Tôi đã được coi biểu diễn võ Silat của Mã Lai tại Bộ Tư Lệnh quân đội Phi ở trại tỵ nạn Palawan, do Ðại tá Fernando mời. Lúc đầu nhìn 2 người mặc y phục truyền thống của Mã Lai, chân tay ẹo tới ẹo lui, bước theo nhịp của dàn trống bập bùng (giống như võ nhạc Tây Sơn), 2 tay cầm cây ngắn, nhỏ như cây thước gỗ, nhưng tròn, nhào vô đánh nhau, bên tấn công, bên tự vệ, rồi màn 2 cô gái đánh dao ngắn, đánh kiếm Mã Lai…

Nản, giống đánh nhau trong tuồng hát bộ hoặc Hồ Quảng quá!

Võ Silat Melayu nổi tiếng của Mã Lai. Nguồn. medium.com 

Fernando và người Thiếu úy cụng ly với tôi:

– Sao? Anh thích không?

– Ờ! Nhưng giống hát tuồng quá…

Tôi chưa hết câu, 2 người thanh niên mặc bộ áo quần đen (như đồ của nông dân VN), đầu quấn khăn đỏ, một người tay cầm 2 thanh gỗ tròn nhỏ, người kia 2 dao ngắn. Trong vài phút đầu, qua vài thế tự vệ, tấn công bằng tay. Tôi chưng hửng, nói tiếp:

– Nhưng các đòn tay, gối, chỏ cận chiến hiểm quá! Dữ thiệt.

– Dữ như Việt Nam?

Tôi nói nhỏ:

– Khi đánh Tàu!

Cùng cười.

Đòn khóa cổ bằng chân của Silat (Giống Judo và Vovinam)

o O o

Silat Melayu hay Seni Persilatan Melayu (nghệ thuật Silat của Mã Lai), gọi đơn giản là Silat, là môn võ tự vệ của Mã Lai. Silat dùng “bước” và “động tác cơ thể” để ngăn chặn hoặc tấn công trong trường hợp có vũ khí hoặc tay không.

Silat bắt nguồn từ lúc sơ khai của văn minh Mã Lai, đã trở thành truyền thống tốt đẹp để rèn luyện thể chất và tinh thần của dân tộc này. Triết học hiện đại của Silat Mã Lai phần lớn dựa trên tinh thần Hồi Giáo. Các chuyển động và dáng vẻ dựa trên căn bản Silat gọi là Bunga Silat, những người biểu diễn Silat thường có dàn trống Mã Lai kèm theo như võ nhạc.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Silat cũng được gọi cho phong cách tác chiến trong khu vực ảnh hưởng văn hóa Mã Lai hiện tại như là Miến Ðiện, Nam Dương, Singapore, Thái và Việt Nam.

Phiên bản thể thao của Silat Melayu đã có mặt trong Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á và những cuộc thi tài của khu vực dưới tên là “Pencak Silat”, ra mắt đầu tiên 1987. Silat Melayu đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” năm 2019.

Nguồn gốc võ thuật cổ truyền của Mã Lai xuất phát từ nhu cầu tự vệ, kỹ thuật săn bắn và huấn luyện quân sự trong thời cổ. Ðánh tay không và sử dụng vũ khí là màn huấn luyện quan trọng cho các chiến sĩ. Các kiểu chiến đấu truyền thống được phát triển từ các bộ lạc khác nhau của Mã Lai 2000 năm trước. Họ bắt chước các động tác chiến đấu của các động vật như cá sấu, cọp, chim đại bàng…

Đòn hiểm, khóa tay đoạt dao. Nguồn. mynewshub.tv

Một phát triển quan trọng của võ thuật Mã Lai là ảnh hưởng nước ngoài thông qua các cuộc chiến tranh và bang giao với nước khác, thương mãi. Như việc dùng binh khí chùy của Ấn và kiếm của Tàu.

Quần đảo Riau được coi là vùng chủ yếu trong sự phát triển của võ thuật Mã Lai. Dân Orang Selat nổi tiếng là cướp biển nhưng với lịch sử, họ có những vai trò quan trọng trong thời Srivijaya, Melaka và Johor. Phong cách chiến đấu trong vùng này được coi là tiền thân của võ thuật Mã Lai, tổ tiên của võ Malay Silat Melayu hiện nay.

Vào thế kỷ 16, thực dân Bồ Ðào Nha tấn công Malaca với âm mưu độc quyền buôn bán gia vị. Những chiến sĩ đã cầm cự với đoàn quân Châu Âu trang bị vũ khí tối tân suốt 40 ngày trước khi bại trận. Quân Bồ Ðào Nha truy lùng và giết bất cứ người nào biết võ thuật Silat, số dân còn lại bỏ trốn tới các vùng xa xôi, hẻo lánh. Cho tới ngày nay, những võ sư giỏi của Silat vẫn sống ẩn dật ở các vùng nông thôn, ít khi tiếp xúc với người ngoài.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Sau khi Mã Lai độc lập, Tuan Haji Anuar bin Haji Abdul Wahab được giao trách nhiệm phát triển chương trình Silat quốc gia, đưa vào giảng dạy cho các học sinh tiểu và trung học trên toàn quốc.

Đòn khóa tay và tấn công vô ngực, chết ngay!

Ngày 28-3-2002, Silat Melayu được Bộ Di Sản và Văn Hóa, Bộ Giáo Dục Mã Lai công nhận là môn võ thuật Silat của quốc gia. Hiện nay các trung tâm huấn luyện võ thuật Mã Lai đều được các huấn luyện viên Silat Melayu rành nghề hướng dẫn.

Tại Mã Lai, Silat rất đa dạng, dụng cụ huấn luyện khác nhau, phương pháp, triết lý đào tạo của các trường phái cùng phong cách cũng khác. Sự khác biệt này không chỉ thể hiện qua cách tác chiến mà còn ở cá tính khác nhau trong cộng đồng võ học truyền thống. Theo tài liệu từ năm 1975, có tất cả 265 phong cách Silat tại Mã Lai và hiện nay có 548 hội đang luyện tập Silat tại nước này. Trong số này có 4 hội sáng giá nhất, là thành viên của Hội đồng Silat Quốc gia, sau đó được đổi tên là Liên đoàn Silat Quốc gia Mã Lai.

Ðược biết, trong 4 hội này, hai hội Seni Gayung Fatani Malaysia và Silat Seni Gayung Malaysia, đại diện cho phong cách Seni Gayung. Gayung trong tiếng Mã Lai là tấn công bằng kiếm, hoặc dao parang (dao ngắn). Gayung còn có nghĩa là “cây gậy”, loại vũ khí có sức mạnh kỳ diệu, gắn liền với Silat và văn học Mã Lai.

Huấn luyện Silat. Nguồn. blogspot.com

Hội tiếp theo là Seni Silat Cekak Malaysia, đại diện cho phong cách Silat Cekak. Phong cách này nguyên thủy phát xuất từ Kedah, đã được các chỉ huy cao cấp trong quân đội Kedah dùng trong cuộc chiến chống người Xiêm La (Thái Lan). Môn võ này được phát triển nhằm chống lại võ Thái Lan Muay Thai. Ðây là môn võ Silat rất được ưa chuộng tại Mã Lai, thành lập từ Kedah năm 1904, và tại Mã Lai năm 1965. Cekak có nghĩa là “móng vuốt” hoặc “chụp lấy đối thủ”. Môn này nổi tiếng đã ảnh hưởng nhiều trong sự phát triển của phong cách Silat hiện nay trong quần đảo Mã Lai, kể cả Seni Gayung. Không giống như các phong cách Silat khác, Silat Cekak không có những động tác như đi quyền vờn tới vờn lui như võ Tàu. Ðây là môn võ Silat thuần chất có 99% tự vệ và chỉ có 1% tấn công.  Phải nói là rất khó phán đoán động tác và đòn phản công của Silat Cekak.

Xem thêm:   Dubai

Hội cuối cùng là Seni Silat Lincah Malaysia, đại diện cho phong cách Silat Lincah, có nguồn gốc từ võ Silat cổ của Melaka có tên là Silat Tarah. Chữ Tarah trong tiếng Mã Lai là “cắt bỏ” nhưng thấy quá hung hăng nên đổi lại thành Lincah, có nghĩa là “nhanh và dữ tợn”. Nguyên tắc của phong cách là nhấn mạnh các động tác mạnh mẽ trong tự vệ và tấn công với kỹ thuật đấm, đá. Seni Silat Lincah chú trọng trong động tác tránh né với kỹ thuật quét chân, khóa tay chân, gây nghẹt thở, bất tỉnh cấp kỳ, cũng giống như Silat Cekak, Seni Silat Lincah đã loại bỏ bớt những động tác như vờn múa trong các bài quyền chính thống của Silat cổ xưa.

Pencak Silat đã có mặt, được huấn luyện tại Việt Nam đã nhiều năm, và kỳ lạ thay, trong Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á năm 1999, Việt Nam đã lấy 7 huy chương vàng của môn Silat. Tại Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á năm 2001, chiến thắng trong Pencak Silat đã mang lại vị trí hạng 4 cho đội VN, và tới 2003 thì VN ẵm luôn 11 huy chương vàng trong môn võ Silat.

Biểu diễn Silat. Nguồn. YouTubeCasal na Gringa

TT