Ngày 23 tháng 6, một vụ binh biến xảy ra với đoàn quân lính đánh thuê Wagner do ông trùm Yevgeny Prigozhin làm thủ lĩnh đánh chiếm thành phố Rostov. Đoàn quân này sau đó kéo về thủ đô Moscow, nhưng qua một cuộc điều đình do Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus làm trung gian, nhóm Wagner đồng ý rút lui. Việc làm này của Prigozhin đã đe doạ đến quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin và một điều chắc chắn là Prigozhin sẽ không bao giờ được Putin tha thứ.

Trùm Yevgeny Prigozhin – Razgruzka_Vagnera   

Ðúng hai tháng sau, ngày 23 tháng 8, chiếc máy bay dân sự chở Prigozhin và một số cộng sự viên của ông ta trên đường từ Moscow bay về St. Petersburg đã bị rớt tại một khu vực phía tây bắc cách Moscow 180 cây số, tất cả 10 hành khách trên chuyến bay, trong đó có Prigozhin, đều tử nạn. Lúc đầu có người nói rằng chiếc máy bay bị một hoả tiễn địa đối không của lực lượng phòng không Nga bắn rớt. Tuy nhiên, theo tin tức tình báo của Hoa Kỳ sau khi thẩm định cho rằng máy bay rớt do một âm mưu ám sát có thể bằng một trái bom được gài nổ hoặc một hình thức phá hoại nào đó. Nhưng cho dù sự việc xảy ra bằng cách nào thì một điều chắc chắn lệnh phải được đưa ra là từ ông Putin.

Cái chết bí ẩn

Giống như những cái chết trước đây của các đối thủ chính trị của ông Putin, điện Kremlin trong những ngày tới có thể sẽ đưa ra nhiều giả thuyết, tung hoả mù và gây thêm tình trạng rối rắm về việc ai đã giết Prigozhin. Truyền thông nhà nước Nga đã bắt đầu đưa ra một vài giả thuyết – từ việc đổ lỗi cho Ukraine đến việc cho rằng đối thủ của Prigozhin đã cài bom trên máy bay của ông ta.

Câu chuyện về cái chết của ông trùm Prigozhin càng rối mù thì điện Kremlin càng hưởng lợi bởi vì chính Prigozhin là một nhân vật gây chia rẽ, mặc dù được công chúng ủng hộ, ở Nga, đồng thời cũng là người từng được Putin bảo trợ và nâng đỡ. Trong khi điện Kremlin từng loại bỏ các đối thủ chính trị trước đây bằng ám sát hoặc bỏ tù, Prigozhin được cho là tay chân thân tín cao cấp đầu tiên bị Putin ra lệnh giết vì đã vi phạm vào điều cấm kỵ là tỏ ra đã không trung thành tuyệt đối.

Hiện trường nơi máy bay rớt – Kommersant Photo

Mối dây liên quân Putin-Prigozhin

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Trùm Prigozhin từng nắm trong tay một lực lượng khoảng 50,000 quân ở Ukraine, chỉ huy một trận chiến kéo dài hàng nhiều tháng để chiếm cho bằng được thành phố Bakhmut nằm ở khu vực phía đông của Ukraine và mang lại cho Nga chiến thắng quan trọng nhất sau nhiều tháng bị giậm chân tại chỗ. Sau đó, Prigozhin cho biết Wagner đã mất 20,000 tay súng trong trận chiến để có thể chiếm được thành phố nói trên, hầu hết trong số họ là những tù nhân trọng tội được tuyển mộ từ các nhà tù ở Nga. Ðội ngũ những tay súng Wagner trong cuộc hành quân tiến về Moscow vào tháng 6 quy tụ chỉ khoảng vài nghìn người.

Sau cái chết của Prigozhin, Putin sẽ đứng ở vị thế vững vàng hơn kể từ sau cuộc binh biến. Ít ra là ở vào thời điểm hiện tại, Putin giải quyết được mối đe dọa trước mắt nghiêm trọng nhất đối với 23 năm cầm quyền của ông ta. Nhưng cái chết của Prigozhin cũng hé lộ cho thấy sự yếu kém ngày càng gia tăng của một hệ thống quyền lực do chính Putin dựng lên. Putin có tham vọng trở thành một thứ Sa Hoàng của một cường quốc, nhưng trên thực tế, cái đế chế mục ruỗng đó của Putin đang được vận hành như chưa từng bao giờ trước đây dựa trên sự dối trá, tham nhũng và đàn áp. Và như vụ giết người này cho thấy, quyền lực tối thượng của Nga là khủng bố.

Cá nhân Prigozhin là một con người bạo lực. Ông ta trở nên giàu có nhờ biết nắm lấy cơ hội làm ăn trong một chế độ tham nhũng và hối lộ bao quanh nhân vật chính là Putin giống như bất cứ chế độ độc tài nào khác. Ông ta tuyển mộ những người bị kết án từ các nhà tù của Nga để chiến đấu ở Ukraine và đưa họ vào chỗ chết. Lính của ông ta bị cáo buộc đã gây ra những tội ác chống lại nhân loại, đặc biệt là ở Châu Phi, nơi tổ chức Wagner kiếm được rất nhiều tiền từ những tổ chức khủng bố cũng như một số chính phủ độc tài.

Xem thêm:   Chó...

Tuy nhiên, chẳng có hành động tội ác nào nói trên khiến cho ông Putin bận tâm, trái lại, Putin đã thưởng công cho Prigozhin với những nhiệm vụ quan trọng hơn và những công việc kinh doanh mới kiếm được nhiều tiền hơn nhưng cũng đổ máu nhiều hơn. Nhưng tất cả mọi thứ đã thay đổi trong một ngày cuối tuần vào cuối tháng 6 vừa qua, để phản đối viễn cảnh quân Wagner sẽ bị nhập chung vào quân đội chính quy, Prigozhin đã đưa đoàn quân Wagner đến chỉ cách thủ đô Moscow 200 cây số. Vì không nhìn thấy trước để ngăn chặn cuộc nổi loạn hoặc vì quân đội Nga không đủ sức mạnh để dập tắt, ông Putin đã bị bẽ mặt. Do đó, ông Putin đã phải chấp nhận một thỏa thuận qua cuộc điều đình và Prigozhin đã chấm dứt cuộc binh biến.

Mối dây liên quân Putin-Prigozhin từ thời ở St. Petersburg – Alexey Druzhinin/Sputnik

Lạnh lùng và tàn nhẫn

Vụ chiếc máy bay bị rớt cho thấy Putin đã phản bội lại lời hứa để cho Prigozhin sống. Ðiều đáng nói ở đây là tại sao Prigozhin không nhìn thấy trước điều đó sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra để đề phòng kỹ lưỡng hơn thay vì vẫn tiếp tục đi vào đất Nga để rồi tìm tới cái chết. Chừng nào ông trùm Wagner còn sống, ông ta vẫn sẽ là nguồn gốc của sự bất ổn đối với chế độ Putin. Cái chết của Prigozhin và sự coi thường mạng sống của ông Putin đối với những hành khách khác có mặt trên chuyến bay là một ví dụ rõ ràng nhất cho thấy bất kỳ sự phản bội về lòng trung thành nào cũng sẽ dẫn tới một sự trừng phạt lạnh lùng theo kiểu mafia của điện Kremlin.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Với tất cả những điều trình bày trên, cái chết của Prigozhin đánh dấu tình trạng suy tàn hơn nữa của nhà nước Nga. Ông Putin là một ví dụ điển hình về lý do tại sao một chế độ độc tài lại có hại đến như vậy. Quyền lực càng được tập trung thì những nỗi ám ảnh, tính khí bất thường và sự phẫn nộ của cá nhân ông Putin càng phô bày rõ hơn và càng trở thành bộ mặt của chính nước Nga.

Một chế độ khủng bố

Vụ sát hại Prigozhin làm trầm trọng thêm tình trạng ảm đạm đó. Sau các cuộc nổi loạn thách thức quyền lực của nhà nước, một đất nước lành mạnh sẽ lập lại trật tự bằng cách dựa trên hệ thống luật pháp. Trong trường hợp nước Nga hiện nay, ông Putin thích sử dụng bạo lực hơn. Tuy nhiên, việc làm này sẽ không khôi phục lại trật tự mà chỉ càng cho thấy sự áp đặt của một chế độ khủng bố. Và nó càng khiến cho nước Nga ngày càng xa rời một thể chế pháp quyền mà tất cả mọi quốc gia thời hiện đại phải dựa vào đó để có được chính phủ có năng lực và ổn định. Sự việc trên chỉ đẩy nước Nga ngày càng rơi vào tình trạng khốn quẫn hơn về mặt chính trị.

Cái chết của ông trùm Prigozhin một lần nữa hé lộ cho thấy một hệ thống chính trị tàn bạo hiện đang kiểm soát nước Nga. Sự việc này càng chứng minh thêm về sự tàn nhẫn lạnh lùng đến quá độ của lãnh tụ độc tài Vladimir Putin. Ông ta sẽ giết bất cứ ai cản đường ông ta ở trong nước, và ông ta cũng sẽ làm điều tương tự ở ngoài nước – ở Ukraine, Ba Lan hay bất kỳ nơi nào khác, nếu ông ta tin rằng ông ta không bị hề hấn gì khi gây ra tội ác đó.

Wagner trong cuộc nổi loạn ngày 23 tháng 6 -Reuters

VH