Độc giả Xuân Phú hỏi chúng tôi, tại sao không thấy đội Mỹ trong giải “Commonwealth Game 2022” (Giải Thể Thao Khối Thịnh Vượng Chung). Rất tiếc, khi bài báo này lên khuôn giải “Commonwealth Game 2022” đã kết thúc (diễn ra từ ngày 28-7 đến 8-8-2022) tại Birmingham, Anh quốc. Nhân thắc mắc này, chúng tôi giới thiệu đến quý bạn đọc về giải thể thao lớn hàng thứ 3 trên thế giới này…

Niềm vui của đội bóng lưới (netball) Malawi sau khi hạ Zimbabwe với tỉ số 55-45.
Khởi nguồn
Năm 1891, Nam Tước Astley Cooper đề xướng một giải thể thao giữa các thành viên thuộc Anh nhằm để thắt chặt thêm mối dây hữu hảo.
Từ đó, cái tên Ðại hội Thể thao Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Games) ra đời.
Sau nhiều lần thay tên đổi họ và những cuộc thi tài lẹt đẹt, năm 1930 Commonwealth Games mới được chính thức tổ chức tại Ontario, Canada với 6 đội tham dự, gồm: Úc, Canada, Anh, New Zealand, Scotland và Wales.
Cứ 4 năm một lần (ngoại trừ các năm 1942 và 1946 đình hoãn do chiến tranh) Ðại hội Thể thao Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Games) được luân phiên tổ chức và trở thành một giải thể thao đa quốc gia lớn thứ 3 trên thế giới [chỉ sau Thế Vận Hội (Olympic) và Á Vận Hội (Asian Games)], với sự tham dự của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 1/5 diện tích địa cầu và khoảng một phần ba dân số thế giới, xấp xỉ 2.5 tỉ người.
Commonwealth Games phát triển một cách nhanh chóng. Ðến năm 1958 đã có 30 đội tuyển ghi danh. Năm 1998 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia quy tụ trên 3,500 lực sĩ. Năm 2,006, tại Melbourne (Úc) số lực sĩ tham dự trên 4,000. Năm nay, tại Birmingham (Anh), có 5,050 anh tài.

Một khán giả chụp hình lưu niệm với biểu tượng linh vật của giải: chú bò tót Perry. Thành phố Birmingham thời Trung Cổ là nơi chăn giữ bò tót trước khi đưa vào lò mổ
Quần hùng tụ hội
Trong 56 quốc gia thành viên Commonwealth Games, quý bạn sẽ thấy những cái tên rất lạ, ít khi có mặt trên các đấu trường thế giới như: Anguilla; Antigua and Barbuda; Barbados; Belize; Bermuda; Cayman Islands; Cook Islands; Eswatini; Falkland Islands; Gibraltar; Kiribati; Lesotho; Norfolk Island; Turks and Caicos Islands…
Quốc gia nhỏ nhất là đảo quốc Norfolk Island, diện tích chỉ có 260 km2 với khoảng 2,000 dân. Bự nhất là Canada (diện tích gần 10 triệu km2, dân số xấp xỉ 40 triệu), Úc (diện tích 7.6 triệu km2, dân số khoảng 30 triệu) và Ấn Ðộ (diện tích 3.3 triệu km2, dân số 1.4 tỉ)…
Tranh châu đoạt báu
Các môn tranh tài tại giải Commonwealth Games khá đa dạng, thay đổi tùy theo quốc gia đứng ra tổ chức. Thường họ sẽ ưu tiên những môn đội nhà có lợi thế. Những môn thi chính gồm: Bắn cung; Ðiền kinh; Cầu lông; Bóng rổ, Bi-da, Quyền Anh; Bơi xuồng; Cricket; Ðua xe đạp; Nhảy cầu; Ðấu kiếm; Ðá banh; Golf; Thể dục dụng cụ; Bóng ném (handball); Khúc côn cầu; Judo…
Nhiều môn thể thao tương tự ở Thế vận hội, nhưng lại có một số môn thể thao chỉ thấy tranh tài ở giải Commonwealth Games, như bóng gỗ trên cỏ (lawn bowling) và bóng lưới (netball: hơi giống môn bóng rổ).
Mặc dù Khối Thịnh Vượng Chung có 56 thành viên, nhưng có đến 70 đội tham dự, do một số lãnh thổ thuộc Anh, thuộc địa của vương thất, và các đảo quốc tham gia dưới quốc kỳ riêng của họ.
Bốn quốc gia thuộc Anh Quốc là Anh, Scotland, Wales, và Bắc Ireland đều có các đội tham dự riêng.
Ðúng ra Mỹ hoàn toàn có tư cách tham dự giải, vì trước đây Mỹ cũng là thuộc địa của Anh quốc, như Úc và Canada, nếu tham dự sẽ giúp các lực sĩ Mỹ có thêm cơ hội cọ xát, thi thố tài năng. Tuy nhiên, Mỹ chấp nhận đứng ngoài rìa, vì không muốn làm “đệ tử” của Hoàng Gia Anh, dầu bất kỳ hình thức nào.

Các nữ đấu thủ Anh và Úc trong một pha tranh bóng trong trận chung kết bóng lưới (netball) (Photo by Scott Barbour/Getty Images)
Ai là chúa tể?
Tại giải Commonwealth Games, Úc là ông trùm của các giải thưởng.
Nước Úc dẫn đầu bảng tổng số huy chương với 2,539 chiếc, trong đó có 978 huy chương vàng. Anh hạng nhì với 752 huy chương vàng (trong tổng số 2,247); Canada 500 huy chương vàng (tổng số 1,612), Ấn Ðộ 186 (tổng số 521)… chót bản là Cook Islands và Solomon Islands, mỗi đảo quốc làm chủ 1 huy chương đồng.
ỞCommonwealth Games lần này, Úc tiếp tục làm mưa làm gió:
Ðặc biệt nữ kình ngư Emma McKeon (Úc) đoạt thành tích cao nhất với 2 huy chương vàng, nâng tổng số huy chương trong sự nghiệp thể thao của cô lên 19 chiếc, trong đó có 8 huy chương vàng tại Commonweatlth Games và 4 huy chương vàng Olympic.

Ferdinand Omanyala của Kenya đã vượt qua nhà đương kim vô địch Akani Simbine, Nam Phi tại chung kết 100m nam, với Yupun Abeykoon của Sri Lanka giành HCĐ – nguồn sportingnews.com
So sánh
Sự khác biệt chính giữa Ðại hội Thể thao Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Games) và Thế Vận Hội Olympic là Olympic mở cửa cho tất cả các quốc gia trên thế giới, trong khi trong Ðại Hội Thể thao Khối Thịnh Vượng Chung chỉ gói gọn các quốc gia trong khối.
Ðiểm giống nhau là tất cả lực sĩ tham dự Commonwealth Games đều có thể tham dự Olympic. Tuy nhiên sân chơi Olympic lớn hơn và sự tranh đua ác liệt hơn, do vậy, một số lực sĩ hay quốc gia tung hoành ở Ðại Hội Thể Thao Commonwealth Games thường xẹp lép ở giải Olympic, vì tại đây quy tụ những lực sĩ thượng thặng của những quốc gia giàu thành tích như Pháp,, Ðức, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc, …
Nếu so sánh thứ hạng huy chương ở Olympic, “ông vua” Úc chỉ đứng hạng 8:
Tình thương mến
Năm 1998, Ðại hội Thể Thao Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Games) tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, đây là lần đầu tiên giải này được tổ chức ở Châu Á, nó được xem là một cột mốc quan trọng, chia sẻ vinh dự cho tất cả các thành viên.
Năm 2010, được tổ chức tại Delhi, Ấn Ðộ đã gây chú ý khắp nơi, không chỉ thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung mà toàn thế giới.
Thể thức Commonwealth Games cũng trang trọng không kém Thế Vận Hội Olympic, bắt đầu bằng lễ khai mạc, lễ thượng quốc kỳ và cử hành quốc ca của nước chủ nhà.
Sau đó toàn bộ lực sĩ diễn hành vào sân vận động, dấy lên niềm tự hào dân tộc và xích lại những khoảng cách tinh thần lẫn địa lý.
Ðó là lợi ích của thể thao nói chung và Commonwealth Games đã làm được điều này!
TA