Sáng nay, gặp người yêu đầu đời của con gái trong chợ Walmart tôi ngó lơ trong khi thằng Nhóc vui mừng chào hỏi “Thưa bác. Bác có khỏe không?”. Tưởng tôi không nghe, Nhóc chạy đến gần “Bác đi chợ ạ”. Mắt tôi liếc ngang hằn học, môi không mở ra để tặng Nhóc một nụ cười như thường khi. Bước đi, không quay lại nhưng tôi biết Nhóc đang nhìn theo với cái nhíu mày khó hiểu.

Lạ lắm phải không Nhóc? Mày đang cặp kè con gái của bác, đáng lý phải làm đủ cách để o bế, lấy lòng thế mà lại dám lên giọng dạy đời mẹ vợ tương lai thì coi như đời mày tàn trong ngõ hẹp rồi Nhóc ạ. Nếu như Nhóc vẫn còn đang mở đôi mắt ốc bươu to tròn, đen thủi đen thui vì suy nghĩ mãi mà không tìm ra lý do thì bác nhắc lại cho Nhóc nhớ.  Hôm đó, bác nhờ bé Mi nhắn Nhóc đến nhà để đãi món bún bò Huế thơm lừng Nhóc rất ưa thích và hoàn trả lại số tiền Nhóc đã “order” giùm bác cái máy trị rụng tóc mà Nhóc đã tốn nhiều công sức lục lọi, tra cứu để tìm một sản phẩm hoàn hảo, sau đó còn so sánh giá cả kỹ lưỡng để túi tiền của bác không bị hao hụt. Bác thừa lịch sự để bỏ tiền vào một phong bì mới tinh trong đó có 2 tờ giấy bạc 100, 22 tờ giấy 20 đồng, 4 tờ giấy một đồng để trao tận tay Nhóc với lời cám ơn rất ngọt ngào và chân thành. Đáng lý Nhóc phải nhận lấy bằng hai tay và lễ phép trả lời “Dạ không có chi”. Nhưng lúc ấy, Nhóc lo chỉ  xoay xoay cái phong bì tìm mối gỡ rồi nói “Tiền ‘cash’ hả bác? để con đếm lại”. Thế là Nhóc chăm chú đếm tiền chứ không nhìn bác để thấy mặt bác đang tái đi vì tức giận “Trời, không lẽ nó sợ mình ăn gian?”. Nhóc đếm xong, cho tiền vào rồi cười  “Dạ đủ rồi, không thiếu một xu, không thừa một cắc”. Dù cách nói của Nhóc mang tính khôi hài nhưng thật sự bác không cười nổi vì cảm thấy bị mất mặt. Thế mà bé Mi – con gái của bác, cũng là người yêu bé bỏng của Nhóc – không  nhìn thấy nỗi đau dịu dàng của mẹ mà còn gật gù cổ võ “Từ bây giờ em phải học theo cách này mỗi khi đưa hay nhận tiền mặt của ai”, sau khi nghe Nhóc hãnh diện giải thích “Cái gì liên quan đến tiền bạc thì phải rõ ràng để tránh rắc rối về sau vì hiểu lầm”. Quay sang bác, Nhóc còn lên giọng “kinh nghiệm dạy con thế đấy”. À há! ý Nhóc là muốn dùng kinh nghiệm gì đó của Nhóc để dạy lại bác phải không? Đừng quên, Nhóc mới có 21 tuổi mà bác thì già hơn Nhóc đến 20 tuổi nhá. Phần bác thì làm sao bác có thể bất lịch sự đến nỗi cầm tiền người ta đưa rồi đếm trước mặt họ một cách lộ liễu như thế. Nhớ nhá, dù trong bất cứ trường hợp nào bác cũng luôn là người thanh lịch, tế nhị. Và bác thẳng thừng cho Nhóc biết là Nhóc cũng đã làm mất lòng bác rồi đấy, chứ đừng có mà vô tư nói nói, cười cười. Còn tô bún bò Huế mà bác mời Nhóc hôm nay, bác sẽ thân ái tặng cho Nhóc thêm một muỗng ớt khô để lưỡi Nhóc bị xé nát bởi vị cay, như trái tim bác đang buốt rát vì hành động có phần “trần trụi” của Nhóc để cho Nhóc biết bà mẹ vợ tương lai này cũng khó khăn và có nhiều chiêu ra trò đấy nhá.

Xem thêm:   Xàm xịa

o O o

– Chị ơi,  nếu chị không giúp thì em biết nhờ ai bây giờ.

– Không được em ơi, tính chị đoảng lắm. Biết đâu có ngày chị lại tưởng số tiền đấy là của mình rồi lấy ra xài thoải mái, đến lúc nhớ lại thì lấy tiền đâu để trả em. Lỡ lúc ấy hoảng quá chị lại chối bai bải là em đâu có gửi tiền cho chị. Nếu chuyện đó xảy ra thì em phải làm sao, vì chị biết chắc là em chẳng dám bắt chị ký giấy chứng nhận là chị giữ tiền cho em, phải không nào. Thế là mất tiền một cách đau đớn. Nguy hiểm, “cực kỳ” nguy hiểm em ơi. Đời bây giờ không nên tin ai hết em ạ, nhất là bà chị nghèo xơ xác này cứ thấy tiền là mắt sáng như sao.

Nói xong chị cười ngặt nghẽo nhưng cô bạn chẳng buồn nhếch môi để cười hùa với chị, mà cái cằm như trề ra thêm để vẽ thành một khuôn mặt đang mếu máo rất đáng thương.

– Nhưng em tin chị. Em vững vàng tin chị để gửi gắm cả sinh mạng của 3 mẹ con em.

– Đừng tin chị mà hãy tin cái ngân hàng to đùng ở góc phố kìa. Ở đó, em chả phải năn nỉ, ỉ ôi, chả phải van xin, khóc lóc mà lại còn an toàn gấp trăm lần em gửi cho chị.

– Em không gửi ngân hàng được nên mới nhờ cậy chị.

– Không được, nếu sau này chuyện đổ bể chị làm sao trả lời với chồng chị và chồng em. Dù sao, họ cũng là bạn thân từ lúc còn cắp sách đến trường. Chắc chắn chồng em sẽ mắng chồng chị không biết dạy vợ để cho vợ xen vô làm gia đình người ta xào xáo. Chị sợ anh Chung lắm, chẳng dám giỡn mặt với anh ấy đâu.

Xem thêm:   Làm biếng

– Chị ơi, em đang ở đường cùng. Xin chị đừng ngoảnh mặt làm ngơ tội nghiệp em. Xin chị thương em.

Câu nói chứa đầy nỗi bi ai, não nề ấy càng khiến chị bối rối hơn. Chị đổi giọng tha thiết, ngọt ngào cố gắng an ủi, khuyên nhủ cô bạn đang lặn ngụp trong nỗi đau đớn tột cùng. Không đau sao được khi đang hăm hở đi vào ngân hàng, hân hoan mở “safety box” ra để lấy tiền mua chiếc xe đầu tiên cho thằng con vừa lấy được bằng lái thì khám phá ra 4 cái phong bì đựng tiền được sắp xếp cẩn thận trong chiếc hộc được xem là an toàn nhất chỉ còn lại độc nhất 1 cái. Ba chân, bốn cẳng cô chạy về nhà báo tin cho chồng và ngây thơ hỏi “Có phải nhân viên ngân hàng đã đánh cắp, phải lẹ lẹ tới đó khiếu nại”. Anh chồng lừng khừng, quanh co, đến khi cô nói “Anh không đi thì em sẽ dắt thằng Phiên đến đó để thông dịch cho em”. Lúc ấy, anh chồng mới quắc mắt theo kiểu lấy thịt đè người  “Tôi lấy chứ không có ai lấy đâu mà hỏi. Khùng!”. Bây giờ mới là lúc cô bạn nổi khùng. Cô túm áo chồng, gào lên“Anh lấy tiền làm gì, sao không cho em biết?”. “Tiền tôi làm ra thì tôi có quyền xài. Cô là vợ chứ có phải là mẹ tôi đâu mà phải xin phép”. Xô cô vợ ngã ngửa, anh chồng bước ra cửa bằng những bước chân nện bùm bụp trên sàn gạch. Sau 1 đêm trùm chăn khóc hù hụ, giận mình không dám ăn, không dám mặc, ky cóp dành dụm uổng công, sáng hôm sau cô trở lại ngân hàng, lấy cái phong bì cuối cùng đem tới nhà nhờ chị giữ giùm. Cái này mới khó cho chị.

– Chị thấy, tốt nhất em nên bình tĩnh nói chuyện với anh Kiên. Biết đâu anh cần tiền để làm chuyện gì đó mà không tiện bàn bạc với em, khi bị bại lộ quê quá nên anh trở mặt để không bị tra hỏi lôi thôi.

– Một lần mất lòng tin là cả đời không thể tin được bất cứ chuyện gì nữa. Ở đây, em bơ vơ quá vì không có một người thân nên chẳng biết trông cậy vào ai ngoài chị. Thương giùm em chị ơi.

Xem thêm:   Tháng 4 nhớ lại

Trái tim đang mềm nhũn thôi thúc chị đưa tay nhận lấy chiếc phong bì mà lòng còn đầy nỗi băn khoăn. Cô bạn nhìn chị tỏ lòng cảm kích bằng một nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt đầm đìa những giọt lệ chưa kịp lau khô.

– Em cám ơn chị nhiều. Trong đây có 5 ngàn, nhờ chị giữ giùm em.

– Chị không muốn giữ tiền lâu nên em cố gắng thu xếp để lấy lại cho sớm. Nhớ nhé.

– Dạ nhớ. Em xin phép đi vì đến giờ phải đón con rồi.

Cô bạn đứng lên. Chị vẫn chăm chú nhìn phong bì trên tay mà lòng cảm thấy như có chút bất an. Bất chợt nhớ đến lời thằng Nhóc và bỗng chốc chị lặp lại việc thằng bé đã từng làm chị giận:

– Chị nghĩ … em nên đếm tiền lại để biết con số chính xác.

– Tiền này em đã đếm kỹ trước khi bỏ vào “safety box” rồi. Không sao đâu chị.

Chị nhanh tay bóc phong bì:

– Đếm lại cho chắc ăn em ơi.

Cô bạn miễn cưỡng trở lại ghế và lanh tay đếm. Đến tờ giấy bạc cuối cùng cô nói bằng giọng hoảng hốt:

– Ủa sao chỉ có 3 ngàn? Rõ ràng em đã để từng 5 ngàn vào mỗi phong bì. Vậy là anh Kiên đã rút bớt 2 ngàn. Trời ơi, nếu em không lấy kịp số tiền này thì ngày mai chắc là chỉ còn cái hộp không mà thôi.

Cô cúi người, ôm mặt khóc nức nở. Mồ hôi chị như tươm ra khi chợt nghĩ, nếu chị không đề nghị đếm lại thì chuyện gì sẽ xảy ra. Cô bạn mất tiền nhưng có thể vì ái ngại mà không dám hỏi, còn chị thì mang tiếng oan suốt đời mà không hề hay biết. Chị nhớ, trước đó đã mắng thầm thằng Nhóc “Trứng mà đòi khôn hơn vịt” và lúc nào cũng tự dặn dò mình phải xử sự tế nhị trong bất cứ tình huống nào mà quên mất có đôi lúc cũng phải biết áp dụng lời của ông bà xưa đã dạy “Mích lòng trước đặng lòng sau” để tránh những hậu quả không lường trước được.

Nhóc ơi, bây giờ bác phải thành thật công nhận nhiều khi trứng cũng khôn hơn vịt. Thế nên, bác sẽ cho phép Nhóc tiếp tục xây đắp cuộc tình với con gái bác, vì bác tin rằng Nhóc sẽ trở thành thằng rể đáng yêu của bác. Và một điều nữa,  bác xin Nhóc hãy quên tô bún bò Huế thiếu chữ “tâm” vì lòng nhỏ mọn “đột xuất” của bác nhé.

NB