Sự kiện Afghanistan sụp đổ và cuộc rút lui hỗn loạn của người Mỹ đã trở thành một cơ hội tuyên truyền cho các chế độ độc tài chuyên quyền trên thế giới. Và không ở đâu mà suy luận về sự yếu kém của nước Mỹ được thổi phồng hơn tại Trung Quốc trong thời gian gần đây, nơi hệ thống truyền thông nhà nước dựa vào sự thất bại trên đã đưa ra những dự đoán về một nước Mỹ suy thoái và đồng thời cảnh báo các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ rằng rồi đây họ cũng sẽ bị bỏ rơi. Tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi vụ Afghanistan là “điềm báo” cho số phận của Đài Loan.

Bảo vệ Đài Loan – nguồn The Economist 

Và Trung Quốc không chỉ đánh trống thổi kèn suông mà còn đưa ra những hành động khiêu khích cụ thể, đẩy Ðài Loan vào tình thế phải đối diện trước những áp lực quân sự chưa từng có từ trước tới nay.

Trong suốt 4 ngày của tuần lễ vừa qua, quân đội Trung Quốc đã thực hiện gần 150 phi vụ bao gồm chiến đấu cơ, máy bay ném bom và nhiều loại phi cơ quân sự khác đến sát gần hòn đảo – một sự leo thang mà vào hôm thứ Tư 6/10 đã buộc Tổng thống Thái Anh Văn của Ðài Loan phải lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách phá hoại nền hòa bình trong khu vực. Tình trạng an ninh căng thẳng đến độ Bộ trưởng Quốc phòng Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng), trong cuộc điều trần trước quốc hội, đã đưa ra nhận định rằng quân đội Trung Quốc sẽ có đủ khả năng thực hiện một cuộc tấn công toàn diện lên Ðài Loan vào năm 2025 với những tổn thất tối thiểu.

Chính phủ Ðài Loan cho biết quân đội Trung Quốc đã tiến hành “các cuộc tập trận xâm nhập quy mô” trong vùng biển và không phận xung quanh Ðài Loan, và đòi Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động nói trên. Ngoài ra họ còn nói rằng Ðài Loan sẽ nhất định bảo vệ chủ quyền của mình và hiện đang hợp tác với một số quốc gia khác để nhằm ngăn chặn những hành động mang tính khiêu khích đầy ác ý của đảng cộng sản Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc thực hiện gần 150 phi vụ đến sát gần đảo Đài Loan – nguồn WhatsNew2Day

Trong một bài quan điểm khá dài đăng trên trang mạng Foreign Affair cũng vào hôm thứ Tư, bà Thái đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ rằng “nếu Ðài Loan sụp đổ, hậu quả sẽ là một sự thảm khốc đối với nền hòa bình khu vực và hệ thống liên minh dân chủ.”

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Tham vọng của Trung Quốc để thống nhất với Ðài Loan cho dù phải dùng tới biện pháp quân sự là điều không có gì bí mật. Trong suốt một năm qua, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực quân sự, kinh tế và chính trị đối với Ðài Bắc và không có dấu hiệu gì cho thấy tình trạng này sẽ giảm bớt trong nay mai. Ðể ngăn chặn Trung Quốc khỏi một cuộc xâm lăng thảm khốc vào Ðài Loan phải là mục tiêu an ninh quốc gia hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ và chỉ có Hoa Kỳ mới có khả năng để thực hiện điều này.

Bằng vào những hành động khiêu khích ngày càng gia tăng của quân đội Trung Quốc, chính quyền Biden đang phải đối mặt với một thực tế rõ ràng: Từ đây cho tới cuối nhiệm kỳ của ông, rất có thể Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm lấy Ðài Loan bằng quân sự nếu Hoa Kỳ không đưa ra những chính sách an ninh cứng rắn hơn. Lần đầu tiên kể từ năm 1950, Bắc Kinh có thể đang nghĩ một cách hợp lý rằng sức mạnh quân sự của họ hiện nay có đủ khả năng để bắt buộc Ðài Loan mà bấy lâu nay họ vẫn xem như một tỉnh ly khai phải khuất phục. Tập Cận Bình đã từng nhiều lần nói không úp mở rằng Ðài Loan phải là một phần của Trung Quốc – và đã đưa tín hiệu cho biết ông ta có ý định để hoàn thành mục tiêu này trong tương lai gần.

Một máy bay ném bom của Trung Quốc trên vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan – nguồn Getty Images

Vai trò quan trọng của Hoa Kỳ cho an ninh khu vực là điều không phải bàn cãi. Giữ cho Ðài Loan thoát khỏi sự kiềm toả của Bắc Kinh bắt buộc phải là ưu tiên hàng đầu và cũng là cách để phủ nhận mục tiêu đạt được vị thế bá chủ trong khu vực và cuối cùng là vị thế ưu việt toàn cầu của Trung Quốc. Hòn đảo Ðài Loan chiếm một vị trí địa lý then chốt. Nếu Ðài Loan thất thủ, Trung Quốc sẽ có khả năng mở rộng sức mạnh quân sự của họ khắp toàn cõi châu Á. Nhật Bản, Phi Luật Tân, các nước Ðông Nam Á và các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương đều sẽ dễ bị tấn công hơn trước quân đội Trung Quốc cũng ngày càng hung hăng hơn.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Hoa Kỳ từ lâu vẫn luôn lên tiếng phản đối về những hành động hiếu chiến của Trung Quốc đối với Ðài Loan, nhưng để đạt được sự tin cậy của các quốc gia trong khu vực thì Hoa Kỳ cần phải chứng tỏ cho họ thấy bằng những hành động cụ thể. Từ bỏ bảo vệ an ninh cho Ðài Loan sẽ là một sai lầm chiến lược to lớn và sẽ làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của Mỹ đối với các quốc gia đồng minh và đối tác châu Á vốn đã tỏ ra hết sức lo lắng từ sau sự kiện Afghanistan.

Câu hỏi là liệu Hoa Kỳ có khả năng bảo vệ Ðài Loan trước một Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ? Quân đội Trung Quốc đã gia tăng sức mạnh với một tốc độ kinh ngạc. Hải quân Trung Quốc hiện nay có nhiều tàu chiến hơn hải quân Hoa Kỳ (nhưng không hẳn là mạnh hơn), lực lượng không quân của họ lớn nhất trong khu vực, và Bắc Kinh còn khoe khoang rằng họ có số lượng hoả tiễn nhiều nhất thế giới. Tham vọng của Bắc Kinh là tìm cách đạt được trình độ kỹ thuật ngang bằng với quân đội Hoa Kỳ trong thập niên 2020 và vượt qua Hoa Kỳ năm 2030.

Quân đội Đài Loan được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu – nguồn Reuters

Mặc dù với tất cả những bằng chứng thực tế nói trên, theo ý kiến của ông Elbridge Colby, từng là phụ tá bộ trưởng quốc phòng Mỹ về chiến lược và phát triển lực lượng, câu trả lời có. Ðể đánh bại một cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc không phải là việc dễ dàng hoặc ít tốn kém, và để có thể sẵn sàng làm được như vậy đòi hỏi phải có những thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ và Ðài Loan. Nhưng điều này có thể thực hiện được.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Bắt Ðài Loan phải quy phục cũng không phải là chuyện dễ dàng đối với Trung Quốc như một số đánh giá trước đây. Trên thực tế, Ðài Loan chỉ cách bờ biển Trung Quốc ít hơn 100 dặm. Nhưng để khuất phục Ðài Loan, Trung Quốc sẽ phải xâm lăng và chiếm đóng hòn đảo hoặc phong tỏa quân sự hay pháo kích liên tục cho đến khi Ðài Loan phải đầu hàng. Bất kỳ chiến thuật nào như vừa nói cũng sẽ gặp khó khăn nếu Trung Quốc phải đối mặt với một hàng phòng thủ tinh vi và đã có chuẩn bị, đặc biệt là có được sự kết hợp với lực lượng dân chúng đầy kiên quyết của Ðài Loan sau khi đã chứng kiến việc Bắc Kinh ngang nhiên phá bỏ các quyền tự do của người dân Hồng Kông.

Xâm lăng Ðài Loan có lẽ là lựa chọn duy nhất của Bắc Kinh để thống nhất với Ðài Loan, đặc biệt là nếu họ có thể chiếm được đảo trước khi Hoa Kỳ có thể huy động lực lượng để đưa ra phản ứng. Trong hoàn cảnh như vậy, Bắc Kinh có thể đánh cuộc rằng người Mỹ sẽ đánh giá các tổn thất và rủi ro trong việc đẩy lui một lực lượng quân đội Trung Quốc cố thủ là quá lớn. Nhưng để đạt được điều này, Trung Quốc sẽ phải huy động cả đường biển lẫn đường trên không để có thể đưa một đội quân đủ lớn để chiếm đóng một hòn đảo với 24 triệu dân. Ðiều này có thể khả thi nếu quân đội Trung Quốc tấn công một Ðài Loan đang đứng một mình. Nhưng việc tấn công một Ðài Loan được hậu thuẫn bởi quân đội Hoa Kỳ đã có chuẩn bị kỹ lưỡng là một chuyện hoàn toàn khác. Một cuộc tấn công vào một lực lượng phòng thủ có khả năng và có chuẩn bị là điều rất khó và thường chỉ chuốc lấy thất bại.

Ðể bảo đảm Hoa Kỳ có thể bảo vệ Ðài Loan sẽ cần một sự đầu tư tập trung và mạnh mẽ từ cả Hoa Kỳ lẫn Ðài Loan. Nhưng điều này có thể thực hiện được nếu cả hai bên đều có quyết tâm. Và cái giá phải trả sẽ là tương đối thấp nếu Trung Quốc thấy và hiểu rõ hơn về chính sách an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực trước khi họ gây ra những hậu quả thảm khốc.

VH