Theo lời các sử gia thì lửa được sinh ra trong ngôi đền do dân tộc Hy Lạp xưa kia dựng lên để tôn vinh Hera, một nữ thần đầy quyền năng trong thần thoại Hy Lạp. Đền thờ của bà nằm ở một địa điểm thuộc di tích cổ tại Olympia, nơi Thế vận hội đầu tiên được tổ chức vào năm 776 trước Công nguyên.

nguồn The Times of India 

Ðể lấy lửa cho Thế vận hội, người Hy Lạp thời đó đã sử dụng một loại chén nung được gọi là skaphia. Họ đặt chiếc chén trên mặt đất đối diện thẳng với mặt trời. Những tia nắng mặt trời tập trung vào trong lòng chén và đốt cháy nhúm cỏ khô đặt sẵn trong đó.

Lấy cảm hứng từ nghi thức cổ xưa đó, những người tổ chức Thế vận hội thời nay sử dụng một chiếc kính hình nón để lấy lửa từ trên núi Olympia và đưa về nơi tổ chức Thế vận hội.

Ngọn lửa Thế vận hội lần đầu tiên trở thành một truyền thống tốt đẹp của Thế vận hội thời hiện đại là khi nó được thắp sáng ngay tại cổng chính của vận động trường Olympic và được giữ cho tiếp tục cháy trong suốt thời gian của Thế vận hội Amsterdam 1928. Việc thắp sáng ngọn lửa đã gây được sức quyến rũ trong trí tưởng tượng của công chúng và cho đến nay vẫn là một nghi thức truyền thống cho Lễ khai mạc Thế vận hội.

Truyền thống rước đuốc Thế vận hội là do sáng kiến của Carl Diem, trưởng ban tổ chức Thế vận hội Berlin, người đã tổ chức thành công cuộc rước đuốc chưa từng có trước đó với sự tham gia của hơn 3,000 người chạy bộ, đưa ngọn lửa từ Olympia, cái nôi của Thế vận hội thời cổ, đến tận vận động trường Olympic của Berlin, tại đây ngọn đuốc đã được dùng để thắp sáng chiếc vạc lớn được dựng ngay trong vận động trường như một biểu tượng tinh thần của Thế vận hội trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội Berlin 1936.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Kể từ đó, nghi thức rước đuốc trở thành một phần trong chương trình của Thế vận hội. Tuy nhiên, vào những thời điểm bình thường khác thì cuộc rước đuốc vẫn chỉ được xem như là màn trình diễn bên lề chuẩn bị cho phần chính là các cuộc tranh tài của lực sĩ. Nó là phần dạo đầu, là màn tập dợt và hâm nóng người ta có thể bỏ qua mà không gây nhiều thắc mắc.

Thành viên đội tuyển nữ Nhật Bản trong ngày đầu rước đuốc – nguồn Time Magazine

Nhưng với Thế vận hội Tokyo lần này thì không vậy. Tất cả mọi con mắt đang đổ dồn về cuộc rước đuốc vừa được bắt đầu vào hôm Thứ Năm ngày 25 tháng Ba vừa qua, khởi đầu từ khu vực đông bắc nước Nhật và tiến dần về lễ khai mạc diễn ra vào ngày 23 tháng Bảy của một Thế vận hội Tokyo đã bị dời lại đúng một năm do trận đại dịch Covid-19. Cuộc rước đuốc kéo dài 121 ngày với 10,000 người tham gia chạy tiếp sức và dự định sẽ đi xuyên qua tất cả 47 tỉnh của nước Nhật.

Ðây cũng có thể xem như cuộc tập dợt trước để đo lường tình hình trước khi Thế vận hội thực sự diễn ra trong bốn tháng nữa, mặc dù tới lúc đó trận đại dịch có lẽ vẫn chưa chấm dứt. Lệnh giữ khoảng cách, đeo mặt nạ và hạn chế tụ tập đông người dọc theo các tuyến đường mà ngọn đuốc đi qua, và người tới xem không được phép reo hò cổ vũ lớn tiếng mà chỉ được vỗ tay trong im lặng.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Nếu chẳng may cuộc rước đuốc gặp vấn đề, nếu số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng cao và nếu có sự chậm trễ nào đó, thì đó có thể là những dấu hiệu trục trặc về tính khả thi của việc tổ chức Thế vận hội.

Ðể hiểu được tầm mức quan trọng của cuộc rước đuốc lần này thì ta chỉ cần nhìn vào nhân vật được trao cho trách nhiệm tổ chức rước đuốc là Toshiro Muto, tổng giám đốc của uỷ ban tổ chức và từng là phó thống đốc của Ngân hàng Nhật Bản (tương tự như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) chứ không phải là một tay mơ.

Ðúng một năm trước khi cuộc rước đuốc chuẩn bị bắt đầu thì bị huỷ bỏ và sau đó là cả Thế vận hội bị đình chỉ do đại dịch Covid-19. Thế vận hội Tokyo 2020 là Thế vận hội đầu tiên bị trì hoãn kể từ khi Thế vận hội thời hiện đại được bắt đầu vào năm 1896.

Nghi thức lấy lửa cho Thế vận hội Tokyo 2020 – nguồn Getty Images

Ðây là cuộc rước đuốc mà các nhà tổ chức và Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) hy vọng sẽ giúp chuyển hướng dư luận quần chúng Nhật Bản ủng hộ Thế vận hội. Khẩu hiệu của cuộc rước đuốc là “Hy vọng thắp sáng đường ta đi” (Hope Lights Our Way). Ý nghĩa của nó là Thế vận hội sẽ nâng tinh thần người dân Nhật lên cao và ánh sáng đang hiện ra ở cuối đường hầm, và cuộc sống của người dân Nhật cũng như của người dân trên khắp thế giới đang xích lại gần tới sự bình thường như trước thời đại dịch.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Cuộc rước đuốc được khởi hành từ tỉnh Fukushima, khu vực bị trận động đất và sóng thần tàn phá 10 năm trước, xảy ra vào ngày 11 tháng Ba năm 2011, và sau đó là vụ rò rỉ của ba lò phản ứng nguyên tử của nhà máy điện tại đó.

Trọng tâm của cuộc rước đuốc trong ngày đầu là kêu gọi nỗ lực tái thiết khu vực đông bắc. Seiko Hashimoto, chủ tịch uỷ ban tổ chức Thế vận hội Tokyo, nói rằng bà hy vọng cuộc rước đuốc sẽ truyền cảm hứng tới “những người dân bị ảnh hưởng và hiện vẫn đang gặp khó khăn để có cuộc sống bình thường trở lại.”

Người cầm đuốc chạy đầu tiên là Norio Sasaki, huấn luyện viên của đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản đã thắng cúp vô địch World Cup 2011. Khoảng 15 thành viên của đội cũng cầm đuốc chạy cùng Sasaki trong ngày đầu tiên, mặc dù Homare Sawa, thủ quân của đội nữ 2011, đã rút lui với những lý do sức khoẻ không được rõ.

Trong cuộc phỏng vấn một ngày trước đó, Sasaki nói rằng: “Sức mạnh của thể thao là thứ có thể được truyền tải không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho thế giới. Ðó là sứ mệnh và trách nhiệm mà tôi cảm thấy được kỳ vọng ở chúng tôi. Ðó là niềm đam mê tôi sẽ mang theo khi chạy rước đuốc vào ngày mai.”

Và đó cũng chính là tinh thần của ngọn lửa Thế vận hội muốn thắp lên với niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Một cảnh rước đuốc tại tỉnh Fukushima18 – japan-forward.com

VT