VAUSA là chữ viết tắt của Vietnamese American Uniformed Services Association (Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt), hiện do cựu Đại uý Hải quân Nguyễn Hữu Hùng Hiếu làm Hội trưởng. Trải qua một thời gian dài từ ngày thành lập, hội đã tập hợp được rất nhiều quân nhân gốc Việt tại ngũ, dự bị, và giải ngũ để cùng nhau sinh hoạt. Báo Trẻ có dịp trò chuyện với Đại uý Hiếu qua điện thư như sau:

Cùng với anh em chiến hữu trong đêm hội ngộ

PV Trẻ: Xin anh cho biết sơ qua về ý nghĩa của việc hình thành Hội Quân nhân người Mỹ gốc Việt (VAUSA). Theo thông tin được biết tên của Hội đã có thay đổi sau khi thành lập phải không?

Đại uý Hiếu: Ðúng vậy. Hiệp hội thành lập vào năm 2008 do Trung tá Thomas Nguyễn (nay là Trung tá Lục quân) và Trung tá Chris Phan (Hải quân) chủ xướng. Tên ban đầu của hội là Hiệp hội Lực lượng Vũ trang Mỹ gốc Việt (VAAFA) bao gồm 5 binh chủng và sau đó thay đổi thành Hiệp hội Quân nhân Việt gốc Mỹ (VAUSA) hợp nhất tất cả 7 binh chủng: Lục quân, Thủy quân Lục chiến, Hải quân, Không quân, Tuần duyên, Ðoàn Ủy nhiệm Y tế Công cộng, Quân đoàn Hải dương và Khí quyển Quốc gia.

Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp sự phát triển chuyên môn, hỗ trợ tinh thần và kết nối các thành viên quân nhân tại ngũ và những quân nhân giải ngũ người Mỹ gốc Việt; Hỗ trợ cho các thành viên và gia đình của họ ở hậu phương và tiền tuyến cũng như chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi với cộng đồng chúng ta. Quan điểm của chúng tôi là tôn vinh quá khứ, nhận ra hiện tại, để xây dựng cộng đồng.

Cựu Đại uý Nguyễn Hữu Hùng Hiếu nhận nhiệm vụ tân Hội trưởng VAUSA

PV Trẻ: Những hoạt động của Hội diễn ra như thế nào. Được biết hội thường xuyên tổ chức các hoạt động Vinh danh và Tưởng nhớ những Quân nhân VNCH và Quân Nhân Mỹ đã chiến đấu tại Việt Nam, cũng như việc tổ chức các chương trình học bổng cho học sinh.

Đại uý Hiếu: Chúng tôi thực hiện các sự kiện hàng năm dựa trên kế hoạch được Hội đồng Quản trị phê duyệt. Các hoạt động bao gồm: Chương trình hướng dẫn nghề nghiệp, kết nối mạng lưới quản lý và cố vấn cho các học viên nam nữ Thiếu sinh quân (Washington DC); Một ngày vinh danh và tưởng nhớ (luân phiên giữa các tiểu bang, hai lần ở OC, California. Sự kiện tiếp theo là dự kiến tổ chức ngày Vinh danh và Tưởng nhớ có thể tại Texas cho các cựu chiến binh VNCH và Quân Nhân Mỹ đã anh dũng chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam.

Cứ mỗi năm lẻ, VAUSA tổ chức tiệc vui kết nối với các nhà tài trợ và hợp đoàn anh chị em VAUSA trên toàn quốc. Sự kiện này thường được tổ chức tại California.

VAUSA Fallen Heroes Scholarship Gala (trọn năm) để trao một học bổng khuyến học 10K và mười hai gói học bổng 2K cho học sinh trung học và sinh viên đại học.

The Tastes from Homes – Chăm sóc cho các thành viên quân nhân người Mỹ gốc Việt đóng quân tại các khu vực hẻo lánh xa xôi hoặc nước ngoài trong dịp Tết. Và nhiều hoạt động khác thăm viếng, đặt vòng hoa, tảo mộ, và vui chơi dã ngoại đại gia đình VAUSA.

VAUSA tổ chức ngày Vinh danh và Tưởng nhớ tại Cali

PV Trẻ: Với tư cách là Tân Hội trưởng VAUSA, xin anh kể một hoạt động của hội mới nhất trong năm 2019.

Đại uý Hiếu: Tôi rất vinh dự nhận vị trí Hội Trưởng trong Tháng Mười 2018. Chúng tôi đã bắt đầu một sự kiện mới trong Tháng Mười Một 2018 gọi là một ngày tạ ơn và tri ân những anh hùng VNCH và cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Gần đây ngày 26 tháng 5/2019, chúng tôi tổ chức một ngày Vinh danh và Ghi nhớ trong ngày lễ Memorial cuối tuần ở miền Nam CA. Vào năm sau, chúng tôi có thể sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện tương tự ở Texas.

PV Trẻ: Trải qua một thời gian hình thành, việc phát triển của Hội VAUSA ra sao, có được nhiều sự ủng hộ từ chính quyền địa phương cũng như các mạnh thường quân khắp nơi tại Hoa Kỳ?

Đại uý Hiếu: Khởi sự, chúng tôi bắt đầu với 2 thành viên. Trong 10 năm qua, con số này đã tăng lên khoảng 1200 trên toàn quốc. VAUSA là một tổ chức phi lợi nhuận nên được chính quyền đánh giá cao, cũng như được các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương hỗ trợ hết mình.

Gia đình thân yêu của anh Hiếu trong ngày Tết

PV Trẻ: Anh có thể cho độc giả biết đôi điều về bản thân và gia đình. Vì sao anh lại chọn binh nghiệp và lý do nào một kỹ sư ngành Hoả tiễn lại chọn binh chủng Hải quân.

Đại uý Hiếu: Tôi là một thuyền nhân. Chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi bị hư hỏng, mất phương hướng trong bão biển và trôi dạt suốt 15 ngày. Sau đó, được máy bay của Hải quân phát hiện và được tàu USS Strauss cứu vớt. Ðó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Hải quân Mỹ.

Sau 6 tháng tạm sống tại một trại tị nạn ở Philippines, tôi đến Los Angeles và định cư ở Anaheim, California. Tôi không chọn Hải quân nhưng Hải quân đã chọn tôi. Trong học kỳ đại học đầu tiên của năm cuối, tôi nộp đơn xin việc làm với vị trí làm kỹ sư trong binh chủng Hải quân. Nhà tuyển dụng giới thiệu với tôi về chương trình kỹ thuật hạt nhân Hải quân. Sau đó, tôi đã được mời đến lầu Pentagon cho ba cuộc phỏng vấn và đã được chấp nhận.

Ngay sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư điện. Tôi được trường Sĩ Quan Hải quân tại New Port, Rhode Island đào tạo trong 16 tuần. Trở thành sĩ quan Hải quân vào năm 1988 sau đó học thêm 2 năm tại trường điện hạt nhân ở Orlando, Florida; nguyên mẫu hạt nhân ở Idaho Falls, Idaho, và trường Surface Warfare Officer ở San Diego. Tôi bắt đầu phục vụ trên tàu USS Arkansas CGN-41 vào cuối năm 1989 cho đến khi tôi giải ngũ vào tháng 3-1993. Hiện nay làm việc tại Northrop Grumman Corporation, El Segundo, CA.

VAUSA 2018 (Đại uý Hiếu đứng bên phải)

PV Trẻ: Anh có câu chuyện vui nào trong khi đang làm nhiệm vụ ở trong nước hay nước ngoài có thể chia sẻ với độc giả.

Đại uý Hiếu: Có hai chuyện vui và buồn thế này. Một là, khi tôi đang làm việc trong phòng chỉ huy trên một con tàu lênh đênh trên biển thì có sĩ quan Tuyên úy đến nói với tôi rằng tôi có một tin nhắn từ Hội Hồng Thập Tự Mỹ. Tôi cảm thấy lo âu vì tàu thường nhận toàn tin xấu. Nhưng hôm đó người nhận tin cười vui và đoan chắc với tôi mọi chuyện sẽ được tốt đẹp. Ðó là tin cha mẹ tôi vừa đến Mỹ theo chương trình HO (1990). Ngay khi tàu của chúng tôi quay trở lại cảng. Tôi vội rời tàu, ba chân bốn cẳng đến chỗ cha mẹ tôi để gặp mặt sau 10 năm xa cách. Còn cha tôi tính ra phải 15 năm kể từ khi cha tôi bị bắt và đi cải tạo hồi năm 1975.

Hai là, chuyện không vui cho người dân Philippines xảy ra trong khi tàu chúng tôi đi làm nhiệm vụ trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc vào năm 1991. Trên đường đến Vịnh Ba Tư, chúng tôi ghé Philippines khi núi Pinatubo bất ngờ phun trào. Chúng tôi ở lại để giúp di tản người dân từ căn cứ không quân Clark đến đảo Cebu. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên quả là kinh khủng!

Đang phục vụ trên tàu USS Arkansas

PV Trẻ: Nghe anh nhắc đến vụ núi lửa Pinatubo, tôi chợt nhớ đó là một ngày kỳ lạ tại Sài Gòn. Buổi sáng đi làm mọi người đều ngỡ ngàng khi mặt đường, nóc nhà bị phủ kín một lớp tro bụi trắng xám. Mua báo xem tin tức mới biết núi lửa Pinatubo của Philippines thức giấc sau 500 năm ngủ yên, phun ra 10 tỷ mét khối tro bụi ảnh hưởng đến môi trường không khí của Việt Nam. Nhưng thôi bỏ qua chuyện này, ngoài chuyện binh nghiệp, nghe đâu anh còn cộng tác với nhật báo người Việt trong chương trình “Tiếng Việt Yêu Dấu” nữa phải không?

Đại uý Hiếu: Tôi thích vẽ tranh hoạt hình khi rảnh rỗi, nó làm cho mình giảm căng thẳng. Ðúng ra, đó là một dự án riêng làm truyện hoạt hình ngắn của cha con chúng tôi. Tôi nghĩ vẽ truyện tranh về lịch sử, thần thoại và truyền thuyết nước Việt, là một cách học tập thật thú vị để dạy trẻ con về lịch sử Việt Nam. Tôi bắt đầu việc này khi con trai tôi được 7 tuổi và đứa con gái lên 4. Các bạn có thể xem https://www.youtube.com/channel/ tại UCXQ0AXl5YSuGWMpTsNWKODg.

Mục đích ban đầu nhằm giới thiệu lịch sử của chúng ta với bạn bè nước ngoài và người Mỹ nên chúng tôi làm truyện bằng tiếng Anh. Nhưng sau khi nhận được một số đề nghị từ cộng đồng nên làm phụ đề bằng song ngữ. Gần đây do công việc khá bận rộn và các hoạt động của hội, tôi không có thêm truyện tranh nào mới trong hai năm qua. Mặc dù vậy, tôi cũng cố gắng tạo ra một loạt truyện hoạt hình về một chú chó con gọi là Meet Boo Berry Bandit. Các series này được xuất hiện trên báo Người Việt trong trang mục Tiếng Việt Yêu Dấu. Do các hoạt động VAUSA chiếm nhiều thời gian nên tôi phải dừng công việc này. Tuy nhiên trang blog vẫn còn trên mạng, các bạn có hứng thú vào xem chơi cho biết: http://www.meetbooberrybandit.com

PV Trẻ: Cám ơn cuộc trò chuyện thú vị với cựu Đại uý Hiếu – Hội trưởng VAUSA.

NL

Ảnh Đại uý Nguyễn Hữu Hùng Hiếu cung cấp