Từ khi có đại dịch, thiên hạ chuyển sang coi show trên các đài streaming như Netflix, HBO, Disney ngày càng nhiều, gây cạnh tranh dữ dội. Phần lớn các show đoạt giải Emmy năm nay đến từ các đài streaming này, và không ít là những show mới ra quân mùa đầu tiên.

Emmy là một trong bốn giải thưởng lớn nhất hàng năm trong các ngành nghệ thuật ở Mỹ; nó dành để tưởng thưởng các chương trình TV. Ba giải kia là Oscar cho phim, Tony cho nhạc kịch, và Grammy cho âm nhạc. Ngày xưa cũng đã có người Việt từng thắng giải Emmy, đó là nữ tài tử Kiều-Chinh trong cuốn phim tài liệu “Kieu Chinh: A Journey Home” (Hành trình về Quê hương) do Patrick Perez sản xuất năm 1996. Và những ai từng coi TV Mỹ vào thập niên 1970 hẳn còn nhớ Kiều-Chinh trong series M*A*S*H mùa 1977. Thời bấy giờ M*A*S*H thuộc loại hot, năm nào cũng thắng ít nhất vài chiếc tượng Emmy. Trong quyển Hồi Ký mới xuất bản, nữ nghệ sĩ Kiều-Chinh có nhắc đến buổi interview để đóng phim này. Hôm đó chỉ có hai người phỏng vấn bà là nhà sản xuất và tài tử Alan Alda. Bà kể khi đó bà còn chưa biết họ là ai vì mới qua Mỹ, nhà chưa có TV để coi!

Cũng cần nói thêm là Emmy thật ra không phải là một giải mà là nhiều giải khác nhau. Ngoài giải được chú ý nhiều nhất là giải Primetime Emmy Award, dành cho những show trên TV vào giờ “cao điểm” buổi tối, còn có những giải khác như — Daytime Emmy Award (show ban ngày), Tin tức Quốc gia và Thế giới, Thể thao, Kỹ thuật Dựng hình, Nghệ thuật Sáng tạo v.v. Chưa kể một số vùng còn có các giải Emmy địa phương của riêng mình nữa. Thật ra thì giải Emmy mà ta biết đến ngày nay bắt nguồn từ một giải thưởng nhỏ tại Los Angeles vào năm 1949. Sang năm 1950 nó mới trở thành một giải thưởng toàn quốc, sau đó lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau như đã nói ở trên.

Primetime Emmy Award năm nay có hai show thắng rất nhiều tượng, đó là “The Crown” trên Netflix thuộc thể loại drama (kịch tính) và “Ted Lasso” trên AppleTV+ thuộc thể loại comedy (hài hước).

Hoàng tử Charles (Josh O’Connor) và Công chúa Diana (Emma Corrin) trong bộ phim “The Crown” mùa 4. Nguồn: Netflix.

“Ted Lasso” là một bộ phim nhiều tập rất thú vị. Chuyện xoay quanh một chàng huấn luyện viên bóng bầu dục ở Mỹ (American football) sang Anh quốc làm HLV cho đội banh chuyên nghiệp Aresenal của Premier League. Thoạt nghe thì thấy phi lý, nhưng nguyên do là vì bà chủ đội banh, sau khi bị chồng ly dị và được toà phán quyết được giữ đội banh của ông ta, đã quyết tâm làm mọi cách để đội banh của người chồng cũ bị sập tiệm cho đã nư! Trong show này, những dị biệt văn hoá cũng như ngôn ngữ giữa Anh và Mỹ được khai thác tối đa, tạo nên muôn vàn tình huống trớ trêu. Cốt truyện được dàn dựng với nhiều bất ngờ, khó đoán. Lời thoại dí dỏm, thông minh, và tất nhiên rất hài hước dù hơi “người lớn”, không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi.

Xem thêm:   Lừa đảo online

Tài diễn xuất của Jason Sudeikis trong vai chính đã giúp anh đoạt giải tài tử xuất sắc nhất. Ngoài ra Hannah Waddingham (vai bà chủ đội) và Brett Goldstein (thủ quân đội Arsenal) cũng thắng giải tài tử phụ. “Ted Lasso” được bầu chọn là series hay nhứt trong năm thật xứng đáng. Người Việt vốn khoái coi đá banh, xem show này chắc sẽ thích.

Bên phía drama thì “The Crown” của Netflix, xoay quanh cuộc đời của nữ hoàng Elizabeth và gia đình hoàng tộc Anh, đã thắng lớn với con số được đề cử cao nhứt (24), bằng với “The Mandalorian” của Disney+. Ðây đã là mùa thứ tư của series này, và sẽ còn ít nhất hai mùa nữa. Những ai thích phim lịch sử hay thích xem cảnh trí bên trong cung điện Buckingham Palace bảo đảm sẽ mê “The Crown.” Theo các nhà sử gia, phần lớn các chi tiết trong “The Crown” khá chính xác, nhưng vì đã được thêm mắm thêm muối cho hấp dẫn nên người xem cần cẩn thận, chớ nên xem đây như lịch sử 100%. Tuy nhiên sau khi xem show này chắc chắn người xem sẽ học hỏi được nhiều điều.

Ngoài đề tài lôi cuốn, cái hay của “The Crown” còn nằm ở phần diễn xuất. Không phải vô cớ mà Olivia Colman (vai nữ hoàng Elizabeth) và Josh O’Connor (vai hoàng tử Charles) đoạt giải tài tử chính hay nhứt. Phim còn đoạt giải kịch bản và đạo diễn hay nhứt, cộng thêm một số giải tài tử  phụ xuất sắc, như Gillian Anderson trong vai nữ thủ tướng Margaret Thatcher, và Tobias Menzies trong vai Prince Philip chồng nữ hoàng. Khi hoàng tế Philip qua đời hồi tháng Tư 2021, số người xem “The Crown” tăng lên đáng kể. Cốt truyện mùa thứ tư có thêm công chúa Diane nên mỗi tập phim càng lúc càng hấp dẫn. Chắc chắn trong hai mùa tới sẽ còn nhiều tập hay.

Baby Yoda và tay sát thủ Mandalorian. Nguồn: Disney+

Ngược lại, “The Mandalorian” tuy được đề cử cho nhiều giải thưởng không thua gì “The Crown” nhưng cuối cùng không thắng được chiếc tượng Emmy nào. Dẫu vậy, mùa thứ hai của bộ phim khoa học giả tưởng dựa theo “Star Wars” vẫn tiếp tục thu hút một số lượng khán giả đáng kể cho Disney+ trong cuộc chiến giành thị phần giữa các công ty streaming. Những gia đình có con nhỏ có lẽ sẽ chọn Disney+ hơn là Netflix hay HBO, nhất là nếu họ đã từng là fan của thương hiệu Star Wars. Có thể nói trong tất cả các sản phẩm con ra đời từ bụng bà mẹ Star Wars từ trước tới nay, kể cả các loạt phim hoạt hoạ hàng trăm tập thời 1990-2000, “The Mandalorian” là bộ phim hay nhứt và đáng xem nhứt.

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Sau nhiều năm bị thất bại liên miên kể từ khi mua lại trọn gói Star Wars từ George Lucas với giá mấy tỉ đô la, các nhà lãnh đạo tập đoàn Disney có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã tìm được một công thức khả dĩ để gỡ vốn. Công thức đó là một tay sát thủ giết mướn luôn đeo mặt nạ (the Mandalorian) và một em bé không tên mà ai cũng gọi là “baby Yoda” cực kỳ dễ thương. Do tình cờ họ trở thành cặp bài trùng bí ẩn, luôn phải chạy tránh những kẻ truy nã hết từ hành tinh này sang hành tinh khác. Cuộc phiêu lưu đầy bất trắc và nguy hiểm này có lẽ sẽ mở ra một hướng đi mới cho Star Wars nói riêng, và Disney nói chung.

Nhưng ngược lại, những show về các siêu nhân của Marvel Comic Universe mà Disney mua lại cách đây mấy năm có vẻ hơi lép vế. WandaVision tuy cũng được đề cử nhưng không thắng giải nào. Nhiều show khác như “Loki” hay “The Falcon and the Winter Soldier” hoàn toàn vắng mặt.

Kiều-Chinh và Alan Alda trong bộ phim “M*A*S*H” mùa 1977. Nguồn: CBS

Trong khi đó thì HBO và HBO Max lại thắng lớn với 9 giải Emmy Primetime và 10 giải Emmy Creative Arts. Phim “Hamilton”, quay từ nhạc kịch Broadway cùng tên đã thắng xứng đáng một chiếc tượng. Nữ tài tử Kate Winslet (nổi tiếng từ phim “Titanic”) cũng được giải tài tử  chính xuất sắc trong bộ phim ngắn “Mare of Easttown”. Ðặc biệt hơn nữa là nữ đạo diễn Lucia Aniello đã đoạt giải đạo diễn xuất sắc cho bộ phim “Hacks”. Ðây chỉ là lần thứ năm một phụ nữ thắng giải Emmy này trong thể loại phim hài hước.

Xem thêm:   Roma - La Mã

Về phía drama, Jessica Hobbs người Tân Tây Lan là phụ nữ thứ tư trong 67 năm đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhứt cho tập cuối cùng trong bộ “The Crown” mang tựa “War”, nói về cuộc hôn nhân đổ vỡ của Charles và Diana.

Nếu như giải Emmy năm nay có những bước tiến nhỏ cho phụ nữ thì ngược lại nó cũng bị nhiều người chỉ trích bởi sự vắng mặt của các cộng đồng da màu và thiểu số. Mặc dù số nghệ sĩ thiểu số được đề cử năm nay cao kỷ lục (49), không ai thắng giải nào đáng kể trừ nữ tài tử RuPaul. Trong đêm phát giải thưởng, Twitter đã rộ lên hashtag #EmmySoWhite vì thiên hạ bỗng thấy giải Emmy năm nay sao mà “trắng quá”. Hy vọng năm tới sẽ khá hơn, nhất là với sự ra đời của nhân vật Shang-Chi.

PA