Thế giới ngày nay có nhiều sự kiện đa dạng, lắm khi pha trộn giữa thể thao và giải trí. Thời đại internet toàn cầu với các điểm hẹn đại chúng như Youtube góp phần đưa các hội hè, tính cách vui chơi, càng thêm phần phổ biến. Một trong các sự kiện này là các cuộc thi ăn ớt thường gây nhiều tò mò chú ý. 

thi-an-on4

Mời ớt. Ảnh YouTube

Mỗi cuộc thi ăn ớt thường có đặc điểm riêng. Nơi thì quyết định thí sinh nào xơi nhiều ớt nhất. Lúc thì có nhiều vòng thi theo độ cay ngày càng dữ dội hơn. Có nhà tổ chức quy định chi li người thi ăn ớt phải nhai trái ớt ít nhất 3 lần, v.v… Các giải thưởng thường rất tượng trưng chứ không lên đến triệu bạc như nhiều hoạt động hội hè thể thao giải trí khác. Nhưng cũng bắt đầu thấy có những cuộc thi ăn ớt ngày càng lên uy tín, thu hút hằng chục ngàn khán giả và không ít nhà tài trợ. Về phần thực sĩ ăn ớt thường gặp là dân địa phương, thỉnh thoảng có khách thập phương đi du hí góp vui. Nhưng rất ít thấy có các tay ăn ớt “pro” đi đâu cũng thấy mặt–cũng là một nét dị biệt nữa nếu so với các trò chơi thể thao giải trí khác. Thêm một nét khá độc đáo là rất hiếm khi thấy có người thắng các cuộc thi ăn ớt lặp đi lặp lại. Có thể vì yếu tố tâm lý, lỡ thắng một lần cũng tởn tới già. Người dự thi lần đầu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, chỉ liều thêm một tí có khi thắng cuộc. Nhưng với người đã từng thắng cuộc, hoặc từng thi ăn ớt trước đây, từng nếm trải đau thương, nhiều khi lại dễ chùng lòng bỏ cuộc… Ghi nhận phần lớn những người thi ăn ớt là nam giới, nhưng mỗi khi có mặt nữ giới thì các bóng hồng rất dễ chiếm hạng cao. Người ta phỏng đoán vì nữ giới chịu đựng giỏi hơn phe mày râu (cùng lý do giải thích vì sao nữ giới sống thọ hơn nam giới).

thi-an-on3

Tắm ớt. Ảnh tribune.net.ph

Cũng như men hay bia/rượu, ớt là một trong những bạn đồng hành với nhân loại từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Không thời nào hay nơi đâu thiếu vắng bạn ớt. Nếu chẻ sợi tóc làm tư, thật sự về mặt khoa học, ớt có lợi không ít cho cơ thể. Chúng có nhiều sinh tố A, C, và chất Beta-Carotene,một dạng Carotenoid hay còn gọi là tiền chất của vitamin A. Trong ớt cũng có nhiều chất chống oxy hóa Anti-Oxidants là những nguyên tố giúp lọc sạch các hợp chất gây hại hoặc làm chết tế bào. Trong ẩm thực, ớt là  gia vị không thể thiếu để kích thích khẩu vị. Một chút cay cho cơ thể thêm Endorphin và Adrenaline là 2 hormone giúp tạo sự hưng phấn, thúc đẩy tiến trình trao đổi chất trong cơ thể. Ðây là lý do vì sao có nhiều người gần như bị… nghiện ớt, không bỏ ăn ớt. Y khoa cũng ghi nhận ớt có thể giúp giảm cân, hạ áp huyết, giảm đau. Theo Y học cổ truyền,ớt hiểm giúp trị chứng viêm khớp, bệnh thấp khớp, khó tiêu, đầy hơi, v.v… Một công dụng phổ biến khác của ớt là làm thuốc bôi chống muỗi.

thi-an-on2

Một poster thi ăn ớt. Ảnh twitter.com/NagaMasala

Hóa chất đặc trưng của ớt trong Anh ngữ gọi là “Capsaicin”, là chất tạo cảm giác cay. Chất Capsaicin trong ớt khi thấm vào lưỡi sẽ gởi tín hiệu giả về não bộ cấp báo là lưỡi bị nóng, rát, “phỏng”, nhưng thực tế không hề có phỏng. Vì yếu tố này, trên lý thuyết, người ăn ớt nếu có thể chế ngự được bản thân và… giả bộ làm lơ các tín hiệu cấp báo về não bộ, thì có thể xơi tái bao nhiêu ớt cũng không hề hấn gì. Nhưng dĩ nhiên, đó là chuyện “nói thì dễ”… Khác với người ta, chim chóc không biết cay khi ăn ớt vì chúng không nếm được chất Capsaicin, nên chúng tha hồ mổ ớt ăn, vô tình giúp mang các hạt ớt lan đi xa. Âu đây cũng là phương cách tự nhiên tạo hóa đặt ra cho loài ớt.

Nồng độ cay của ớt được đo bằng chỉ số Scoville Heat Units (SHU). Số SHU trên 1 triệu được kể như là ớt siêu cay. Loài ớt mang tên Carolina Reaper của Hoa Kỳ hiện được ghi nhận vào kỷ lục Guinness là loại ớt cay nhất thế giới ngày nay với độ cay vào khoảng 1.5 triệu tới 2.2 triệu SHU. Người Việt thường ăn ớt chỉ thiên với 30,000 SHU hoặc ớt hiểm 100,000 SHU. Khắc tinh của vị cay, ngoài nước lã, là các loại kem, sữa, yogurt, đường… Ðây là lý do tại các cuộc thi ăn ớt, trên mặt bàn người ta thường bày sẵn các ly sữa màu trắng đục. Nhưng thực sĩ nào hớp vào lập tức bị loại. Ly sữa để sẵn chỉ để dùng… chữa lửa, nếu 1 thí sinh bỏ cuộc, chào thua, thì có sẵn sữa để xoa dịu cơn nóng rát thấu bao tử.

thi-an-on1

Thi ăn ớt. Ảnh Great Dorset Chilli Festival

Nhưng khi 1 ly sữa hay vài… gallons sữa không ăn thua thì đã vượt mức nguy hiểm. Mặc dù Capsaicin trong ớt chỉ mang lại cảm giác nóng rát, không thật sự gây ra vết thương nào. Nhưng chính tâm lý hoảng loạn lại gây ra một loạt triệu chứng phụ. Thường gặp là cơn nhức đầu búa bổ khi các mạch máu não bị thắt chặt. Có người cho “chó ăn chè” y như say xỉn. Người khác bị loạn nhịp tim, vọp bẻ, co thắt cơ, v.v… Rất thường gặp cảnh các tay thực sĩ thi xơi ớt sau đó phải nhập viện, có khi hằng tuần lễ, thậm chí tử vong vì các phản ứng phụ của cơ thể.

Ngày nay có rất nhiều cuộc thi ăn ớt trên khắp thế giới, đôi khi tổ chức thường xuyên hằng năm. “Clifton Chilli Club Chilli-Eating Contest” là một trong những sự kiện đình đám nhất, tổ chức tại thị trấn Bath miền Tây Nam Anh Quốc. Cuộc thi có 17 vòng càng vào sâu ớt càng cay hơn. Nhà tổ chức từng khoe thu hút đến 20,000 khán giả và 150,000 lượt người theo dõi trên YouTube. “Naga King Chili-Eating Competition” bên Nagaland Ấn Ðộ diễn ra vào mỗi mùa đông với ớt “Naga Chili” bản địa lên đến 1.5 triệu SHU. Ai xơi nhiều ớt Naga Chili nhất trong vòng 20 giây giật giải thưởng $600. “Bhut Jolokia “Ghost Chili” Challenge bên Phuket Thái Lan quy định sau khi ăn ớt các thí sinh phải nếm trải đau thương 3 phút không được uống nước. Người thắng cuộc được thưởng 2 đêm đi chơi tại khu Karon Sea Sands Resort & Spa. Một cuộc thi ăn ớt hằng năm cũng rất nổi tiếng khác là “Peperoncino Festival Chilli-Eating Marathon” bên miền Calabria được mệnh danh là thủ phú loài ớt ở nước Ý. Yêu cầu là thí sinh ăn càng nhiều ớt càng tốt và chịu đựng càng lâu càng tốt. Kỷ lục đến nay là 800g ớt Peperoncini.   

thi-an-on

Ớt Carolina Reaper cay nhất thế giới. Ảnh The Mercury News

TTD