Năm 1998, bảng xếp hạng “100 phim hay nhất 100 năm qua” của phim viện American Film Institute xếp ‘Lawrence of Arabia’ vào hạng 5. Trong một cuộc khảo sát của báo Sunday Telegraph năm 2004 thì nó được các nhà làm phim bầu chọn là bộ phim Anh hay nhất mọi thời đại.
Một cảnh sa mạc trong phim ‘Lawrence of Arabia’. Nguồn: Columbia Pictures
Phim ‘Lawrence of Arabia’ (1962) thuộc thể loại “epic”, tức các đại tác phẩm về cả chất lẫn lượng xoay quanh những đề tài lịch sử lớn — như ‘Cuốn Theo Chiều Gió’ (1939) hay ‘Cleopatra’ (1963). Nó là câu chuyện về T.E. Lawrence, một sĩ quan người Anh tuy cấp thấp nhưng có công lớn trong Ðại Thế Chiến (1914-1919). Kịch bản dựa trên những chi tiết lịch sử về cuộc đời của T.E. Lawrence và quyển tự truyện của ông mang tên ‘The Seven Pillars of Wisdom’ (Bảy nguyên tắc của sự thông tuệ). Phim được đề cử 10 giải Oscars và thắng 7, kể cả Best Picture và Best Director dành cho đạo diễn David Lean.
Phim lấy bối cảnh cuộc chiến giữa Anh quốc và đế chế Ottoman tại mặt trận Trung Ðông. Người Anh cần sự trợ giúp của các bộ tộc Ả Rập đang bị Ottoman cai trị, từ vùng đất Palestine dài sang đến Syria, Iraq. Trong một số thư từ qua lại giữa Trung tá Henry MacMahon và lãnh tụ Hussein bin Ali của Mecca, người Anh hứa giúp dân Ả Rập giành độc lập để lập ra một Liên Minh Ả Rập nếu họ chịu làm một cuộc nổi dậy. Dựa theo những thoả thuận ngầm này, các bộ lạc Ả Rập đã tổ chức những đoàn quân đi đánh phá các tiền đồn của quân Thổ, đặc biệt là đường xe lửa Hejaz dùng để vận chuyển binh lính và tiếp liệu.
Vì là một bộ phim lớn dài hơn 3 tiếng đồng hồ, phim được chia làm hai màn, với phần giải lao ở giữa. Trong màn đầu trung sĩ T.E. Lawrence (Peter O’Toole) được giới thiệu như một viên sĩ quan quèn ở Cairo, có phần hơi “hâm”, thích thơ văn hơn bắn súng. Ông giúp việc cho ban tình báo nhờ biết một ít tiếng Ả Rập vì thời còn là sinh viên ở Oxford ông từng đến vùng đất Syria để làm nghiên cứu. Lawrence được gởi ra mặt trận Hejaz để thăm dò tình hình và kết nối với các lực lượng phiến quân. Tại đây ông làm quen với một số nhân vật Ả Rập chủ chốt trong cuộc nổi dậy như Sherif Ali (Omar Sharif), tù trưởng Auda abu Tayi (Anthony Quinn), Hoàng tử Faisal (Alec Guinness) – con của Hussein bin Ali và là người về sau được lên làm vua Syria (1920) và Iraq (1921-1933).
T.E. Lawrence, 1919. Nguồn: wikimedia.
Màn một chủ yếu xoay quanh cuộc đánh chiếm thành phố cảng Aqaba do Lawrence cầm đầu với sự giúp đỡ của Auda Tayi. Aqaba nằm ở cực Nam Jordan, nhìn ra biển Hồng Hải, và là một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Sau lưng Aqaba là sa mạc Nefud mênh mông khô cằn, nóng như lò lửa nên chẳng ai buồn canh gác. Lawrence quyết định tấn công từ phía đất liền để tránh các khẩu thần công chĩa ra hướng biển. Sau mấy tuần lễ băng qua biển cát chết người, cuối cùng quân Ả Rập cũng đánh úp và chiếm được Aqaba. Có thể nói đây là chiến công vẻ vang nhất trong sự nghiệp của T.E. Lawrence. Ðạo diễn David Lean đã tận dụng phần này của câu chuyện để dàn dựng những cảnh quay sa mạc vô cùng đẹp mắt. Nhiều nhà đạo diễn thế hệ sau như Steven Spielberg (‘Indiana Jones’), Ridley Scott (‘Alien’), nói ‘Lawrence of Arabia’ là một trong những lý do chính khiến họ muốn trở thành nhà làm phim.
Màn hai chuyển sang cuộc chiến tranh du kích. Lawrence giờ đây đã được xem như một người hùng trong mắt phiến quân Ả Rập. Ông tham gia hoặc dẫn đầu những trận đánh phá đường xe lửa, tấn công đồn lính v.v. Dần dần Lawrence trở thành một người lính sắt máu, có thể bắn giết kẻ thù không ngần ngại. Trong một tình huống đau lòng, Lawrence phải hạ thủ một đồng đội vì anh ta bị thương nặng quá không thể mang theo. Về sau Lawrence thổ lộ ông phát hiện mình thích giết người. Tánh tình Lawrence bắt đầu thay đổi, có lẽ do hội chứng mà ngày nay ta gọi là hậu chấn thương tâm lý (PTSD).
Sự kiện nghiêm trọng nhất xảy ra đối với Lawrence trong Màn hai là chuyện ông bị lính Thổ bắt ở Deraa. Tại đồn cảnh sát ông đã bị chúng tra tấn. Trong phim không nói thẳng ra, nhưng nhiều tài liệu cho rằng rất có thể ông đã bị chúng cưỡng hiếp. Sự kiện này đã làm Lawrence biến thành một con người khác hẳn. Trong một trận đánh không lâu sau đó ông đã bắn giết tù binh Thổ thẳng tay mặc dù vẫn biết điều đó vi phạm công ước Geneva. Sau khi quân đội Ottoman bị đánh bại và phải cầu hoà, Lawrence được phép trở về Anh.
Đạo diễn David Lean (trái) hướng dẫn Peter O’Toole. Nguồn: Jack Garner
‘Lawrence of Arabia’ không phải là phim tài liệu nên kịch bản có khá nhiều chỗ không giống sự thật lịch sử. Thậm chí sau khi phim được trình chiếu ở Trung Ðông, con cháu vài nhân vật có thật đã kiện nhà sản xuất tội làm xấu hình ảnh cha ông họ. Auda Tayi là một trường hợp. Em của T.E. Lawrence là A.W. Laurence cũng kiện nhà sản xuất, mặc dù trước đó chính ông ta là người bán bản quyền hồi ký ‘Seven Pillars of Wisdom’ của anh mình cho họ với giá 25,000 bảng Anh. Nhưng sau vài năm kiện tụng mọi chuyện cũng được giải quyết tương đối ổn thoả.
Trong các giải thưởng mà ‘Lawrence’ đoạt được, bất ngờ nhất có lẽ là giải Oscar cho nhạc phim soạn bởi nhạc sĩ trẻ Maurice Jarre, đưa tên tuổi ông lên cao. Vài năm sau Maurice Jarre lại đoạt Oscar một lần nữa với nhạc phim ‘Dr Zhivago’ (1965) mà người Việt có lẽ ai cũng biết, cũng do David Lean đạo diễn.
‘Lawrence of Arabia’ dài 222.11 phút, trong khi ‘Gone With the Wind’ chỉ có 220.93 phút. Do đó ‘Lawrence’ còn được thêm thành tích là bộ phim dài nhất thắng Oscar. Kỷ lục này ngày nay có lẽ khó phim nào qua mặt nổi. Cái thời mà người ta chịu bỏ tiền vào rạp ngồi ba bốn tiếng đồng hồ để coi phim đã qua, và chắc sẽ không bao giờ trở lại nữa. Ngày nay thiên hạ thà ngồi nhà coi phim bộ trên Netflix hơn. Về mặt tài chánh, ‘Lawrence’ tốn (USD) $15 triệu để thực hiện, và thu về (USD) $70 triệu tại quầy vé. So với các bộ phim bom tấn hiện đại thì những con số này có vẻ khiêm tốn, nhưng đối với thời bấy giờ nó là một số tiền rất lớn.
Từ trái: Anthony Quinn, Peter O’Toole, Omar Sharif. Nguồn: Columbia Pictures.
Phim được quay tại nhiều địa điểm khác nhau — từ Spain đến Morocco và Jordan, trong nhiều tháng trời. Peter O’Toole kể ông khác T.E. Lawrence ở chỗ ông cực ghét cái nóng của sa mạc. Và ông cũng không ưa cưỡi lạc đà vì nó làm ông bị ê mông, đến nỗi ông phải nghĩ ra cách kiếm một miếng xốp chêm vào yên cho bớt đau. Buồn cười nhất là nhiều diễn viên phụ người Ả Rập cũng bắt chước theo (nên trong nhiều cảnh nếu người xem để ý kỹ sẽ thấy các miếng xốp bị lòi ra!) Họ còn đặt cho Peter O’Toole biệt danh “cha đẻ của yên đệm”. Duy có một sự kiện hai người rất giống nhau là cả hai đều xém chết vì té lạc đà. Trong màn tấn công Aqaba, O’Toole bị rớt khỏi lạc đà nhưng rất may là nó đã ngừng lại để che cho ông không bị những con khác giẫm lên.
T.E. Lawrence là một nhân vật khá lạ lùng, có thể nói là có một không hai. Ở Anh ông được xem như một người có công với đất nước. Nhưng dân Ả Rập ngày nay nhiều người xem ông như một kẻ phản bội vì dù vô tình hay cố ý thì ông cũng đã giúp Anh và Pháp chia cắt khối Ả Rập. Có rất nhiều bài vở và phim tài liệu trên internet cho những ai muốn biết thêm về mặt trận Trung Ðông trong Ðại Thế Chiến. Nhưng với bộ phim này thì ta chỉ nên xem nó như một sản phẩm nghệ thuật, và nó thật sự là một tuyệt tác. Như đạo diễn George Lucas (‘Star Wars’) nói, đối với ông ‘Lawrence of Arabia’ là bộ phim đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh.
PA