Với việc chiếm giữ và hoàn toàn kiểm soát Kandahar vào hôm Thứ Sáu 13/8, thành phố lớn thứ hai của Afghanistan và cũng là nơi phát sinh của phong trào Hồi giáo Taliban, nhóm phiến quân đã đẩy mạnh các mũi tấn công của họ trên khắp lãnh thổ và tiếp theo sẽ là đe doạ thủ đô Kabul, khiến cho chính phủ Hoa Kỳ đã phải vội vã gửi 5,000 quân đến để bảo vệ an ninh cho việc di tản các nhân viên ngoại giao.

Afghanistan sụp đổ – nguồn AP.jpg 

Cho đến tối hôm thứ Sáu, khi những đơn vị lính Mỹ đầu tiên đến để làm nhiệm vụ giữ an ninh phi trường cho cuộc di tản nhân viên ngoại giao, tình hình tại Kabul hầu như là thúc thủ và chờ đợi chung một số phận rằng khu vực thủ đô, giống như số phận của rất nhiều thành phố cấp tỉnh khác, sớm muộn gì cũng sẽ rơi vào tay của Taliban. Có điều không ai ngờ là chỉ hai ngày sau đó, hôm Chủ Nhật 15/8, Kabul cũng đã nhanh chóng rơi vào tay Taliban mà không gặp một sự kháng cự nào.

Sau 20 năm chiến tranh, phần lớn những gì mà Hoa Kỳ tìm cách đạt được ở Afghanistan đã sụp đổ chỉ trong vòng hơn tuần lễ. Một điều cần nhắc lại là phiến quân đã không kiểm soát được bất cứ thủ phủ của một tỉnh nào tại Afghanistan cho mãi tới khi họ chiếm được thành phố Zaranj nằm trong khu vực hẻo lánh thuộc tỉnh Nimruz chỉ ít hôm trước đó vào ngày 6 tháng 8.

Sự sụp đổ của Afghanistan và chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani trong khoảng thời gian quá ngắn làm nhiều người không khỏi đặt nghi vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden. Kể từ trung tuần tháng 4 cho đến nay là khoảng 4 tháng sau khi ông Biden thông báo cho biết là tất cả các lực lượng Hoa Kỳ sẽ rời Afghanistan để thực hiện theo đúng các thỏa thuận mà chính quyền Donald Trump đã ký với Taliban tại Doha vào tháng 2 năm 2020. Taliban đã phát động cuộc tấn công của họ ngay sau khi ông tuyên bố về quyết định trên.

Nhiều đơn vị của chính phủ Afghanistan chiến đấu khá anh dũng trong những ngày đầu nhưng họ thiếu sự hỗ trợ của không quân mà từ lâu được cho là lợi thế quân sự chính của họ. Hoa Kỳ đã sai lầm khi rút toàn bộ sức mạnh không quân của mình ra khỏi Afghanistan, bao gồm cả các nhà thầu tư nhân hỗ trợ cho không lực Afghanistan trong việc bảo trì máy bay trực thăng và các loại máy bay khác. Trong thời gian vừa qua, các nhà thầu tư nhân nay chỉ còn có thể hỗ trợ kỹ thuật qua hệ thống trực tuyến Zoom, trong khi quân đội Hoa Kỳ lại thực hiện quá ít phi vụ từ khu vực Vịnh Ba Tư, không đủ để làm chậm bước tiến của Taliban.

Phiến quân Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm Chủ Nhật 15/8 – nguồn Wall Street Journal

Trong khi đó tại thủ đô Washington, Toà Bạch Cung đã không nắm vững tình hình và không hiểu thấu đáo thật sự những gì đang xảy ra tại Afghanistan, với những tin tức nội bộ rò rỉ cho biết chính quyền Hoa Kỳ tỏ ra bất ngờ về sức tiến công của Taliban. Trên thực tế, các giới chức quân sự cao cấp và cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã cảnh báo trước cho Tổng Thống về sự sụp đổ không tránh khỏi nếu không duy trì một lực lượng quân sự nhỏ và một phần hoạt động của không quân, ít ra cũng sẽ gây cho Taliban sự lưỡng lự vì sự có mặt của Hoa Kỳ. Hai tuần lễ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố việc rút quân, nhắm mục tiêu hoàn tất mang tính cách biểu tượng là ngày 11 tháng 9, phiến quân Taliban bắt đầu phát động cuộc tấn công vào ngày 1 tháng 5 và chính phủ Hoa Kỳ vẫn không thay đổi quyết định.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Khi tuyên bố quyết định rút quân, Tổng thống kêu gọi sự cần thiết phải tập trung vào ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của Washington: Trung Quốc. Tổng thống lập luận rằng việc kết thúc chiến tranh tại Afghanistan sẽ cho phép Mỹ chuyển hướng năng lực để đối phó với những thách thức mới, cấp bách hơn, trước hết trong số đó là sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt với Bắc Kinh. Khi một siêu cường độc tài đang trỗi dậy có nguy cơ làm lu mờ Hoa Kỳ trong các lãnh vực về công nghệ, quân sự và kinh tế, thì suy cho cùng, Hoa Kỳ khó có thể có đủ khả năng đối đầu nếu vẫn để bị ràng buộc trong một cuộc chiến bất tận.

Ý tưởng về việc Hoa Kỳ cần phải rút quân ra khỏi khu vực Trung Ðông để tập trung lực lượng vào khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương tự nó đã có sức thuyết phục. Nhưng ý tưởng này không có gì là mới. Tương tự trước đây, chính quyền Barack Obama cũng đã biện minh cho việc rút quân khỏi Iraq như một phần của chiến dịch xoay trục sang châu Á.

Phần tô đậm là vùng kiểm soát của Taliban cho đến ngày 13/8 – nguồn Long War Journal

Về mặt thực dụng, một trong những lý do mà những nhân vật ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan đưa ra là việc này có thể giúp Washington trong nỗ lực gia tăng sự cạnh tranh với Bắc Kinh. Việc rút quân có thể tháo gỡ các nguồn lực quân sự hiện đang bị ràng buộc ở Afghanistan và cho phép Hoa Kỳ chuyển nguồn lực này qua khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Tuy nhiên, theo nhận định của hai học giả Richard Fontaine and Vance Serchuk, sự hiện diện của binh lính Hoa Kỳ tại Afghanistan đã giảm xuống chỉ còn chưa tới một lữ đoàn vào lúc ông Biden nhậm chức. Một vài ngàn binh lính Hoa Kỳ có thể đủ để giữ cho chính phủ Afghanistan không bị rơi vào tay Taliban, nhưng việc tái điều quân của vài ngàn binh lính này hầu như sẽ không làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự toàn cầu. Tăng cường sức mạnh quân sự đang xói mòn của Mỹ trong khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương bắt buộc phải là ưu tiên hàng đầu của Ngũ Giác Ðài, nhưng khả năng quân sự vừa được rút ra khỏi Afghanistan cho thấy chỉ là một giọt nước trong biển cả. Ðó là chưa nói tới khía cạnh lực lượng quân đội trấn đóng ở Afghanistan là bộ binh trong khi lực lượng đang cần tăng cường tại Ấn Ðộ-Thái Bình Dương lại là hải quân.

Cảnh các tay súng Taliban hiên ngang tiến vào từ hết thành phố này đến thành phố khác mà không gặp bất cứ sức cản nào, phô trương chiến lợi phẩm mà họ chiếm được với những chiếc xe Humvee, các cỗ súng pháo và máy bay không người lái do Hoa Kỳ sản xuất, đã khiến nhiều đồng minh của Hoa Kỳ không khỏi lo ngại. Trong một lời chỉ trích hiếm thấy từ một đồng minh thân cận về việc quân đội Mỹ vội vã rút khỏi Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace của Vương quốc Anh trong một cuộc phỏng vấn truyền hình đã mô tả thoả thuận Doha như là “một thoả thuận đồi bại” và “đã nghiễm nhiên nói với Taliban rằng họ đang chiến thắng mặc dù họ chưa chiến thắng.” Và ông Wallace kết luận: “Tất cả chúng ta, trước cộng đồng quốc tế, có lẽ sẽ phải trả giá bởi những hậu quả của thoả thuận này.”

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Hậu quả trước mắt là hàng trăm ngàn người tị nạn đang hớt hải bồng bế nhau tìm đường chạy trốn trong khi cuộc di tản các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ và phương Tây vẫn đang diễn ra gấp rút.

Người tị nạn đổ về thủ đô Kabul lánh nạn – nguồn Getty Images

Theo lời kể của nhiều dân tị nạn vừa chạy về từ các tỉnh thì họ đã chứng kiến các tay súng Taliban đã có những cuộc tấn công vô cớ vào dân thường và hành quyết những binh lính bị bắt ngay bên đường phố. Tại một số nơi, các sĩ quan chỉ huy Taliban đã yêu cầu cộng đồng địa phương phải giao ra những phụ nữ chưa kết hôn để trở thành “vợ” cho các chiến binh của họ – một hình thức bạo lực tình dục, theo định nghĩa của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Trên nóc một ngôi nhà nằm chếch về hướng tây của thủ đô Kabul, một phụ nữ có tên là Wazir Nazari bị thương khá nặng và nằm bất động trên một tấm nệm mỏng. Cha của cô là ông Abdul Rezaq Rezaie cho biết cô bị bắn vào đầu hồi đầu tháng 7 trong lúc các tay súng Taliban đi lùng soát từng nhà một trong ngôi làng của họ nằm trong tỉnh Ghazni thuộc trung bộ Afghanistan.

Mặc dù các lãnh tụ Taliban đã công khai cam kết là sẽ không có bạo động và trả thù, theo lời kể của nhiều nhân chứng thì tình trạng an ninh tại nhiều nơi hoàn toàn ngược lại. Không ai dám bảo đảm rằng đời sống của người dân Afghanistan sẽ được yên bình trong những năm tháng sắp tới.

Quyết định rút quân gấp rút ra khỏi Afghanistan có thể xem là quyết định quan trọng đầu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Biden.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates từng có lần đưa ra nhận định về Tổng thống Biden rằng trong suốt sự nghiệp chính trị lâu dài của ông, ông đã luôn sai lầm trong tất cả mọi chính sách đối ngoại quan trọng. Thế giới đang chứng kiến thêm một ví dụ khác trong khi cuộc rút quân đầy sai lầm và vô trách nhiệm của ông ra khỏi Afghanistan đang biến thành một thất bại mang tính chiến lược và là sự sụp đổ trên phương diện đạo đức trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

VH