Cuộc chiến tại Afghanistan kéo dài qua ba đời Tổng thống Mỹ là George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump. Chỉ ít tháng sau khi lên cầm quyền, vào ngày 14 tháng Tư, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút hết quân ra khỏi Afghanistan vào ngày 11 tháng Chín, dịp kỷ niệm đúng 20 năm vụ tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài.

Afghanistan trước bờ vực – nguồn AP

Tổn thất của cuộc chiến đối với nước Mỹ khá cao. Theo dự án Costs of War của Ðại học Brown, hơn 2,400 binh lính Hoa Kỳ tử trận, và chi phí quân sự vượt quá $2.26 ngàn tỷ, cao hơn gấp đôi so với cuộc chiến Việt Nam – khoảng $1 ngàn tỷ, nếu tính ra trị giá của đồng Mỹ kim hiện thời.

Một thoả thuận hoà bình có điều kiện được ký vào tháng Hai 2020 giữa Hoa Kỳ (dưới thời Tổng thống Donal Trump) và phiến quân Taliban mang ý nghĩa mở đường cho các phe phái kình chống nhau tại Afghanistan tự tìm cách giải quyết để chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài quá nhiều năm này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tiếp theo giữa chính phủ Afghanistan và Taliban đã bị đình trệ khi cả hai bên cùng chờ đợi xem thái độ của tổng thống mới của nước Mỹ sẽ như thế nào trước khi họ trở lại bàn thương thuyết. Khi biết được ông Biden vẫn tiếp tục giữ kế hoạch nhất định bỏ Afghanistan, bất kể điều kiện tại chiến trường diễn tiến ra sao, và điều này càng khiến cho Taliban tin rằng họ không cần phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán.

Nhiều giới chức Hoa Kỳ nói rằng họ lo ngại chính phủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn tại Kabul sẽ không đủ khả năng để ngăn cản Taliban lấn chiếm đất và mở rộng quyền kiểm soát của họ tại nhiều khu vực, cho phép các nhóm cực đoan được hoạt động ở đó, đảo ngược những tiến bộ đạt được trong việc cai trị đất nước, trong đó có quyền của phụ nữ và quyền được tự do bầu cử.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố những binh lính Mỹ cuối cùng sẽ rời khỏi Afghanistan vào ngày 11 tháng Chín, tiến trình rút quân diễn ra nhanh hơn dự tính và có thể kết thúc vào cuối tháng Tám. Trong những ngày cuối tuần của dịp Lễ Ðộc lập, hình ảnh những binh lính Mỹ rời khỏi căn cứ không quân Bagram, khoảng một giờ lái xe về hướng bắc của thủ đô Kabul, và trao lại việc kiểm soát cho quân đội Afghanistan được xem như đặt dấu mốc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm của nước Mỹ. Nhưng sự kiện này không có nghĩa là chiến tranh đã kết thúc tại Afghanistan mà nó sẽ vẫn tiếp tục với chiều hướng tồi tệ hơn.

Tổng thống Biden bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan cho rằng mục tiêu làm suy giảm nguy cơ khủng bố đã đạt được – nguồn Getty Images

Trong mấy tháng qua, hết quận lỵ này tới quận lỵ khác bị vuột khỏi tầm kiểm soát của chính phủ và rơi vào tay phiến quân Taliban. Nhiều khu vực trong tỉnh Balkh thuộc miền bắc Afghanistan trong mấy tuần qua cũng chịu chung số phận. Ðiều đáng báo động hơn là tỉnh Balkh từ lâu vẫn được xem như một pháo đài kiên cố trong cuộc chiến đấu chống lại Taliban và nằm cách xa khu vực trung tâm của phiến quân ở biên giới phía nam. Bỗng dưng với sự xuất hiện của các tay súng Taliban tại đây có thể là dấu hiệu rõ ràng về một cuộc tấn công không thể tránh khỏi.

Nước Mỹ và các đồng minh NATO đã tiêu tốn hàng nhiều tỷ Mỹ kim để huấn luyện và trang bị cho các lực lượng giữ an ninh của Afghanistan với hy vọng là một ngày nào đó họ có thể đứng vững một mình. Thay vì vậy, họ lại tìm đường thủ thân thậm chí trước khi người Mỹ rời đi. Rất nhiều quận lỵ bị chiếm cứ không phải do bị tấn công mà là tự động trao vào tay cho phiến quân. Binh lính và cảnh sát đầu hàng hàng loạt, bỏ lại hàng đống quân cụ, đạn dược và quân xa do người Mỹ cung cấp. Thậm chí trong khi những binh lính Mỹ cuối cùng còn đang rời khỏi căn cứ Bagram vào cuối tuần của những ngày đầu tháng Bảy, hơn 1,000 binh lính Afghanistan đã chen lấn nhau bỏ chạy qua biên giới vào nước láng giềng Tajikistan để tìm cách tránh khỏi một cuộc tấn công của Taliban.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Trên giấy tờ, quân đội và cảnh sát Afghanistan có quân số đông hơn và được trang bị đầy đủ hơn so với phiến quân. Trên thực tế, họ thường nhượng bộ các lực lượng Taliban nhỏ hơn nhiều khi phải đối đầu trực tiếp. Tinh thần suy sụp là lý do chính.

Các binh sĩ Afghanistan tại chiến tuyến giao tranh giữa Taliban và lực lượng an ninh đầu tháng 7, ở tỉnh Badghis ở tây bắc Afghanistan. nguồn nytimes.com

Một cuộc kiểm đếm của tổ chức Foundation for Defense of Democracies tại Washington, bao gồm nhiều học giả và chuyên gia về Afghanistan, ước tính Taliban hiện đang kiểm soát gần một nửa trong số hơn 400 quận lỵ trên toàn quốc. Chính quyền tại Kabul cực lực phủ nhận và nói rằng bất cứ cuộc rút lui nào nếu có chỉ là tạm thời và sẽ tìm cách đảo ngược tình thế. Một số quận đã được chiếm lại, hoặc là trao tay từ phe này qua phe khác nhiều lần. Trong số đó có nhiều quận nằm biệt lập và ít có sự hiện diện của chính phủ hoặc nằm ở vị trí chiến lược ít quan trọng. Nhưng một loạt những chiến thắng vừa qua đã mang lại cho Taliban đà tiến quân. Nhiều nhà ngoại giao lo ngại tình hình này sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới.

Tình hình hiện nay tại Afghanistan khiến nhiều người Mỹ đã từng sống qua thời chiến tranh Việt Nam không bao giờ quên cuộc rút lui của Hoa Kỳ khỏi Sài Gòn năm 1975, và hình ảnh người dân miền Nam chen lấn trong tuyệt vọng để được lọt qua cánh cổng của Toà Ðại Sứ Mỹ. Có thể nào chúng ta cũng đang được chứng kiến cảnh tượng như trên sắp sửa diễn ra tại Afghanistan?

Xem thêm:   Chó...

Tuy nhiên, quân đội Afghanistan vẫn đang anh dũng chiến đấu, nhưng tinh thần giảm sụt nhanh chóng khi chứng kiến sự rút lui của quân đội Hoa Kỳ và khả năng sụp đổ của chính quyền tại Kabul.

Quân đội Hoa Kỳ rút khỏi căn cứ không quân Bagram, trung tâm hành quân tại Afghanistan trong gần 20 năm – nguồn WSJ

Theo ước tính của tờ báo mạng Long War Journal của tổ chức Foundation for Defense of Democracies, hiện có khoảng 8.5 triệu người dân Afghanistan hiện đang sống dưới sự kiểm soát của Taliban và hơn 13 triệu sống trong những khu vực xôi đậu. Con số này sẽ tiếp tục tăng nếu Mỹ không thay đổi quyết định. Hầu hết các quận lỵ do phiến quân Taliban mới chiếm được nằm bao quanh thủ phủ của các tỉnh, và điều chắc chắn là họ sẽ tiến vào khu vực trung tâm một khi các lực lượng của Hoa Kỳ và đồng minh không còn hiện diện nữa. Nhiều người tin rằng Kabul có thể bị mất trong vòng 6 tháng sau cuộc rút quân của Mỹ.

Trong khi đó, nhiều tổ chức chống chiến tranh rùm beng trước đây bỗng dưng im lặng một cách đáng ngờ trước một thảm hoạ đang ngày một tiến gần tới.

Quân đội Mỹ chiếm đóng Afghanistan sau vụ khủng bố 9/11 với mục đích nhổ tận gốc tổ chức al Qaeda và nhóm bảo trợ Taliban. Theo một phúc trình gần đây của Liên Hiệp Quốc, hai tổ chức này “vẫn liên kết chặt chẽ và không có dấu hiệu nào rạn nứt.” Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS)  sẽ lợi dụng tình hình hiện tại để lấp vào khoảng trống. Tất cả đều là mối đe doạ cho nền an ninh của nước Mỹ.

Ngăn giặc từ xa vốn là chiến lược của nước Mỹ. Không rõ lần rời bỏ tiền đồn quan trọng này có được tính toán một cách khôn ngoan hay chỉ là một nước cờ kém, một tính toán đậm màu chính trị mà cái giá phải trả đôi khi đắt đỏ gấp nhiều lần?

VH