Hoa Kỳ và quân đội đồng minh tấn công Afghanistan vào ngày 7 tháng 10 năm 2001. Osama bin Laden, đầu não của vụ khủng bố 11 tháng 9, vào thời điểm đó đang trú ẩn tại Afghanistan dưới sự bảo vệ của chính quyền Taliban, cũng là chính quyền đã cung cấp những cơ sở huấn luyện cho tổ chức khủng bố al Qaeda. Hoa Kỳ đòi Taliban phải giao nộp bin Laden; Taliban từ chối. Trong ít tuần sau đó, các lực lượng chống Taliban, với sự hỗ trợ của không quân và lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ, đã đẩy lui Taliban ra khỏi thủ đô Kabul.

Mối hoạ khủng bố – nguồn BBC 

Mục đích chính của cuộc chiến tại Afghanistan ngay từ ban đầu là cuộc chiến chống khủng bố. Kể từ khi chiếm đóng Afghanistan, nước Mỹ đã không bị khủng bố tấn công ở bất kỳ nơi nào với quy mô tương tự như vụ 9/11. Từng là một lực lượng có tổ chức chặt chẽ và rộng lớn, các thành viên của al Qaeda đã phải tìm nơi ẩn núp, và cuối cùng, thủ lãnh Osama bin Laden đã bị lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ tiêu diệt tại Pakistan vào năm 2011.

Có thể nói, khả năng của các tổ chức khủng bố để thực hiện thêm một vụ tấn công như vụ 9/11 rõ ràng đã bị hạn chế mà lý do chính là nhờ Hoa Kỳ có thể thu thập được tin tức tình báo chính xác hơn, gây áp lực để ngăn chặn các nguồn tài chính của khủng bố, gia tăng các cuộc đột kích và tấn công bằng máy bay không người lái drone.

Sau khi Hoa Kỳ và đồng minh rút quân khỏi Afghanistan đưa đến cảnh hỗn loạn khủng khiếp, và trong khi cuộc di tản bằng không vận đang diễn ra tại phi trường Kabul, thì hai vụ đánh bom bên ngoài phi trường ngày 26 tháng 8 làm thiệt mạng 13 binh lính Hoa Kỳ và gần 200 thường dân là một bằng chứng cho thấy các tổ chức khủng bố đã lợi dụng thời cơ trở lại hoạt động mạnh mẽ tại Afghanistan.

Xuất hiện trên truyền hình sau vụ đánh bom, Tổng thống Joe Biden tuyên bố: “Chúng tôi sẽ săn lùng và bắt quý vị phải trả giá.” Cuộc tấn công bằng máy bay drone xảy ra vào rạng sáng ngày 28 tháng 8 tại tỉnh Nangarhar, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng, đã giết chết hai tay đầu não của vụ đánh bom mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan (ISIS-K) nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, một khi các lực lượng Hoa Kỳ rút đi hết, những cuộc săn lùng khủng bố sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan – nguồn Wikipedia.org

Theo một phúc trình của Liên Hiệp Quốc, khoảng 10,000 tay súng jihadist ngoại quốc hiện đang có mặt tại Afghanistan. Phần lớn trong số này trực thuộc al Qaeda, là tổ chức có mối quan hệ mật thiết với Taliban; một số đông khác liên minh với ISIS-K, là nhóm khủng bố cực đoan hơn. Ngũ Giác Ðài gọi vụ tấn công bằng máy bay drone là chiến thuật mới “chống khủng bố qua đường chân trời” (over-the-horizon counter-terrorism) – là chiến thuật mà ông Biden cho biết hồi tháng 7 rằng Hoa Kỳ đang lên kế hoạch, để phát hiện các mối đe dọa và “hành động nhanh chóng và quyết đoán nếu cần”. Ðể đạt được thành công bằng chiến thuật nói trên đòi hỏi ít nhất hai điều: khả năng nhận diện khủng bố và khả năng để tấn công chúng. Mặc dù cuộc tấn công diễn ra nhanh gọn, việc quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Afghanistan khiến cho hai khả năng trên trở nên phức tạp hơn.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Hầu hết các nguồn tình báo liên quan đến các nhóm khủng bố như al Qaeda và ISIS-K – như cấp lãnh đạo, nơi ẩn núp và âm mưu của chúng – trước đây từng được thu thập bởi các đơn vị bộ binh của Hoa Kỳ, cùng sự hợp lực của quân đội và Tổng cục An ninh Quốc gia (NDS) của Afghanistan. Nay binh lính Hoa Kỳ đã rút đi và quân đội cũng như hệ thống an ninh tình báo của Afghanistan không còn nữa. Hậu quả để lại là một khoảng trống tình báo rộng lớn.

Một trong những lựa chọn của Hoa Kỳ là đi tìm đồng minh Afghanistan mới, và trớ trêu thay, đó lại là Taliban. Vấn đề là Taliban có thể tin tưởng được không khi Hoa Kỳ yêu cầu họ chống lại những nhóm khủng bố trước đây có quan hệ mật thiết với họ.

Một đối tác khác có phần hấp dẫn hơn có thể là nhân vật Ahmad Massoud, một chỉ huy kháng chiến quân 32 tuổi đang ẩn náu tại thung lũng Panjshir, một căn cứ quân sự vững chắc ở phía bắc, cùng với Amrullah Saleh, cựu giám đốc của NDS và cựu Phó Tổng thống Afghanistan, đã thề là sẽ kiên quyết chống lại Taliban. Các cơ quan tình báo Anh và Pháp trước đây từng hợp tác chặt chẽ với cha của ông Massoud là Ahmad Shah Massoud, trước đây từng là một chỉ huy kháng chiến chống Taliban nổi tiếng, và đến nay vẫn duy trì mối quan hệ với người con Massoud. Tuy nhiên, lực lượng Panjshiri chỉ kiểm soát một phần đất nhỏ của Afghanistan. Họ không nắm vững nhiều tin tức về các âm mưu của ISIS-K ở vùng núi phía đông Afghanistan hoặc ở khu vực ngoại ô Kabul.

Máy bay drone biệt danh Tử thần (Reaper) tại Afghanistan – nguồn military.com

Do đó, Hoa Kỳ sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào khả năng nghe lén điện đàm của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) mà đôi khi lại gặt hái được những kết quả lớn không ngờ như vụ ám sát tướng Qassem Suleimani, thủ lãnh của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, hồi năm ngoái.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Nhưng công cuộc chống khủng bố không chỉ là thu thập tin tức tình báo mà còn phải có hành động trên những tin tức tình báo đó. Một vài hoạt động không nguy hiểm, như ngăn chặn nguồn tài chính khủng bố, triệt hạ các kế hoạch tuyên truyền thánh chiến hoặc gieo rắc mối bất hòa giữa những kẻ chủ mưu. Tuy nhiên, thông thường thì các hoạt động chống khủng bố thường liên quan đến bạo động, như cuộc tấn công bằng máy bay drone mới đây. Và các hoạt động này không hẳn lúc nào cũng êm xuôi đúng theo kế hoạch. Tháng 8 năm 1998, Tổng thống Bill Clinton ra lệnh phóng hàng chục hoả tiễn tầm xa vào một trại huấn luyện al Qaeda tại Afghanistan. Vụ phóng này đã không giết được Osama bin Laden mà lại gây thiệt mạng cho nhiều dân làng nằm ở bên phía biên giới Pakistan khi một hoả tiễn bị lạc hướng.

Nay thì kỹ thuật hoả tiễn chính xác hơn và máy bay drone có khả năng bay xa hơn, nhưng vị trí địa lý của Afghanistan nằm lọt thỏm giữa một vùng đất rộng lớn bao xung quanh thì vẫn không thay đổi.  Vụ đột kích của Hoa Kỳ vào Pakistan để giết bin Laden năm 2011 sử dụng trực thăng bay từ căn cứ không quân Bagram, gần Kabul, qua ngả Jalalabad, một thành phố nằm ở phía đông Afghanistan gần với biên giới Pakistan. Những căn cứ này nay không còn. Iran chắc chắn sẽ không cho Hoa Kỳ sử dụng đất của họ. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan ngày càng trở nên thù nghịch. Vậy chỉ còn lại quốc gia Uzbekistan thuộc khu vực Trung Á, trước đây từng cho Hoa Kỳ lập căn cứ Karshi-Khanabad cho đến năm 2005. Nhưng Uzbekistan được coi là sân sau của Nga và ông Putin đã nói một cách chắc nịch là nhất định không để yên cho Hoa Kỳ lập bất kỳ căn cứ nào ở đây.

Xem thêm:   Chó...

Có nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ phải gửi chiến đấu cơ từ căn cứ không quân al Udeid ở Qatar, hoặc từ một hàng không mẫu hạm trong khu vực Biển Ả Rập. Ðiều này sẽ đưa tới nhiều bất lợi. Máy bay sẽ phải bay xa hơn để đến mục tiêu, trong lúc bay thì các tay súng jihadist có thể đã di chuyển đi nơi khác hoặc người dân thường bỗng dưng xuất hiện gần khu vực mục tiêu, và nhiên liệu sử dụng cho chuyến bay dài có nghĩa là máy bay có ít thì giờ hơn để đánh vào mục tiêu. Và trên hết, những phi vụ như thế có thể sẽ không tránh khỏi những đau đầu về ngoại giao khi phải bay qua không phận Iran hoặc Pakistan.

Cuối cùng rồi thì sự vắng mặt của quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan sẽ khiến cho công cuộc chống khủng bố tại khu vực Trung Ðông nói chung, và tại Afghanistan nói riêng, sẽ trở nên khó khăn gấp bội. Trong tình trạng hỗn loạn hiện nay, một khoảng trống an ninh bị bỏ ngỏ và những tổ chức khủng bố như al Qaeda và ISIS-K sẽ không bỏ lỡ cơ hội gầy dựng lực lượng, tuyển mộ và huấn luyện thêm thành viên mới, và chờ đợi thời cơ để tấn công các mục tiêu phương Tây. Có thể phải mất vài năm nữa trước khi những tổ chức khủng bố nói trên có đủ khả năng để thực hiện được những vụ tấn công lớn. Câu hỏi là liệu Hoa Kỳ và đồng minh có biết trước được khi nào thì điều đó xảy ra để ngăn chặn.

VH