Tiếng Anh có câu “the cat’s out of the bag” – “con mèo đã chui ra khỏi bao”, ý nói sự thật đã lộ diện. Phim ‘Cats’, dựa trên vở nhạc kịch từng giữ kỷ lục sống lâu trên Broadway, vừa ra rạp tuần rồi – nhưng kết quả đã không như nhiều người mong đợi.

Bác mèo ú nộn Bustopher Jones (James Corden) và bầy mèo Jellicle cats. universal pictures     

Doanh thu của ‘Cats’ trong weekend đầu, khởi điểm của mùa phim Giáng Sinh béo bở, chỉ vỏn vẹn $6.5 triệu, thua xa ‘Star Wars: Rise of Skywalker’ ($145 triệu). Phim bị hầu hết các nhà phê bình đánh giá thấp, mặc dù ai cũng công nhận hình ảnh và âm thanh tuyệt vời. Kỹ xảo CGI được sử dụng tối đa để biến các diễn viên thành những con mèo trông vừa thật vừa kỳ dị. Khán giả có người xem nửa chừng đứng dậy ra về. Trên các trang mạng, nhất là Twitter, xuất hiện vô số những lời bàn tán chê bai, chế giễu, kinh ngạc. Nhiều người nói coi xong họ vẫn  không hiểu họ vừa mới xem cái quái gì.

Quả thật ‘Cats’ là một cuốn phim không thể nào gọi là dễ xem đối với số đông quần chúng. Tom Hooper, đạo diễn có nhiều phim được đề cử Oscar, không xa lạ gì với thể loại nhạc kịch. Năm 2012, phim nhạc ‘Les Miserables’ do ông chỉ đạo đã mang về giải Oscar cho nữ tài tử Anne Hathaway. Hooper và nhà sản xuất Steven Spielberg (‘E.T.’, ‘Jurassic Park’…) đã mang vở nhạc kịch lừng danh lên màn ảnh lớn với dàn diễn viên hùng hậu: Ian McKellen (‘Lord of the Rings’), Dame Judi Dench (Tony, Oscar awards), Jennifer Hudson (ca sĩ, tài tử điện ảnh), Taylor Swift (pop diva), James Corden, Idris Elba, Rebel Taylor v.v. Chưa kể là phần âm nhạc còn được chủ biên/chủ đạo bởi chính Andrew Lloyd Webber, tác giả của vở nhạc kịch.

Bìa tập thơ của T.S. Eliot, xuất bản năm 1939, nguồn cảm hứng cho vở nhạc kịch ‘Cats’ của Andrew Lloyd Webber. wikimedia

Với một ê kíp đầy tài năng và khả năng như vậy, vì lẽ nào ‘Cats’ lại thất bại thê thảm tại Box Office? Theo thiển ý đó không phải vì đạo diễn dở hay diễn viên dở, cũng không phải vì nhạc dở hay các màn vũ dở, mà vì những người làm marketing đã tính dở. Trước khi bước vào rạp, người viết đã cố tình không xem trailer trên Youtube cũng như không đọc những bài lăng-xê phim, cố giữ cho mình trạng thái trung lập nhất có thể. Và người viết đã thật sự “enjoy” ‘Cats’, tuy có vài màn cũng làm mình sửng sốt vì nó quái dị ngoài sự tiên liệu cũng như trí tưởng tượng của mình. Nhưng nhìn trên tổng thể đây là một bộ phim nghiêm chỉnh, tuy chưa thể gọi là hoàn hảo.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Về mặt kịch bản, truyện phim gần như bám sát vở nhạc kịch, tức không phải một câu chuyện theo nghĩa bình thường với nhân vật chính và một số vai phụ. Nó đến từ những bài thơ rời rạc của thi sĩ T.S. Eliot, được ráp ghép lại một cách lỏng lẻo, với hàng tá nhân vật – đúng ra là “miêu vật”, khác nhau. Ðối với những ai không quen thuộc với vở nhạc kịch, xem phim này lần đầu chắc chắn họ sẽ bị hoang mang vì không biết đầu đuôi câu chuyện ra sao, không biết Jellicle cats là gì (Jellicle = Dear + Little), không hiểu tại sao cứ hết chú mèo này xuất hiện lại đến một chị mèo khác chui ra.

Nữ tài tử huyền thoại Judi Dench trong vai Deuteronomy. nguồn: universal pictures

Họ sẽ không hiểu là anh mèo Munkustrap (Robert Fairchild) chỉ đóng vai người kể chuyện (narrator) chứ không phải vai chính. Họ sẽ không hiểu vì sao chị mèo Victoria (Francesca Hayward) tuy không phải là nhân vật chính nhưng lại đóng vai chính. Và nếu như họ không nghe rõ được lời hát thì sẽ càng khó mà hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra.

Về mặt kỹ thuật, có lẽ đây là lần đầu CGI (computer-generated imagery) được áp dụng một cách triệt để và phức tạp đến như vậy. Tất cả các diễn viên đều thủ vai như người bình thường, không hoá trang hay mặc y phục giống mèo như trong nhạc kịch. Chỉ sau khi họ diễn xong đội ngũ VFX (visual effects) mới bắt tay vào việc, biến họ thành những con mèo đủ kiểu, đủ màu – thêm tai, thêm râu, thêm lông,  thêm đuôi… Ðạo diễn Hooper nói trước đêm ra mắt ở New York anh đã phải làm việc suốt 36 tiếng đồng hồ để làm xong cuốn phim; đêm đó là lần đầu tiên hầu hết diễn viên được thấy tác phẩm hoàn tất. Phản ứng của họ và nhiều khán giả cũng không hào hứng cho lắm. Nói theo kiểu nhà quê là “thổi cơm chưa chín”.

Nữ miêu Victoria (Francesca Hayward) và Munkustrap (Robert Fairchild). universal pictures

Và đấy là lỗi marketing thứ nhất. Vì muốn kịp mùa Noel, Universal Pictures đã tung ra thị trường một sản phẩm chưa hoàn thiện. Lần đầu tiên trong lịch sử Hollywood, nhà sản xuất đã phải thay thế một cuốn phim đang trình chiếu ngoài rạp bằng một phiên bản mới. Theo lời Tom Hooper thì phiên bản mới này có một số thay đổi và chỉnh sửa về mặt hình ảnh và graphic. Người viết chưa được xem phiên bản này nên không thể lạm bàn. Tuy nhiên, graphics chỉ là chuyện nhỏ so với lỗi marketing thứ nhì, đó là đối tượng.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Nhạc kịch ‘Cats’ thì trẻ con coi vẫn được dù có thể chúng chẳng hiểu gì mấy, nhờ có những màn vũ  vui mắt, những con mèo ngộ nghĩnh, và âm nhạc rất hay. Thậm chí nhiều người lớn xem xong còn chưa hiểu ‘Cats’, huống chi con nít. Nhưng phim ‘Cats’ của Tom Hooper thì không thể nào gọi là phim cho con nít được, vì nó có một vài màn trẻ con coi sẽ bị sợ hãi. Có những màn tuy mang tính chất hài hước nhưng lại không thích hợp với những đầu óc non nớt. Nếu phải chọn một thể loại nào đó để gọi ‘Cats’ thì có lẽ “phim kinh dị nhạc kịch” là gần đúng nhất – giống như ‘Rocky Horror Picture Show’ nhưng hiện đại hơn, nghệ thuật hơn, và nhạc hay hơn.

Grizabella nay và xưa: Jennifer Hudson (trái) và Betty Buckley trong đêm ra mắt phim tại New York. nguồn: showbiz411.com

‘Cats’ không phải là phim gia đình để dắt con nít đi coi vào mùa Noel, nhất là ngay vào tuần lễ của ‘Star Wars’. Và đó là lỗi marketing thứ ba của nhà sản xuất. Lẽ ra phim này nên chiếu vào mùa Hè, nhắm vào giới thanh niên tò mò muốn biết về nhạc kịch ‘Cats’. Marketing đáng lý phải có những chiến dịch “khai hoá” công chúng, giải mã nguồn gốc câu chuyện, nói về tập thơ của T.S. Eliot, về lai lịch những “miêu vật”, về kỹ xảo tạo hình v.v. và v.v. Như vậy người đi xem sẽ được trang bị một số kiến thức căn bản để thưởng thức phim mà không bị rối mù hay bị sốc.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Thành thật mà nói, ‘Cats’ không (hoặc chưa) là một bộ phim tuyệt hảo, tuy rằng đáng lý nó phải được A hay A+ vì bề dầy của phim đoàn cũng như phần âm nhạc “quá đã!”. Francesca Hayward, một vũ công trong đoàn múa Royal Ballet của Anh, đóng vai Victoria thật tuyệt vời, hay hơn nhân vật trong nhạc kịch gấp bội. Ian McKellen xuất thần trong màn “Gus the Theater Cat”. Và đối với người viết thì Jennifer Hudson trong vai Grizabella đã tạo dấu ấn riêng biệt và độc đáo cho bài “Memory” bất hủ.

Ðây là điều cực kỳ khó vì trước nay đã có biết bao nhiêu người diễn hát bài này thành công. Tại đêm ra mắt phim ở New York có mặt bà Betty Buckley, người từng đoạt giải Tony cho vai Grizabella trên Broadway. Trả lời câu hỏi của phóng viên về Grizabella của Hudson, bà Buckley nói: “I loved it!”. Bản thân người viết đã bị xúc động mạnh khi Jennifer Hudson đưa bản “Memory” lên đến đỉnh điểm. Nổi da gà, ứa nước mắt… Xứng đáng được đề cử Oscar.

Xem ‘Cats’ trên màn ảnh lớn có cái thú là âm thanh nổi, lời thoại và ca từ dễ nghe hơn coi nhạc kịch. Nhưng ngược lại, đôi lúc những hình ảnh quá kỳ dị cũng khiến ta giật mình. Nhưng nói chung đây không phải là một bộ phim dở, làm ẩu tả hay cẩu thả, mà là một tác phẩm nghệ thuật nhiều phần khó hiểu. Nếu bạn tò mò muốn đi xem, trên Youtube có một video clip ngắn tên là “What You Need To Know To Make Sense Of ‘Cats’.” [*]; video này giải thích khá rõ ràng và sẽ giúp bạn enjoy cuốn phim hơn. Biết đâu sau khi coi phim bạn sẽ trở thành fan của Skimbleshanks, chú Mèo của Nhà Ga?

Chấm điểm: B

PA

[*] https://youtu.be/9wU-tSIQZsk