Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Sài Gòn sụp đổ vào cuối tháng 4 năm 1975, khi ấy có khoảng 100,000 người Việt, vì không muốn sống dưới chế độ cộng sản, đã quyết định rời khỏi quê hương Việt Nam để tìm đến một quốc gia khác có thể mang lại cho họ một cuộc sống tự do. Trong số những người Việt đầu tiên rời khỏi Việt Nam, hầu hết đến định cư ở Mỹ, và không lâu sau đó đã hình thành những cộng đồng người Việt rải rác trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.

Với những đứa trẻ sinh ra vào thời điểm đó thì nay đang bước vào tuổi 50. Với những người trưởng thành trong chế độ cộng hòa ở miền Nam Việt Nam thì nay đã trên 70 và đang sống những ngày cuối cùng còn lại của cuộc đời họ.

Để nói về cộng đồng người Việt ở Mỹ thì không nơi đâu điển hình hơn là cộng đồng người Việt ở quận Cam thuộc miền Nam California – cộng đồng người Việt lớn nhất và lâu đời nhất ở Mỹ – được hình thành từ ngay cuối năm 1975 và được mọi người biết tới với tên Little Saigon.

Sau khi chiến tranh kết thúc, hàng triệu người Việt tị nạn đã đến định cư tại Hoa Kỳ, và hiện nay là quốc gia nơi có con số người Việt di dân đông nhất thế giới. Gần 40 phần trăm trong số đó định cư tại tiểu bang California, nhiều hơn bất kỳ tiểu bang nào khác. Và cũng giống như những khu phố Tàu Chinatown hay phố Ý Little Italy hay phố Cuba Little Havana xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp Hoa Kỳ, khu phố Việt Little Saigon tại quận Cam cũng đã được hình thành với mục đích là để bảo tồn văn hóa Việt.

Có thể nói không có cộng đồng người Việt nào có ảnh hưởng hoặc mang tính biểu tượng hơn Little Saigon ở quận Cam. Nằm cách Los Angeles khoảng 30 dặm về phía nam, khu vực Little Saigon trải rộng qua các thành phố Fountain Valley, Garden Grove, Santa Ana và Westminster. Khu dân cư này đã tiếp đón hàng trăm nghìn người Mỹ gốc Việt đến sinh sống, và hiện chiếm khoảng 10 phần trăm dân số người Mỹ gốc Việt trên toàn nước Mỹ. Tại đây có đầy đủ mọi dịch vụ từ siêu thị, nhà hàng cho tới ngân hàng của người Việt; tất cả các cơ quan truyền thông từ báo chí cho tới các đài phát thanh và truyền hình của người Việt đều hoạt động bằng tiếng mẹ đẻ. Một điều hiếm thấy đối với một nhóm dân thiểu số chỉ chiếm chưa đến 3 phần trăm dân số của cả nước Mỹ.

Xem thêm:   Tắt thở

Hình thành và trưởng thành

Vào thời điểm 1975 và ít năm sau đó, khu vực Little Saigon chủ yếu chỉ có một số khu nhà di động, lác đác vài tiệm sửa xe, những cánh đồng trồng dâu tây bỏ hoang và bãi phế liệu. Và khoảng hơn một chục cơ sở thương mại người Việt hoạt động tại quận Cam. Muốn mua thực phẩm tại siêu thị Á châu, người ta phải lái xe một tiếng đồng hồ tới Los Angeles mới có. Các nhà hàng bán thức ăn Việt Nam rất hiếm. Nhưng nay thì các dịch vụ nói trên không thiếu thứ gì.

Có thể nói Little Saigon là nơi mà người ta có thể sống mà không cần biết tiếng Anh, vì ngôn ngữ chính được nói ở đây là tiếng Việt, và cuộc sống ở đây cũng không khác gì cuộc sống ở một vùng ngoại ô bận rộn ngay trong nước Việt Nam. Các đặc điểm văn hóa Việt Nam cũng ngày càng được nhiều người bản xứ biết đến và phần nào hội nhập và đưa vào dòng văn hóa bản xứ.

Vào cuối thập niên 1970 và trong suốt thập niên 1980, với làn sóng người vượt biển trốn thoát khỏi Việt Nam bằng thuyền lên cao đã khiến khu vực quận Cam tiếp đón mỗi tháng khoảng 1,000 người Việt tị nạn và dân số người gốc Việt tại đây tăng lên rất nhanh. Các cơ sở thương mại của người Việt cũng tăng vọt từ những khu đất trống lên tới hơn 700 chỉ trong một thập niên, và Thống đốc George Deukmejian, một đảng viên Cộng hòa, đã chính thức công nhận Little Saigon là một địa danh văn hóa và thương mại của cộng đồng người Việt vào năm 1988 bằng cách dựng 13 tấm bảng chỉ đường dọc theo các lối ra vào của hệ thống xa lộ ở quanh khu vực. Mặc dù vào cùng thời điểm đó, người dân địa phương và các thành viên hội đồng thành phố đã lên tiếng phản đối.

Xem thêm:   Phong tỏa Đài Loan

Một số cư dân sống lâu năm tại đây đã tỏ ra phẫn nộ trước sự thay đổi này. Một nhóm hơn 100 cư dân Westminster đã ký vào một bản kiến nghị yêu cầu thành phố  hãy từ chối cấp bất kỳ giấy phép nào cho bất kỳ người tị nạn Đông Dương nào đang muốn mở bất kỳ cơ sở thương mại nào trong khu vực được gọi là phố Việt này.

Năm 1989, khi có một nhóm người Việt tị nạn vận động thành phố Westminster để tổ chức một cuộc diễn hành Ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa để vinh danh các cựu chiến binh và những chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh trong cuộc chiến, mặc dù nhiều người trong số này từng chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ, thì liền bị các giới chức chính quyền địa phương bác bỏ vì cho rằng cuộc diễn hành không mang ý nghĩa đối với người dân Mỹ. Trong đó có ông nghị viên thành phố là Frank Fry đã nói thẳng với những người tổ chức rằng: “Theo ý tôi, tất cả các bạn đều là người Mỹ và tốt hơn hết là các bạn nên là người Mỹ. Nếu các bạn muốn là người của Nam Việt Nam thì hãy quay trở về Nam Việt Nam.” Mặc dù sau đó ông Fry đã lên tiếng xin lỗi nhưng sự kiện này đã thúc đẩy một người tị nạn gốc Việt lúc đó là ông Tony Lâm quyết định ra tranh cử chức nghị viên thành phố vào năm 1992.

Kết quả, ông Lâm giành được tổng cộng 6,500 phiếu bầu tại một thành phố nơi chỉ có 2,000 người Mỹ gốc Việt ghi danh đi bầu. Ông Tony Lâm trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ một chức vụ trong chính quyền do dân bầu tại Hoa Kỳ. Kể từ đó đến nay đã có 24 người Mỹ gốc Việt ra tranh cử cho các chức vụ trong chính quyền tại quận Cam. Tháng 11 năm 2024, ông Derek Trần trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu làm dân biểu đại diện cho khu vực Little Saigon tại quốc hội liên bang Hoa Kỳ, bước chân theo những vị đồng nghiệp gốc Việt đi trước như luật sư Joseph Cao Quang Ánh và bà Stephanie Murphy.

Tương lai

Đối với những người di dân thuộc làn sóng những người Việt tị nạn đầu tiên tới Mỹ, họ vẫn còn mang trong mình những ký ức chiến tranh và làn ranh phân biệt quốc cộng. Sự chia cắt miền Bắc và miền Nam Việt Nam dẫn đến tất cả mọi hệ lụy vẫn chưa hề lắng xuống. Nhưng những thế hệ người Việt trẻ tuổi sống ở Mỹ hiện nay không biết nhiều về những ngày tháng chiến tranh và ít bận tâm hơn đến những ranh giới phân chia quốc cộng khiến đưa tới một cuộc nội chiến kéo dài 20 năm. Đến nay thì Hoa Kỳ và Việt Nam là hai quốc gia có quan hệ ngoại giao và thương mại. Gần 70 phần trăm dân số tại Việt Nam sinh ra sau chiến tranh. Hơn 40 phần trăm người Mỹ gốc Việt cho biết họ đang trên con đường đạt được giấc mơ Mỹ và gần 30 phần trăm cho biết họ đã đạt được giấc mơ đó. Cuộc sống của cộng đồng người Việt có thể nói gần như hoàn toàn hội nhập với cộng đồng người bản xứ. Và có lẽ chỉ khoảng một thập niên nữa thôi, thế hệ người tị nạn đầu tiên ở Mỹ sẽ không còn nữa, và khi đó tương lai của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, trong đó có cộng đồng ở quận Cam, sẽ rất khác.

Xem thêm:   Miễn hạnh phúc...

Đối với Little Saigon, khu vực do chính những người Việt tị nạn thành lập nay trở thành một nơi kinh doanh buôn bán sầm uất, mang lại doanh thu hàng năm lên tới gần $1 tỷ. Và, ngay cả khi khu vực này phát triển và thay đổi theo thời gian, cho tới thời điểm này vẫn tiếp tục duy trì được nhiều sinh hoạt để tôn vinh văn hóa Việt và lịch sử của cộng đồng người Việt tị nạn. Mỗi năm vào tháng 4, trong tuần lễ của ngày 30, được thành phố Westminster công nhận là Tuần lễ Tưởng niệm Tháng Tư Đen. Westminster là thành phố đầu tiên trên thế giới chính thức làm điều đó do sự vận động của cộng đồng người Việt tại đây. Hội chợ Tết Little Saigon khởi xướng từ năm 1982, trong đó có cuộc diễn hành hàng năm được tổ chức rất công phu, cho đến nay vẫn được duy trì và thu hút nhiều chục ngàn người đến tham dự mỗi năm.

VH