Đại dịch vẫn còn ảnh hưởng nặng đến ngành điện ảnh. Nhưng không có nghĩa mùa phim năm nay không có những bất ngờ thú vị và những thành tích mới, đặc biệt cho phụ nữ và người da màu.

Bên trong nhà ga Union Station. Nguồn: unionstationla.com 

Khác với những lần trước, năm nay lễ trao tượng vàng Oscars của The Academy of Motion Picture Arts and Sciences — gọi tắt là The Academy, không tổ chức trong một nhà hát. Thay vào đó, nhà thiết kế sân khấu David Rockwell mượn Union Station, trạm xe lửa tại trung tâm thành phố Los Angeles, để dựng lên một khán thính phòng vô cùng độc đáo. Những ai rành sử có lẽ đều biết vào thập niên 1860-1870 khu vực này là Chinatown, nơi đã xảy ra cuộc thảm sát người da vàng đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau đó không lâu Chinatown đã bị giải toả để xây nhà ga Union Station này. Trong buổi bình minh của giải Oscar, khởi đầu năm 1929, lễ trao giải thưởng chỉ là một buổi dạ tiệc nhỏ trong bầu không khí thân mật, ấm cúng. Rockwell nói ông muốn dùng ý tưởng đó làm bối cảnh cho Oscars trong mùa đại dịch.

Trong danh sách các phim được đề cử năm nay, hầu như ai cũng chú ý đến hai bộ phim của người Á Châu. Ðó là phim ‘Minari’ của đạo diễn Lee Isaac Chung người Hàn quốc, và phim ‘Nomadland’ của nữ đạo diễn Chloé Zhao (Triệu Ðình) người Mỹ gốc Hoa. Thành công bất ngờ của phim ‘Parasite’ (Ký sinh trùng) của đạo diễn Hàn quốc Bong Joon-Ho năm ngoái với giải Best Picture đã mở toang cánh cửa cơ hội cho những người gốc Á đi sau như Lee và Zhao.

Yuh-jung Youn trong phim ‘Minari’. Nguồn: A24

Sự kiện lớn đầu tiên trong chương trình là giải Nữ Tài tử phụ Xuất sắc, được trao cho bà Yuh-jung Youn trong phim ‘Minari’. Minari là tên một loài rau của người Hàn. Chuyện phim xoay quanh một gia đình người Hàn di cư sang Mỹ vào thập niên 1980. Hai vợ chồng dành dụm tiền mua một miếng đất ở Arkansas để làm ruộng, trồng các loại rau để bán cho người Hàn sống ở Mỹ. Nó chỉ là một câu chuyện giản dị về một thế hệ di dân mới và “giấc mơ Mỹ quốc” của họ, nhưng với một kết cuộc không giống như ta tiên đoán.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Trong một bối cảnh hay thời điểm nào khác, có thể ‘Minari’ đã không nổi bật cho lắm. Nhưng vì nó ra đời ngay trong lúc nước Mỹ đang sôi sục vì các vấn đề liên quan đến di dân, nhất là người gốc Á, nên bỗng dưng ‘Minari’ được khoác thêm một chiếc áo xã hội mà có lẽ chính đạo diễn Chung cũng không thể lường trước. Tuy nhiên sẽ không công bằng nếu ta chỉ nhìn bộ phim này từ góc độ xã hội ấy. Bởi xét về mặt nghệ thuật, nó vẫn là một cuốn phim hay đáng xem. Và Yuh-jung Youn, đóng vai bà ngoại trong phim, là người đã thổi một luồng gió tươi mát vào trong câu chuyện, đưa nó lên tầm cao. Trước giờ khai mạc chương trình, khi được phóng viên phỏng vấn trên thảm đỏ, bà Youn cho biết bà không có soạn sẵn diễn văn nhận giải vì bà không nghĩ mình có thể qua mặt được Glenn Close, một tài tử gạo cội được đề cử năm nay đến lần thứ tám rồi mà vẫn chưa thắng. Yuh-jung Youn là người phụ nữ gốc Á đầu tiên đoạt giải này.

Đạo diễn Chloé Zhao (Triệu Đình). Ảnh: Chris Pizzello

Sự kiện lớn thứ nhì diễn ra khá sớm vì chương trình năm nay được sắp xếp hơi khác những năm trước. Ðó là giải Ðạo diễn Hay nhất — Best Director, lọt vào tay một phụ nữ, và cũng là phụ nữ gốc Á đầu tiên. Ðây chỉ là lần thứ nhì một nữ đạo diễn thắng giải này trong lịch sử 93 năm của The Academy; lần đầu là năm 2009 với phim ‘The Hurt Locker’ của đạo diễn Kathryn Bigelow với bối cảnh là chiến tranh Iraq.

Thật ra việc Triệu Ðình thắng giải đạo diễn cho phim ‘Nomadland’ không bất ngờ cho lắm, bởi trước đó phim này đã thắng nhiều giải thưởng khác. Chưa tính đến Oscar, ‘Nomadland’ đã đạt kỷ lục phim đoạt nhiều giải thưởng quốc tế nhất — 34 giải cho đạo diễn, 13 giải cho kịch bản, 9 giải cho cắt ráp. Nhưng vì đây là lần đầu tiên một người phụ nữ gốc Á được The Academy đề cử nên mọi con mắt đều dồn về phía Triệu Ðình.

Frances McDormand trong phim ‘Nomadland’. Nguồn: Searchlight Pictures

Sinh năm 1982 tại Bắc Kinh, năm lên 15 tuổi Triệu Ðình được cha mẹ gởi sang Anh du học ở trường Brighton College, sau đó cô chuyển qua Los Angeles để học hết trung học. Ra trường, Triệu Ðình ghi danh vào đại học Mount Holyoke ở Massachusetts và lấy bằng cử nhân môn Khoa học Chính trị. Tiếp theo đó cô xuống New York học nghề phim tại trường Tisch School of the Arts thuộc hệ thống New York University. Tại đây, cô được nhà đạo diễn Spike Lee hướng dẫn và dìu dắt. Sự nghiệp làm phim của cô bắt đầu từ đó.

Xem thêm:   Mát-xa tại…nhà

Năm 2015 Triệu Ðình ra mắt cuốn phim lớn đầu tay mang tên ‘Songs My Brothers Taught Me’ (Những bài ca anh em dạy tôi) và ngay lập tức gây chú ý trong giới làm phim. Bộ phim tiếp theo, ‘The Rider’ (2017), về một chàng cao bồi bị chấn thương cũng được đề cử cho một số giải thưởng nho nhỏ. Cả hai phim đều dùng tài tử không chuyên nghiệp; họ chỉ là người đời thường được chọn để đóng chính mình trong những câu chuyện hư cấu. Phong cách làm phim khác thường ấy của Chloé Zhao là lý do năm 2018 nữ tài tử Frances McDormand mời cô làm một cuốn phim dựa theo một quyển sách của Jessica Bruder nói về cuộc sống du mục của những người không nhà trên nước Mỹ.

Chadwick Boseman (1976-2020) trong phim ‘Ma Rainey’s Black Bottom’. Nguồn: Netflix

‘Nomadland’ (Những kẻ du mục) là lần đầu tiên Triệu Ðình đạo diễn một cuốn phim có tài tử chuyên nghiệp là Frances McDormand — người từng thắng hai giải Oscar cho Nữ Tài Tử   Xuất Sắc năm 1997 và 2017. Trong phim, bà đóng vai một trong những người du mục. Thành phần tài tử còn lại đa số là người bình thường; thậm chí một số không ít là những người du mục thật sự sống rày đây mai đó, chu du trên khắp nước Mỹ. Trong quá trình bốn tháng quay phim năm 2018, Zhao và đoàn phim cũng sống trong xe van y như những người du mục ấy, dù lúc đó cô đã ký hợp đồng làm phim bom tấn ‘Eternals’ cho Marvel Comic Universe của Disney (sẽ ra mắt cuối năm nay.)

Xem thêm:   Rèn chữ

Sự kiện lớn thứ ba trong đêm là phim ‘Nomadland’ đoạt giải Best Picture. Không những Triệu Ðình được chiếc tượng vàng thứ nhì, mà Frances Dormand cũng được tượng vàng vì là nhà đồng-sản-xuất của phim. Chưa hết, sự kiện lớn thứ tư tiếp theo đó là giải Best Actress cũng lọt vào tay Frances McDormand. Với ba tượng vàng cho Best Actress, McDormand giờ đây huề với Meryl Streep và Ingrid Bergman, và chỉ đứng sau Katharine Hepburn (bốn tượng). Nhưng hơn tất cả những người kia, McDormand là phụ nữ đầu tiên thắng cả hai hạng mục, và là người duy nhất trong lịch sử (nam cũng như nữ) đoạt cả hai giải trong cùng một đêm.

Anthony Hopkins trong phim ‘The Father’. Nguồn: Sony Pictures

Giải Oscar đêm qua không chỉ làm nên lịch sử cho phụ nữ và người da màu. Sự kiện lớn thứ năm xảy ra ngay vào phút cuối, dành cho giải Best Actor — Nam Tài tử Xuất sắc nhất. Thường thì giải này được trao trước giải Best Picture, nhưng năm nay ban tổ chức xếp nó vào cuối chương trình vì mọi người đinh ninh người thắng sẽ là cố Tài tử Chadwick Boseman trong phim ‘Ma Rainey’s Black Bottom’. Có lẽ ban tổ chức muốn dùng dịp này để vinh danh ông. Nhưng khi phong bì được mở ra thì mọi người bật ngửa vì người thắng lại là tài tử lão thành Anthony Hopkins trong phim ‘The Father’. Năm nay đã 83 tuổi, Hopkins trở thành người già nhất đoạt giải Best Actor.

Tuy được đề cử, nhưng vì lý do nào đó Hopkins đã không đi dự lễ. Chính vì lẽ đó mà sau khi giải được công bố chương trình bỗng chấm dứt một cái rụp khiến cho khán giả tại Union Station cũng như khắp nơi trên thế giới ai nấy đều chưng hửng. Ðiều duy nhất không gây bất ngờ là liền sau đó Twitter đã bùng nổ với muôn vàn lời trách móc nhắm đến ban tổ chức. Như ông bà ta nói, “Chơi dao có ngày đứt tay!”

PA