốc đồng ý mua thêm $200 tỷ hàng xuất cảng của Hoa Kỳ – nguồn US-China Trade Agreement

Thoả thuận cũng đòi hỏi Trung Quốc phải gấp rút chấp thuận để cho các công ty cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng cũng như lắp đặt hệ thống trả tiền điện tử được vào hoạt động trong thị trường của Trung Quốc, và trong thoả thuận ghi rõ danh tánh những công ty như Mastercard, Visa và American Express. Trước đây Hoa Kỳ đã từng kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để các công ty cung cấp dịch vụ về tài chánh có thể vào làm ăn ở Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã không thực thi theo yêu cầu.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Phần được chú ý nhiều nhất trong thoả thuận là việc Trung Quốc đồng ý mua thêm hàng của Hoa Kỳ. Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm $200 tỷ hàng hoá và được chia ra trong hai năm 2020 và 2021, với thoả thuận là sẽ mua thêm $77 tỷ trong năm đầu và $123 tỷ trong năm thứ nhì.

Trong vòng hai năm tới, để đạt được mục tiêu ấn định, thoả thuận kêu gọi Trung Quốc tăng cường mua thêm hàng trên mức đã mua trong năm 2017, bằng cách mua thêm khoảng $78 tỷ hàng trong ngành sản xuất, $32 tỷ nông sản, $52 tỷ năng lượng và $38 tỷ dịch vụ.

Trong năm 2017, Hoa Kỳ xuất cảng sang Trung Quốc $186 tỷ hàng hoá và dịch vụ. Ðể được mục tiêu ghi trong thoả thuận, mức xuất cảng của Hoa Kỳ sang Trung Quốc sẽ cần tăng lên $263 tỷ trong năm 2020 và $309 tỷ trong năm 2021, là những con số tăng đáng kể chưa từng có trước đây trong lịch sử thương mại của Hoa Kỳ, nếu như Trung Quốc giữ đúng như cam kết.

Thị trường đã nối lại đà tăng từ tuần trước, trong bối cảnh lạc quan thương mại được đổi mới. KENA BETANCUR / getty images

Cuộc chiến thương mại quả thật có gây thiệt hại cho cả hai quốc gia trong thời gian qua. Những thuế quan đánh lên hàng nhập cảng của Trung Quốc ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu thụ và gây khó khăn cho một số công ty Mỹ khi họ phải mua nguyên liệu cũng như bộ phận máy móc từ Trung Quốc, nhưng đó là cái giá kinh tế phải trả để có thể đạt được những đòi hỏi trong thoả thuận. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại kéo dài cho đến lúc này cho thấy Hoa Kỳ trên thực tế có khả năng và sẵn sàng chịu đựng được một số thiệt hại khi phải đối đầu với Trung Quốc, trái với quan điểm từ phía Bắc Kinh thường cho rằng người dân Mỹ “nhu nhược”, hơi đau một tí là kêu ca.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Hơn nữa, những nhượng bộ trong thoả hiệp còn cho thấy phải chăng trong nội bộ Ðảng Cộng sản Trung Quốc đang có những xáo trộn ngấm ngầm và Tập Cận Bình thật sự không nắm quá nhiều quyền lực như người ta tưởng. Năm 2019 là một năm khá xấu đối với Tập khi phải đương đầu với rất nhiều vấn đề. Tình hình tại Hồng Kông đến nay vẫn còn bất ổn, kết quả cuộc bầu cử tại Ðài Loan đã không xảy ra như lãnh đạo Trung Quốc hy vọng, nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua có mức phát triển thấp nhất trong vòng ba thập niên nay, và cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ đang đi theo chiều hướng có thể hạn chế sự bành trướng và ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế trong tương lai. Thoả thuận thương mại vừa ký kết có thể nói đã làm giảm uy tín Tập Cận Bình phần nào, không chỉ vì nó áp đặt nhiều điều kiện buộc Trung Quốc phải chấp nhận, chẳng hạn mua thêm hàng từ Hoa Kỳ, mà nó còn cho thấy Trung Quốc cũng có nhược điểm của họ và buộc phải lùi bước khi gặp áp lực.

Cuộc chiến thương mại đã chứng minh cho Tập Cận Bình cùng đồng đảng của ông ta thấy rằng Hoa Kỳ có khả năng gây thiệt hại và làm gián đoạn sự phát triển cho nền kinh tế của Trung Quốc, trong khi nền kinh tế của Hoa Kỳ có sức mạnh thật sự và linh động nhờ ở tính năng động của một thị trường tự do chứ không phải chính sách khích động lòng tự ái dân tộc mà Bắc Kinh đã cho áp dụng kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.

Có thể nói Hoa Kỳ đã đạt được chiến thắng trong “thoả thuận phần một” nhưng ta cũng phải hiểu rằng đây chỉ mới là sự tạm thời hưu chiến để bắt đầu cho một giai đoạn đàm phán đầy khó khăn và sẽ còn kéo dài.

VH

Arlington, TX