Cái tone của xin lỗi chẳng phải lúc nào cũng dò trúng đài đối phương. Nhiều ông chồng/bà vợ nói lời xin lỗi cứ như cái máy lặp, hoặc càu nhàu nửa kia cứ giận mãi về một cái chuyện đã biến khỏi bộ nhớ. Vấn đề là, xin lỗi không phải là chỉ biết nói “sorry” mà phải biết dò đúng tần số. Xin lỗi sai cách thì sẽ bị cho là không thật lòng. Ðó là không kể tới mấy người chẳng quen nói lời xin lỗi, bào chữa quanh co, hay tệ hại nhất là kiểu trẻ con đổ lỗi ngược, đổ lỗi cho ai khác. Muốn “sorry” đúng cách thì phải biết gạt bỏ hết ba cái lỗi ngớ ngẩn trên.

– “Anh biết anh đã làm tổn thương em, và anh thấy hối hận về điều này!” – đây là cách bày tỏ sự hối tiếc, đi liền với cảm xúc. Ở đây, ngôn ngữ cơ thể quan trọng hơn lời nói – bất kể là gì trầm lại, rớt nước mắt, cái ôm, gục đầu hay nhìn sâu vào mắt … cái chính là nửa kia có cảm thấy “nỗi dằn vặt” thể hiện thì mới thừa nhận đó là lời xin lỗi chân thành. Nó sẽ luôn là một khoảng trầm lại, chứ không phải nói “sorry” rồi biến ra khỏi cửa.

– Một ông chồng thiếu trưởng thành sẽ luôn tìm lý lẽ để biện hộ hành vi không hay, thường là tìm cách đổ lỗi. “Tui còn chẳng nhớ mình làm gì sai? Sao bà không quên phứt nó đi?” Nhận trách nhiệm là thừa nhận phần sai lầm của mình, dù đó là lớn tiếng, thờ ơ… hay xích mích lớn. Cái ngôn ngữ xin lỗi “nhận trách nhiệm” chỉ khó khăn với những ai quá kiêu hãnh – bởi cái suy nghĩ “Tôi đã sai” bị tự hiểu là yếu đuối.

Xem thêm:   Khoe

– Với nhiều chị em, việc tốn nước bọt nhận trách nhiệm, giỏi biểu cảm có lúc chỉ là zero thôi. Quan trọng là phải biết bồi hoàn “thiệt hại”, biết chuộc lỗi. Ý tưởng chính ở đây là bù đắp bằng hành động cụ thể, món quà, tiền bạc, và những điều ngạc nhiên. Vợ thì chuộc lỗi bằng bữa ăn ngon, chồng thì rinh về món quà…  Bày tỏ sự hối hận chưa đủ, việc bù đắp này đồng nghĩa là ông chồng có quan tâm đến những ảnh hưởng, mất mát của nửa kia.

– Có những ông chồng dày ví, không chỉ giỏi bù đắp thiệt hại lại dẻo miệng xin lỗi, biết thừa nhận sai sót nhưng gặp phải bà vợ đứng đắn, nghiêm minh thì chẳng thể “rút sợi dây kinh nghiệm hoài được”. Ðiều mà bả bức xúc chẳng phải là ông cứ nổ, về muộn, nhậu nhẹt, đỏ đen … mà là sự lặp lại của tần suất sai lầm. Ðừng tuyên bố một cách trống trơn “Anh hứa sẽ không vậy nữa!”, mấy bà có lẽ đã chán nghe slogan này rồi. Lời xin lỗi ở đây là thực lòng hối lỗi, có thiện chí để “lên lịch” sửa đổi cái tật “bách đổ tường” kia.

– “Will you forgive me?” Cái câu hỏi xin tha thứ đơn giản này lại rất quan trọng với nhiều bà vợ. Rất có thể đó là tất cả những gì mấy bà cần. Quan trọng là hiểu được ngôn ngữ xin lỗi của nửa kia. Tuy nhiên, nó chẳng dễ dàng với những ông chồng/bà vợ có tính kiểm soát. Muốn làm được điều này phải biết xuống nước, nuốt cục tôi to tướng vào trong. Cái yêu cầu sự tha thứ phải thực chân thành, chứ chẳng phải là cầu xin hay mệnh lệnh kiểu, “Tui xin lỗi rồi mà! Sao bà còn càm ràm hoài?”

– Xin lỗi không phải chỉ nói “sorry”, hay nhấm nhẳng gầm gừ – nó là phần không thể thiếu để trưởng thành. Không biết xin lỗi, thì quan hệ nào cũng dễ rạn vỡ. Còn ông chồng mà không biết dò đúng tần số, thì đừng thắc mắc sao bà vợ cứ để bụng “thù dai”.

Bảo Huân

TH