Buổi sáng, vừa mở mắt đã phải đối mặt với ông chồng cáu bẳn hẳn dễ ảnh hưởng đến tâm trạng tồi tệ của bà vợ nguyên ngày.

Bảo Huân

Thực tế, ông chồng cáu bẳn, gắt gỏng, ủ rũ, moody… là bởi họ không biết làm thế nào đối phó với cảm xúc một cách lành mạnh. Ða số đàn ông không cảm thấy thoải mái với cảm xúc, họ dễ rơi vào tình trạng khó xử. Với không ít người lại coi cảm xúc là biểu hiện của sự yếu đuối nếu cảm thấy buồn, chán nản, âu lo, lạc lối… Ðiều quan trọng là nàng cần phải giữ sự điềm tĩnh để không bị lôi kéo vào “cơn cáu bẳn” của nửa kia.

– Ðừng vì ông chồng lầm bầm buổi sáng mà bà vợ thấy phải có “trách nhiệm” đồng cảm. Việc đơn giản là nàng tự hỏi: “Tui đã làm gì sáng giờ dzậy?”. Thường người bị lây sẽ sớm nhận ra chẳng có gì tệ hại xảy ra cả, và đáng ra nàng phải cảm thấy rất ổn. Ðây là cách hữu hiệu nhất để tách mình ra khỏi cảm xúc của ông chồng cáu bẳn. Việc không nhìn ra “nguồn lây” để nó ảnh hưởng tới tâm trạng, sẽ sinh ra những thứ “luận chiến” mà chẳng biết nguyên do từ đâu. Ðầu tiên, nàng cần làm chủ cảm xúc của mình, tránh xa cơn cáu bẳn của nửa kia – đừng để bị lây khi ổng “lên đồng.”

Xem thêm:   Bản án treo

– Ðừng gắng đọc suy nghĩ, cảm xúc của nửa kia. Khi biến mình thành kiểu mind-reader, thì nàng dễ bị dằn vặt và quay ra đổ lỗi cho bản thân. “Mình quên chưa làm điều gì cho ổng?” hay có nói lỡ điều gì? Một mớ bòng bong câu hỏi trộn lẫn với sự hoài nghi. Ngay cả khi có chút sai lầm nho nhỏ, thì ông chồng vẫn phải chịu trách nhiệm nói ra và bộc lộ cảm xúc – chứ không khoác lên bộ mặt cáu bẳn, cằn nhằn, ủ rũ… mà không chịu hé răng nói lý do. Nàng đừng tìm cách “cứu vớt” tâm trạng của nửa kia, bởi nó không chỉ khiến người đàn ông không trưởng thành mà còn khiến anh ta không tự học được cách bày tỏ, vượt qua cảm xúc tồi tệ của mình. Với cái bệnh cáu bẳn “mãn tính” này thì vấn đề nằm trong đầu của ổng!

– Nàng cần biết đưa ra những ranh giới cảm xúc. Vì sao chia sẻ và vẫn cần đặt ra ranh giới? Bởi nếu không có nó, nửa kia có thể dùng cái “tâm trạng thời tiết” để thao túng bạn đời. Ông chồng vừa lầm bầm buổi sáng là bà vợ tất bật pha cà phê, ổng chỉ vừa nhăn mặt than đói là bà vợ bỏ tất mọi chuyện lao vào bếp… Khi có thể thấy mình láu cá dùng “chiêu grumpy” khiến bà vợ đáp ứng nhu cầu, được chăm sóc tới tận răng thì ổng dễ lạm dụng ngay cả khi biết mình phải làm gì để bình tâm. Kết cục là ổng chỉ cần đóng vai “grumpy old man”, ngồi đó như trẻ con – để nửa kia tự lo, làm mọi thứ để “sửa chữa” mối quan hệ. Vậy chẳng khác nào gián tiếp làm cho căn bệnh “cáu bẳn” thành “mạn tính”?

Xem thêm:   Xàm xịa

– Ðừng để tâm trạng grumpy của nửa kia trút vào mình. Hãy sút trả quả banh ngược vào chân của ông chồng grumpy. “Em hiểu anh đang bực bội nhưng đừng có trút tất cả lên em. Em sẽ để anh một mình và em cũng không muốn bị lây”. Cứ để ông ấy dịu cơn, tự học cách điều tiết, bộc lộ tâm trạng – lúc đấy sẽ dễ dàng chia sẻ hơn, thay vì phải “sống chung với lũ”.

TH